“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình,chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ” (câu 4–5).
Câu hỏi suy ngẫm: Tình yêu thương “chẳng nghi ngờ sự dữ” có nghĩa là gì? Tại sao không nên nuôi dưỡng những bực tức, tổn thương trong lòng? Bạn đã thực hành tình yêu thương “chẳng nghi ngờ sự dữ” ra sao trong cuộc sống?
Từ “nghi ngờ” là động từ Hy Lạp “logizomai” có nghĩa là “giữ trong sổ, lưu giữ dấu vết của sự việc.” Bản Truyền Thống Hiệu Đính dịch cụm từ “nghi ngờ sự dữ” là “nuôi dưỡng điều dữ”; hay một bản dịch khác dịch là “nuôi hận thù.” Như vậy, tình yêu thương “chẳng nghi ngờ sự dữ” có nghĩa là tình yêu thương nhanh chóng quên đi những tổn thương mình đã chịu, tiếp tục bước đi bằng tình yêu thương không ghi nhớ mãi những sai lầm người khác đối với mình. Tình yêu thương “chẳng nghi ngờ sự dữ” cần phải quên những tổn thương, bực tức, không giữ mãi trong lòng, cũng đừng toan tính để trả thù người đã từng hại mình.
Trong cuộc sống không tránh khỏi bị tổn thương, cũng không thiếu những người làm mình thất vọng. Nhưng khi cứ nuôi dưỡng những bực tức trong lòng sẽ dễ dàng dẫn đến sự thù hận, muốn tìm cách để trả đũa người làm tổn thương mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong ân sủng của Đức Chúa Trời, Ngài đã xóa hết tội lỗi của chúng ta rồi, như lời tâm tình của Vua Đa-vít đã viết: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, và trong lòng không có sự giả dối!” (Thi Thiên 32:1–2). Vậy nếu tình yêu thương của Chúa tràn đầy trong lòng thì chúng ta đừng nuôi hận thù nhưng phải tha thứ như Lời Chúa dạy: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).
Tình yêu thương “chẳng nghi ngờ sự dữ” là một phương thuốc để chữa những phân rẽ giữa các tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô, cũng như giữa các mối liên hệ của chúng ta ngày nay. Bởi vì cho dù bất cứ lý do gì, khi chúng ta chịu đựng và nuôi dưỡng những tổn thương trong lòng thì một mặt chúng ta sẽ thu mình lại phòng thủ với đối phương, mặt khác chúng ta sẽ suy nghĩ để tìm cách phản công lại, để rồi sẽ chẳng còn điều gì tốt lành trong mối liên hệ đôi bên. Chính những lúc ấy chúng ta đang lưu giữ mãi lỗi lầm của người khác, hay nói cách khác chúng ta đang nuôi cơn giận chờ ngày đáp trả lại cho đối phương như điều họ đã làm tổn thương chúng ta và có khi lại hơn như thế.
Bạn có thường nuôi dưỡng những tổn thương trong lòng không? Bài học này giúp bạn điều gì?
Tạ ơn Chúa vì khi sống theo Lời Ngài con tìm được sự chữa lành cho những tổn thương con chịu. Xin ban thêm linh lực để con càng được mạnh mẽ bày tỏ tình yêu thương không nuôi dưỡng điều dữ đối với mọi người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 24:45–67.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien