“Cũng có người chắt lót quá bực, nhưng chỉ được sự thiếu thốn” (câu 24b)
Câu hỏi suy ngẫm: Kinh Thánh lên án thái độ nào đối với của cải? Người có thái độ này sẽ bày tỏ như thế nào trong cuộc sống và sẽ nhận được hậu quả gì? Bạn đang có thái độ nào với những tài sản đang sở hữu?
Trái với người rộng rãi chia sẻ những gì mình có cho người thiếu thốn thì cũng có người “chắt lót quá bực” (câu 24b). Cụm từ này được các bản dịch khác dịch là: “quá keo kiệt,” “bòn mót,” “cầm giữ lại những điều người đó nên ban cho.” Như vậy, “người chắt lót quá bực” là người giữ lại những điều đáng ra phải cho, không làm những điều đúng ra nên làm, không chia sẻ cho người khác những gì đúng ra nên chia sẻ. Nói cách khác, khi chúng ta có thể giúp một người cần được giúp đỡ nhưng đã cầm giữ lại cho riêng mình thì chúng ta đang “chắt lót quá bực.” Người sống như vậy “chỉ được sự thiếu thốn,” vì khi giữ lại điều đáng ra phải cho thì coi như đã vi phạm nguyên tắc đạo đức của Đức Chúa Trời, và người đó chắc chắn “chỉ” nhận được cơn giận của Chúa mà thôi (câu 23). Nếu sự ao ước của người công bình “chỉ là điều thiện” do bản chất công bình nên không thể ao ước điều ác thì cũng vậy, “người chắt lót quá bực… chỉ được sự thiếu thốn” là hậu quả tất yếu.
Trên một phương diện, người có lòng rộng rãi “sẽ được no nê,” dù người này có thể không có thức ăn ngon trên bàn nhưng vẫn “no nê,” thỏa lòng với những gì Chúa ban cho. Ngược lại, người không có lòng rộng rãi sẽ chẳng bao giờ “no nê” vì họ không thấy mình có đủ, luôn thèm khát thu gom cho mình nhiều hơn, đó là người luôn thấy đói khát, “thiếu thốn.”
Không có sự khác biệt giữa ăn cắp và “chắt lót quá bực.” Người ăn cắp lấy những điều không thuộc về mình, còn người “chắt lót quá bực” giữ lại những điều đáng ra thuộc về người khác. Nói cách khác, một người ích kỷ, keo kiệt, không biết chia sẻ cho người khác và một người ăn cắp thật ra chỉ là một!
Vì sao người “chắt lót quá bực” bị lên án? Câu 26 cho biết lý do, “Kẻ nào cầm giữ lúa thóc, bị dân sự rủa sả.” “Lúa thóc” tượng trưng cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải những thứ xa xỉ, và hình ảnh tại đây là một nạn đói hay mất mùa và có những người tích trữ lúa thóc để đẩy giá lên cao nhằm kiếm lợi (A-mốt 8:4–8). Và thái độ của “kẻ ác” đối với của cải là xem của cải là của mình, mình có quyền dùng nó theo ý muốn mình để thu lợi, bất chấp tình cảnh của người khác. Kiếm lời trong kinh doanh không trái với luật pháp, nhưng người này bị “rủa sả” vì với họ, tiền bạc là điều duy nhất, bất chấp sinh mạng và sự đau khổ của người khác.
Bạn có thấy trách nhiệm chia sẻ những gì mình có với những người thiếu thốn không?
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con về những suy nghĩ tham lam, ích kỷ, chỉ muốn thu gom cho chính mình. Xin cho con bước theo chân Ngài là Đấng từ bỏ mọi sự vì chính con để con luôn có lòng rộng rãi với những người thiếu thốn.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 7—8.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=bYsUvIAAztA&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=12
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=LhGuToLzQ70&list=PLy5dD_318r0WzwrT1ZvxPLGIiE_iNqjTh&index=8
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien