Cuối tuần nầy là Memorial Day Weekend, lễ Chiến Sĩ Trận Vong, bắt đầu cho mùa nghỉ hè tại Hoa Kỳ. Ngày lễ mệnh danh là lễ chiến sĩ trận vong, để ghi nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến nhưng mấy ai còn nhớ đây là ngày chúng ta kỷ niệm sự hy sinh của các chiến sĩ đó?
Trong giới thương mại, đây là ngày có những hàng sale đặc biệt. Dân chúng nói chung thì chuẩn bị các chương trình nghỉ hè hay tổ chức các buổi picnic, họp mặt. Sinh viên, học sinh bắt đầu hay chuẩn bị nghỉ hè… Nói chung, ngày tưởng niệm những người hy sinh vì tổ quốc, ngoại trừ một vài nghi lễ đó đây, chỉ còn là một ngày nghỉ ngơi, ăn uống, chơi đùa, mua bán và chẳng mấy ai nghĩ đến những chiến sĩ đã bỏ mình. Memorial nghĩa là nhớ hay kỷ niệm nhưng kỷ niệm hay nhớ không còn nữa.
Quên là một trong những đặc tính của con người và vì vậy Thiên Chúa đã dùng những mốc thời gian, những ngày kỷ niệm, những biểu tượng để nhắc nhở con dân Chúa về những điều đáng nhớ. Một trong những hình ảnh đầu tiên Thiên Chúa dùng để nhắc nhở con dân Chúa là hình ảnh của chiếc cầu vồng hay cái mống. Sau khi thế giới bị hủy diệt vì cơn đại hồng thủy, Thiên Chúa đã lập giao ước với con người là Ngài sẽ không hủy diệt thế giới nầy bằng nước lụt nữa. Dĩ nhiên màu sắc của chiếc cầu vồng là hiện tượng xảy ra khi ánh sáng mặt trời chiếu qua hơi nước, nhưng Ðức Chúa Trời đã dùng dấu hiệu nầy để nhắc chúng ta về ân sủng của Chúa cũng như công lý của Ngài. Thiên Chúa sẽ không hủy diệt thế giới nầy bằng nước lụt nhưng thế giới sẽ bị lửa thiêu đốt. Vì vậy, mỗi lần nhìn thấy chiếc cầu vồng, chúng ta nhớ đến giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại để kính thờ Ngài.
Khi giải thoát con dân Chúa ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa lại dùng một hình ảnh hay biểu tượng khác để nhắc con dân Chúa. Chúa đã dạy con dân Chúa phải lấy huyết con chiên bôi trên cửa để thiên sứ của Chúa sẽ vượt qua những nhà có dấu hiệu đó và không giết hại đứa con đầu lòng. Con dân Chúa đã vâng lời làm theo điều đó và họ đã được giải thoát. Nhưng đó chỉ là biểu tượng vì sự giải thoát hay cứu rỗi thật sự đến từ Chúa Giê-xu là Ðấng đã đổ máu của Ngài trên cây thập tự để cứu nhân loại. Ông Giăng, người làm thánh lễ báp-têm đã giới thiệu Chúa Giê-xu là “Chiên Con của Thiên Chúa, Ðấng cất tội lỗi của thế gian.” Huyết chiên bôi trên cửa ngày xưa chỉ là hình bóng cho việc Chúa Giê-xu xả thân trên cây thập tự vì tội của nhân loại để người nào tin nhận sẽ hưởng được ơn cứu rỗi.
Vì biết con người hay quên, nên Chúa lại dùng thêm một hình ảnh khác nữa để nhắc nhở các môn đệ của Chúa và tất cả chúng ta hôm nay. Đây là hình ảnh của tiệc thánh hay tiệc ly. Buổi tối trước khi Chúa bị người học trò phản bội, giao nộp cho giáo quyền Do-thái để đưa cái chết, Chúa Giê-xu đã cùng các môn đệ ăn bữa ăn kỷ niệm ngày giải thoát ra khỏi Ai-cập và trong bữa ăn nầy, Chúa Giê-xu đã dùng bánh để tượng trưng cho thân thể Chúa và nước nho, tượng trưng cho máu của Chúa và phán với các môn đệ của Ngài rằng, “Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phĩ cho; nầy là máu ta đổ ra cho nhiều người được tha tội, hãy làm điều nầy để nhớ Ta.” Chúa biết rằng người ta sẽ quên nên Ngài đã dùng miếng bánh và chén nước nho nhắc nhở chúng ta về cái chết của Chúa, để chúng ta chẳng những không quên ơn của Chúa nhưng cũng tiếp tục loan báo cho mọi người biết về ơn cứu rỗi của Ngài.
Sau khi Chúa Giê-xu chịu chết, sống lại và về trời, các môn đệ của Chúa đã tiếp tục loan báo Phúc Âm, rao truyền ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người và Kinh Thánh lại dùng một hình ảnh, một biểu tượng khác nữa để dạy và nhắc chúng ta về sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Hình ảnh hay biểu tượng đó là thập tự giá. Thập giá ban đầu không phải là một hình ảnh đẹp nhưng là hình ảnh của chết chóc, rủa sả và sỉ nhục vì đó là hình cụ người La-mã dùng để xử tử người ta cách dã man. Nhưng thập giá đã trở thành biểu tượng của tình thương và cứu rỗi vì Chúa Giê-xu đã chịu chết trên cây thập tự để cứu nhân loại. Thánh Phao-lô, con người lúc đầu chống Chúa, chống đạo Chúa, bách hại người theo Chúa nhưng sau khi gặp Chúa, đây là lời tuyên bố của ông: “Ở giữa anh em, tôi chẳng biết điều gì khác ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu và Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự.”
Cây thập tự đã trở thành trung tâm điểm của cuộc đời Thánh Phao-lô và của những người tin Chúa. Không phải cây thập tự có ma lực hay sức mạnh huyền bí nào, nhưng cây thập tự tượng trưng và dạy chúng ta về cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Lẽ ra chúng ta phải chết, lẽ ra chúng ta phải chịu hình phạt, nhưng Chúa Giê-xu đã gánh chịu tất cả vì chúng ta. Đó là ý nghĩa của thập giá. Thánh Phao-lô cũng đi thêm một bước nữa và cho chúng ta thấy rằng, khi chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu, cuộc đời của chúng ta cũng đã đóng đinh với Chúa Giê-xu. Như như vậy nghĩa là, con người tội lỗi, xấu xa cũ đã cùng chết với Chúa khi Ngài chịu đóng đinh và giờ đây chúng ta sống một cuộc đời mới.
Cuối tuần nầy là Memorial Day Weekend, nhưng bao nhiêu người nhớ đây là lễ kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong? Tương tự như vậy, bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy hình ảnh thập tự giá nhưng nhớ đó là Chúa Giê-xu đã chịu chết thế cho mình? Thiên Chúa đã dùng nhiều hình ảnh để nhắc chúng ta về tình yêu bao la của Ngài. Từ chiếc cầu vồng trên bầu trời sau cơn mưa, đến hình ảnh của cây thập giá. Thập giá không phải là một thứ trang trí của tôn giáo nhưng là nhắc nhở của Thiên Chúa cho loài người tội lỗi nhớ rằng nếu Chúa Giê-xu không đổ máu vô tội của Ngài trên cây thập tự, vấn đề tội lỗi của con người sẽ không bao giờ được giải quyết. Và Chúa Giê-xu đã chịu chết chuộc tội cho chúng ta rồi, chúng ta sẽ làm gì để đáp ứng lại tình yêu cao vời Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta có thể nghỉ ngơi, giải trí trong ngày Memorial nhưng không thể làm ngơ hay hững hờ trước sự hy sinh cao cả của Chúa vì chúng ta. Hãy ngước nhìn lên thập tự và đến với Chúa Giê-xu hôm nay để kinh nghiệm ơn tha thứ Chúa đang dành cho mỗi chúng ta.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành