Ðứng trước một năm mới, ai trong chúng ta cũng có những ước vọng. Ước vọng được thành hay không là việc khác nhưng ước ao hay hy vọng thì ai cũng có. Song song với ước vọng, chúng ta cũng có những quyết tâm.
Quyết tâm là những điều chúng ta cố gắng làm để ước vọng chúng ta được thành. Giữa quyết tâm và ước vọng có một điều khác nữa, đó là nguyện cầu hay cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là một hành động yếu hèn nhưng là thể hiện một ý thức. Ý thức đó là ta có những ước vọng muốn đạt đến, cũng có những quyết tâm nữa. Nhưng dù quyết tâm đến đâu, vẫn có những giới hạn ta không thể vượt qua, vì vậy ta cần đến một sức mạnh cao hơn, lớn hơn những gì ta đang có. Cầu nguyện bày tỏ một ước vọng và cũng cho thấy một quyết tâm. Có thể nói ước vọng và quyết tâm hợp lại sẽ đưa ta đến chỗ cầu nguyện. Trong ý hướng đó, trước thềm năm mới, tôi mời Bạn cùng tôi dâng lên lời cầu nguyện đầu năm.
Thánh Kinh ghi lại nhiều lời cầu nguyện có ý nghĩa, một trong những lời cầu nguyện đó là lời cầu nguyện của Mai-sen, lãnh tụ của người Do-thái. Mai-sen là người giải phóng con dân Chúa khỏi ách nô lệ của người Ai-cập và dẫn họ suốt 40 năm trong sa mạc. Ở cuối cuộc đời, với bao nhiêu kinh nghiệm về đời người và người đời, ông đã dâng lên lời cầu nguyện sau. Lời cầu nguyện nầy cho ta một cái nhìn đúng về đời sống mà nếu quyết tâm theo đó để mà sống, ta sẽ kinh nghiệm được ân phúc dồi dào của Thiên Chúa.
Lãnh tụ Mai-sen bắt đầu lời cầu nguyện như sau:
“Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi. Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời, Chúa là Ðức Chúa Trời.”
Lời cầu nguyện nầy cho thấy Ðức Chúa Trời là Ðấng vĩnh hằng. Ðối tượng của lời cầu nguyện chúng ta là Ðức Chúa Trời cao cả, là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng tạo dựng và cầm quyền trên toàn cõi vũ trụ. Thiên Chúa không thay đổi, từ đời nầy qua đời kia, từ thế hệ nầy qua thế hệ nọ, Thiên Chúa bao giờ cũng là nơi ở, là chỗ trú ngụ cho người tin Chúa. Con dân Chúa đi 40 năm trong sa mạc hoang vắng nhưng lúc nào họ cũng có Chúa là nơi nương tựa. Ðường đời chúng ta đang đi đây cũng vậy, tình người thay đổi, vật đổi sao dời, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thay đổi và Ngài là nơi cho chúng ta nương tựa.
Sau khi cho thấy tính cách vô hạn của Thiên Chúa, lãnh tụ Mai-sen cầu nguyện tiếp. Ông nói:
“Chúa khiến loài người trở vào bụi tro, và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở lại.”
Nhìn lên Thiên Chúa là Ðức Chúa Trời cao cả, quyền năng, nhìn lại bản thân, Mai-sen thấy con người chỉ là cát bụi và sẽ trở về với cát bụi. Trở vào và trở lại cho thấy nguồn gốc cát bụi của con người. Con người chúng ta, dù là ai, dù sống đến bao lâu đi nữa rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, đó là nguồn gốc của chúng ta, đó là con đường chung của nhân loại. Con người trở về với cát bụi, điều đó cho thấy giá trị đích thực không nằm trong thân xác nhưng nằm trong tâm linh, với giá trị vĩnh hằng, vĩnh cửu. Chính vì vậy mà trong một phần khác của Thánh Kinh, Lời Chúa dạy:
“Hãy tưởng nhớ Ðấng Tạo Hóa trước khi bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ và thần linh trở về nơi Ðức Chúa Trời là Ðấng đã ban nó.” (Truyền Ðạo 12:7).
Con người chúng ta chỉ là cát bụi nếu không có sinh khí của Thiên Chúa. Cát bụi sẽ trở về với cát bụi, thân xác sẽ rữa nát trong lòng đất nhưng linh hồn mỗi người sẽ đối diện với Ðức Chúa Trời. Thân xác chỉ là tạm thời, giá trị tâm linh mới là điều vĩnh tồn, vĩnh tại.
Thiên Chúa cao cả, vĩnh hằng, còn con người là cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Ðó là hai ý thức đầu tiên trong lời cầu nguyện của lãnh tụ Mai-sen. Tiếp theo, ông nói:
“Một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm. Chúa làm chúng nó trôi đi như nước chảy cuồn cuộn; chúng nó khác nào một giấc ngủ, Ban mai họ tợ như cây cỏ xanh tươi: sáng ngày cỏ nở bông và tốt tươi; buổi chiều người ta cắt nó và nó héo.”
Thiên Chúa vô hạn còn loài người thì hữu hạn. Chẳng những hữu hạn, đời người cũng thật ngắn. Hình ảnh một giấc ngủ, một canh đêm, một loài hoa tốt tươi buổi sáng, chiều đến chẳng còn gì Tất cả đều cho thấy tính cách ngắn ngủi của đời người. Cuộc sống thân xác chẳng những hữu hạn nhưng cũng thật ngắn ngủi và một lần nữa cho ta thấy đâu là những giá trị lâu bền mà ta phải đeo đuổi.
Ðời người chẳng những hữu hạn và ngắn ngủi nhưng cũng dẫy đầy đau khổ. Mai-sen nói:
“Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.”
Lao khổ, buồn thảm, đời sống chóng qua đó là tất cả những thực tế của đời sống. Nếu đời sống như vậy thì chúng ta phải làm gì? Lãnh tụ Mai-sen đã cầu nguyện ba điều, ước mong đây cũng là những lời cầu nguyện của mỗi chúng ta. Ðây là những lời cầu nguyện nói lên ước vọng và quyết tâm của mỗi chúng ta trong Năm Mới nầy. Lời cầu nguyện đầu tiên chúng ta đã nghe. Ông nói:
“Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi.”
Mai-sen đã kinh nghiệm Thiên Chúa là chỗ ở, là nơi nương tựa của ông. Kinh nghiệm nầy phải trở thành lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta. Thiên Chúa phải là nơi chúng ta nương tựa, tin tưởng. Sống ở đời mà không nơi nương tựa, tin tưởng làm sao chúng ta có thể sống được. Thiên Chúa toàn năng, chí cao, chí ái, Ngài là nguồn sống của chúng ta, Thiên Chúa chính là nơi cho chúng ta nương tựa để sống mỗi ngày. Chúng ta cần thưa với Ngài: Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng con.
Sau khi đặt Chúa là nơi nương tựa và ý thức tính cách mong manh, ngắn ngủi của đời người, Mai-sen cầu nguyện:
Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.
Lời cầu nguyện thứ hai của chúng ta trong Năm Mới nầy là cầu xin Chúa giúp chúng ta biết đếm ngày của mình. Ðếm ngày nghĩa là biết tận dụng những thì giờ, những năm tháng Thiên Chúa ban cho. Mỗi chúng ta ai cũng có 24 giờ đồng hồ để sống mỗi ngày. Chúng ta sử dụng thì giờ đó như thế nào? Cách chúng ta sử dụng thì giờ tùy nơi giá trị chúng ta đeo đuổi. Nếu cho rằng của cải, tiền bạc, vật chất, những gì tai nghe mắt thấy là trường tồn bất diệt, ta sẽ dành thì giờ đeo đuổi những điều đó. Ngược lại, nếu ý thức rằng đời nầy chỉ là tạm và chóng qua, chúng ta sẽ đeo đuổi theo những giá trị tâm linh. Ðây là một cuộc đầu tư, cuối cùng ta còn lại gì, tất cả do quyết định của chúng ta hôm nay.
Cuối cùng, để sống đời vui thỏa trong Năm Mới, ta hãy cùng với Mai-sen cầu nguyện:
Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân từ Chúa, thì trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui vẻ.
Bắt đầu mỗi ngày, ta hãy sống với lòng thỏa nguyện, bằng lòng với những gì Thiên Chúa ban cho, ta sẽ có thể vui sống và hát mừng vui vẻ. Niềm vui của chúng ta đặt cơ sở trên lòng nhân tư øcủa Thiên Chúa. Thiên Chúa cao cả, thánh khiết, quyền năng nhưng cũng là Thiên Chúa đầy tình thương. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành người, mang thân xác con người chúng ta, trải qua kiếp người và cuối cùng mang tội chúng ta, chịu hình phạt thay cho chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá, cái chết chuộc tội cho con người, đem con người trở lại với Thiên Chúa yêu thương. Trong tình yêu đó, chúng ta kinh nghiệm ân phúc đầy trọn của Ngài.
Thiên Chúa cao cả, con người hữu hạn, đời người đau khổ, niềm vui và hạnh phúc thật của chúng ta đến từ chỗ chúng ta biết nương dựa nơi Chúa, sống đức tin. Kế đó là sống khôn ngoan vì biết sử dụng đúng những năm tháng Thiên Chúa ban cho và cuối cùng là sống thỏa lòng, bằng lòng với những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta trong tình yêu của Ngài. Ðây là lời cầu nguyện của tôi trong năm mới nầy, ước gì đó cũng là lời cầu nguyện của Bạn:
Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng con.
Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan.
Xin Chúa cho chúng con buổi sáng được thỏa dạ về nhân từ Chúa, thì trọn đời chúng con sẽ hát mừng vui vẻ.
Ước gì bạn sẽ sống tin tưởng, sống khôn ngoan và sống thỏa lòng trong Năm Mới nầy!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành