HTTL Hà Nội – “Phải làm gì với những đứa con của chúng ta đây?” Một nhóm các bậc phụ huynh ngồi lại với nhau trong văn phòng của tôi vừa khóc vừa đưa ra những câu hỏi bàn về con cái của mình.
Tôi là một mục sư phụ trách các em thiếu niên, và tôi thấy ngạc nhiên vì lần này các bậc phụ huynh ở Hội Thánh không còn đề cập đến việc những em thiếu niên hư, thích tiệc tùng và say xỉn. Lần này họ lại kể câu chuyện về các “Cơ Đốc nhân ngoan” được lớn lên trong gia đình và nuôi dưỡng trong nhà thờ nhưng lại từ bỏ đức tin khi bắt đầu đi học Đại học – Cao Đẳng.

Những em này từng là thành viên của Ban Thiếu niên, tham gia rất nhiều hoạt động dành cho thanh thiếu niên của Hội Thánh, hăng hái trong những chuyến đi Truyền giáo ngắn hạn và phục vụ trong một vài mục vụ khác nhau khi còn là thiếu niên.

Nhưng bây giờ các em lại không làm bất kỳ mục vụ nào nữa. Dù các phụ huynh đau khổ này có đưa ra ý tưởng cử người đến chăm sóc đặc biệt về niềm tin cho con em của họ ở trường Đại học, tôi không thực sự nghĩ phương pháp này sẽ giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Số liệu thống kê lượng sinh viên đi nhà thờ khiến chúng tôi thực sự đau lòng và hoang mang. Hội Thánh chúng tôi đã làm gì sai? Ban Thiếu niên đã làm gì sai? Báo cáo và khảo sát dường như cũng không ra được vấn đề. Và không có một giải pháp đơn giản nào có thể mang những người trẻ hư mất kia về với Hội Thánh ngoài việc tiếp tục cầu nguyện và gieo Phúc Âm vào chính đời sống các em.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn vào những em ở lứa tuổi gần 20 đang cam kết và phục vụ trong các mục vụ tại các Hội Thánh. Điều gì đã giúp các em này vẫn đang trung tín sinh hoạt ở Hội Thánh? Dưới đây là một vài quan sát của tôi đối với những bạn trẻ như thế và hi vọng những ai đang hướng dẫn các em thiếu niên cũng nên suy nghĩ và áp dụng:

1. Thiếu niên cần được biến đổi

Sứ đồ Phao-lô không sử dụng các cụm từ như “Cơ Đốc nhân trên danh nghĩa” hay “đứa trẻ khá ngoan”. Chúng ta có thể nói: “Đúng là em thiếu niên này đã làm điều sai, nhưng em ấy cũng tốt đấy chứ.” Nhớ rằng Kinh Thánh không nói như vậy.

Khi chúng ta đối diện với sự biến đổi nhắc đến trong Kinh Thánh, chúng ta biết rằng cần có sự biến đổi triệt để: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17).

Chúng ta, những mục sư, lãnh đạo và anh chị hướng dẫn, cần phải nhìn lại để hiểu ơn cứu rỗi đúng như bản chất của nó: sự cứu rỗi là một phép lạ đến từ năng quyền vinh quang của Đức Chúa Trời qua hành động của Đức Thánh Linh. Thiếu niên ngoan là chưa đủ. Chúng ta cần thiếu niên được biến đổi.

Chúng ta không nên chỉ hài lòng vì các em sinh hoạt cùng nhóm thanh thiếu niên và tham gia những kỳ trại vui vẻ. Chúng ta cần quỳ gối và cầu nguyện để Đức Thánh Linh sẽ làm công việc cứu chuộc kỳ diệu của Ngài trong lòng mỗi em. Tóm lại, chúng ta cần tập trung vào sự biến đổi. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta đang rao giảng về “Tin Lành không được biến đổi”?

Hỡi những nhân sự đang giúp đỡ thế hệ trẻ, chúng ta cần phải rao giảng, dạy dỗ và trò chuyện với các em thiếu niên, đồng thời cần cầu nguyện dốc đổ để công việc kỳ diệu của sự tái sinh diễn ra ngay trong tấm lòng và linh hồn của những bạn trẻ bằng năng quyền của Đức Thánh Linh.

Khi điều này xảy ra, chắc chắn “cái cũ qua đi” và “cái mới đến”. Chúng ta sẽ không phải làm việc với một nhóm các “Cơ Đốc nhân trên danh nghĩa”. Chúng ta sẽ sẵn sàng dạy dỗ, môn đồ hóa và trang bị cho thế hệ lãnh đạo Hội Thánh tương lai – “những tạo vật mới”– ấy là những người luôn khao khát được biết và chia sẻ lời Chúa. Đó là những người trẻ được biến đổi để tiếp tục yêu mến Chúa Giê-xu và phục vụ Hội Thánh.

2. Thiếu niên cần được trang bị (chứ không chỉ giải trí)

Gần đây chúng tôi có “ngày của phái mạnh” dành cho một số các bạn nam trong Ban Thiếu niên của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu với một trận đấu bóng rổ ở công viên, sau đó là chơi điện tử và kết thúc vào buổi chiều với bữa ăn gồm pizza và nước ngọt.

Tôi không hề phản đối những thú vui do Ban Thiếu niên tổ chức (tạm thời chưa tranh cãi xem những hoạt động trên đúng hay sai nhé), nhưng những mục sư hay anh chị hướng dẫn thiếu niên cần liên tục nhắc lại lời Chúa trong Ê-phê-sô 4:11-12 cho chính bản thân mình:

“Chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm nhà truyền giảng Tin Mừng, một số làm mục sư và giáo sư, để trang bị các thánh đồ cho những công tác phục vụ, nhằm xây dựng thân thể của Đấng Christ.”

Đấng Christ cho chúng ta ơn dạy dỗ Hội Thánh, không phải chỉ để vui chơi cùng nhau hay để xây dựng mối thông công. Ngài đưa chúng ta đến Hội Thánh để “trang bị” cho những người làm sứ mạng Phúc Âm, để mở mang Hội Thánh của Chúa.

Dù tôi giảng hay thế nào đi chăng nữa mà tôi vẫn không trang bị cho các em cách chia sẻ Phúc Âm hay môn đồ hóa những người mới tin Chúa và hướng dẫn việc học Kinh Thánh thì tôi vẫn chưa hoàn thành sự kêu gọi của mình. Để các em được cứu rỗi, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện.

Nhưng sau khi đã được biến đổi rồi, nhiệm vụ mà Chúa giao cho chúng ta là phải thổi bùng lên ngọn lửa đức tin để các em phục vụ, dẫn dắt, dạy dỗ và tăng trưởng. Nếu các sinh viên của chúng ta ra trường mà không có thói quen đọc Kinh Thánh, kỹ năng học Kinh Thánh và làm gương sáng trong việc môn đồ hóa và cầu nguyện thì chúng ta đã khiến họ hư mất. Chúng ta mua vui cho các em chứ chưa trang bị được gì cả. Điều này thật đáng buồn.

Hãy tạm quên đi những chương trình dành cho thanh thiếu niên. Liệu các em thanh thiếu niên hiện tại có giữ vững niềm tin của mình khi vào Đại học, khi đi làm? Các em liệu có tham gia vào Hội Thánh mới và bắt đầu tự phục vụ Chúa tại đó mà không cần ai nhắc nhở không? Chúng ta có đang trang bị hết khả năng cho các em, hay chỉ đơn thuần là chúng ta đang dành cho các em khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái với nhau?

Chúng ta không cần những nhóm thanh niên chơi vui vẻ, chúng ta cần trang bị từ trong Hội Thánh để chúng có thể dạy dỗ, dẫn dắt và phục vụ. Hãy gạt những kế hoạch dành cho Ban Thiếu niên sang một bên, nhìn thẳng vào một em thiếu niên và tự hỏi rằng: “Tôi phải làm thế nào để trong khoảng 4 năm tới có thể trang bị cho em này tốt nhất có thể? Để 10 năm nữa gặp lại tôi nhận ra rằng em đã trở thành một chấp sự/lãnh đạo trong Hội Thánh hay một giáo viên trường Chúa nhật cho thiếu nhi?

3. Thiếu niên cần được cha mẹ dạy lời Chúa

Trong vai trò mục sư cho thanh thiếu niên, tôi không thể làm tất cả những điều trên. Tất cả những sự trang bị mà tôi đề cập tới hoàn toàn nằm ngoài giới hạn khả năng của tôi. Tôi không thể mang đến sự biến đổi cho các em, và tôi cũng không thể trang bị cho các em hiệu quả ở nhà thờ nếu như về đến nhà gia đình không tiếp tục trang bị.

Tất cả những “cựu thiếu niên” đang phục vụ tại Hội thánh thường có một điểm chung: lời Chúa là trung tâm trong gia đình các em. Những nhân sự thanh niên trong lứa tuổi 20, những người đang phục vụ, dẫn dắt và điều hành thế hệ trẻ chính là những đứa trẻ xưa kia được bố mẹ dắt đến nhà thờ.

Khi còn là những đứa trẻ, bố mẹ họ sẽ phạt và bắt họ phải giải trình mỗi khi họ nổi loạn hay chống đối. Họ được nghe bố mẹ đọc Kinh Thánh trong mỗi buổi tối. Bố mẹ họ dù nghiêm khắc nhưng thực ra đang làm theo lời Chúa vì lợi ích của con em mình.

Tất nhiên đây không phải là công thức đúng với mọi trường hợp. Có những em “đạo dòng” vẫn bỏ Chúa, và có những em sống trong gia đình tan vỡ nhưng lại phục vụ Chúa hết mình khi thực sự kinh nghiệm được Ngài. Những điều này không phải không xảy ra, nhưng rất ít. Nhìn chung, những em được lớn lên trong gia dình có cha mẹ yêu Chúa, yêu thương lẫn nhau và yêu con cái sau này cũng sẽ trở thành Cơ Đốc nhân yêu và phục vụ Chúa.

Lời Chúa trong Châm ngôn 22:6 không đưa ra một khuôn mẫu luôn đúng 100%, nhưng lại cho chúng ta một nguyên tắc đến từ kế hoạch kì diệu của Chúa, và Đức Chúa Trời luôn vui mừng khi những lời kì diệu của Ngài được lưu truyền qua các thế hệ: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó.”

Hỡi những người dẫn dắt các em thiếu niên, hãy cầu nguyện dốc đổ cho sự biến đổi thực sự, đó là công việc của Đức Chúa Trời. Hãy trang bị các em cho công việc của Hội Thánh, đó là phần việc của bạn. Hỡi những bậc làm cha mẹ, hãy giảng dạy lời Chúa cho con mình và sống đời sống tràn đầy Phúc Âm, những mục vụ Hội Thánh làm đều phụ thuộc vào bạn.

Tin bài: Thùy Dương
Lược dịch từ: TheGospelCoalition.org

Xem tiếp: Làm Sao Để Thiếu Niên Tiếp Tục Phục Vụ Chúa Khi Trưởng Thành? http://www.hoithanhhanoi.com/blog/van-hoa/lam-sao-de-thieu-nien-tiep-tuc-phuc-vu-chua-khi-truong-thanh#ixzz4GAOucXF9