Trong hai tuần liên tiếp tôi đã cử hành tang lễ cho hai người cùng qua đời vì chứng nan y, biết rõ cái chết đang đến với mình. Cả hai đều đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng cứu rỗi đời mình và cả hai đều đã đi vào cõi vĩnh hằng trong an bình. Sự ra đi của hai người nầy làm tôi nhớ đến một tác giả nổi tiếng là bà Elisabeth Kubler-Ross. Elisabeth Kubler-Ross là một bác sĩ tâm thần, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân sắp chết nên bà thông cảm với tâm trạng của họ. Bà là một trong những người đi tiên phong trong việc thiết lập hệ thống hospice trong các bệnh viện để chăm sóc các bệnh nhân đi dần đến chỗ chết. Nữ bác sĩ Kubler-Ross cũng đã qua đời vào tháng 8 năm 2004 và được nhiều người biết đến qua quyển sách mang tựa đề Chết và Chờ Chết (On Death and Dying) xuất bản năm 1969. Sách nầy đã giúp cho nhiều người thấy rõ tâm trạng của những người mắc những chứng nan y và chờ cái chết đến với mình.
Trong quyển Chết và Chờ Chết, nữ bác sĩ Kubler-Ross nói về năm giai đoạn mà các bệnh nhân biết rằng mình sẽ chết thường đi qua. Năm giai đoạn đó là khước từ, phẫn nộ, mặc cả, xuống tinh thần và chấp nhận. Trước hết, khi một người được cho biết là mình mắc phải chứng nan y, phản ứng thông thường đầu tiên là không tin, không cho đó là sự thật, nghĩ rằng việc đó xảy ra cho người khác chứ không thể xảy ra cho mình. Đó là giai đoạn khước từ, chối bỏ, gạt sang một bên sự thật phũ phàng mình phải đối diện. Sau đó khi bệnh nhân biết rằng chứng nan y của mình là sự thật không thể chối cãi, người ấy sẽ quay ra phẫn nộ, giận dữ. Người đó sẽ oán trách Trời đất, than thân trách phận và giận dữ với hoàn cảnh và mọi người chung quanh. Theo bà Kubler-Ross, sau đó bệnh nhân sẽ đi đến giai đoạn mặc cả. Thay vì oán than Trời đất và người chung quanh, nếu là người có niềm tin, người ấy sẽ cầu xin cho mình được sống thêm, mình sẽ làm điều nầy điều nọ. Hay là nghĩ đến điều nầy điều kia để tự an ủi. Nhưng rồi tâm trạng đó cũng hết và tinh thần bệnh nhân sẽ suy sụp, bước vào tình trạng suy nhược tinh thần. Và cuối cùng, sau khi khước từ, oán than, mặc cả và đau buồn, những bệnh nhân chờ cái chết đến với mình chỉ có thể chấp nhận. Chấp nhận và chờ đợi điều chắc chắn phải xảy ra cho mình. Nữ bác sĩ Kubler-Ross mắc chứng tai biến mạch máu não và bị tê liệt từ năm 1995. Chính bà cũng đã trải qua nhiều kinh nghiệm bệnh hoạn và viết những đều nầy với tinh thần thông cảm và hòa cảm với bệnh nhân.
Năm giai đoạn mà các bệnh nhân mắc chứng nan y trải qua cũng là những giai đoạn mà những người chịu tang hay mất đi người thân yêu thường trải qua. Khi có người thân yêu qua đời, trước hết chúng ta không chịu chấp nhận, không nghĩ rằng người thân của mình đã mất. Nhưng rồi đối diện với sự thật, chúng ta sẽ trở thành tức giận, oán trách Trời đất hay hoàn cảnh hay nguyên nhân đã cướp đi sự sống của người thân. Rồi đến giai đoạn mặc cả, trả giá, nghĩ thế nầy thế nọ để tự an ủi nhưng rồi cũng sẽ đi đến chỗ buồn phiền cực độ, xuống tinh thần. Đến cuối cùng, nhờ thời gian, những người có tang những người thân yêu nhất của mình mới chấp nhận sự thật để phục hồi. Tác giả Kubler-Ross trong quyển Chết và Chờ Chết nói rằng:
Chết chẳng có gì đáng sợ cả. Chết có thể là kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong đời sống, tất cả tùy nơi cách chúng ta sống.
Có đi thăm những bệnh nhân chờ chết, có nói chuyện với những người mắc chứng nan y, có chứng kiến hay kinh nghiệm việc qua đời của người mình yêu thương, chúng ta mới thông cảm phần nào những tâm trạng mà họ trải qua. Bà Kubler-Ross đã thật sự nói lên được tâm trạng của nhiều người và giúp cải thiện đời sống của những người sắp chết. Có một điều không ai chối cãi được là chính tác giả dù nói về chết và chờ chết, chính mình cũng phải chết. Có hai vấn đề đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là:
1. Chết là con đường đi chung của nhân loại.
Không ai tránh khỏi cái chết. Tâm trạng cuối cùng của người chờ chết là chấp nhận. Chấp nhận cái sự thật sẽ đến cho tất mọi người. Nếu chết là điều tất nhiên sẽ xảy đến cho mọi người, chấp nhận phải là thái độ đầu tiên của chúng ta trước cái chết. Thay vì khước từ, giận dữ, mặc cả, xuống tinh thần, vì trước sau gì chúng ta cũng phải đi đến chỗ chấp nhận. Vậy thì tại sao chúng ta không chấp nhận cái chết từ đầu, coi đó là chuyện dĩ nhiên, chắc chắn sẽ xảy ra cho mình và mọi người để không phải trải qua những tình cảm hay tâm trạng không cần thiết. Thánh Kinh dạy rằng:
Theo như đã định cho mọi người phải chết một lần rồi chịu phán xét (Thư Hê-bơ-rơ 9:27)
Ai cũng phải chết một lần, nhưng sau cái chết, mỗi chúng ta phải trình diện với Thiên Chúa để chịu xét xử. Thiên Chúa là Đấng dựng nên chúng ta, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về đời sống Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
2. Sống như thế nào?
Đã có quá nhiều lời dạy về đời sống nhưng vấn đề quan trọng là những lời dạy đó giúp được gì cho ta khi đối diện với cái chết. Niềm tin nơi cuộc sống bên kia là điều không ai chối cãi. Sâu kín trong tâm hồn, ngay cả những người vô thần cũng phải nhận rằng có đời sống bên kia cái chết. Đời sống bên kia cái chết liên quan đến thưởng phạt, liên quan đến kết quả hay hậu quả của cuộc sống hôm nay. Lời Chúa khẳng định:
Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ ở trên người đó (Phúc Âm Giăng 3:36)
Con là nói đến Đức Chúa Con, Đức Chúa Giê-xu, Đấng chịu chết trên cây thập tự để cứu nhân loại. Chúa Giê-xu chịu chết cho tất cả mọi người nhưng chỉ những ai tin Chúa mới kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa. Người không tin, khước từ ơn cứu rỗi của Chúa thì tội lỗi không được tha thứ, và vì vậy phải lãnh lấy án phạt của Chúa. Chính vì vậy mà Kinh Thánh dạy: “Ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ ở trên người đó.” Cơn thịnh nộ của Chúa nói đến đức thánh khiết của Ngài, không thể dung dưỡng tội lỗi. Vì vậy cho nên được tha thứ tội lỗi là điều quan trọng nhất trên đời, chỉ như vậy chúng ta mới có thể đối diện với cái chết mà không có gì phải sợ.
Người tin Chúa biết rằng khi từ giã cõi đời nầy, linh hồn của người ấy được về ngay với Chúa. Cái gì còn lại chỉ là thân xác, chỉ là cái vỏ. Đến ngày cuối cùng, lúc Chúa Giê-xu trở lại, thân xác đó sẽ phục sinh và chúng ta sẽ ở với Chúa đời đời. Nếu chúng ta chỉ có hy vọng về đời nầy mà thôi, Thánh Kinh cho biết, chúng ta là những người khốn khổ hơn hết. Nhưng chúng ta có hy vọng về tương lai, về cuộc sống đời sau vì niềm tin chúng ta đặt nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã chết và sống lại. Chúa Giê-xu đã sống lại cho nên chúng ta cũng sẽ sống lại trong ngày cuối cùng.
Niềm tin nơi Chúa Giê-xu với những hy vọng trong cõi đời sau sẽ giúp chúng ta không phải trải qua những gia đoạn tâm lý như vừa kể nhưng sẽ tin tưởng và chấp nhận để tận hưởng ân phúc của Thiên Chúa ngay trên đời nầy và cả cõi đời sau. Sống với niềm tin nơi Thiên Chúa qua Chúa Giê-xu chính là lựa chọn con đường để sẵn sàng cho cuộc sống bên kia cái chết.
Mục Sư Nguyễn Thỉ