“Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả thư Hê-bơ-rơ đưa ra lời cảnh báo gì? Lời hứa về sự an nghỉ của Chúa dành cho những ai? Phải đón nhận lời hứa này như thế nào để không bị hụt mất cơ hội?

Cụm từ “có ai bị trừ ra” trong câu 1 còn được dịch là “bị mất cơ hội.” Khi bất động sản lên “cơn sốt,” nhiều người mất ăn mất ngủ vì bỏ lỡ cơ hội mua miếng đất và sau đó nhìn giá của nó tăng lên không ngừng, thậm chí gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn. Trong một số lãnh vực, cơ hội này trôi qua, có khi vẫn còn cơ hội khác. Nhưng cũng có một số lãnh vực nếu không kịp thời nắm bắt cơ hội sẽ phải hối hận cả đời, thậm chí phải nhận lãnh một hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Nhìn thấy tấm gương của tuyển dân Ít-ra-ên, trước giả thư Hê-bơ-rơ đã đưa ra nhiều lời cảnh báo, như đừng để bị trôi lạc (Hê-bơ-rơ 2:1), đừng để lòng vô tín (Hê-bơ-rơ 3:12), và trong chương 4, ông tiếp tục cảnh báo đừng để hụt mất cơ hội được vào sự yên nghỉ của Chúa (câu 1). Sự yên nghỉ của Chúa dành cho người Ít-ra-ên trước nhất là đời sống phước hạnh trong Đất Hứa Ca-na-an. Nhưng quan trọng hơn, đó là vui mừng nhận lãnh lời hứa Chúa đã ban cho tổ phụ của họ là ông Áp-ra-ham, tận hưởng chương trình phục hồi, chương trình cứu chuộc của Ngài. Còn gì tuyệt vời hơn cho đoàn dân từng phải làm nô lệ hàng trăm năm ở Ai Cập nay được sống với thân phận mới, vậy nên lời hứa về sự an nghỉ này thật sự là “Tin Lành” đối với họ. Còn đối với độc giả Do Thái thế kỷ đầu tiên và tất cả chúng ta hôm nay, có tin tức nào vui mừng hơn cho bằng việc được Chúa ban cho cơ hội để bước vào sự an nghỉ của Ngài, được Chúa cứu chuộc khỏi hậu quả và lối sống tội lỗi để kinh nghiệm đời sống mới trong Ngài.

Thế nhưng một sự thật đáng buồn là người Ít-ra-ên khi xưa “chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình” (câu 2). Một thế hệ vì lòng vô tín nên đã chết trong hoang mạc. Thế hệ tiếp theo dù có được vào sống trong Đất Hứa nhưng vẫn không kinh nghiệm sự yên nghỉ thuộc linh. Tất cả là vì họ không đáp ứng bằng đức tin. Họ đã nghe, đã hiểu về mọi lời hứa cũng như mọi lời cảnh báo nhưng họ không làm theo. Đức tin không chỉ đơn giản là nghe, hiểu, và đồng ý về Tin Lành, nhưng còn phải đáp ứng bằng một tấm lòng thuận phục.

Sứ điệp Tin Lành vẫn đang được rao giảng, cơ hội vẫn dành cho mọi người, tuy nhiên hãy nhìn vào gương của người Ít-ra-ên mà “lo sợ,” nghĩa là xem xét lại cách chúng ta đáp ứng với Tin Lành, có thật sự nghiêm túc, hết lòng, và đón nhận bằng một đức tin thuận phục chưa?

Bạn đang đáp ứng với Tin Lành như thế nào?

Lạy Chúa, xin giúp con không chỉ đón nhận Tin Lành bằng sự hiểu biết, đồng ý, nhưng sẽ tin nhận thật lòng, nghiêm túc, thể hiện qua thái độ thành tâm ăn năn tội mình, và sống cuộc đời biến đổi, làm sáng Danh Ngài.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 2:4–25.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=lbxnlLOc5-o&list=PLy5dD_318r0Ws2dYZe-s5j15pDCdHfK1s&index=5

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=VNwHICsOYR0&list=PLy5dD_318r0Xhv_5x80_GTFtcDAwWPiF7&index=3

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien