Chúng ta đã bước vào Mùa Tạ Ơn với những thay đổi của thời tiết và ước mong tinh thần tạ ơn cũng đến với mỗi tâm hồn chúng ta. Dĩ nhiên lúc nào chúng ta cũng phải sống với lòng biết ơn, nhưng vào tháng 11 hằng năm, tinh thần nầy cần được khơi lại và chúng ta cần được nhắc nhở cách đặc biệt.

Tháng 9 vừa qua, tôi được đặt chân đến chỗ mà những người di dân đầu tiên đã đặt chân đến Hoa-kỳ vào năm 1620. Nơi đây còn lại những di tích và hình ảnh của biến cố lịch sử trọng đại nầy, tuy nhiên tôi có một nhận xét như sau: trong những lời tường thuật và hình ảnh nhắc lại việc những người di dân đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, người ta đã cố ý không nhắc đến gì đến Thiên Chúa và niềm tin nơi Ngài, dù đó là nguyên nhân chính khiến đám người di dân nầy rời bỏ quê hương để đến Hoa-kỳ. Người ta đã làm như vậy vì một lý do mệnh danh là “đúng đắn chính trị” (politically correct) cho rằng bất cứ ngôn từ nào nhằm chỉ nói đến một niềm tin, một tư tưởng mà thôi thì không nên sử dụng vì làm như vậy là đụng đến niềm tin hay quyền tự do tư tưởng của người khác. Do đó người ta đã tránh không nhắc đến Thiên Chúa và ơn thần hựu, dẫn dắt của Ngài trong việc những người di dân đầu tiên đặt chân đến Hoa-kỳ.

Ngày 3 tháng 10 năm 1863 giữa lúc cuộc nội chiến đang tiếp diễn, tổng thống Abrahm Lincoln đã ban hành đạo luật thiết lập Ngày Tạ Ơn tại Hoa-kỳ. Trong lời công bố thiết lập Ngày Tạ Ơn, tổng thống Abraham Lincoln đã viết những lời như sau:

Một năm sắp chấm dứt, một năm đầy phước hạnh với hoa trái mùa màng nơi đồng ruộng và bầu trời an lành. Với những trù phú mà chúng ta thường xuyên tận hưởng nầy, chúng ta có khuynh hướng quên đi nguồn của những trù phú đó…

Sau khi nhắc đến những thịnh vượng và phát triển về mùa màng, khoáng sản, dân số gia tăng, v.v… tổng thống Abraham Lincoln nói tiếp:

Không phải do tài trí hay bàn tay của một con người nào mà chúng ta có được những điều nầy nhưng đây là món quà ân hậu của Thiên Chúa Chí Cao là Đấng dù phải phẫn nộ vì tội lỗi của chúng ta, Chúa cũng đã nhớ đến lòng thương xót của Ngài.

Với những lời đó, tổng thống Abraham Lincoln công bố ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hằng năm là Ngày Tạ Ơn. Ngày nầy đã được dời sang ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11 hằng năm để dân chúng có thêm thì giờ chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và năm mới theo một đạo luật của tổng thống Roosevelt vào năm 1939. Trong lời công bố thiết lập Ngày Tạ Ơn, tổng thống Abraham Lincoln gọi đây là ngày “tạ ơn và ca ngợi Người Cha thiên thượng ban ân phúc cho chúng ta.” Tổng thống Lincoln cũng đề nghị dân chúng chẳng những dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn nhưng cũng bày tỏ lòng ăn năn thống hối và cầu nguyện cho những cô nhi, góa phụ của các tử sĩ đã bỏ mình trong cuộc nội chiến.

Từ một nguồn gốc tốt đẹp, Lễ Tạ Ơn đã trở thành một dịp nghỉ, giải trí và làm nhiều điều khác mà không nhắc gì đến Thiên Chúa hay tạ ơn Ngài. Thật sự không phải nước Mỹ hay người Hoa-kỳ mới tạ ơn Thiên Chúa, nhưng nhân loại nói chung, mỗi chúng ta đều phải tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã tạo dựng chúng ta và mỗi điều chúng ta đang có và thụ hưởng, từ sự sống, hơi thở đến của cải, tiền bạc, sức khỏe, tài năng… Mỗi điều chúng ta có, chúng ta đều mang ơn Thiên Chúa. Dù không muốn mang ơn ai, trong thực tế, cả cuộc đời chúng ta nằm trong tay Thiên Chúa và chúng ta phải mang ơn Ngài.

Trong lá thư gởi cho người ở Rô-ma trong thế kỷ thứ nhất, Thánh Phao-lô viết:

Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hóa (Thư Rô-ma 1:18-25).

Đó là bức tranh mô tả con người của thế kỷ thứ nhất và cũng là hình ảnh của con người hôm nay và tất cả đều bắt đầu ở chỗ con người “tuy biết Thiên Chúa… đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo.” Tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa đó là đạo làm người vì Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả, đã làm tất cả mọi sự cho con người chúng ta. Từ chỗ không tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, con người đã kiêu ngạo, tôn thờ chính mình và các loài thọ tạo khác thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Và vì vậy mà Thiên Chúa đã phó mặc con người buông theo dục vọng và sống đời tội lỗi.

Như vậy, chúng ta thấy rằng đời sống tội lỗi và hư hèn của con người phát xuất từ chỗ con người khước từ Thiên Chúa, không tôn vinh và không cảm tạ Ngài. Tạ ơn không phải chỉ là hành động hay kỷ niệm của một dân tộc, một đất nước mà của mỗi chúng ta là con người đã được Thiên Chúa sinh thành và ban cho tất cả mọi điều trên đời, từ thể xác đến tâm linh.

Trong Mùa Tạ Ơn nầy, chúng ta cần dừng lại và tự hỏi chính mình: Tôi đã được Thiên Chúa tạo dựng và ban ơn nhưng tôi đã làm gì với Ngài? Tôi tôn thờ và tạ ơn Chúa hay vẫn tiếp tục bận rộn với đời sống riêng mà không nghĩ gì đến Thiên Chúa là nguồn của mọi nhu cầu và ân phúc? Chính vì lòng vô ơn của con người mà Chúa Giê-xu đã phải giáng trần làm người để chuộc tội cho con người, đem con người trở lại với Thiên Chúa. Con người chúng ta chẳng những mang ơn Thiên Chúa trên phương diện tạo dựng nhưng cũng mang ơn Ngài trên phương diện cứu rỗi. Chúa Giê-xu đã đến trần gian, chịu chết thế cho chúng ta nhưng chúng ta đã làm gì để đền đáp ơn sâu rộng đó? Cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa về ơn cứu độ của Ngài là đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, quay bước ăn năn, thuận phục và tôn thờ Thiên Chúa. Đó chính là Phúc Âm chúng tôi gởi đến quý vị hôm nay. Đặt lòng tin nơi Thiên Chúa, tôn thờ và cảm tạ Ngài là cách bày tỏ lòng biết ơn đích thực trong Mùa Tạ Ơn nầy. Đừng để Mùa Tạ Ơn đến rồi đi mà chúng ta vẫn mãi là con người vô ơn!

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành