Văn hóa Léon Tolstoi đã sống một cuộc đời vớ một nội tâm khắc khoải, dằn vặt, ân hậu, băn khoăn, chỉ vì không rõ ý nghĩa cuộc sống của con người. Dầu đã 82 tuổi, ông vẫn bỏ nhà ra đi để tìm cho được ý nghĩa đích thực của đời người. Rồi sau đó, ông đã chết âm thầm tại một thị trấn nhỏ.

Léon Tolstoi đã đem thắc mắc của tâm tư gửi vào một truyện ngắn nhan đề là “Người Ta Sống Bằng Gì?”. Cốt truyện gồm có ba nhân vật chính là bác thợ giày Simon với vợ là Matriona và một đứa trẻ tên Michel. Theo câu truyện, Michel là một thiên thần bị Thượng Đế đày xuống trần gian mà Simon đã nhặt được bên ngôi nhà nguyện. Trước khi Michel bị đày, Thượng Đế đã bảo chàng: Ngươi sẽ hiểu trong con người có cái gì, con người không hưởng được gì, và cái gì làm sống con người.

Trong sáu năm sống trong nhà bác thợ giày, Michel chỉ cười có ba lần. Mỗi lần chàng cười, vì chàng đã tìm ra một ý nghĩa cho cuộc sống.

  • Nụ cười thứ nhất của Michel, khi chàng hiểu trong con người có tình yêu.
  • Nụ cười thứ hai của Michel, khi chàng thấy con người không tri thức được những nhu cầu thiết yếu cho thân xác mình.
  • Nụ cười thứ ba của Michel, khi chàng nhận thức người ta không sống vì những nhu cầu thể xác mà sống vì tình yêu.

Nếu chúng ta đồng ý với văn hào Léon Tolstoi thì chúng ta cảm thương dân tộc mình bội phần. Dân tộc mình ở trong nước tối ngày nghe và đọc các lời rêu rao về tội ác Mỹ – Ngụy. Chính quyền sợ dân chúng mảng lo miếng cơm manh áo mà quên đi nỗi căm thù cần có. Ai chạy ra được nước ngoài, vì tình đồng bào mà tìm đến nhau, lại được nghe được đọc thường xuyên về tội ác Việt Cộng. Những vị có lòng với quê hương sợ dân mình chỉ lo làm ăn, xe cộ, nhà cửa mà quên đi nỗi căm thù cần có. Và cứ như vậy, người dân Việt ở trong hay ngoài nước phải sống với lòng căm thù sôi sục mới thức sự “sống có chính nghĩa”.

Nhưng “chính nghĩa” nào lại có thể thiếu vắng tình yêu. Chính quyền miền Bắc đã có được “chính nghĩa” khi rắc được chút hương vị “yêu đồng bào ruột thịt miền Nam” trong cuộc chiến đẫm máu. Quý vị có lòng với quê hương cũng đưa ra tiêu đề “yêu đồng bào tại quê nhà” để cho bài diễn văn đỡ trống trải, khô khan. Tội nghiệp cho dân miền Bắc đã phải làm công cụ để bày tỏ tình yêu đến đồng bào ruột thịt miền Nam. Tội nghiệp cho dân mình ở hải ngoại, vì tình yêu của quý vị có lòng với dân tộc chỉ dành cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà.

Thôi đành trở về với người thân yêu. Hy vọng tìm được tình yêu nơi gia đình, gia tộc làm cho ta “sống”.

Bởi vậy sống là yêu

Muốn sống mạnh phải yêu nhiều

Yêu để sống từ khi còn thơ ấu

Sống để yêu những người mình yêu dấu

Yêu càng nhiều thì từng phút từng giây

Nhựa sống càng tràn đầy

Việt Chí Nhân

Thế mà giữa những người mình yêu dấu, bao người đã thèm khát thiết tha:

Tôi chỉ xin được yêu

Không đòi hỏi chi nhiều

Chỉ được yêu cũng đủ

Dù chẳng được bao nhiêu

Việt Chí Nhân

Để… cầm hơi mà “sống”.

Thôi ta đành lìa bỏ thế nhân, tìm đến vị thiêng liêng nào đó có tiếng đầy lòng bác ái. Nào phật từ bi, nào Chúa chí nhân, để được no nê trong tình yêu. Chúng ta đến chùa, đến nhà thờ thử xem. Chúng ta gặp ngay vị đại diện cho phật. Có lẽ chúng ta thấy quý vị còn chấp ngã, sân si, không giữ được giới luật, không lục hòa. Còn sự từ bi, quý vị chỉ lên… Đức Phật. Chúng ta gặp quý vị đại diện cho Chúa. Có lẽ chúng ta thấy quý vị này còn nặng nợ trần gian, được nghe quý vị “kể khổ” trên đường phục vụ Chúa và tha nhân. Còn tình yêu, quý vị lật Kinh Thánh đọc cho chúng ta nghe: “Đức Chúa Trời yêu thương” (IGiăng 4:8)

Thôi ta đành trở về với kinh sách vậy. Qua kinh sách chúng ta tìm được gì nơi tư tưởng cao siêu tuyệt vời trong triết lý. Rồi tóm lại, phật chỉ cho chúng ta con đường (đạo) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Từ bi, bác ái, thương chúng sinh trong phật giáo có thể tóm lại trong chữ “thí”. Bố thí, pháp thí, là lòng thương người của kẻ “đồng hội, đồng thuyền”, của người hiểu biết đối với người không hiểu biết, của kẻ có đối với kẻ không, của người thoát khổ đối với người chưa thoát khổ, của kẻ đương đi con đường giải thoát đối với người chưa biết con đường giải thoát. Đường tu trọn vẹn của Đức Phật chỉ có thể giúp được người khác nhận thấy đường tu của chính mình, nhưng không có công nghiệp gì với đường tu của kẻ khác. Ai riêng phần nấy. Công nghiệp của Đức Phật cũng chỉ giúp cho chính mình Ngài.

Qua kinh sách chúng ta tìm được gì nơi Đức Chúa Trời. Có lẽ chúng ta tìm thấy bản thể của Đức Chúa Trời là “yêu thương” (I Giăng 4:8). Với bản thể đó, “Đức Giê – hô – va có phán: Ta yêu các ngươi” (Ma – la – chi 1:2). Chúng ta nghi ngờ lời phán của Ngài. Thật Đức Chúa Trời yêu chúng ta chăng? Nếu Ngài yêu sao đời chúng ta khổ thế này? Sao đời chúng ta lắm cay đắng thế kia? Mặc dầu đôi lúc lương tri ta giúp ta xác định “trăm sự nhờ Trời”. Nhưng lý trí ta vẫn bắt ta nhận định “Trời hành, Trời hại”. Đức Chúa Trời biết tư tưởng đó, nên Đức Giê – hô – va có phán: Ta yêu các ngươi; và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu?” (Ma – la – chi 1:2). Kinh Thánh trả lời: “vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Cụ thể hóa tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là sự Giáng sinh của Cứu Chúa Giê – xu Christ. Là Đức Chúa Trời thành nhân. “Ngôi Lời (Ngôi Hai Đức Chúa Trời) đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và chân lý; chúng ta ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).

Tìm đâu tình yêu? “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: “Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9). Chúng ta chỉ có được tình yêu của Đức Chúa Trời khi chúng ta có chính Đức Chúa Giê –xu Christ. Và với tình yêu của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê – xu Christ, chúng ta dư sức sống.

 

MS PTB