“Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca tụng của tôi: Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài; Đức Chúa Trời của tổ phụ tôi, tôi tôn kính Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:2).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Phao-lô và ông Si-la đang đi đâu và việc gì xảy ra với họ? Họ làm gì trong tù và kết quả thế nào? Sự hiệp lòng thờ phượng Chúa đem lại năng quyền ra sao? Làm thế nào bạn kinh nghiệm được sức mạnh trong sự thờ phượng Chúa?
Hai ông Phao-lô và Si-la đang trên đường đi đến nơi cầu nguyện thì có một đầy tớ gái bị quỷ ám cứ đi theo quấy rối suốt nhiều ngày. Ông Phao-lô cảm thấy khó chịu nên đã nhân danh Chúa Giê-xu mà đuổi quỷ ra khỏi cô gái. Chủ của cô ấy tức giận do không kiếm lợi được từ việc bói toán nữa nên đã đưa hai ông đến tòa để kiện cáo rằng họ đã gây rối loạn trong thành. Cuối cùng, hai ông bị đánh đòn và bắt giam trong ngục (câu 16-24).
Dù bị bỏ tù, bị cùm chân vì đã làm việc tốt cho người khác, nhưng lòng tin cậy Chúa và tinh thần thờ phượng Đấng mà họ đang rao giảng không hề bị vơi đi. Bất chấp hoàn cảnh đau buồn thế nào, họ cứ bền lòng cầu nguyện và lớn tiếng ca ngợi Chúa. Chính tiếng hát ca tụng Chúa của họ ngay giữa đêm ấy đã đem đến sức mạnh vô biên. Ngay lúc đó xảy ra cơn động đất lớn khiến các nền ngục rúng động và các cửa ngục đều mở tung, xiềng xích cũng bị rớt ra (câu 26). Sức mạnh của sự thờ phượng Chúa được bày tỏ cách rõ ràng. Cả trại giam đều sửng sốt và kinh hoàng. Người sợ hãi nhất chính là viên cai ngục, đến nỗi ông muốn tự sát do sợ bị trách nhiệm nếu các tù nhân đều trốn thoát. Nhưng Sứ đồ Phao-lô đã trấn an ông và cho biết các tù nhân đều còn ở đó (câu 27-28). Viên cai ngục run rẩy quỳ dưới chân hai ông Phao-lô và Si-la (câu 29). Ông đã nhận ra quyền năng lạ lùng từ hai vị này nên đã hỏi rất chân thành: “Tôi phải làm gì để được cứu?” (câu 30). Đây là cơ hội cho hai ông làm chứng về Chúa và ngay đêm đó viên cai ngục cùng cả nhà ông đều tin nhận Chúa (câu 34).
Chính sự hiệp lòng ca ngợi, thờ phượng Chúa của hai ông Phao-lô và Si-la đã đem đến sức mạnh diệu kỳ, quyền năng của Chúa được bày tỏ và năng quyền cứu rỗi được thực hiện. Chúng ta cũng thấy có rất nhiều trường hợp khi con cái Chúa đối diện với nghịch cảnh, thử thách, đau thương, thì nhờ vào sự ca ngợi thờ phượng Chúa mà họ nhận được sự bình an và kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Sự hiệp một thờ phượng Chúa giúp chúng ta đến gần với Chúa và thêm năng lực cho chúng ta để đối diện khó khăn và vượt qua nghịch cảnh.
Bạn có cảm nhận được năng quyền và sự hiện diện của Chúa khi thờ phượng Ngài không?
Lạy Chúa, xin nhắc nhở con dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ lòng tin cậy và ca ngợi Chúa. Xin giúp con kinh nghiệm được sức mạnh trong sự hiệp một thờ phượng Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sử Ký 26.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien