“Sự biết đói của kẻ lao khổ giúp làm việc cho người, bởi vì miệng người thúc giục người” (Bản Truyền Thống—BTT).

“Bụng đói khiến người ta làm việc, miệng muốn ăn thúc giục họ phải làm” (BTTHĐ)

Câu hỏi suy ngẫm: Động cơ nào khiến người ta phải làm việc? Bên cạnh đó còn có những động cơ nào khác nữa? Bài học cho biết điều gì bạn cần phải có để có thể chia sẻ và phục vụ người khác?

Câu châm ngôn này có thể hiểu trong hai nghĩa. Về nghĩa bóng thì “sự biết đói” không chỉ nói về sự đói khát vật chất nhưng còn là sự thèm muốn những điều phi vật chất. Trong Châm Ngôn 10:3, Vua Sa-lô-môn nói: “Đức Giê-hô-va không để linh hồn người công bình chịu đói khát; nhưng Ngài xô đuổi sự ước ao của kẻ ác đi.” Cũng giống như “sự biết đói” (hay “bụng đói”—BTTHĐ) giúp cho “kẻ lao khổ” phải làm việc, thì khi người ta biết đói hay khao khát điều gì sẽ khiến người đó nỗ lực để đạt được. Bạn đang đói khát điều gì? Bạn có đang đói khát chính Chúa và sự công bình của Ngài không (Ma-thi-ơ 5:3, 6; 6:33)? Mỗi ngày chúng ta đối diện với biết bao nhu cầu trong cuộc sống cùng bao nhiêu là cám dỗ, điều có thể giữ chúng ta đi trên con đường hẹp của Chúa chính là sự khao khát Chúa, khao khát làm vui lòng Chúa, khao khát về một quê hương trên trời.

Câu châm ngôn này cũng có thể hiểu theo nghĩa đen. Nếu xem “sự biết đói” (hay “bụng đói”—BTTHĐ) hay ăn uống là một nhu cầu tất yếu thì siêng năng làm việc sẽ là bổn phận phải hoàn thành để đáp ứng nhu cầu đó. Siêng năng làm việc để đáp ứng nhu cầu của mình cũng là một con đường đúng mà người kính sợ Chúa phải bước đi. Có những người tham lam, ích kỷ, lười nhác muốn đáp ứng nhu cầu vật chất của mình nhưng lại không chăm chỉ làm việc mà lập mưu để đoạt lợi từ người khác, từ đó dẫn họ vào trong những “nẻo sự chết,” cho dù nhiều người vẫn cho đó là khôn ngoan, chính đáng (Châm Ngôn 16:25).

Tuy nhiên cũng hãy nhớ rằng nếu chúng ta chăm chỉ làm việc chỉ vì “sự biết đói,” chúng ta sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Vua Sa-lô-môn nói rằng: “Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình, song không hề được thỏa nguyện” (Truyền Đạo 6:7). Nếu như vậy thì chúng ta còn có thể làm việc vì những lý do nào?

Trước hết chúng ta siêng năng làm việc vì nhận biết rằng làm việc cũng là một hành động thờ phượng (Ê-phê-sô 6:7). Hơn nữa, chúng ta cũng làm việc vì trách nhiệm xã hội (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10–12). Và chúng ta còn siêng năng làm việc vì tình thương tha nhân, làm việc để có thể có lương thực hay tiền bạc giúp đỡ người thiếu thốn (Ê-phê-sô 4:28). Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể cho những gì mình có. Nếu chúng ta không chịu khó chăm chỉ làm việc thì dù muốn cũng không thể chia sẻ và phục vụ anh chị em mình khi họ khốn khó.

Bạn có đang siêng năng làm việc trong tinh thần phục vụ tận tình và trung thực không?

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa cho con có sức khỏe và cơ hội làm việc để nuôi sống gia đình. Xin Chúa cũng dùng con để nâng đỡ, an ủi và phục vụ những người khác đang lúc có cần.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 4—6.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=OuRTMsO7qyM&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=17

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=ZxePev3FnRA&list=PLy5dD_318r0WzwrT1ZvxPLGIiE_iNqjTh&index=5

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien