KINH THÁNH
CÂU GỐC: Cả kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người được thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành (II Timôthê 3:16,17).
Bài 1
KINH THÁNH
CÂU GỐC: Cả kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người được thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành (II Timôthê 3:16,17).
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
Có người đã gọi Kinh Thánh là một thư viện thiêng liêng. Dù chúng ta thường gọi KinhThánh là một quyển sách, nhưng thật ra Kinh Thánh gồm 66 sách.
Kinh Thánh bắt đầu với sách Sáng Thế Ký và kết thúc bằng sách Khải Huyền, và được chia thành hai phần lớn: phần thứ nhất là Cựu Ước gồm 39 sách, và phần thứ hai là Tân Ước gồm 27 sách.
Cả Kinh Thánh trình bày về Chúa Giê-Xu:
Kinh Thánh Cựu Ước là phần chuẩn bị cho Chúa Giê-xu (Ê-sai 40:3)
Các sách Phúc Âm là cuộc đời của Chúa Giê-xu (Giăng 1:29)
Công vụ các Sứ Đồ là việc phổ truyền Phúc Âm (công vụ 1-18)
Các thư tín trong Tâm Ước là biện giải Phúc Âm của Chúa Giê-xu (Cô-lô-se 1:27)
Khải Huyền là chung cuộc công việc cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-xu.
Ngày nay người ta có thể căn cứ vào ba tài liệu sau đây để đánh giá một bản Kinh Thánh, nhất là Tân Ước:
– Bản nguyên văn tiếng Hy Lạp.
– Những bản Kinh Thánh Tân Ước đã được phiên dịch ra.
– Những tài liệu bàn về Kinh Thánh Tân Ước của các vị sáng lập ra giáo hội đầu tiên.
Kinh Thánh Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp. Nói về những bản nguyên văn bằng tiếng Hy-lạp thì người ta tìm được khoảng 5000 bản sao chép Tân Ước hoặc là trọn bộ hoặc là một phần. Ngày nay không còn bản nguyên văn đầu tiên, nhưng những bản sao chép này được thực hiện ngay những năm đầu của thế kỷ thứ hai, vì vậy có giá trị tương đương như nguyên bản.
Tân Ước được viết ra vào khoảng từ năm 50 đến năm 90 trong thế kỷ thứ nhất, và các bản văn tài liệu tìm được là những bản văn sao chép vào năm 120 cho đến năm 200.
Một học giả khi nghiên cứu về các tài liệu bàn về Kinh Thánh Tân Ước của các vị sáng lập ra giáo hội đầu tiên đã liệt kê ra được 86,000 lần các Giáo Phụ trích dẫn những phần trong Kinh Thánh Tân Ước. Căn cứ vào tài liệu này, người ta cũng thấy rằng chưa có tác phẩm lịc sử hay cổ văn nào được trích dẫn nhiều như thế. Độ chính xác của Thánh Kinh Tân Ước vì thế so với các sách trong đời là một trời một vực, và không ai có thể nghi ngờ gì cả.
Bản Kinh Thánh tiếng việt của chúng ta do một nhóm học giả trong đó có nhà văn Phan Khôi tham dự, hay do các cá nhân như Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, Hồng Y Trịnh Văn Căn, Mục Sư Lê Hoàng Phu, đều căn cứ trên các tài liệu nguyên văn, và bản dịch của nhiều ngôn ngữ khác như La-tinh, Pháp , Anh, Hoa v.v. dịch thuật.
AI LÀ TÁC GIẢ KINH THÁNH?
Trên quan điểm của con người, thì Kinh Thánh được chéo trong một thời gian khoảng 1500 năm và do hơn 40 tác giả khác nhau trước tác. Những người này lại xuất thân từ những môi trường sống hoàn toàn khác biệt nữa. Như Giô-suê là một võ tướng, Đa-ni-ên là một thủ tướng, Phi-ê-rơ là một người đánh cá và Nê-hê-mi là một cận thần của một hoàng đế.
Các người viết Kinh Thánh cũng ở những vùng khác nhau nữa. Như Môi-se ở trong sa mạc, Phao-lô bị tù, Giăng bị lưu đày trên một hòn đảo. Kinh Thánh đã được soạn thảo trên ba lục địa khác nhau: Châu Phi, Châu Á và Châu Âu; và đượcviết bằng ba thứ ngôn ngữ khác nhau: Hê-bơ-rơ, Aram và Hy-lạp.
Vì chẳng có lời tiên tri nào là bởi ý một người mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời. II Phierơ 1:21.
Vì vậy, Kinh Thánh chính là lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng lời của Đức Chúa Trời mà thôi, vì nếu như vậy, thì trong Kinh Thánh có chỗ được Đức Chúa trời soi dẫn, có chỗ không được Ngài soi dẫn. Cả Kinh Thánh, nghĩa là tất cả các phần trong Kinh Thánh, đều được Đưc Chúa Trời soi dẫn như II Timôthê 3:16 đã xác nhận.
Một điểm quan trọng khác cần ghi nhớ là Kinh Thánh là sự mặc khải bằng chữ viết duy nhất của Đức Chúa Trời ban cho loài người. trong đoạn cuối cùng của Kinh Thánh, Chúa cảnh cáo loài người đừng thêm bớt gì vào Kinh Thánh ( Khải huyền 22:18,19).
KINH THÁNH DẠY NHỮNG GÌ?
Kinh Thánh ghi lại vũ trụ từ lúc bắt đầu cho đến khi sẽ có trời mới và đất mới.
Sách Sáng Thế Ký nói về cuộc sáng tạo vũ trụ, sự xâm nhập của tội lỗi, cơn đại hồng thủy, và sự khởi đầu của dân tộc Do thái. Từ sách Xuất-Ê-Díp-Tô-Ký cho đến sách Ê-Xơ-Tê là lịch sử Do Thái cho đến khoảng 400 năm trước ngày Chúa Giê-xu giáng sanh. Sách Gióp và Nhã -Ca chứa đựng những áng văn tuyệt tác về sự không ngoan. Toàn bộ còn lại của Kinh Thánh Cựu Ước, từ Ê-sai đến Ma-la-chi là các sách tiên tri. Những sách này chứa đựng sứ điệp của Đức Chúa Trời cho dân tộc Do-thái liên quan đến tình trạnh hiện tại cũng như tương liên của Do-thái.
Kinh Thánh Tân Ước mở đầu bằng bốn sách Tin Lành, mỗi sách trình bày về cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu. Công Vụ Các Sứ Đồ nói về sự phát triển Cơ Đốc Giáo từ lúc khai sinh cùng cuộc đời của sứ đồ Phao-lô. Từ Rô-ma đến Giu-đe, chúng ta tìm thấy những thư tín cho các hội thánh cũng như cá nhân; liên quan đến chân lý và niềm tin Cơ Đốc và những dạy dỗ cụ thể về đời sống Cơ Đốc Nhân. Khải Huyền mở cánh cửa cho chúng ta nhìn vào tương lai – những diễn biến sẽ xãy ra ở thiên đàng, trên đất, và trong hỏa ngục.
Tóm lại Kinh Thánh chứa đựng tâm trí của ĐứcChúa Trời, tình trạng của loài người, chương trình cứu rỗi nhân loại, hình phạt dành cho tội nhân và phước hạnh của những con dân Đức Chúa Trời. Giáo lý của Kinh Thánh là thánh, những điều ghi trong Kinh Thánh là chân thật, và những quyết định của Kinh Thánh không bao giờ đổi thay.
Đọc Kinh Thánh để được không ngoan, tin Kinh Thánh để được cứu rỗi, và thực hành theo Kinh Thánh để được thánh hóa. Kinh Thánh chứa đựng ánh sáng để soi đường chúng ta, thức ăn để bồi bổ chúng ta, và sực thỏa vui để làm tươi mới tâm hồn chúng ta.
Chúa Giê-xu là chủ đề chính của Kinh Thánh, mục đích của Kinh Thánh là phát họa chương trình cứu rỗi cho nhân loại, và sự vinh quang của Đức Chúa Trời là lời kết của Kinh thánh.
Phước cho những ai đọc Kinh Thánh chậm rãi, thường xuyên và trong tinh thần cầu nguyện vì họ sẽ khám phá kho tàng vô giá, vườn địa đàng vinh quang và dòng sông hạnh phước từ trong Kinh Thánh vì Kinh thánh là lời của Đức Chúa trời khải thị cho loài người.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
– Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh có thật hay không?
– Tại sao người tin Chúa hay nói: những lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm, và như thế chứng minh rằng Kinh Thánh là do Chúa hình thành?
– Kinh Thánh có vô số những điều mâu thuẫn làm sao tin nhận được?
– Bản văn Kinh Thánh có chính xác hay không?
Bài 2
ĐỨC CHÚA TRỜI
CÂU GỐC: Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; chẳng có ai làm điều lành. (Thi-Thiên14:1).
Thánh Kinh là nguồn cung cấp quan trọng nhất cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời. Qua thiên nhiên, con người và có thể biết được một phần nào về Đức Chúa Trời, nhưng cần phải nhờ đến Thánh Kinh, chúng ta mới biết rõ Ngài là ai, và giữa Đức Chúa Trời và loài người chúng ta có mối liên hệ như thế nào.
I. SỰ THỰC HỮU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Thánh Kinh không tìm cách chứng minh có Đức Chúa Trời, nhưng sự thực hữu của Ngài được đề cập một cách rất tự nhiên trong cả Kinh Thánh. Câu đầu tiên trong Kinh Thánh là một ví dụ. “Ban đầu Đức Chúa trời dựng nên trời đất.”. Sự thực hữu của Đức Chúa Trời đã được Kinh Thánh trình bày như là một sự thực không cần phải chứng minh.
Đối với Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là một công lý (axion). Một công lý là một sự thật đương nhiên không cần chứng minh, nhưng là căn bản của chứng cớ khác; ví dụ đường thẳng là khoảng cách ngắn nhất giữ hai điểm là công lý. Các tác giả KinhThánh muốn cho chúng ta biết rằng chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời là một việc thừa, vì họ kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời mỗi phút trong đời mình.
2. Ngoài Kinh Thánh, chúng ta cũng tìm thấy có nhiều bằng chứng về sự thực hữu của Đức Chúa Trời.
(a) Con người lúc nào cũng tin có một Đấng Tối Cao, có Ông Trời.
(b) Sự hiện hữu của muôn vật là bằng chứng tất yếu phải có Đấng Tạo Hóa. Muôn vật không thể nào tự nhiên mà có được.
(c) Sự hiện hữu của con người với trí óc thông minh và lòng đạo đức cũng chứng minh phải có một Đấng Tạo Hóa toàn hảo đã tạo dựng nên loài người.
Giả định rằng chúng ta thật cần chứng minh Đức Chúa Trời thực hữu, dùng lý trí để làm điều đó thì chúng ta phải khởi sự từ thế giới chúng ta đang sống. Lập luận cổ điển của Paley vẫn chưa lỗi thời. Giả định có một người đang đi trên đường, chân đụng phải cái đồng hồ đeo tay. Đây là người chưa thấy đồng hồ lần nào nên không biết đó là cái gì. Người lượm lên và thấy đó là một vật có vỏ bao bằng kim khí, bên trong vỏ là một hệ thống bánh xe, trục, lò xo, viên ngọc. Người ấy thấy toàn bộ máy chuyển động một cách vô cùng trật tự, cũng thấy những kim di động đều đăn quanh mặt đồng hồ như đã định trước. Vậy người nói sao? Phải chăng sẽ bảo rằng tình cờ miếng kim khí, các viên ngọc đã từ lòng đất đến hiệp lại với nhau, tình cờ biến thành những bánh xe, cần trục lò xo và tìnhc ờ chúng hiệp lại thành bộ máy này? Không đâu. Người ấy nói:”Tô đã lượm được một cái máy, phải có người nào đó đã chế tạo cái máy này”. Nhìn thế giới, chúng ta buộc phải nói:”Chắc chắn phải có một Đấng Tạo Hóa thế gian.” Dữ kiện hiển nhiên trong thế giới dẫn đưa chúng ta đến Đức Chúa Trời.
Nhìn vào chính mình, có một điều loài người không thể sáng tạo được ấy là sự sống. Con người có thể thay đổi, sắp xếp, biến cải mọi sự, nhưng không thể sáng tạo một vật sống. Từ đâu chúng ta có được sự sống? Từ cha mẹ, nhưng cha mẹ có được sự sống nhờ đâu? Vào một thời gian nào đó sự sống đã vào trong thế gian và đã đến từ bên ngoài thế gian, vì loài người không thể tạo ra sự sống. Như vậy, thêm một lần nữa chúng ta lại được dẫn đến Đức Chúa Trời.
II. BẢN THỂ ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Đức Chúa Trời là thần (Giăng 4:24). Điều này có nghĩa Đức Chúa Trời không có thể xác như chúng ta. Đức Chúa Trời cũng là Đấng vô hình, tuy nhiên Ngài có thể mặc khải cho loài người biết về Ngài một cách cụ thể. Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trở thành người và vào đời (Giăng 1:14, 18; Côlôse 1:15; Hêbơrơ 1:3).
2. Đức Chúa Trời là một chủ thể. Ngài cho chúng ta biết những danh hiệu của Ngài (Xuất Êdíptô ký 3:14; Mathiơ 11:25). Đức Chúa Trời cũng có đặc tính cuả một chủ thể như hiểu biết (Êsai 55:9, 10), có tình cảm (Sáng 6:6), có ý chí (Giôsuê 3:10).
3. Chỉ có một Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi (I Timôthê 2:5). Lý trí chúng ta không thể chấp nhận có nhiều Đức Chúa Trời được.
4. Đức Chúa Trời có ba ngôi vị. Kinh Thánh dạy chỉ có một Đức Chúa Trời, nhưng Ngài có ba ngôi vị là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Đây là một điều huyền nhiệm, trí óc loài người không thể hiểu, nhưng chúng ta có thể tin vào sự mặc khải của Kinh Thánh về giáo lý này. Vừa khi chịu phép báp têm rồi, Đức Chúa Giê-xu ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. (Mathiơ 3:16). Mathiơ 28:19 cũng như II Côrinhtô 13:13 đều mặc khải cho chúng ta biết có ba ngôi Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Cha được xưng là Đức Chúa Trời trong Rôma 1:7; Đức Chúa Con tức Chúa Giê-xu cũng được xưng là Đức Chúa Trời trong Hê-bơ-rơ 1:8; và Đức Thánh Linh cũng được xưng là Đức Chúa Trời trong Công vụ 5:3,4.
III. PHẨM ĐỨC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Vì Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn, nên con người hữu hạn khó mà định nghĩa được Đức Chúa Trời. Một trong những cách để mô tả Đức Chúa Trời là tìm hiểu về những phẩm đức của Ngài như được đề cập trong Thánh Kinh.
1. Đức Chúa Trời là đấng toàn tại, có nghĩa là Ngài có mặt khắp mọi nơi và cùng một lúc (Giêrêmi 23:24).
2. Đức Chúa Trời là đấng toàn tri, có nghĩa là Ngài biết mọi sự. Ngài biết mọi tư tưởng của chúng ta (Châm ngôn 15:3). Ngài biết mọi chi tiết của sự vật, ngay cả số phận của một con chim sẻ nhỏ bé (Mathiơ 10:29).
3. Đức Chúa Trời là đấng toàn năng, nghĩa là Ngài làm được mọi sự. Ngài dựng nên vũ trụ và kiểm soát vũ trụ. Không điều gì mà Đức Chúa Trời không làm được (Mathiơ 19:26).
4. Đức Chúa Trời là đấng vĩnh cửu hay đời đời. Ngài không có ban đầu và cũng không có cuối cùng. Ngài luôn luôn hiện hữu và hiện hữu mãi mãi (Thi thiên 90:2).
5. Đức Chúa Trời là đấng bất biến, không thay đổi (Malachi 3:6).
6. Đức Chúa Trời là đấng thánh khiết. Ngài tuyệt đối thánh khiết và tuyệt đối vô tội. Ngài ghét tội và yêu điều thiện (Châm ngôn 15:9, 26) Ngài phải tách biệt Ngài khỏi người có tội và phải trừng phạt tội lỗi (Êsai 59:1,2).
7. Đức Chúa Trời là đấng công chính. Bất cứ điều gì Ngài làm cũng đúng và công bằng. Ngài lúc nào cũng giữ lời hứa (Thi thiên 119:137).
8. Đức Chúa Trời là đấng yêu thương. Mặc dầu Ngài ghét tội, nhưng Ngài yêu tội nhân (Giăng 3:16).
IV. CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Làm sao biết được Đức Chúa trời chúng ta đang thờ phượng là chân thần?
2. Đức Chúa trời là đấng toàn tại, toàn tri và toàn năng; vậy chúng ta phải sống như thế nào, thờ phượng Chúa như thế nào để được đẹp lòng Chúa và được Chúa ban thưởng?
3. Người ngoại tin có nhiều thần, nhiều chúa. Chúng ta tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời. Xin phân tách sự khác biệt cũng như điều hại, điều lợi giữa người ngoại và con dân Chúa.
4. Xin cho biết sự khác biệt giữa đức chúa trời của tà giáo Mormon và Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ phượng. Đức Chúa Trời của Mormon có đáng cho chúng ta thờ phượng hay không? Tại sao?
Bài 3
LOÀI NGƯỜI
CÂU GỐC: Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình-an khiến anh em nên thánh trọn-vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh-hồn, và thân- thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, Khi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đến! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23)
Nếu thực sự muốn biết rõ về con người, chúng ta phải tìm hiểu Thánh Kinh, vì Thánh Kinh trình bày cho chúng ta sự thật về con người. Thánh Kinh là lời của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên con người. Ngài biết rõ con người hơn ai hết (Sáng thế ký 1:26, 27; Thi-thiên 139:13-16). Thánh Kinh nói cho chúng ta biết về việc con người được tạo dựng như thế nào, bản tính của loài người ra sao, mối quan hệ giữa loài người và các tạo vật khác, sự sa ngã và số phận cuối cùng của con người.
I. NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI
Là người, mỗi chúng ta đều tò mò muốn biết về nguồn gốc của chính mình. Xưa nay, các nhà triết học đã đưa ra khá nhiều lý thuyết về nguồn gốc loài người. Lý thuyết gần đây nhất là thuyết tiến hóa (evolution), theo lý thuyết này thì tổ tiên loài người là loài vật.
Nhưng, Thánh Kinh dạy rằng:”Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất…Đức Chúa trời dựng nên loài người…” (Sáng thế ký 1:1,27). Đức Chúa trời cũng nói về loài người mà Ngài đã tạo dựng nên như sau: “Ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta…”(Ê-sai 43:7). Vì vậy, mục đích tối hậu của cuộc sống con người là tôn vinh Đức Chúa Trời.
Thực ra khi khảo sát những bằng cớ, người ta thấy rõ rằng giải thích theo Thuyết Tiến Hóa gặp phải nhiều mâu thuẩn. Có những giải quyết trong những giả thuyết, và người ta phải áp dụng cái gọi là những bước nhảy vọt tin tưởng để giải thích những dữ kiện.
Trong khi đó thì Thuyết Sáng Tạo rất giản dị và đi ngay vào vấn đề, người ta chỉ cần có lòng tin vào một Đấng quyền năng và khải thị của Ngài để giải thích một cách rất dễ dàng các dữ kiện thu nhặt được.
Thí dụ như xét về bằng cớ xếp loại các hình thức sinh vật thành ra các họ, các nhóm, các thế hệ, chủng loại và thứ tự. Theo các nhà tiến hóa thì dữ kiện về chủng loại này chứng minh rằng có sự tiến hóa. Nghĩa là tất cả các sinh vật đều do một tổ tiên chung mà sinh ra.
Nhưng nếu như vậy tại sao còn có chủng loại khác nhau? Các sinh vật đều phải có những phần tổng quát giống nhau chứ. Thí dụ như tất cả mọi sinh vật đều có thể phân cách thành ra những động vật nguyên sinh một tế bào protozoa, và động vật nguyên sinh đa tế bào mới phải chứ? Tạo sao không thấy có sinh vật nào chỉ cấu tạo bởi hai hoặc ba tế bào mà thôi? Tại sao có nhiều loại chó và nhiều loại mèo, nhưng không có con vật nào đứng giữa chó và mèo cả? Cũng không thất có sinh vật nào giữa loài khỉ và loài người? Nếu khỉ tiến hóa ra người thì tại sao vẫn còn loài khỉ, và loài người sẽ tiến hóa ra loài gì? Hiển nhiên là giữa các tộc họ sinh vật có những khoảng cách khác biệt thật là rõ rệt.
Các bằng cớ do từ sinh lý và giải phẩu học thì sao? Theo Thuyết Sáng Tạo thì sinh vật có các điểm tương tự là chuyện hợp lý, những điểm tương tự này gia tăng khi các sinh vật sống trong những hoàn cảnh giống nhau.
Một điều ta cần phải nhận ra ngay là: nếu Thuyết Tiến Hóa đúng, thì tại sao có nhiều dị biệt giữa sinh vật như vậy? Nếu Thuyết Tiến Hóa đúng thì các sinh vật ngày nay phải có những điểm chung về sinh lý và cấu trúc chứ?
Người nào tin Thánh Kinh là tin vào sự sáng tạo đặc biệt của Chúa, và như vậy không thể nào chấp nhận Thuyết Tiến Hóa. Sáng Thế Ký 2:7 cho biết rằng A-đam được tạo nên bằng bụi đất. Nghĩa là Chúa lấy bụi đất nắn nên hình người, không có chuyện bụi đất tiến hóa thành thứ gì đó, rồi sau mới thành người được. Câu chuyện Đức Chúa Trời sáng tạo loài người ghi lại trong Sáng thế Ký là hợp lý nhất hiện nay. Câu chuyện này hợp lý hơn cả vì có nhiều bằng cớ, hữu lý cho người ta chấp nhận hơn là bất cứ câu chuyện khởi nguyên nào khác.
II. BẢN TÁNH LOÀI NGƯỜI
Bất cứ ai chứng kiến một người hấp hối đều biết rằng con người có thể xác nhưng đồng thời cũng có linh hồn. Con người sống đó, nhưng rồi chết đi. Thể xác người chết nằm đó, nhưng sự sống đã ra khỏi người ấy. Vì vậy, người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn.
Thánh kinh dạy rằng con người có ba phần: xác, hồn và linh (I Têsalônica 5:23). Dù khó phân biệt giữa phần hồn và linh, nhưng Thánh Kinh chứng minh có sự khác biệt giữa hồn và linh. Thú vật có xác và hồn, nhưng không có phần linh. Con người có xác, hồn và linh.
Phần hồn phân biệt giũa một người đang sống và một người đã chết, nhưng phần linh phân biệt con người với con vật. Nhờ có phần linh, mà con người mới có thể giao tiếp với Đức Chúa Trời.
Phần hồn là nơi xuất phát tình cảm và đam mê, trong khi phần linh là điều khiển khả năng hiểu biết và lý luận của con người. Con người có bổn phận đối với Đức Chúa Trời, và nhiệm vụ lớn nhất của con người là tìm hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mình và vâng theo ý chỉ của Ngài.
III. LOÀI NGƯỜI CÓ Ý CHÍ TỰ DO
Trong vũ trụ này, ngoài loài người, Đức Chúa Trời còn dựng nên nhiều sinh vật khác. Những sinh vật này khác loài người ở chỗ chúng không có phần linh là phần nhờ đó mà loài người có thể giao tiếp với Đức Chúa Trời. Ngoài ra, Đức Chúa Trời còn dựng nên các bậc thần linh hay thiên sứ. Thiên Sứ không có thể xác và hồn như loài người, nhưng thiên sứ mạnh hơn loài người và các loài vật. Các thiên sứ được Đức Chúa Trời dựng nên để phục vụ Ngài, nhưng vì họ cũng có ý chí tự do, nên một số thiên sứ đã phạm tội không vâng phục Chúa và trở thành ác quỷ.
Thật ra, Đức Chúa trời có thể dựng nên những tạo sinh chỉ biết vâng lệnh Ngài một cách máy móc. Nhưng Đức Chúa Trời đã tự ý lựa chọn việc tạo dựng nên những tạo sinh có ý chí tự do và nếu muốn, những tạo sinh này có thể tình nguyện phục vụ Ngài và yêu mến Ngài. Loài người đã được Đức Chúa Trời dựng nên vời ý chí tự do.
IV. LOÀI NGƯỜI SA NGÃ VÀ PHẠM TỘI
Khi Đức Chúa Trời dựng nên những tạo sinh có ý chí tự do, thì dĩ nhiên Chúa biết một số tạo sinh này sẽ chọn lựa con đường phản nghịch Ngài. Một vị thiên sứ trưởng là Lucifer đã phản nghịch Chúa trở thành quỷ vương Satan. Đức Chúa Trời đã đuổi Satan ra khỏi thiên đàng cùng với một số thiên sứ khác phạm tội phản nghịch như Satan. Kể từ đó, Satan không ngớt tìm cách phá hoại kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Khi loài người được dựng nên với ý chí tự do, thì Satan lập tức cám dỗ loài người đi vào con đường phản nghịch như nó. Sáng thế ký 3 thuật rõ câu chuyện loài người nghe theo lời cám dỗ của Satan và sa ngã. Và cũng như Satan, loài người đã bị đuổi ra khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Bản tánh tội lỗi của con người đầu tiên là Ađam đã di truyền cho toàn thể loài người. Tất cả chúng ta đều sinh ra với bản tánh tội lỗi nên dễ dàng rơi vào sự cám dỗ của Satan.
V. TƯƠNG LAI CỦA LOÀI NGƯỜI
Thánh Kinh cho biết rồi đây tất cả mọi người đềi phải ứng hầu trước tòa án chung thẩm của Đức Chúa trời để chịu phán xét. Con người không chết rồi hết như loài vật, nhưng phải chịu trách nhiệm về những hành động tội lỗi của mình truớc mặt Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và là vị Thẩm Phán Tối Cao. Chỉ những ai tiếp nhận ơn cứu độ của Đức chúa Trời ban cho loài người qua Chúa Cứu Thế Giê-xu mới không bị phán xét và hưởng được sự sống đời đời.
VI. CÂU HỎI THẢO LUẬN
1- Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người và ban cho loài người điều nào qúy trọng hơn hết mà các loài vật khác không có?
2. Xin nêu ra những mâu thuẩn và những điều không hợp lý trong Thuyết Tiến Hóa.
3. Tại sao câu chuyện Đức Chúa Trời sáng tạo loài người là hợp nhất và đáng tin nhất? Những điểm nào Thuyết Sáng tạo có thể giải đáp thỏa đáng trong khi đó Thuyết Tiến Hóa không thể giải thích được?
4. Đức Chúa Trời tạo dựng loài người với mục đích gì?
Bài 4
TỘI LỖI
CÂU GỐC: Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài. (I Giăng 3:6).
I. TỘI LỖI LÀ GÌ?
Một trong những đề tài được Thánh Kinh đề cập đến là tội lỗi, nguyên nhân tội lỗi và phương cách diệt trừ tội lỗi. Chúng ta thường hay liên hệ tội lỗi với những hành động phạm pháp như giết người, trộm cướp v.v…nhưng Thánh Kinh định nghĩa tội lỗi là tình trạng thiếu hụt so với sự toàn vẹn của Đức Chúa Trời. Rôma 3:23 nói rằng “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở đây ám chỉ sự toàn vẹn của Ngài.
Thánh kinh cũng nói đến tội lỗi dưới những hình thức sau đây;
1. Vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (Rôma 5:13).
2. Phản nghịch Đức Chúa Trời, hay sống ngoài vòng luật pháp của Ngài (I Giăng 3:4).
3. Sống phóng túng về mặt đạo đức. (Thi thiên 32: 5).
II. NGUỒN GỐC TỘI LỖI
Hành động tội lỗi đầu tiên xảy ra trên trời khi thiên sứ trưởng Luxifer có lòng kiêu ngạo muốn đưa mình lên ngang hàng với Đức Chúa Trời (Êsai 14:12-14). Vì tội kiêu ngạo này, Luxifer đã bị đuổi ra khỏi thiên đàng, và trở thành Satan hay quỷ vương.
Hành động tội lỗi đầu tiên xảy ra trên mặt đất được Sáng thế ký 3 ghi lại. Đó là con người đầu tiên là Adam và Eva nghe lời cám dỗ của Satan ăn trái cây biết điều thiện và điều ác mà Đức Chúa trời cấm ăn. Khi họ bất tuân lệnh Chúa, họ đã trở thành tội nhân.
Chúa chỉ có một điều luật. Đó là cấm không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, nếu bất tuân, ăn trái cấm sẽ chết. Như vậy điều luật này đặt ra cốt là để cho con người được sống mãi trong cảnh thiên đàng, vô tội và không đau khổ. Luật cấm này cũng cho con người biết là phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Từ khi sa ngã, cuộc đời con người bắt đầu đau khổ. Cái đau khổ kéo dài mãi cho đến bây giờ. Đau khổ về muôn mặt của đời người khởi nguồn từ cuộc đời xa cách Thượng Đế, và ảnh hưởng đến đồng loại trong những ghen ghét hận thù.
Không những vì chống luật Chúa mà con người làm hại nhau, chính thiên nhiên cũng vì cuộc sa ngã của con người mà thành chướng ngại cho đời sống con người. Những khó khăn, tai họa, thú dữ, gai chông từ thiên nhiên đều là do sự phản nghịch của con người với Thượng Đế cả, và con người phải gặt lấy hậu quả.
Dần dần cuộc đời nhân loại trở thành hoàn toàn vô tín, vô thần, và đau khổ cứ tiếp tục gia tăng mãi không ngừng.
III. HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI
Ngay sau khi phạm tội, loài người cảm biết mình lõa lồ xấu hổ và tìm cách tránh mặt Chúa (Sáng thế ký 3:10).
Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Ađam đã chết ngay về phần tâm linhkhi phạm tội. Chết về phần tâm linh là xa cách Đức Chúa Trời và không thể đến với Ngài nữa. Ađam cũng bị chết về phần thể xác, và kể từ Ađam trở đi, mọi người đều chết.
Bản tính tội lỗi của Ađam di truyền cho toàn thể nhân loại. Mọi người sinh ra đều là tội nhân, và sống trong tội (Rôma 5:12-18).
Tội lỗi của loài người cũng làm cho cả vũ trụ bị vạ lây. (Sáng 3:14-19). Ảnh hưởng tội lỗi lan tràn khắp nơi.
IV. HÌNH PHẠT CỦA TỘI LỖI
Thánh Kinh quả quyết rằng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23). Đức Chúa Trời đã phán rằng hình phạt của tội lỗi là sự chết, chết về thể xác và về tâm linh. Người phạm tội phải đền tội, và Đức Chúa Trời là đấng thánh khiết công chính phải hình phạt tội lỗi.
Khi một người cứ tiếp tục sống trong tội, thì người ấy đang chết về phần tâm linh và rồi sẽ phải đối diện với cái chết về phần thể xác. Nếu người ấy vẫn sống trong tội cho đến khi chết, thì sẽ bị “chết đời đời”, có nghĩa là người ấy sẽ vĩnh viễn bị cách xa Đấng Tạo Hóa và chịu khổ đau trong hồ lửa. Thánh Kinh nói đến sự chết đời đời trong Khải Huyền 20:14.
V. CỨU CHUỘC KHỎI TỘI LỖI
Mặc dù Đức Chúa Trời là đấng thánh khiết và công chính phải hình phạt tội lỗi, nhưng Ngài cũng là đấng thương yêu và nhân từ nên Ngài đã trù hoạch một phương thức để cứu chuộc những người có tội để họ khỏi bị trừng phạt đời đời trong hỏa ngục.
Đức Chúa Trời không thể tự nhiên tuyên bố tha tội cho loài người, vì làm như vậy là đi ngược lại với bản tính thánh khiết và công chính của Ngài. Do đó, Đức Chúa trời đã sai Chúa Giê-xu, một trong ba ngôi Đức Chúa Trời, cũng thường được gọi là con Đức Chúa trời, xuống trần gian làm người để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giê-xu đã vào đời bằng cách trở thành một bào thai trong lòng của một trinh nữ tên là Mari. Dù trở thành người nhưng Chúa Giê-xu không thừa hưởng bản tánh tội lỗi di truyền của Ađam. Bởi phép lạ của Chúa Thánh Linh mà Chúa Giê-xu đã trở thành một người hoàn toàn vô tội. Trong tư thế của một con người vô tội, Chúa Giê-xu đã gánh vác tội lỗi của mọi người, chịu hình phạt tội lỗi thế cho mọi người khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự. Cái chết của Chúa Giê-xu đã làm thỏa mãn sự đòi hỏi thánh khiết của Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi đã bị hình phạt trong Chúa Giê-xu, nên Đức Chúa Trời tuyên bố rằng bất cứ ai xưng nhận mình là tội nhân và tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế và Chúa của đời sống mình thì sẽ được cứu rỗi.
Khi một người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-Xu, thì chẳng những được Đức chúa Trời tha thứ tất cả tội lỗi, mà còn được Ngài ban cho sức mạnh để chiến thắng quyền lực của tội lỗi. Điều này không có nghĩa là người ấy sẽ không phạm tội nữa, nhưng có nghĩa là tất cả tội lỗi của người ấy trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, đều đã được tha thứ, và người ấy sẽ không còn bị đoán phạt vì tội lỗi. Người thật sự tin nhận Chúa Giê-xu và tôn Ngài làm chủ của đời sống có thể nương vào sức mạnh của Chúa để sống đẹp lòng Chúa thay vì tiếp tục bị tội lỗi sai khiến.
Phương thức cứu rỗi tội nhân trong Chúa Giê-xu là con đường duy nhất do Đức Chúa Trời ấn định. Ngoài ra không còn phương thức nào khác (Công vụ 4:12 và Giăng 14:6).
VI. CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Tội mà Eva và Ađam đã phạm là tội gì?
2. Chúa phán rằng ai phạm tội thì nấy bị phạt. Tại sao Ađam phạm tội mà tất cả loài người phải gánh lấy tội lỗi?
3. Những người giữ hết mười điều răn của Chúa có bị kể là có tội không? Tại sao
4. Tại sao Chúa không phán xóa tội cho nhân loại mà lại cần phải xuống trần gian để chết thế chuộc tội cho nhân loại?
5. Chúa Giê-xu tuyên bố:” Ta là Đường Đi, Chân Lý và sự Sống, chẳng bởi Ta thì không ai đến được với Thượng Đế” có phải là một câu nói chủ quan không? Nếu không, tại sao?
6. Nếu Chúa Giê-xu là con đường duy nhất, vậy những người sống trước thời đại Chúa Giê-xu hoặc chưa từng nghe đến Chúa Giê-xu thì sao?
NHV SUU TAM