Thi-thiên 139:1-2
“Lạy Chúa, Ngài đã xem xét và biết tôi”.
Thi-thiên 139:1 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Đa-vít bắt đầu lời cầu nguyện như thế nào? Qua câu 1-2, Thi-thiên này cho thấy ông Đa-vít nhận thức Chúa biết chúng ta thế nào? Điều đó có nghĩa gì? Nhận thức rằng Chúa là Toàn Tri có lợi gì không? Trong thế giới này, nhiều cặp hôn nhân đổ vỡ chỉ vì chồng không muốn vợ biết quá nhiều về mình, có những đứa con bỏ nhà ra đi vì không muốn cha mẹ biết quá nhiều về mình, có những người luôn phải sống đóng kịch với người chung quanh, hoặc dọn nhà đi chỗ khác vì không muốn hàng xóm biết quá nhiều về mình. Nhiều đời sống Cơ Đốc nhân cũng lẫn tránh mục sư quản nhiệm hoặc những tín hữu khác vì sợ biết rõ về đời tư của mình; thậm chí có người còn muốn lẫn tránh cả Đức Chúa Trời nữa Chúng ta có thể lẫn tránh con người, nhưng với Đức Chúa Trời, dù chúng ta có lẫn tránh đi đâu, Ngài là Đấng Toàn Tri, vẫn biết rõ đời sống chúng ta hơn cả chính chúng ta biết mình. Con người sợ hoặc lẫn tránh người khác là vì muốn che giấu hành động tội lỗi của mình, nhưng nếu hành động của chúng ta là hành động tốt, xứng đáng thì ai cũng muốn khoe về mình cả. Trong bài học này, ông Đa-vít cho thấy ông nhận biết Đức Chúa Trời xem xét để biết ông, vì ông đã hành động đúng đắn. “Ngài biết tôi khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy” (câu 2). Khi nói chúng ta biết Chúa, nghĩa là chúng ta nhận biết có Chúa trong đời sống; khi nói Chúa biết chúng ta, nghĩa là chúng ta muốn san xẻ cuộc đời mình với Ngài. Ông Đa-vít đang làm vua Ít-ra-ên, ông nhận biết địa vị đó đến từ Chúa, là sự ban cho của Chúa: “Chính Ta đã đem con ra từ đồng cỏ, nơi con chăn chiên, và lập con lên cai trị người Ít-ra-ên” (2 Sa-mu-ên 7:8), và ông muốn Chúa cùng cai trị với mình. Vua Đa-vít ngồi khi đang xét xử, Vua Đa-vít đứng dậy là lúc ông ban lệnh chém hoặc tha. “Từ xa Ngài đã nhận thấy tư tưởng tôi” (câu 2), ông muốn Đức Chúa Trời đồng cai trị với mình, biết mọi việc mình làm, để ông không bao giờ hối tiếc vì một quyết định sai lầm của mình. Ngày hôm nay, trong đền thờ Chúa, khi tôi ngồi là khi tôi nghe Lời Chúa phán dạy, lúc tôi đứng dậy là lúc Chúa lắng nghe tôi nguyện cầu. Bạn có muốn Chúa biết lòng tin mình là lòng tin chắc chắn, sự thờ phượng của mình là sự thờ phượng chân thành, hay bạn chỉ là một người mặc chiếc áo tôn giáo, lấy môi miệng tôn thờ mà lòng cách xa? Tại nơi làm việc, khi tôi ngồi là đang thi hành công tác, lúc đứng dậy là lúc nhiệm vụ đã hoàn thành. Bạn có muốn Chúa biết mình thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm ra sao, có ăn gian giờ làm việc, có nịnh bợ cấp trên, hay nói xấu đồng nghiệp không? Giữa phòng hội họp, khi tôi ngồi là khi tôi đồng ý, lúc tôi đứng dậy là lúc ý tưởng phân tranh. Bạn có muốn Chúa biết mình là con người khiêm nhường, nhịn nhục, hòa nhã với mọi người hay là con người nóng tính, dễ giận, khó chấp nhận người khác? Nếu chúng ta dám mời Chúa xét mình và biết mình như Vua Đa-vít, đó là lúc chúng ta thành thực với bản thân, là chúng ta thể hiện được niềm tin trọn vẹn, là cách chúng ta tôn thờ mà Chúa vui lòng. Đức Chúa Trời phán Ngài là Đấng đang biết công việc của bạn, sự lao khổ và lòng nhẫn nại của bạn, sự kiên nhẫn và chịu đựng không mỏi mệt của bạn, dù bạn có nghĩ đến hay không, Ngài cũng là Đấng đang biết rằng bạn đã đánh mất tình yêu ban đầu với Ngài (Khải Thị 2:2-4). Thánh Augustin nói rằng “cách tốt nhất để chúng ta chạy trốn Chúa là tìm đến với Ngài.”

 Bạn cảm nhận thế nào khi hiểu rằng Chúa biết mình rất rõ ràng? Hằng ngày bạn sống thế nào khi biết Chúa toàn tri?

Cám ơn Chúa vì Ngài biết rõ con, Ngài biết những điều con cần để Ngài chu cấp, Ngài biết những điều con thiếu để Ngài ban cho, Ngài biết những điều con sai để Ngài đổi mới.

Sư Tử Giu-đa

Đọc:

Ê-sai 31:1-5


Đừng khóc, kìa, Sư tử của bộ tộc Giu-đa, Hậu tự của Đa-vít, đã đắc thắng. – Khải Huyền 5:5


Bầy sư tử thơ thẩn trong khu bảo tồn thú săn ở Masai Mara của Kenya trông có vẻ như vô hại. Chúng nằm lăn trong các bụi rậm thấp. Chúng giúi mặt vào cành cây như thể tìm cách chải chuốt bờm oai phong của mình. Chúng thong thả uống từ dòng suối. Chúng chậm chạp sải bước băng qua vùng đất khô, gai gốc như thể toàn bộ thời gian trên đời này là của chúng. Lần duy nhất tôi nhìn thấy răng của chúng, là khi có một con ngáp. Tuy nhiên, vẻ mặt thanh thản đó thật dễ lầm. Lý do khiến chúng nhàn hạ như vậy là vì chúng chẳng có gì để sợ chẳng thiếu thức ăn và không có dã thú nào khác. Giống sư tử trông có vẻ ơ thờ nhưng lại mạnh mẽ nhất. Chỉ một tiếng gầm của nó, đủ khiến mọi con thú khác bỏ chạy thục mạng. Đôi khi dường như Đức Chúa Trời cũng có vẻ như thơ thẩn. Khi không nhìn thấy Ngài hành động, chúng ta kết luận rằng Ngài chẳng làm gì cả. Chúng ta nghe người khác nhạo báng và phủ nhận sự hiện hữu của Ngài, rồi chúng ta thắc mắc tại sao Ngài không tự binh vực mình. Nhưng Đức Chúa Trời “sẽ không vì tiếng la hét mà sợ hãi, không vì náo động mà khiếp sợ” (Ê-sai 31:4). Ngài chẳng có gì để sợ. Ngài chỉ cần gầm một tiếng, mọi kẻ gièm pha sẽ chạy tán loạn như loài gặm nhấm. Nếu bạn thắc mắc vì sao Đức Chúa Trời không lo âu như bạn, ấy là vì Ngài kiểm soát mọi sự. Ngài biết rằng Chúa Giê-xu, Sư tử của Giu-đa, sẽ thắng. – Julie Ackerman Link


Vì Đức Chúa Trời kiểm soát mọi sự, chúng ta chẳng còn gì để sợ.


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]