“Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì Ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi, phải, Ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình Ta mà nâng đỡ ngươi”.
(Ê-sai 41:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Đa-vít dùng những hình ảnh nào để mô tả sự bao phủ của Chúa bởi tình yêu rộng lớn của Ngài? Ông Đa-vít chỉ nói lên kiến thức hay thật sự có kinh nghiệm sự bao phủ đó không? Ở dưới sự che phủ của Chúa sẽ được phước hạnh ra sao? Làm sao bạn dám tin chắc vào sự bảo vệ của Chúa? Hừng đông là bắt đầu cho một ngày mới, và buổi hoàng hôn là lúc chấm dứt một ngày. Mặt trời mọc ở hướng đông và lặn về hướng tây. Đó là những hiểu biết rất phổ thông và đơn giản với loài người. Ông Đa-vít không thể cất cánh bay về phía hừng đông, hoặc ở được nơi cực tây của biển cả, dù vậy ông diễn tả tình yêu bao la của Đức Chúa Trời, Đấng luôn giang tay bao phủ trên đời sống ông (câu 9) và ông cứ vững tin vào dẫn dắt từng bước, từng ngày của Ngài (câu 10), và ông ca tụng sự quan phòng đó. Đời người khi còn trẻ thì chẳng khác nào mặt trời buổi ban mai, nhưng đến tuổi về già người ta bảo rằng tuổi đã xế chiều. Ông Gióp nói “Một sớm, một chiều, họ có thể bị nghiền nát, chết mất đời đời mà không ai biết tới” (Gióp 4:20). Ông Môi-se thì ví sánh “đời chúng nó như một giấc ngủ, như cỏ mọc xanh tươi lúc ban mai; buổi sáng cỏ nảy nở và tốt tươi; đến chiều chúng tàn phai và khô héo” (Thi-thiên 90:5-6, BDM). Đời người thật ngắn ngủi và sẽ không có ý nghĩa nào cả nếu chỉ có như thế, nhưng ông Đa-vít đã tìm thấy ý nghĩa của những ngày trên đất khi có bàn tay Đức Chúa Trời phủ che mình. Ông Đa-vít đã bắt đầu kinh nghiệm tay Chúa ở cùng mình từ những ngày niên thiếu chăn chiên: “Khi có sư tử hoặc gấu đến tha đi một chiên con trong bầy, con rượt theo quật nó ngã xuống, và giật chiên ra khỏi mồm nó. Nếu nó chồm lên đánh con, con nắm râu nó, và đập nó chết” (1 Sa-mu-ên 17:34-35, BDM), có lời nào hùng hồn hơn thế đối với một người tuổi còn niên thiếu, vì tay Chúa ở cùng chàng Đa-vít. Mỗi ngày cứ thế cho đến tuổi già của mình, ông Đa-vít thỏa mãn mà tuyên bố “Từ khi còn trẻ, đến nay tôi đã già, tôi chưa từng thấy người công chính bị bỏ” (Thi-thiên 37:25), thật tay Chúa đã phù hộ. Không phải lúc nào cũng hanh thông mãi, cuộc sống cũng đối diện nhiều gian nan tưởng đâu Chúa đã bỏ, cuộc sống dù có những lầm lỡ nghiêm trọng tưởng như Chúa chẳng tha, nhưng những điều đó không bao giờ là lý do để ông Đa-vít rời khỏi Chúa, không bao giờ nằm vạ nơi thế gian này, nhưng tại đó, trong tình huống đó, ông nói “tay Ngài cũng dẫn dắt tôi, cánh tay phải của Ngài sẽ nắm giữ tôi” (câu 10); ông đặt mình trong bàn tay Chúa, và nhờ Chúa dẫn lối mình trong từng chặng đường. “Ta dù bị ngã, sẽ lại dậy; dù ngồi trong nơi tối tăm, Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng cho ta” (Mi-chê 7:8). Không gì phước hạnh hơn là cả cuộc đời đặt mình trong bàn tay Chúa, bình an, vui thỏa, ông Đa-vít được gọi là con người mang trái tim của Đức Chúa Trời; ông thường được Đức Chúa Trời dùng làm thước đo để khiển trách các hậu tự kế nghiệp về sau khi họ sai lạc thờ lạy thần tượng, vì ông lệ thuộc Ngài, tin cậy Ngài, và trung tín với Chúa cho đến giây phút cuối cùng, vinh dự hơn nữa, từ dòng dõi đó, Đức Chúa Trời đã ban Con Ngài là Chúa Giê-xu vào đời. Khi nào là lúc bắt đầu của chúng ta? Bước vào một chức vụ hay trách nhiệm mới? Vừa bắt đầu một tình yêu, vừa mới lập gia đình và ra riêng? Dấn thân vào một sự nghiệp, hay một môi trường phục vụ đâu đó?… Liệu Đức Chúa Trời có được mời đi chung, ở chung, làm chung không? Bàn tay Chúa có nắm chặt tay mình từ khi bắt đầu cho đến kết thúc chức vụ đó, công tác đó, cuộc đua đó, đời sống đó? Ta có được tay Chúa phủ che như ông Đa-vít để hãnh diện mà ca ngợi rằng “Từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, Danh Chúa đáng được ca ngợi” (Thi-thiên 113:3). Bạn kinh nghiệm như thế nào về tay Chúa phủ che mình? Có bao giờ bạn nản lòng vì dường như cảm thấy Chúa rời bỏ mình không? Bạn vẫn còn tiếp tục kiên tâm đặt mình trong bàn tay Chúa?
Tạ ơn Chúa Giê-xu dắt con! Ha-lê-lu-gia! Chính tay Chúa hằng dẫn dắt con! Con nguyện làm môn đệ tín trung suốt đời, bởi vì tay Chúa vẫn dìu dắt không rời!
Một trong số những bạn khôn ngoan nhất của tôi, là một bạn thời đại học, trở thành Cơ Đốc nhân trong khi theo học đại học của bang. Anh tốt nghiệp danh dự và tiếp tục theo học tại một chủng viện danh tiếng. Anh làm mục sư phục vụ một Hội Thánh nhỏ vài năm rồi đáp lời kêu gọi sang một Hội Thánh nhỏ khác, xa gia đình bạn hữu. Sau 12 năm ở Hội Thánh đó, anh cảm thấy hội chúng cần người lãnh đạo khác, nên anh bước ra. Anh chưa từng có việc làm ở hội thánh lớn hơn, hoặc có chân dạy đại học hay chủng viện. Thật ra, anh chẳng có việc làm nào khác. Anh chỉ biết Đức Chúa Trời đang dẫn dắt anh sang một hướng mới, vì vậy anh cứ đi theo. Khi bàn về việc này, bạn tôi nói, “Nhiều người nói được kêu gọi làm gì đó, nhưng tôi thì không được nghe nhiều về việc từ bỏ một điều gì.” Trên nhiều phương diện, sự tuân phục của bạn tôi, giống như tộc trưởng Áp-ra-ham của Ít-ra-ên, là người ra đi mà không biết Đức Chúa Trời dẫn mình đi đâu (Hê-bơ-rơ 11:8-10). Những gian khổ như đói kém (Sáng Thế Ký 12:10), sợ hãi (c.11-20), và tranh chấp gia tộc (13:8) là lý do khiến nghi ngờ, nhưng Áp-ra-ham vẫn kiên trì và do đức tin, ông được Đức Chúa Trời kể là công chính (Ga-la-ti 3:6) Sống vâng phục có thể không dễ, nhưng sẽ được phước (Lu-ca 11:28). – Julie Ackerman Link
|
||
You don’t need to know where you’re going if you know God is leading. |
Bạn không cần biết mình đi đâu, nếu biết Đức Chúa Trời đang dẫn dắt. |