“Cho đến chừng tôi đã truyền ra cho dòng dõi sau sức lực của Chúa, và quyền thế Chúa cho mỗi người sẽ đến” (Thi Thiên 71:18b).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã đào tạo và ủy thác cho Mục sư trẻ Ti-mô-thê như thế nào? Ông truyền đạt cho thế hệ tiếp nối với tâm tình ra sao? Hội Thánh ngày nay học theo gương Sứ đồ Phao-lô như thế nào?
Sứ đồ Phao-lô nhận ra tầm quan trọng của việc trang bị cho người tiếp nối công tác rao truyền Phúc Âm sau khi ông “đã xong sự chạy” (II Ti-mô-thê 4:6–7). Vì thế, ngay từ khi gặp gỡ và nhận thấy tiềm năng nơi cậu thanh niên Ti-mô-thê, ông bắt đầu đào tạo và trang bị cho chức vụ tương lai của cậu (Công Vụ 16:1–3). Chiến lược của Sứ đồ Phao-lô trang bị cho thanh niên Ti-mô-thê bắt đầu với một thử thách (Công Vụ 17:14). Trong khi ông rao giảng ở Bê-rê, một số người Do Thái đến kích động đám đông. Ngay lập tức, Sứ đồ Phao-lô tách mình ra khỏi thanh niên Ti-mô-thê và cộng sự Si-la sau khi chỉ dẫn họ đến gặp ông ở A-thên. Trong khi chờ đợi, thanh niên Ti-mô-thê và ông Si-la được giao nhiệm vụ chăm sóc một Hội Thánh non trẻ do Sứ đồ Phao-lô đã thành lập ở Bê-rê. Sau này, khi huấn luyện và dạy dỗ thanh niên Ti-mô-thê đầy đủ, ông đã giao cho quản nhiệm Hội Thánh Ê-phê-sô (I Ti-mô-thê 1:3).
Sứ đồ Phao-lô cũng đã viết hai bức thư gửi cho Mục sư trẻ Ti-mô-thê để khích lệ và đặc biệt nhắc nhở về chức vụ được giao phó. Trong phân đoạn này, ông nhắc Mục sư Ti-mô-thê phải nhờ ân sủng của Chúa Giê-xu mà làm cho mình mạnh mẽ và làm tròn trách nhiệm được giao (câu 1). Một điều quan trọng Mục sư Ti-mô-thê cần làm dù ông còn trẻ tuổi, đó là phải tìm những người đáng tin cậy để truyền đạt và ủy thác công việc tiếp nối (câu 2). Ông cũng động viên Mục sư Ti-mô-thê sẵn sàng chịu khổ như một người lính dũng cảm của Chúa, và như chính ông (câu 3). Trong hầu hết các lời khuyên của Sứ đồ Phao-lô dành cho Mục sư Ti-mô-thê, ông luôn nhấn mạnh đến việc chuyên tâm dạy lẽ thật chân chính, thẳng thắn rao giảng Lời Chúa bởi ơn Ngài (câu 14–15). Vì chính sự dạy dỗ Lời Chúa sẽ truyền sức mạnh và quyền năng của Chúa cho thế hệ tiếp nối.
Cách đào tạo người tiếp nối của Sứ đồ Phao-lô là một mẫu mực cho Hội Thánh Chúa ngày nay. Cần phải lưu tâm tìm người có ân tứ thích hợp, tạo điều kiện cho người được chọn cùng làm việc để học hỏi kinh nghiệm người đi trước. Tiếp theo là phải trang bị và hướng dẫn để người tiếp nối trưởng thành trong sự phục vụ. Đồng thời phải phân công, sắp xếp công việc để anh em có cơ hội phát huy ân tứ phục vụ. Thêm vào đó là tâm tình của Sứ đồ Phao-lô rất đáng cho chúng ta học tập. Đó là tâm tình yêu thương, tôn trọng và biết ơn anh em trong đức tin chứ không như người trên ban cho người dưới.
Bạn góp phần thế nào trong việc đào tạo người tiếp nối công việc Chúa trong Hội Thánh?
Lạy Chúa, xin nhắc nhở con và anh chị em trong Hội Thánh luôn biết quan tâm đến việc đào tạo thế hệ tiếp nối trong tinh thần yêu thương và tôn trọng nhau để Hội Thánh luôn có nhân lực phục vụ.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gia-cơ 4—5.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=p4Yii7vYNKw&list=PLy5dD_318r0WXEdEuTS1bZps_VnhcyXm4&index=3

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=Ds9om0___R0&list=PLy5dD_318r0XI_PBj6GGtOoLJez6oJJLK&index=5

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Lịch Cầu Nguyện Tháng 12-2023: https://nguonhyvong.com/duong-linh/lich-cau-nguyen-thang-12-2023

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien