Không ai trong chúng ta sống một mình ở đời nầy cả. Chúng ta sống là sống với người, từ người thân trong gia đình đến bạn bè và những người chúng ta chỉ gặp một lần trong công việc hay trong việc mua bán. Dù chúng ta sống một mình, ít muốn tiếp xúc với ai hay giao thiệp rộng, mỗi chúng ta cần có sự khôn ngoan để xử sự với mọi người mà chúng ta gọi là thuật xử thế.
Trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay tôi muốn trình bày với Bạn về thuật xử thế này. Đây không phải là một bài học về thuật xử thế nhưng là Lời Chúa dạy về việc tìm đâu ra khôn ngoan để xử sự ở đời. Trong câu chuyện lần trước, chúng ta nói về việc đương đầu với thử thách khó khăn trong đời và Lời Chúa dạy chúng ta hãy coi thử thách là điều vui mừng vì nó sẽ đem lại cho ta tính kiên trì, nhẫn nại, giúp ta nên người. Tiếp theo lời dạy về đương đầu với thử thách là lời dạy về khôn ngoan hay làm thế nào để có khôn ngoan để xử sự ở đời. Đối với vấn đề nầy, Lời Chúa dạy: “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.”
Đây là một lời dạy rất đơn giản nhưng rất quan trọng và cần thiết. Có lẽ khi mới nghe, chúng ta thấy lời dạy nầy có vẻ như quá thụ động vì nếu chỉ cần cầu xin Thiên Chúa thì nói làm gì nữa! Chúng ta cần kiên nhẫn phân tích vấn đề để thấy rõ hơn. Trước hết chúng ta cần nhớ rằng đây là câu chuyện Phúc Âm tức là nói đến vấn đề tâm linh, trên bình diện tâm linh. Ở đây nói đến tiêu chuẩn của Thiên Chúa, không phải tiêu chuẩn của con người. Và dù cho đây là vấn đề tâm linh và tiêu chuẩn của Thiên Chúa, vấn đề áp dụng rất thực tế vào đời sống.
Trước hết chúng ta cần nhìn vào định nghĩa của Thánh Kinh về vấn đề khôn ngoan. Đối với đời, đối với trần gian khi nói đến khôn ngoan người ta nói đến các học giả, những người có bằng cấp, những người có tỉ lệ thông minh gọi tắt là IQ cao. Nhưng đó chưa phải là khôn ngoan thật. Khôn ngoan thật, theo định nghĩa của Thánh Kinh là biết xử sự ở đời. Khôn ngoan thật không phải là ta biết bao nhiêu nhưng là ta áp dụng những hiểu biết của mình vào đời sống như thế nào. Chính vì vậy mà chúng ta thấy rằng trong vấn đề việc làm người ta đòi hỏi kinh nghiệm. Người có bằng cấp cao nhưng thiếu kinh nghiệm thì chưa chắc đã làm việc hữu hiệu. Nói đến khôn ngoan là nói đến sử xự ở đời.
Bạn xử sự như thế nào đối với vợ, với chồng, với con cái, với cha mẹ, với bạn bè, với người cùng làm việc với mình. Việc xử sự mỗi ngày trong đời cho thấy chúng ta có phải là người khôn ngoan thật hay không. Chính vì vậy mà Lời Chúa dạy, “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan thì hãy cầu xin Thiên Chúa.” Khôn ngoan xử sự ở đời không phải là điều dễ, vì vậy chúng ta cần đến khôn ngoan thiên thượng hay khôn ngoan đến từ trời, từ Thiên Chúa.
Vua Sa-lô-môn của Do-thái được mệnh danh là con người khôn ngoan nhất từ trước đến nay đã nói, “Kính sợ Chúa Hằng Hữu ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, nhìn biết Đấng Thánh đó là sự thông sáng.” Nhiều người có thể sẽ cho rằng đây là một định nghĩa đã lỗi thời vì chúng ta đang sống trong thế kỷ mà nền văn minh nhân loại đã đạt đến mức cực thịnh, con người đâu cần gì đến Thiên Chúa nữa! Nghĩ như vậy là sai trên hai bình diện sau đây.
Trước hết, chúng ta phải biết rằng mọi khôn ngoan, thông sáng của con người đều đến từ Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên muôn vật mọi loài trong đó có con người của chúng ta. Đầu óc hay trí óc khôn ngoan mà chúng ta có không đến từ chúng ta nhưng từ Đấng Tạo Hóa. Có trí óc khôn ngoan mà phủ nhận Đấng ban cho mình trí óc khôn ngoan đó thì không thật sự khôn ngoan tí nào. Đó là nói theo lý trí. Trên phương diện đạo đức, cái khôn ngoan của con người mà không có đạo đức đi kèm, nghĩa là nếu không kính sợ Thiên Chúa là điều kinh khủng vô cùng. Thảm cảnh của các trận thế chiến, các vụ thảm sát ngay trong thế kỷ của chúng ta cho thấy khôn ngoan mà không có đạo đức đi kèm là điều đáng sợ vô cùng.
Vì vậy, trước hết chúng ta phải trở lại với nguồn của mọi khôn ngoan là Thiên Chúa. Chính vì vậy mà lời dạy nghe như rất đơn giản là cầu xin Thiên Chúa để có khôn ngoan là điều quan trọng vô cùng. Cầu xin Thiên Chúa để có khôn ngoan là ý thức giới hạn của mình và cũng ý thức được đâu là nguồn của khôn ngoan thật. Đức khôn ngoan Thiên Chúa ban cho con người được Thánh Kinh mô tả là thanh sạch, hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không hai lòng và giả hình.
Đối với đời, người khôn là người biết mưu mẹo, đường lối, biết làm thế nào để vượt thắng người khác, biết sống cho mình, biết hưởng thụ, đó là khôn. Nhưng đó không phải là khôn theo tiêu chuẩn hay đường lối của Thiên Chúa. Lời Chúa dạy chúng ta khôn ngoan là sống đời thanh sạch, là sống hòa thuận, hài hòa với người chung quanh, là biết tự chế, là mềm dẽo, nhún nhường, là đầy tình thương, là thể hiện ra trong việc làm tốt, là bỏ đi thành kiến, thiên vị và giả tạo Tất cả nói lên một đời sống đạo đức trọn vẹn, hay nói khác đi người khôn ngoan là người đạo đức hay cũng có thể nói ngược lại người đạo đức là người khôn ngoan thật. Khôn ngoan hay đạo đức nầy không đến từ con người vì chính chúng ta không thể sống như vậy. Do đó Lời Chúa dạy chúng ta, bảo chúng ta, “Hãy cầu xin!” Cầu xin không nói lên một thái độ ương hèn hay ỷ lại nhưng cho thấy một tấm lòng nương cậy trọn vẹn hay nói khác đi là sống với niềm tin.
Thánh Kinh có một lời dạy đặc biệt mà tôi ước mong Bạn sẽ ghi nhớ. Lời dạy đó như sau: “Chúa Hằng Hữu phán như vầy: Người khôn chớ khoe sự khôn mình, người mạnh chớ khoe sự mạnh mình, người giàu chớ khoe sự giàu mình, nhưng người nào khoe hãy khoe về trí khôn mình biết Ta là Chúa Hằng Hữu, là Đấng làm ra sự thương xót, chính trực và công bình trên đất vì Ta ưa thích những điều ấy, Chúa Hằng Hữu phán vậy.”
Bạn thân mến, khôn ngoan thật là có ý thức về Đấng Tạo Hóa. Đây không phải là một ý thức chỉ có tính cách luận lý nhưng là hiểu biết trong một mối quan hệ. Chữ “biết” trong ý nghĩa của Thánh Kinh là biết như vợ biết chồng, cha biết con, anh em bạn hữu thân tình biết nhau. Thiên Chúa muốn chúng ta biết Ngài, hay nói đúng hơn có kinh nghiệm về Ngài tương tự như vậy. Và người biết Chúa như thế mới là người khôn ngoan thật. Chúa bảo chúng ta phải hiểu biết Chúa là Đấng làm ra sự thương xót, chính trực và công bình trên đất. Chúng ta sẽ không thể nào biết Chúa như vậy cho đến khi nào chúng ta đặt lòng tin trọn vẹn nơi Ngài. Niềm tin đó sẽ đưa chúng ta vào sự hiểu biết đầy trọn hay kinh nghiệm đầy trọn với Thiên Chúa.
Phúc Âm là tin mừng và tin mừng đó là Thiên Chúa thần linh, vô hình, toàn năng, vô hạn, cao cả đã bằng lòng đến với con người trong thân xác của con người là Chúa Giê-xu. Ngài đã sống với con người, thông cảm với kiếp người và cuối cùng mang tội lỗi của loài người trên thập giá, chịu chết đền tội cho Bạn và tôi. Ngài đã đến quá gần với loài người, đụng đến con người và kêu gọi con người quay trở lại với Thiên Chúa, nhìn biết Ngài là Thiên Chúa toàn năng đầy tình thương. Khi chúng ta sống với ý thức đó, đúng hơn, với kinh nghiệm đó, ta sẽ kinh nghiệm một đời sống mới, một sự sống mới trong tâm hồn và chúng ta sẽ tự nhiên nẩy sinh ra những mỹ đức thanh sạch, hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không hai lòng và giả hình. Và đó mới là khôn ngoan thật.
Người khôn ngoan thật theo lời dạy của Chúa cũng là người biết thực hành Lời Chúa. Chúng ta sẽ gặp mưa sa, nước chảy, gió lay trong cuộc đời, nhưng nếu chúng ta nắm vững Lời Chúa và thực hành lời dạy của Ngài sẽ không có một điều gì trên đời nầy có thể làm cho chúng ta giao động.
“Người khôn chớ khoe sự khôn mình, người mạnh chớ khoe sự mạnh mình, người giàu chớ khoe sự giàu mình, nhưng người nào khoe hãy khoe về trí khôn mình biết Ta là Chúa Hằng Hữu, là Đấng làm ra sự thương xót, chính trực và công bình trên đất vì Ta ưa thích những điều ấy, Chúa Hằng Hữu phán vậy.”
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:
” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”
________________________________________________________________________