PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ KÝ
Tác giả: Ông Môi-se.
Thời kỳ hình thành sách: Thời gian ở tại đồng bằng Mô-áp.
Mục đích: Khuyến cáo người I-xơ-ra-ên thuộc thế hệ thứ hai đừng đi vào vết xe đổ của thế hệ trước. Đối tượng: Những người sắp phải đối đầu với cuộc thách thức thuộc linh.
Tản mạn
Cáo và sói nhờ sư tử dạy mình cách săn bắt mồi. Sau một ngày trời tung hoành, xác hươu, nai chất thành đống. Sư tử bảo cáo chia chiến lợi phẩm ra. Cáo chia làm ba phần bằng nhau. Sư tử hỏi : “Chia làm ba phần như vậy là sao?” Cáo trả lời: “Một phần dành cho sư tử, một phần dành cho sói và một phần dành cho cáo”. Chẳng nói chẳng rằng sư tử quơ chân tát cáo một cú tưởng nát thân cáo luôn. Xong sư tử bảo sói chia phần. Sói trả lời: “Ủa, chia rồi đó mà. Một phần dành cho sư tử dùng bữa trưa, một phần dành cho sư tử dùng bữa tối, một phần cho sư tử dùng điểm tâm sáng mai.” Sư tử hỏi: “Sói học khôn ở đâu vậy?” Sói trả lời: “Học từ cú đập của sư tử mới đập cho cáo đó.” Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký ông Môi-se nhắc nhở dân I-xơ-ra-ên về những lỗi lầm mà cha ông họ đã phạm bốn mươi năm về trước. Có lúc chúng ta phải trả giá rất đắt cho bài học kinh nghiệm của mình. Có lúc chúng ta học từ kinh nghiệm của người đi trước mà chẳng phải trả giá gì cả.
Thâm nhập
Ông Môi-se giảng ba bài cho người I-xơ-ra-ên khi họ sắp tiến vào chinh phục Đất Hứa. Ba bài giảng đó trở thành Phục Truyền Luật Lệ Ký ngày nay. Bài giảng thứ hai, dài nhất, gồm hai phần. Do đó có thể chia sách ra làm bốn phần: bài giảng thứ nhất, hai phần của bài giảng thứ hai và bài giảng thứ ba. Chìa khóa để hiểu bốn phần này là nắm vững chủ đề kép lồng trong toàn bộ bốn phần này. Chủ đề kép này là: Kính mến Đức Chúa Trời và vâng theo mạng lệnh của Ngài . I. Nghe lời của Đức Chúa Trời (1-4). Trong bài giảng thứ nhất, ông Môi-se ôn lại lịch sử của dân I-xơ-ra-ên. Ông nhắc lại tội lỗi mà họ đã phạm trong quá khứ rồi khuyến cáo họ đừng tái phạm. Trong phần mở đầu của bài giảng thứ nhất, ông bảo họ rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ họ nghe mạng lịnh của Đức Chúa Trời (1:43). Đến cuối bài giảng ông khuyên họ lắng nghe luật pháp của Đức Chúa Trời (4:1) . Nhóm từ chính của sách này là ‘hết lòng, hết linh hồn’, được dùng đến chín lần trong sách. Còn câu chìa khóa của bài giảng thứ nhất (tức là phần thứ nhất) là “Tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời… hết lòng tìm cầu …” (4:29). Tiếp theo chúng ta sẽ thấy hết năm câu chìa khóa (câu chìa khóa của mỗi bài giảng và câu chìa khóa của toàn bộ sách) đều có cụm từ ‘hết lòng hết ý’. II. Hiểu lời của Đức Chúa Trời ( 5-11) Câu chìa khóa của phần hai là:“hết lòng hết ý kính mến và phục sự Giê-hô-va…” (10:12,11:13). Trong khi phần thứ nhất ôn lại lịch sử dân I-xơ-ra-ên, phần thứ hai hướng về Đức Chúa Trời của I-xơ-ra-ên. Trong phần thứ nhất ông Môi-se bảo họ lắng nghe lời của Đức Chúa Trời. Còn trong phần thứ hai ông bảo họ hãy hiểu Ngài (9:6). Phần này xác định lại Mười Điều Răn. Vì vậy mà sách có tên là Phục Truyền Luật Lệ Ký, nghĩa là ban hành ‘luật pháp lần thứ hai’. Thật ra trong sách này ông Môi-se không ban hành một bộ luật nào khác. Trái lại ông giảng giải luật pháp (được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê Vi Ký, Dân-số Ký) mà ông đã truyền dạy cho thế hệ thứ nhất, là những người rời khỏi xứ Ai Cập khi xưa. III. Nắm vững lời của Đức Chúa Trời (12-26) Có thể xem phần thứ ba là phần ‘khai trừ sự gian ác’ vì cụm từ này (‘diệt kẻ hung ác’, ‘cất kẻ hung ác’, ‘cất sự ác’, ‘trừ sự ác’) chỉ được dùng trong phần này (9 lần). Một cụm từ đặc thù khác của phần này nữa là “nghe và sợ”. Ông Môi-se dùng cụm từ này để kết thúc những trường hợp điển hình cho thấy khi Đức Chúa Trời thi hành kỷ luật cách kinh hoàng trên dân của Ngài khi họ không vâng phục. Như vậy, phần này chứa những lời cảnh báo về sự không vâng lời Đức Chúa Trời. Trong khi phần một và phần hai nhìn lại quá khứ (ôn lại lịch sư) và nhìn lên thì phần này kêu gọi nhìn ra . Câu chìa khóa của phần thứ ba nằm trong lời thách thức ở phần kết (ba phần kia cũng áp dụng cùng một kiểu như vậy). Câu chìa khóa là “hết lòng hết ý mà làm theo (luật pháp)”, “và ngươi sẽ gìn giữ hết các điều răn Ngài” (26:16, 18) IV. Vâng theo lời của Đức Chúa Trời (27-34) Trong khi phần thứ nhất tập trung nói về công tác của Đức Chúa Trời giao phó còn phần thứ hai và thứ ba tập trung nói về mạng lệnh của Đức Chúa Trời , thì phần thứ tư chắc chắn phải tập trung nói về giao ước của Đức Chúa Trời. Bài giảng và những lời chỉ dẫn cuối cùng này khuyên giục dân hãy nhìn tới cuộc sống đầy phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ trong tương lai nếu họ chịu vâng lời Đức Giê-hô-va. Rồi ông căn dặn họ là khi vừa vào đến Đất Hứa họ phải lo tái lập giao ước với Đức Chúa Trời. Câu chìa khóa của phần cuối này là “hết lòng hết ý vâng theo tiếng phán của Ngài” (30:2). Bốn câu chìa khóa của bốn phần dạy chúng ta: 1) Lắng nghe Đức Chúa Trời. 2) Phục vụ Ngài. 3) Vâng theo luật pháp của Ngài. 4) Vâng theo tiếng phán của Ngài. Tổng hợp những ý này lại chúng ta có câu chìa khóa cho toàn bộ Phục Truyền: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (6:5). Phần ba (13:3) lẫn phần bốn (30:6,16) đều nhắc lại mạng lịnh này. Vâng lời Đức Chúa Trời vì yêu thương kính mến Ngài mới là vâng lời thật sự.
Trọng tâm
Sự vâng lời thật sự đặt cơ sở trên lòng yêu thương kính mến chứ không ở trên luật pháp.
Thực hành
Bốn phần trong sách này đại để tương ứng với bốn loại đất trong ẩn dụ của Chúa Giê-xu (Mat 13:3-9,18-23). Không phải chỉ lắng nghe lời của Đức Chúa Trời là đủ. Chúng ta phải hiểu, phải thấu triệt và phải sống thể hiện lời của Ngài nữa. Như thế mới là vâng lời thật. Trong cuộc sống của Chúa Giê-xu có một trường hợp điển hình minh họa rất sát về vấn đề này. Khi Sa-tan cám dỗ Ngài tại sa mạc, cả ba lần Ngài đều trưng dân Kinh Thánh trích từ phần thứ hai của Phục Truyền (8:3 6:16 và 6:13).
Phần thứ hai của Phục Truyền là đầu mối cho phép hiểu thấu đáo luật pháp của Đức Chúa Trời. Sự vâng lời thật là hình thức bày tỏ lòng yêu thương kính mến Đức Chúa Trời của chúng ta. Khi trong lòng chúng ta yêu thương kính mến Đức Chúa Trời và chúng ta bày tỏ ra ngoài bằng cách vâng theo lời của Ngài, đó là sự vâng lời thật. Khi ở tại sa mạc Chúa Giê-xu đã bày tỏ tinh thần vâng lời thật sự này. Không một người nào nhìn thấy Ngài khi Ngài bị cám dỗ. Chúa Giê-xu bị cám dỗ trong một hoàn cảnh như vậy bao hàm ý gì? Sự kiện cám dỗ đó là một cuộc thử nghiệm xem Ngài có vâng theo lời của Đức Chúa Trời hay không? Dù chung quanh chẳng có ai hiện diện và dòm ngó cả. Nếu chỉ vâng theo lời của Đức Chúa Trời trong những lúc có người dòm ngó và nhìn thấy thì đó là vâng lời vì luật pháp chứ không phải phát xuất từ lòng yêu thương kính mến. Tiếp theo sau Ma-thi-ơ 4 và chuyện Chúa Giê-xu bị cám dỗ tại sa mạc là gì? Dĩ nhiên là Bài Giảng Trên Núi (Mat 5:1-7:29).
Thế sứ điệp của Chúa Giê-xu trong Bài Giảng Trên Núi ra sao? Ngài giảng dạy và giãi bày luật pháp chính xác và thấu đáo! Kỳ diệu quá phải không? Cuộc thử nghiệm mà Chúa Giê-xu đã nếm trải trong Mat 4:1-25 làm cho Ngài có đủ điều kiện để giải nghĩa chính xác và áp dụng đúng đắn luật pháp trong bài giảng ở Mat 5:1-7:29! Vâng lời Đức Chúa Trời vì luật pháp là làm giống như người Pha-ri-si. Vâng lời Đức Chúa Trời vì lòng yêu thương kính mến Đức Chúa Trời là làm giống như Chúa Giê-xu. Phải chăng chúng ta nghe nhiều mà không ứng dụng lời của Đức Chúa Trời vào đời sống của chúng ta? Hoặc là chúng ta nghe, hiểu, hiểu kỹ và thực hành theo lời của Đức Chúa Trời? Nếu lúc nào chúng ta cũng tìm đủ lý do để khỏi vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời thì chúng ta giống như những người Pha-ri-si, là những người không thật sự hiểu luật pháp của Đức Chúa Trời chi cả. Khi thật sự hiểu mạng lịnh của Đức Chúa Trời thì tất cả chúng ta đều trở nên những người đi thêm dặm thứ hai trong vấn đề vâng lời Ngài, tức là chúng ta sẵn sàng làm vượt yêu cầu. Đức Chúa Trời truyền cho bạn mạng lịnh gì? Phải chăng là mạng lịnh hãy yêu thương người láng giềng khó ưa? Phải chăng là hãy vận dụng những ân tứ thuộc linh mà Ngài đã ban cho bạn? Phải chăng là hãy có lòng hiếu khách? Hoặc hãy kiềm chế miệng lưỡi lại? Hoặc hãy triệt để thật thà, liêm khiết trong mọi việc? Hoặc hãy tha thứ cho người lường gạt và gây thiệt hại cho bạn? Hoặc hãy thờ lạy một mình Đức Chúa Trời mà thôi, ngoài Ngài ra không thờ lạy người nào hoặc thần nào hoặc một thứ nào khác? Rồi khi chúng ta làm theo mạng lịnh của Chúa, phải chăng chỉ vì thiên hạ đang nhìn chúng ta? Khi không có người nào nhìn thấy (ngoại trừ Đức Chúa Trời) chúng ta có vâng lời Ngài không? Chúng ta vâng lời vì chúng ta chủ trương làm theo luật pháp hoặc vì chúng ta yêu thương kính mến Đức Chúa Trời?
PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ KÝ
Ý chính: Ôn lại (rồi) tái lập. Chủ đề chính: Đức Chúa Trời nhân từ, nhân ái.
Cụm từ chính: Hết lòng, hết ý, kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (9 lần)
Câu chính: “Hỡi I-xơ-ra-ên hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Phuc Truyen 6:4-5)
Bài học chính: Sự vâng lời thật sự căn cứ trên sự yêu thương chớ không phải trên chủ trương theo luật pháp.
GIÔ-SUÊ
Tác giả: Không rõ (Giô-suê?)
Thời kỳ hình thành sách: Sau cuộc chinh phục Đất Hứa
Mục đích: Để dạy dân I-xơ-ra-ên rằng an ninh của họ tùy thuộc vào mức độ đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời.
Đối tượng: Những người cần biết bí quyết đắc thắng trong cuộc chiến đấu thuộc linh.
Tản mạn
Người phụ nữ đã qua đời vì chứng loét bao tử và lủng bao tử. Bác sĩ ngỡ ngàng kinh ngạc. Ông có kê toa cho bà thuốc kháng a-xít (nhai nát trước khi uống nước). Những viên thuốc này nhằm bão hòa chất a-xít trong bao tử. Vì bà bị thấp khớp nên ông phải trị bằng một thứ thuốc khác. Lâu nay bà vẫn quả quyết với bác sĩ rằng bà dùng đầy đủ mọi thứ thuốc mà ông viết trong toa. Thế mà nay bà chết vì loét bao tử mà loét bao tử là do dùng thuốc trị phong thấp. Vì sao những viên kháng a-xít kia lại không bão hòa chất a-xít trong thuốc trị phong thấp? Cuộc giải phẫu pháp y đã trả lời cho bác sĩ. Thay vì nhai thuốc kháng a-xít trước khi uống nước, bà uống nguyên viên luôn. Bà chết vì không hoàn toàn làm đúng theo lời chỉ dẫn. Sách Giô-suê cho chúng ta một số những trường hợp điển hình chứng minh rằng thành công hoặc thất bại thường tùy thuộc vào mức độ chúng ta có triệt để tuân thủ những chỉ dạy của Đức Chúa Trời không.
Thâm nhập
Có thể chia sách Giô-suê làm hai phần bằng nhau. Mười hai chương đầu mô tả những diễn biến trong thời gian bảy năm kể từ khi ông Môi-se chuyển quyền lãnh đạo cho ông Giô-suê. Mười hai chương cuối mô tả những chuyện xảy ra (thời gian không rõ bao lâu) trong thời gian ông Giô-suê đã cao tuổi (13:1). Phần thứ nhất lại có thể chia làm hai phần nữa, và phần thứ hai của sách cũng vậy. Rốt cuộc, sách này gồm 4 phần.
I. Triệt để thực thi giao ước (1-5) Phần thứ nhất ghi chuyện dân I-xơ-ra-ên chuẩn bị đầy đủ mọi phương diện cho chuyến đi qua sông Giô-đanh. Câu chìa khóa của toàn bộ sách nằm trong phần này. Đức Chúa Trời tỏ cho ông Giô-suê biết rằng ‘bí quyết’ thắng lợi là làm mọi việc đúng theo luật pháp (1:8). Thật vậy, trong phần đầu, dân I-xơ-ra-ên có vâng lời Đức Chúa Trời. Họ bày tỏ một thái độ quyết tâm triệt để thực thi giao ước giữa họ với Đức Chúa Trời. Họ chịu lễ cắt bì vì đây là một dấu chứng của giao ước (5:2-9). Họ cũng kỷ niệm lễ Vượt Qua (5:1-11) và dùng đá không qua đẽo gọt mà lập một bàn thờ kỷ niệm việc Đức Chúa Trời chận nước sông Giô-đanh cho họ đi bộ ngang qua sông (4:20-24). Chuyện bà Ra-háp giấu hai thám tử cũng nằm trong phần này (2:1-22). Câu chuyện này minh họa việc Đức Chúa Trời ban phước cho mọi người đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Phần này kết thúc với chuyện ‘Đại Tướng’ của Đức Chúa Trời vạn quân hiển hiện với ông Giô-suê (5:13-15). Trước khi bắt đầu cuộc chiến, ông Giô-suê phải hoàn toàn qui phục Đức Chúa Trời.
II. Triệt để thực hiện công tác (6-12) Chuyện tường thành Giê-ri-cô đổ ập xuống mở màn cho 3 đợt hành quân chinh phục xứ. Nhưng tiếp liền sau đó là câu chuyện buồn thảm về sự thất bại vì tội lỗi của một người: ông A-can. Rõ ràng đây là bài học về sự vâng lời triệt để là điều kiện thiết yếu. Sau đó dân I-xơ-ra-ên không còn thua trận nữa vì họ đã học thấu đáo bài học đó. Ông Giô-suê hoàn tất công tác chinh phục tất cả những thành lũy chính trong Đất Hứa, còn tại những khu dân cư không có tường thành bảo vệ thì ông để lại cho từng chi phái tự xoay sở về sau. Khi chiến dịch quân sự ở miền trung, miền bắc và miền nam kết thúc, sách ghi rằng: “Giô-suê làm theo phàm điều gì Đức Giê-hô-va phán dặn Môi-se, Giô-suê không bỏ sót gì hết.” (11:15)
III. Triệt để tin cậy (13-19) Phần thứ ba ghi lại đầy đủ chi tiết về ba cuộc phân chia đất đai và định cư dân trong xứ. Hai chi phái rưỡi đầu tiên định cư bên vùng đất phía đông sông Giô-đanh. Về sau người ta gọi vùng này là vùng bên kia sông Giô-đanh hoặc đơn giản là Jordan ngày nay. Hai chi phái rưỡi khác nhận vùng đất nay là vùng Bờ Tây (cuộc tranh chấp hiện nay xoay quanh vấn đề ai có quyền sở hữu vùng đất này – người Do Thái hoặc người Palestine?) Chót hết, vùng đất còn lại được chia cho bảy chi phái. Trong cuộc phân chia đất đai, ông Ca-lép được đặc biệt đề cập đến. Vì sao? Vì ông “trung thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của I-xơ-ra-ên” (14:14). Rõ ràng là đức tin của ông Ca-lép cũng đã nảy nở nơi Ạc-sa, con gái của ông (15:17-19). Bà Ạc-sa là vợ của ông Ốt-ni-ên, là người tin kính Chúa và cũng là vị quan xét đầu tiên (Cac Tl 3:9-10). Dường như chính ông Giô-suê cũng học được tính khiêm nhu của ông Môi-se (Dan Ds Dan12:3). Phần sách thứ nhất ghi ông Ca-lép được lãnh phần đất đầu tiên, còn ông Giô-suê là người nhận cuối cùng (19:49-50). Như vậy ông Giô-suê hoàn tất công tác mà Đức Chúa Trời giao cho ông. IV. Triệt để tôn thờ (20-24) Dầu vậy, ông Giô-suê còn phải làm một việc. Tương tự như ông Môi-se đã làm khi xưa, ông Giô-suê giã từ dân sự qua một bài giảng. Ông khuyến giục họ trọn lòng tôn thờ kính sợ Đức Chúa Trời. Ba lần ông kêu gọi họ. Ba lần họ tuyên hứa vâng phục Đức Chúa Trời. Dầu vậy họ chưa nghe kỹ lời ông nói. Ông không chỉ kêu gọi họ kính sợ Đức Chúa Trời, mà ông còn kêu gọi họ loại bỏ hình tượng (24:14,20,23). Cả ba lần họ hứa nguyện đi theo Đức Chúa Trời, nhưng đối với vấn đề trừ bỏ hình tượng thì họ không hứa gì cả. Họ muốn đi theo Đức Chúa Trời, nhưng không triệt để. Xem ra ông Giô-suê nhận thấy tinh thần này. Chính vì vậy mà ông kêu gọi họ đến ba lần chớ không phải một lần. Với giọng khá bi quan (và châm chọc) ông kêu gọi họ chọn đối tượng họ sẽ thờ phượng. Chúng ta thường hiểu sai lệch lời kêu gọi này (24:15). Ông Giô-suê bảo họ chọn hoặc loạt hình tượng mà họ đã bỏ lại tại Ai Cập, hoặc loạt hình tượng trước mắt họ tại Ca-na-an, chớ ông không kêu gọi họ chọn hoặc Đức Chúa Trời hoặc hình tượng. Vì trong thâm tâm họ dự định chỉ vâng phục Đức Chúa Trời đến một mức độ nào đó thôi, cho nên chẳng bao lâu sau đó họ rơi vào một thế kẹt.
Trọng tâm
Không triệt để vâng phục Đức Chúa Trời là bất vâng phục Đức Chúa Trời.
Thực hành
Phải chăng Chúa Giê-xu phải là Chúa của chúng ta trước rồi Ngài mới là Đấng Cứu Chuộc chúng ta? Sách Giô-suê không trả lời rành mạch câu hỏi này. Nhưng sách cho thấy rõ rằng vâng phục triệt để là một mạng lịnh phải tuân hành chớ không phải một câu nói màu mè bâng quơ. Nếu không triệt để vâng phục, chúng ta sẽ lâm vào cảnh rắc rối nghiêm trọng. Thật là dại dột nếu chúng ta vâng phục nửa vời dù vẫn được cứu. Đừng tự lừa dối mình. Chắc bạn cho rằng mình có vâng lời Đức Chúa Trời. Nhưng bạn có vâng lời cách triệt để chưa? Những khoản chúng ta vâng lời không thể bù trừ cho những khoản chúng ta chưa vâng lời. Chúng ta có ăn gian chủ của chúng ta trong những điều nhỏ nhặt nhất? Chúng ta có lừa và dối bạn đời của mình trong những điều nhỏ nhặt nhất? Hoặc biết đâu bạn đang ăn gian với chính Đức Chúa Trời trong những điều nhỏ nhặt nhất? Không thể viện cớ chúng ta đang vâng lời Đức Chúa Trời mà dính dấp vào những chuyện gian dối nhỏ nhặt. Có lẽ chúng ta đang xây dựng một nhà thờ nguy nga đồ sộ cho Đức Chúa Trời. Nhưng trong khi làm việc đó chúng ta có tuân thủ mọi luật lệ trong ngành xây dựng không? Có thể chúng ta đang làm nhạc trưởng trong hội thánh, nhưng chúng ta đem bản nhạc của người ta đi sao chụp thay vì phải mua. Có thể chúng ta đang chuyên cần lo truyền bá đạo của Chúa, nhưng chúng ta có hoàn toàn chân thật khi làm chứng cho người khác không? Thời buổi này hoàn toàn sống theo lời của Đức Chúa Trời không phải là chuyện vẻ vang gì, trước kia cũng vậy mà sau này cũng vậy thôi. Thành phần không muốn hoàn toàn sống theo lời của Đức Chúa Trời sẽ lên án là bạn là người theo luật pháp chủ nghĩa, vị luật pháp. Sự thể như thế thì sao đây? Có lẽ nhiều người không muốn sống theo lời của Đức Chúa Trời nhưng chúng ta hãy nói như ông Giô-suê: “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (24:15c).
GIÔ-SUÊ
Ý chính: Giao chiến rồi ổn định
Chủ đề chính: Quyền hành của Chúa
Cụm từ chính: ‘trong sách luật pháp.’ (12 lần)
Câu chính: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giosue 1:8)
Bài học chính: Không triệt để vâng phục Đức Chúa Trời là bất vâng phục Ngài.
CÁC QUAN XÉT
Tác giả: Không rõ (Sa-mu- ên?)
Thời kỳ hình thành sách: Trong thời kỳ vương quốc còn hiệp nhất