I Sử-ký 4:9-10
“Ngài đã dùng quyền phép lớn và cánh tay đưa ra mà làm nên trời và đất; chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả” (Giê-rê-mi 32:17).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều thứ ba ông Gia-bê cầu xin là gì? Từ nhận thức nào mà ông Gia-bê lại cầu xin điều đó? Được tay Chúa ở cùng quan trọng như thế nào? Ngày nay chúng ta có cần đến bàn tay đã giúp ông Gia-bê ngày xưa không?

Ông Gia-bê lại cầu xin Chúa điều thứ ba mà rằng: “Xin tay Chúa ở cùng tôi.” Muốn có bờ cõi rộng mở, cần đến một lực lượng lớn hơn, một khả năng cao hơn, một cánh tay mạnh mẽ hơn giúp sức. Ông Gia-bê nhận thức được sự bất năng và giới hạn của mình, ông hiểu rằng nếu không có bàn tay của Đức Chúa Trời thì chẳng bao giờ bờ cõi mình có thể mở rộng, chẳng bao giờ thay đổi được tình trạng bản thân. Khi chúng ta đang cảm thấy “cần một tay” đó là khi chúng ta nhận ra sự thiếu kém, bất lực của mình. Xin tay Chúa ở cùng là điều cần thiết và là lựa chọn khôn ngoan cho người nào biết Chúa. Xin tay Chúa ở cùng để có sức mạnh, “quyền năng và thế lực ở nơi tay Chúa” (I Sử-ký 29:12); xin tay Chúa ở cùng để có sự bảo vệ tuyệt vời “Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa” (Thi-thiên 31:15); xin tay Chúa ở cùng để niềm vui trọn vẹn “Tôi sẽ mừng rỡ về các việc tay Ngài làm” (Thi-thiên 92:4); xin tay Chúa ở cùng để dù té ngã vẫn được đỡ nâng “vì Đức Giê-hô-va lấy tay Ngài nâng đỡ ngươi” (Thi-thiên 37:24)… Con dân Đức Chúa Trời phải cất tiếng tạ ơn Chúa, vì một khi “tay Ngài đã giang ra, thì ai day lại được” (Ê-sai 14:27), “nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta” (Rô-ma 8:31). Chẳng những ông Gia-bê cần đến cánh tay Chúa phù hộ để mở rộng thêm bờ cõi, nhưng ông cũng hiểu rằng không có tay Chúa ở cùng thì mình chẳng thể nào gánh vác nổi bờ cõi đã được mở rộng đó, nhờ tay Chúa ở cùng mà ông Gia-bê được trổi hơn anh em mình. Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi của chúng ta trong quá khứ, nhưng nếu không có tay Ngài ở cùng thì chúng ta chẳng thể nào thắng hơn quyền lực của tội lỗi cám dỗ trong tương lai. Chúng ta đã được biến đổi trở thành tạo vật mới, nhưng nếu không có tay Chúa ở cùng, thì chúng ta vẫn sẽ sống không mục đích và vô giá trị. Khi chúng ta được giao nhiệm vụ đó là một vinh dự, nhưng phải có năng lực hoàn thành nhiệm vụ đó thì mới được khen thưởng. Nếu không có bàn tay Chúa làm việc bên trong đời sống này thì chúng ta làm được những gì? Hội Thánh ban đầu có tay Chúa ở cùng nên phát triển không ngừng, “Tay Chúa ở cùng mấy người đó, nên số người tin và trở lại cùng Chúa rất nhiều” (Công Vụ 11:21). Bàn tay chúng ta cần hôm nay cho mình, cho Hội Thánh, là bàn tay mạnh mẽ và giải quyết được vấn đề, là bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời đã giúp cho ông Gia-bê ngày xưa, “Chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả” (Giê-rê-mi 32:17).Bạn có cảm thấy mình bất lực và thiếu kém trong lãnh vực nào đó và đang cần một cánh tay giúp đỡ? Trước những nan đề của cuộc sống, bạn tìm sự giúp đỡ từ đâu? Biết cánh tay của Đức Chúa Trời sẵn sàng phù hộ, bạn có muốn đến xin sự giúp đỡ của Ngài không?

Chúa ôi, con xin tạ ơn Ngài, trong tay Chúa hồn con yên tịnh, nhờ tay Ngài lòng đầy ơn lành, hằng ngày tay Chúa an ủi phủ che hồn con; thật nhờ tay Chúa nắm con chặt lắm thay!

Khi Có Người Ngã

Đọc:

1 Cô-rinh-tô 10:1-13


Vậy nên, ai tưởng mình đứng; hãy giữ, kẻo ngã. – 1 Cô-rinh-tô 10:12


Chuyện thường tình ấy là, khi nghe về cư xử sai trái của một người được công chúng nể trọng, chúng ta có thể vô cùng thất vọng, tuy không lấy gì làm ngạc nhiên. Nhưng chúng ta sẽ phản ứng ra sao khi nghe về sự suy đồi đạo đức, dù đó là nhân vật nổi bật hay là bạn mình? Có thể chúng ta sẽ bắt đầu nhìn lại bản thân. Một thế kỷ trước, Oswald Chambers nói với sinh viên tại Bible Training College ởLondon, “Hãy luôn luôn cảnh giác với sự kiện là nếu đã có một người thất bại ở lãnh vực nào, thì bất kỳ ai cũng có thể thất bại chính xác trong lãnh vực đó… Lơ là với điểm mạnh, tức là yếu đuối gấp đôi.” Lời của Chambers nhắc lại cảnh báo của Phao-lô về việc ý thức điểm yếu riêng, khi chúng ta thấy tội lỗi nơi người khác. Sau khi nhắc lại sự bất tuân của Ít-ra-ên trong hoang mạc (1 Cô-rinh-tô 10:1-5), Phao-lô khuyến cáo độc giả học tập từ những lỗi lầm đó để sẽ không lặp lại (c.6-11). Ông không tập chú vào thất bại quá khứ mà vào kiêu hãnh hiện tại khi ông viết, “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (c.12). Lắc đầu trước lời khiển trách là phản ứng thường tình đối với tội lỗi công khai. Cúi đầu thì hữu ích hơn, “Vâng, có thể tôi cũng phạm lỗi đó” rồi cúi đầu cầu nguyện cho người vấp ngã và người tưởng mình đứng. – David McCasland


Kiêu ngạo đi trước, bại hoại theo sau; và tính tự cao đi trước sự sa ngã. – Châm Ngôn 16:18