HƯỞNG ỨNG LỜI THƯỢNG ĐẾ

Chúng ta đã xét qua một số nguyên tắc, chung cũng như riêng, trong việc học và giải Kinh. Trước khi bạn bắt đầu học và giải Kinh Thánh, bạn nên đọc lại chương sáu. Những đề nghị trong đó rất quan trọng, sẽ giúp ích nhiều cho bạn.
Trước khi thật sự học, chúng ta cần nghĩ về mục tiêu thật sự của sự hiểu biết Lời Thượng Đế. Mục đích của Thượng Đế là gì khi Ngài ban Kinh Thánh cho chúng ta? Chính lời Ngài cho chúng ta biết : để chúng ta trở nên con cái Thượng Đế và làm vinh hiển danh Ngài.
Một người có thể học Kinh Thánh rất nhiều về mặt lý thuyết và kỹ thuật, nhưng người ấy chỉ hiểu biết thật sự khi hưởng ứng đòi hỏi của Thượng Đế qua lời Ngài. Kinh Thánh có một chiều kích tâm linh mà con người chỉ lãnh hội được khi đem ý chí hưởng ứng lời Ngài phán, chứ không phải khi lấy lý trí phân tích ngôn ngữ.
Ví dụ, chúng ta học Roma12:1, phân tích và hiểu biết hết những công dụng và ý nghĩa của những chữ trong đó như vậy nên, của lễ, sống và biết câu nầy dạy rằng chúng ta phải sống tận hiến cho Thượng Đế. Nhưng nếu tất cả những hiểu biết đó chỉ là một mớ lý thuyết thì chúng ta chưa thật sự hiểu câu Kinh Thánh.
Hiểu Kinh Thánh một cách thuần lý thuyết chỉ là hiểu nghĩa “chữ” của Kinh Thánh, nhưng “chữ làm cho chết ” (2:29, IICor 3:6). Học chân lý thiêng liêng hay đạo đức mà không chấp nhận sự thánh thức của nó thì càng làm cho tâm linh chai lỳ. Vì vậy ta phải cẩn thận đừng học Kinh Thánh như một ngành học của đời.
Hơn nữa, những đòi hỏi của Kinh Thánh có tính cách thẩm quyền, không phải để lựa chọn. Thượng Đế không đề nghị mà Ngài ra lệnh cho chúng ta. Chúng ta chỉ có một lựa chọn là vâng phục. Vâng phục là chìa khóa để hiểu Kinh Thánh.
HƯỞNG ỨNG THÔNG ĐIỆP THƯỢNG ĐẾ
Hưởng ứng thông điệp Thượng Đế không phải chỉ là vâng phục theo những lệnh trực tiếp của Ngài mà còn có nhiều cách khác nữa.
1. Bằng cách tuân theo những lệnh truyền và cấm chỉ của Thượng Đế
Thượng Đế bảo chúng ta phải làm điều gì đó hoặc đừng làm điều gì đó.
Một số mệnh lệnh Ngài truyền cho cá nhân hay một nhóm người trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Như Chúa Giê-xu bảo một thanh niên, “Hãy đi, bán hết gia tài mà phân phát cho kẻ nghèo rồi đến đây theo ta ” (Mathio 19:21). Văn mạch cho thấy của cải anh ta là một một trở ngại cho anh theo Chúa. Như vậy Ngài bảo anh ta làm điều đó, nhưng không bảo mọi người như vậy. Một lần Chúa bảo một người được chữa lành muốn theo Ngài: “Hãy về nhà thuật lại những điều Chúa đã làm cho ngươi. ” Đó là lệnh đặc biệt cho người đó vì Ngài có việc cho anh ta làm. Cũng như trước lễ Ngũ Tuần Chúa đã bảo môn đồ, “Hãy ở lại trong thành, cho đến khi các ngươi được mặc lấy quyền phép từ trên cao. ”
Tuy mệnh lệnh đặc biệt chỉ áp dụng cho một người hay một nhóm người, nhưng nơi gốc rễ thâm sâu của mệnh lệnh đó có những nguyên tắc mà Thánh Linh muốn cho ta áp dụng. Ví dụ trong lệnh truyền cho người thanh niên có một nguyên tắc, có lẽ đó là mỗi người nên gạt bỏ mọi trở ngại để theo Chúa. Có thể Chúa muốn tất cả chúng ta đều áp dụng nguyên tắc đó.
Có những mệnh lệnh khác tổng quát hơn: “Hỡi anh em, hãy vui mừng trong Chúa ” (Philip  3:1). “Vậy, anh em hoặc ăn hoặc uống hay làm điều gì cũng hãy vì vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm ” (ICor 10:31) hay Cham Ngon 27:1 “Đừng khoe về ngày mai, vì không biết ngày mai sẽ ra sao ”, và rất nhiều mệnh lệnh khác nữa. Chúng ta hãy tìm hiểu và thông giải cho đúng, rồi vâng theo.
Nhiều câu Kinh Thánh (như Giang 14:15, Rom 8:4, IGiang 2:3, 5:3) chỉ ra rằng chúng ta có nghĩa vụ phải tuân lệnh Chúa, vì sự tuân phục đó chứng tỏ chúng ta yêu mến Ngài. chúng ta phải thực hiện sự công chính của luật pháp Thượng Đế. Phao-lô đề cập đến vấn đề nầy trong ICor 9:1-27. Ông trở nên mọi cách cho mọi người nhưng không có nghĩa là ông không bị luật Chúa ràng buộc.
Như vậy luật pháp Thượng Đế đặt trên chúng ta. Khi chúng ta học Cựu Ước, chúng ta phải thấy cái nào cho thời đó và cái nào là vô thời hạn. Ngay trong Tân Ước, cũng có những điều Chúa truyền có tính cách văn hóa đặc biệt của thời đó, nhưng trong đó có những nguyên tắc chung cho mọi thời. Xem Giang 13:14-15, Chúa Giê-xu rửa chân cho môn đồ và bảo họ theo gương Ngài. Một số học giả cũng liệt những chỉ thị của Phaolô về việc đàn bà để tóc và trùm đầu, giữ yên lặng trong buổi nhóm (ICor 11:2-16, 14:33-35) cũng thuộc vào loại đó.
2. Bằng cách lãnh nhận những điều Chúa hứa và tránh những điều Ngài răn đe
Trước hết chúng ta phải biết có nhiều loại lời hứa và ngăm đe khác nhau. Có những lời hứa vô điều kiện, Thượng Đế nói Ngài sẽ ban điều tốt cho con người bất kể họ hành động ra sao. Ví dụ lời hứa trong Sang The Ky 9:11 nói rằng Ngài sẽ không dùng nước lụt hủy diệt trái đất nữa. Nó không tùy thuộc hành vi con người, đó là lời hứa vô điều kiện của Thượng Đế. Chúng ta nhận và cảm ơn về những lời hứa đó, nhưng cũng nghiên cứu cẩn thận xem có thật và vô điều kiện không. Vì có khi có điều kiện nhưng không thấy rõ ngay (Xem 15:14-16, Gieremi 22:5).
Hầu hết các lời hứa trong Kinh Thánh là có điều kiện. Những lời hứa có điều kiện có khi nói rõ điều kiện theo sau bằng chữ Nếu ngươi hay những chữ nào khác tương tự. (xem Phuc Truyen 28:2-3, Roma 10:9, Khai Huyen 2:7) có khi lời hứa đưa ra điều kiện gián tiếp, như ISam 2:30, “ta sẽ tôn trọng người nào tôn trọng ta. ” Có khi điều kiện không nằm trong cùng một câu với lời hứa (Xem Gieremi 31:34 và văn mạch Esai 58:1-14). Một khi đã là lời hứa có điều kiện, chúng ta không thể nào nhận lời hứa nếu không làm theo điều kiện, tìm cách thực hiện nó, rồi bởi đức tin vui nhận lời hứa.
Những lời hứa của Kinh Thánh cũng có thể là trực tiếp hay gián tiếp. Những lời hứa trực tiếp thì rõ ràng, như “ta sẽ bổ sức cho ngươi ” (41:10). Những lời hứa gián tiếp thì không dễ dàng nhận thấy như vậy, như câu Heboro 10:34 “vì anh em biết có của quý hơn hằng còn luôn. ” Một số học giả cho rằng đó là câu diễn tả sự kiện hơn là lời hứa vì nó nói về cái người ta có hơn là cái sẽ được. Nhưng vì đây là của cải trên trời tương phản với của cải dưới đất, ta chỉ có thể hưởng trọn trong tương lai, nên chúng ta có thể xem là lời hứa gián tiếp.
Dù là trực tiếp hay gián tiếp, các lời hứa cần được học hỏi cẩn thận, với tinh thần cầu nguyện và lòng tin, ta tiến tới nhận lãnh.
Ngăm đe là những lời tuyên bố nghiêm trọng về sự trừng phạt của Thượng Đế. Ngài phạt người ta vì điều họ làm, vì tội họ phạm; như vậy, tất cả những lời ngăm đe đều có điều kiện. Trong Phuc Truyen 28:1-68 có một danh sách rủa sả dài tiếp theo một danh sách phước lành. Các phước lành mở đầu bằng Nếu các ngươi chăm chỉ vâng theo và các điều rủa sả mở đầu bằng Nếu các ngươi không vâng theo.
Chúng ta áp dụng lời ngăm đe bằng cách tìm hiểu cả lời ngăm đe và điều kiện, rồi vâng theo điều kiện, như vậy sẽ tránh được điều ngăm đe.
3. Bằng cách học hỏi những gương tốt cũng như gương xấu
Chúng ta có thể học hỏi qua những điều các nhân vật trong Kinh Thánh nói về mình và những điều Kinh Thánh nói về họ. Như trong các lời làm chứng của các thi thiên, tiên tri và Phao lô, Phi-e-rơ trong các thư tín.
Đôi khi thật khó mà bình giải những hành động, lời của các nhân vật trong Kinh Thánh. Không thể định được đó là gương tốt hay gương xấu. Phao-lô và Ba-na-ba đều đúng cả hay sai cả trong vụ cải vả nhau về Mác (Cong vu 15:36-41), hay có một người đúng một người sai? Hành động của Phaolô trong 16:3 hay trong 21:26 thì sao? Có người cũng nêu lên câu hỏi tương tự về các Thi Thiên Rủa Sả. Không dễ gì trả lời những câu hỏi nầy. Chúng ta phải học tập cẩn thận với tinh thần cầu nguyện.
Chúng ta phải tìm ra nguyên tắc nằm sau mỗi gương mà áp dụng vào hoàn cảnh chúng ta. Ví dụ, Roma 2:17-25, câu 25 nói về người Do Thái có cắt bì, có luật pháp mà không làm theo. Nguyên tắc là: bạn có sự mặc khải và răn giới của Chúa mà nếu bạn không làm theo thì việc giữ nghi lễ chẳng ích lợi gì. Áp dụng cho chúng ta là chúng ta có những nghi lễ như Tiệc Thánh, Báp-têm, những nghi lễ chỉ có ích cho ta khi vâng phục Lời Thượng Đế, còn không thì chẳng ích lợi gì cả. Những gương trong Kinh Thánh là nhắm cho chúng ta (ICor 10:6, 11). Chúng ta phải tìm hiểu những nguyên tắc thuộc linh trong đó rồi nhờ ơn Chúa mà làm theo.
4. Bằng cách tin vào những lời tuyên bố về chân lý của Thượng Đế
Nhiều câu không có những lời kêu gọi hay mệnh lệnh trực tiếp, mà chỉ khẳng định một điều gì đó là chân lý. Thường thường đó là những câu tuyên bố về Thượng Đế có kèm theo một lời kêu gọi con người phải làm gì. Ví dụ câu Giang 4:24 “Đức Chúa Trời là thần nên ai thờ phượng Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy. ” (Xem Xuat 19:4-6, Thi Thien 9:7-10.). Có câu chỉ tuyên bố chân lý, không có kêu gọi (Xem Xuat 34:6-7, Thi Thien 8:1, 24:1-2). Có thể những câu gần đó có nói tới mệnh lệnh liên hệ ít nhiều tới chân lý đó, nhưng không trực tiếp liên hệ.
Không phải vì chúng ta tin mà những lời đó trở thành chân lý. Đó là chân lý dù chúng ta tin hay không. Chúng ta chỉ tiếp nhận và cảm ơn Thượng Đế. Tuy nhiên, kinh nghiệm chúng ta về chân lý còn tùy thuộc chúng ta có hành động theo ý đó hay không. Thượng Đế là Đấng tha thứ, nhưng kinh nghiệm về sự tha thứ của tôi còn tùy thuộc tôi có ăn năn tội lỗi, xưng ra và nhận sự chết của Chúa làm căn bản cho sự xóa tội không. Chúng ta cần có đức tin như trẻ thơ để nhận những điều Kinh Thánh nói về Thượng Đế và những điều Ngài làm.
5. Bằng cách làm theo những điều giáo huấn trực tiếp
Những điều giáo huấn nầy không hẳn phân biệt với 4 điểm kia, nhưng dạy trực tiếp về Thượng Đế và công việc Ngài. Những giáo huấn nầy không có hình thức mệnh lệnh hoặc kêu gọi trực tiếp.
Như I Cô 13 nói về tình yêu thương của người Cơ-đốc. Phao-lô không hề bảo, “anh em phải yêu thương như thế nầy” Ông chỉ dạy, “Tình thương là như vậy” nhưng sự kêu gọi và thách thức gián tiếp rất mạnh mẽ. Tôi cảm thấy ngay đó là điều tôi phải làm. Nếu tôi không có, tôi phải nhờ Thượng Đế giúp tôi yêu thương như chương Kinh Thánh đã mô tả. Đối với những lời dạy dỗ như vậy, tôi cần đáp ứng như thế nào? Trước hết, tôi nhìn nhận đó là ý muốn Thượng Đế đối với tôi. Rồi tôi tìm cách tuân theo, nhờ vào sức mạnh của Thượng Đế.
HIỂU BIẾT KINH THÁNH
Sau khi bạn biết những điều cần thiết để học và giải kinh, vẫn còn một đòi hỏi căn bản nữa là bạn phải khát khao lời Thượng Đế. Nếu bạn đói khát Thượng Đế và chân lý Ngài, bạn sẽ đọc Kinh Thánh đọc đi đọc lại mãi cho thấm nhuần chân lý.
Nếu bạn không có niềm xác tín sâu xa rằng Lời Thượng Đế là 100% chân thật và cần thiết cho đời sống bạn, thì hãy cầu nguyện như Đavít rằng: “Xin hãy dựng trong con một tấm lòng trong sạch, và làm mới lại con một thần linh ngay thẳng ” (Thi Thien51:10), và cầu xin Ngài giúp bạn có thể nói như Đa-vít: “Tôi yêu luật pháp Ngài biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm về luật pháp ấy ” Hãy cầu nguyện trong khi đọc và đọc trong khi cầu nguyện.
Rồi phải biết rằng sự học hỏi của bạn đòi hỏi bạn đáp ứng Lời Thượng Đế. Đó không phải chỉ là phân tích phê bình một quyển sách, nhưng là đối diện với Thượng Đế hằng sống. Thượng Đế chờ đợi bạn tăng trưởng trong sự vâng phục, tin tưởng, và yêu thương đối với Ngài và Lời Ngài, và Ngài sẽ giúp bạn từng bước một. Tóm lại, nhờ hồng ân Ngài, bạn sẽ hiểu biết Kinh Thánh.
–®—
Trang trắng: 2,4,8,44,46,54,62,90,102,108,120,130,158,168,180,182