Đầu tuần nầy có một mẩu tin thật thú vị mà một số quý vị có lẽ cũng đã nghe. Đó là tin về một thiếu niên Nhật Bản, sau trận động đất và sóng thần vào đầu năm 2011, nhà cậu bị cuốn đi, đồ đạc bị mất hết, kể cả một quả bóng đá mà cậu rất yêu thích.

Đây là quả bóng mà các bạn đã tặng cho cậu từ khi cậu còn học lớp Ba tại ngôi làng Osabe, vùng bị nạn sóng thần năm rồi. Trên quả bóng có ghi tên và lời chúc tặng của các bạn. Sau hơn một năm, quả bóng đó đã trôi giạt qua tận bên kia bờ Thái Bình Dương và tấp vào bờ biển Alaska. Một cư dân Mỹ tại đây, có vợ là người Nhật, nhặt được quả bóng, đọc được tên và sau nhiều ngày đã liên lạc được với cậu Misaki Murakami và quả bóng đá thân yêu đang trên đường trở về với cậu sau hơn một năm trời trôi giạt!

Tìm được một quả bóng trôi giạt hơn 3,000 dặm trong đại dương thật là chuyện hi hữu. Đây là trường hợp tưởng đã mất mà tìm lại được. Trong Thánh Kinh, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã kể lại ba câu chuyện về những trường hợp mất mà tìm lại được. Trường hợp thứ nhất nói về một người có 100 con chiên và bị lạc mất một con. Người đó đã để 99 con chiên lại và đi tìm cho kỳ được con chiên lạc. Khi tìm được con chiên lạc đó, người ấy về mời bạn bè chung vui vì tìm được con chiên đi lạc. Chúa Giê-xu cũng kể câu chuyện về một phụ nữ có 10 đồng tiền quý, bị mất một dồng. Bà đã thắp đèn quét nhà để tìm cho ra đồng tiền quý và khi tìm được đã mời bạn bè đến chung vui vì tìm được đồng tiền bị mất. Sau cùng Chúa Giê-xu kể câu chuyện về một phú hộ có hai người con. Người con thứ đã xin cha chia gia tài rồi bỏ nhà ra đi. Sau khi ăn chơi hoang đàng, tiêu hết tiền bạc, cậu con trai lâm vào cảnh túng thiếu, phải đi làm nghề chăn heo. Cậu bị đói, muốn lấy vỏ đậu của heo mà ăn cho đỡ đói nhưng cũng không được phép ăn. Trong thân phận đó, cậu nghĩ đến những gia nhân ở nhà cha giờ nầy còn sướng hơn mình. Cậu con trai tỉnh ngộ và nghĩ đến chuyện trở về tạ tội với cha và chỉ xin làm người làm mướn cho cha. Tuy nhiên, khi trở về, cha cậu từ xa đã trông thấy chạy ra ôm lấy cậu mà hôn và đem cậu vào nhà. Cậu tạ tội với cha, thưa rằng con không đáng gọi là con của cha nữa. Nhưng cha cậu đã thay đổi trang phục cho cậu và mở tiệc ăn mừng. Người cha nói: “Con ta đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được!”

Cậu Misaki cho biết là đã “sốc” và thật là vui khi biết quả bóng của mình sau khi trôi giạt hơn 3,000 dặm bây giờ sẽ trở lại với mình. Tuy nhiên đối với người cha có đứa con hoang đàng quay bước, niềm vui thật không bút mực nào tả xiết. Và Kinh Thánh cho biết, đó cũng là niềm vui của thiên đàng khi có một người ăn năn, quay bước trở lại với Thiên Chúa. Thật đúng như vậy, người cha trong câu chuyện người con bỏ nhà ra đi chính là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Con người chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa, chúng ta là con của Ngài nhưng chúng ta cũng giống như người con đã bỏ nhà ra đi, không tôn thờ Thiên Chúa. Trong giòng đời giông bão, chúng ta đã đối diện với thân phận con người như người con trong câu chuyện. Xa lìa Thiên Chúa, xa lìa người cha thân yêu, xa lìa cội nguồn, chúng ta thấy được tất cả những ê chề của đời sống. Cuộc sống không còn gì ý nghĩa. Người con hoang đàng lúc đầu khi mới bỏ nhà ra đi nghĩ rằng mình được tự do, hạnh phúc, không có gì ràng buộc. Nhưng khi đối diện với thực tế của đời sống, người ấy mới thấy như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết: “Còn tiền, con bạc, còn đệ tử, Hết cơm, hết gạo hết ông tôi.” Người con nầy đã xuống đến nỗi khổ cùng tột của kiếp người do quyết định thiếu khôn ngoan của mình. Đối với người Do-thái, heo là con vật ô uế vậy mà bây giờ anh ta phải đi chăn heo và ngay cả muốn lấy thức ăn của heo mà ăn cũng không được. Chính trong hoàn cảnh đó, Kinh Thánh cho biết lúc ấy nó mới tỉnh ngộ. Tỉnh ngộ là lúc mình thấy được chính mình trong khung cảnh của đời sống. Thấy được ý nghĩa của đời sống mà chính mình không có. Trong giây phút tỉnh ngộ, người con thấy được hai điều:

1. Người con nói: “Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật mà ta đây phải chết đói!” Ý thức đầu tiên của người con là biết rằng làm người con trong gia đình, anh có bao nhiêu đặc quyền, đặc ân, hạnh phúc sung sướng mà anh đã đánh mất chỉ vì chạy theo những phù phiếm, những hứa hẹn giả dối của trần gian.

2. Ý thức thứ hai của người con là ý thức tình trạng vô cùng tội lỗi của mình. Anh ta nói với mình: “Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà rằng: Thưa cha, con đã đặng tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa, xin cha đãi con như đứa làm mướn của cha vậy!”

Là người con lạc mất, chúng ta chỉ có thể trở lại với Thiên Chúa khi ý thức hai điều trên: ý thức tình trạng cùng cực của mình trước mặt Đức Chúa Trời và nhận mình là người có tội cần ăn năn, quay bước. Người con trong câu chuyện nầy chẳng những ý thức như vậy, suy nghĩ như vậy nhưng anh cũng có một quyết định dứt khoát. Kinh Thánh ghi: “Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình.” Nhiều người suy nghĩ, biết vấn đề và thấy vấn đề nhưng vẫn không chịu ăn năn, quay bước. Những chữ “Nó bèn đứng dậy” trong câu chuyện cho thấy ngả rẽ quan trọng trong cuộc đời người nầy. Mỗi chúng ta cũng cần có một quyết định dứt khoát và bước vào ngả rẽ quan trọng như vậy.

Kết cuộc câu chuyện là một hình ảnh đẹp khó tìm thấy được trong đời sống con người. Hình ảnh người cha đêm ngày trông ngóng đứa con lạc bước mà ông tin rằng sẽ có một ngày đứa con hồi tỉnh quay bước. Vì vậy, Kinh Thánh cho biết: “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.” Và khi đứa con nói rằng: “Cha ơi, con đã đặng tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa.” Kinh Thánh cho biết người cha đã bảo đầy tớ mặc áo tốt nhất cho con, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân và giết thịt ăn mừng. Người cha nói: “Con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được.”

Trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, quý vị nghe bốn trường hợp mất mà tìm lại được: cậu Misaki tìm lại được quả bóng trôi giạt 3,000 dặm từ bờ bên nầy đến bờ bên kia đại dương. Người chăn cừu tìm lại được con cừu đi lạc, dù chỉ một con, người đó cũng đi tìm. Thiếu phụ có 10 đồng tiền quý, mất đi một đồng cũng bỏ công đi tìm đồng tiền lạc mất và người cha có đứa con thân yêu bỏ nhà ra đi đã luôn ngóng trông và mừng đón con khi đứa con tỉnh ngộ, ăn năn, quay bước. Thật ra còn một câu chuyện đi lạc trở về nữa, đó có thể là câu chuyện của chính Bạn vì mỗi chúng ta đều là con của Thiên Chúa nhưng đã xa lìa Thiên Chúa, chúng ta cần ăn năn quay bước, trở lại với Ngài. Phúc Âm chính là tin mừng cứu rỗi cho mọi người biết rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian nầy chịu chết vì tội của nhân loại và Ngài cũng đi tìm và kêu gọi mọi người ăn năn, quay bước trở lại với Thiên Chúa là Cha. Niềm tin nơi Chúa Giê-xu chỉ có nghĩa là chúng ta trở về với nguồn cội, trở về nhà Cha. Đức Chúa Trời là người cha đầy lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ và đang chờ đợi chúng ta quay bước. Quý vị có sẵn sàng quay bước trở lại với Chúa hôm nay không?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/