Câu chuyện thật nầy đã xảy ra vào khoảng năm 1930 và có liên hệ đến một người bà con xa của tôi ở miền Trung nước Việt Nam. Ông ta sinh sống bằng nghề chèo đò chở khách xuôi theo dòng sông từ một nhà ga xe lửa ở miền núi về các làng ở miền xuôi. Cùng làm nghề nầy còn có nhiều người khác nữa. Mỗi lần có xe lửa dừng lại là những người chèo đò nầy giành nhau đón khách như kiểu chúng ta thấy nhiều xe taxi đậu bên ngoài các nhà ga xe lửa hay phi trường tại các thành phố.
Một ngày nọ, có một hành khách từ Sài Gòn đến, ăn mặc sang trọng và có lẽ có nhiều tiền trong chiếc va-li nhỏ mà ông ta ôm chặt trong tay. Ông ta thuê riêng một chuyến đò dọc ban đêm để về làng ở gần cuối dòng sông, giáp vùng ven biển. Trong đêm hôm đó, ông hành khách nầy đã bị người chèo đò giết chết để cướp chiếc va-li nhỏ mà ông ta xách theo. Sau cuộc điều tra sơ khởi của làng và lính huyện, người bà con của tôi làm nghề chèo đò đã bị bắt về tội giết người cướp của và bị lên án tử hình một cách mau chóng. Người bà con của tôi phải ngồi tù chờ ngày bị xử chém nhưng ông một mực kêu oan là ông bị bắt lầm, vì đêm hôm đó ông không chở người hành khách nói trên. Người bà con của tôi bị giam vào ngục tối ở nhà tù tỉnh lỵ. Trong mấy tháng bị giam, vợ con, cha mẹ ông ta đã bán vườn bán ruộng chạy tiền thầy kiện nộp đơn khiếu nại lên vị Công Sứ Pháp. Lúc ấy, một vị Công Sứ Pháp trẻ tuổi, mới học ở trường Luật bên Pháp ra, từ Hà Nội vào nhậm chức hứa sẽ xét lại vụ án. Theo lời người thông ngôn thì vị Công Sứ Pháp nhận thấy vụ án nầy xử quá mau, và nhất là nạn nhân bị giết chết lại là cháu của ông quan huyện xét xử vụ án lúc bấy giờ.
Vào một buổi sáng sớm tinh sương, người bà con của tôi đang ngồi bó gối trong ngục tối bỗng nghe tiếng người đi sột soạt bên ngoài, và rồi có hai người lính cầm chìa khóa tới trước cửa phòng giam. Ông ta run lẩy bẩy biết ngày xử tử đã đến. Có lẽ ông sẽ được cho ăn một bữa cơm ngon có thịt có cá, được hút một điếu thuốc cuối cùng loại thơm nhất, và rồi sẽ bị đem ra pháp trường cho đao phủ chém đầu. Người lính tra chìa vào ổ khóa và mở cửa phòng giam. Tiếng lạch cạch của ổ khóa nghe thật lạnh người và rùng rợn giữa không khí im lặng buổi sáng sớm. Người lính cất tiếng dõng dạc nói: “Anh tù kia, đứng dậy mà nghe thầy thông ngôn đọc lệnh quan Công Sứ!” Người bà con tôi hồn vía lên mây nhưng cố gắng lấy can đảm đứng dậy. Từ bên ngoài bước vào một người đeo kính trắng, mặc Âu phục trắng, thắt cà-vạt đen, khác với mọi người lúc bấy giờ mặc áo dài đen theo y phục cổ truyền của người Việt Nam. Ông ta đứng ngay cửa và mở một tờ giấy ra đọc một tràng tiếng Pháp. Xong rồi, ông dịch ra tiếng Việt như sau: “Quan Công Sứ Pháp đã xét lại vụ án nầy, và sau nhiều ngày điều tra, đã bắt được tên thủ phạm thực sự đã giết chết người hành khách trên chuyến đò cách đây tám tháng. Vì anh đã bị bắt lầm nên quan Công Sứ đã ra lệnh cho quan huyện tuyên bố tha bổng cho anh. Anh được trả tự do kể từ hôm nay, và án tịch của anh đã được hủy bỏ. Theo lệnh của quan Công Sứ, nhà nước của Nam triều sẽ cấp cho anh 30 đồng để về quê tiếp tục sinh sống.” Người bà con tôi sững sờ khi nghe những lời trên, nước mắt ông chảy tràn trên đôi má vì quá sung sướng. Thay vì nghe lệnh ra pháp trường để bị chém đầu, ông đã được nghe lệnh tha bổng và được về nhà gặp lại vợ con! Về sau, ông thuật lại cho mọi người rằng chưa bao giờ ông cảm thấy tiếng nói của người thông ngôn tòa Công Sứ đã đọc lệnh tha bổng cho ông quá ngọt ngào và huyền diệu như vậy. Ðối với người bà con của tôi, thì tiếng nói của viên thư ký tòa Công Sứ Pháp là tiếng nói cải tử hoàn sinh, đưa ông ta từ địa vị kẻ sắp chết được sống lại!
Thánh Kinh, sách Phúc Âm Giăng 5:24-29 cũng đề cập đến ba tiếng gọi rất huyền diệu của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà mỗi chúng ta được nghe trong ba giai đoạn của cuộc đời. Chúa Giê-xu phán: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Ðấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, giờ đến và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Ðức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống. Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy. Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con Người. Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán. Tiếng gọi thứ nhất xảy ra khi chúng ta còn sống trên đời nầy; tiếng gọi thứ hai xảy ra khi chúng ta lìa đời nầy; và tiếng gọi thứ ba xảy ra trong ngày tận thế khi Chúa Giê-xu trở lại trần gian trong vinh quang.
I. “Ai nghe lời ta mà tin Ðấng đã sai ta…”
Trong Phúc Âm Giăng 5:24, Chúa Giê-xu nói rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Ðấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.” Ðây là tiếng gọi huyền diệu thứ nhất của Chúa Giê-xu đến với chúng ta đang khi chúng ta còn sống trên đời nầy, trong thể xác nầy. Tiếng gọi thứ nhất nầy có lẽ đã đến với chúng ta qua những câu Thánh Kinh và lời mời của Chúa Giê-xu mà chúng ta đọc được hay nghe người khác chia xẻ với chúng ta, chẳng hạn như:
Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng, chương 3, câu 16).
Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ, chương 11, câu 28).
Nầy ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta (Sách Khải Huyền, chương 3, câu 20).
Còn nhiều câu khác nữa trong Thánh Kinh đã đến với chúng ta như là tiếng của Chúa Cứu Thế Giê-xu gọi chúng ta hãy ăn năn tội lỗi, từ bỏ nếp sống cũ, tin nhận Ngài để được Ðức Chúa Trời tha tội, và hưởng sự sống đời đời. Quí vị đã nghe tiếng gọi huyền diệu nầy của Chúa chưa? Nhiều người đã nghe tiếng gọi nầy lúc còn rất nhỏ. Cũng có người gần chết mới nghe được tiếng gọi nầy của Chúa. Tôi thật sự nghe tiếng gọi huyền diệu nầy lúc 18 tuổi.
Tiếng gọi huyền diệu và êm ái nầy đã đến với hai ngư phủ Phi-e-rơ và Giăng khi hai người đang thả lưới bên bờ hồ Ga-li-lê.
Tiếng kêu gọi huyền diệu nầy đã đến với học giả Phao-lô trên con đường vào thành Ða-mách để bách hại những người theo Chúa Giê-xu. Tiếng kêu gọi huyền diệu nầy đã đến với Linh mục Martin Luther khi ông đang nghiên cứu thư Rô-ma để dạy trong trường đại học.
Tiếng kêu gọi huyền diệu nầy đã đến với một thanh niên đang lấy đá để ném vào một giáo sĩ giảng Tin Lành tại Ðà Nẵng vào năm 1911. Tiếng kêu gọi huyền diệu nầy đã đến với nhiều sĩ quan khi họ ngồi trong trại tù cải tạo ở miền Bắc.
Tiếng kêu gọi huyền diệu nầy cũng đã đến với rất nhiều người trên các con thuyền vượt biên; đến với nhiều người khác trong các trại tỵ nạn; đến với nhiều người khác nữa qua làn sóng điện của các đài phát thanh; đến với một số quí vị ngồi trong nhà thờ hay trong một buổi truyền giảng, cầu nguyện, hay học Kinh Thánh nào đó… Dù cách nào đi nữa thì cũng phải có một lần nào đó, tiếng gọi huyền diệu của Chúa Giê-xu đã đến với mỗi chúng ta, lặng lẽ len lỏi vào trong tâm hồn của những người khao khát và tìm kiếm chân lý… Nhưng cũng biết bao nhiêu người đã nghe tiếng gọi huyền diệu nầy của Chúa Giê-xu, nhưng vẫn bịt tai khước từ.
Khi nghe Chúa Giê-xu nói: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta,” Tổng đốc Phi-lát đã hỏi lại một cách mỉa mai rằng: “Lẽ thật là cái gì?” và khước từ tiếng kêu gọi cứu rỗi của Ngài. Sách Công vụ các sứ đồ chương 4 cho biết sau khi nghe sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng giảng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, dù có hàng ngàn người tin theo Chúa Giê-xu, nhưng các thầy tế lễ và người Sa-đu-sê lúc ấy “tức mình… và bắt hai người giam vào ngục…”
Qua chương 5:32, khi nghe tiếng Chúa qua lời giảng của sứ đồ Phi-e-rơ, thì họ “nghiến ngầm, giận hoảng, bàn mưu giết các sứ đồ.” Ngày nay, tiếng kêu gọi huyền diệu nầy của Chúa Giê-xu vẫn còn văng vẳng đâu đó, nhưng nhiều người vẫn không nghe, vì những âm thanh khác to hơn. Âm thanh của tiền bạc, của vui thú trần gian. Âm thanh của công việc, của chức tước, địa vị. Âm thanh của nhà cửa, xe cộ, vật chất. Thật vô cùng đáng tiếc cho biết bao nhiêu người vẫn còn vùi đầu vào những chuyện tạm bợ của trần thế nầy mà gác ngoài tai tiếng kêu gọi đời đời của Chúa Giê-xu!
II. “Những kẻ chết sẽ nghe tiếng Con Ðức Chúa Trời…”
Nhưng nếu ai đã nghe tiếng Chúa Giê-xu mời gọi, thành khẩn ăn năn tội lỗi và tin theo Ngài, kinh nghiệm được sự tái sinh, đổi mới, và cảm nhận được tình yêu cứu rỗi của Ðức Chúa Trời; thì đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, họ sẽ được nghe thêm tiếng gọi huyền diệu thứ hai của Chúa Giê-xu. Trong câu 25, Chúa nói: “Giờ đến, và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Ðức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống.” Ðây là tiếng gọi huyền nhiệm và êm dịu nhất cho những người đã tin Chúa khi đối diện với cái chết về phần thể xác nầy. Con người chúng ta ai cũng phải đến giờ phút cuối của cuộc đời trên trần gian nầy. Người thì còn trẻ, kẻ thì đã già… nhưng ai cũng một lần phải bước qua ngưỡng cửa của sự chết về phần thể xác. Nhưng nếu chúng ta đã từng nghe tiếng gọi huyền diệu thứ nhất của Chúa Giê-xu và đã đáp lại bằng cách thành tâm tin theo Ngài, và được Ngài phán hứa chắc chắn sẽ được sự sống đời đời rồi, thì cái chết về thể xác chỉ là giờ phút đưa chúng ta bước vào kinh nghiệm sự sống đời đời. Thể xác chúng ta sẽ nằm đó, được tẩm liệm và chôn vào lòng đất, nhưng ngay lúc thân thể chúng ta chết cũng là lúc linh hồn chúng ta sẽ nghe được “tiếng của Con Ðức Chúa Trời,” tiếng gọi huyền diệu khiến “những kẻ nghe sẽ được sống.”
Chúng ta xem kỹ lại hai câu nầy để thấy trong tiếng gọi huyền diệu thứ nhất, Chúa dùng chữ “ai” để nói về những người nghe. “Ai nghe,” có nghĩa là người nghe lúc còn sống. Nhưng trong tiếng kêu huyền diệu thứ hai, Chúa dùng chữ “kẻ chết sẽ nghe.” Thật lạ lùng vô cùng, phải không quí vị? Không phải người sống nghe mà người chết nghe! “Kẻ chết” đây chỉ về những người chết về thể xác, nhưng linh hồn bất tử của người ấy sẽ nghe được tiếng của Con Ðức Chúa Trời gọi về an hưởng phước hạnh bên cạnh Ngài. Tôi đã từng chứng kiến và nghe kể lại những giờ phút cuối cùng của những người đã thật lòng tin Chúa Giê-xu: họ không sợ hãi, nét mặt họ không kinh hoàng nhưng bình thản bước qua cánh cửa của sự chết, vì chính giờ đó họ nghe được tiếng êm dịu của Chúa Giê-xu kêu họ: “Con ơi, hãy đến đây với Ta! Ta đã chờ con lâu nay.” Mặt khác, trong tiếng gọi thứ nhất, danh xưng của Chúa Giê-xu chỉ là “Ta” mà thôi, hàm ý lúc ấy Ngài đang nói trong cương vị của một người do Ðức Chúa Trời sai phái đến trần gian.
Nhưng trong tiếng gọi thứ hai, danh xưng của Ngài là “Con Ðức Chúa Trời” chỉ về địa vị của Chúa Giê-xu sau khi Ngài đã từ cõi chết sống lại và đang ngự bên hữu ngai của Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại trên đồi Gô-gô-tha, nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại và ngự về trời, ngồi bên hữu ngai Ðức Chúa Trời, ngày đêm cầu thay cho chúng ta. Chúa Giê-xu cũng đang chờ đợi từng linh hồn con cái Chúa trở về với Ngài, khi họ lìa khỏi trần gian nầy, tạm để lại thể xác trong lòng đất. Người đã tin theo Chúa Giê-xu là những người vô cùng phước hạnh vì đã được Chúa tha tội, và được hưởng sự sống đời đời. Cái chết của những người tin Chúa là một phước hạnh vì như Thánh Kinh ghi trong sách Khải Huyền 14:13 rằng: “Phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa!”
Cái chết đến với chúng ta là giờ phút huy hoàng khi chúng ta nghe tiếng của Con Ðức Chúa Trời kêu gọi chúng ta thực nghiệm sự sống đời đời trên trời với Ngài. Tuy nhiên, nếu ai không nghe tiếng gọi huyền diệu thứ nhất của Chúa Giê-xu và tin theo Ngài, thì cái chết sẽ là giờ phút hãi hùng nhất! Người không có Chúa lúc chết phần thể xác, sẽ không nghe tiếng Con Ðức Chúa Trời kêu gọi bước vào sự sống đời đời, nhưng sẽ nghe tiếng xẳng xớm của tử thần gọi họ đi vào nơi đau khổ đời đời. Khi đã nghe tiếng của tử thần, thì không còn có cơ hội nào nữa để nghe tiếng kêu gọi thứ nhất của Chúa Giê-xu. Tiếng kêu gọi thứ nhất của Chúa sẽ quá trễ cho những ai vượt qua cánh cửa của sự chết về thể xác. Phúc Âm Lu-ca chương 16 ghi lại câu chuyện người nhà giàu không tin Chúa khi chết bị vào âm phủ. Nằm bên ngoài nhà của người giàu lúc còn sống là một người nghèo tên La-xa-rơ. Vì La-xa-rơ tin theo Chúa nên khi chết được vào thiên đàng. Từ âm phủ, người giàu ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham là thánh tổ của người Do-thái và La-xa-rơ đang ngồi với Áp-ra-ham. Ông kêu lên rằng: “Xin cho La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi, vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi.” Nhưng Áp-ra-ham trả lời: “Có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi…” Người giàu nói thêm: “Vậy thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi, vì tôi có năm anh em, đặng người làm chứng cho họ về những điều nầy, kẻo họ cũng xuống nơi đau đớn nầy chăng.” Áp-ra-ham trả lời:”Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!” Câu chuyện nầy dạy chúng ta rằng cơ hội tin Chúa chỉ ở trên trần gian nầy khi chúng ta còn sống. Khi chết là hết cơ hội!
III. “Mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi…”
Nhưng rồi đây, tất cả mọi người đều sẽ nghe được một tiếng gọi huyền diệu thứ ba của Chúa Giê-xu: “Giờ đến, khi mọi người trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi.” Ðây là tiếng gọi huyền diệu của Chúa xảy ra trong ngày tận thế và phán xét cuối cùng. Chúng ta thấy tiếng gọi thứ nhất của Chúa dành cho mọi người trên trần gian lúc họ còn sống; tiếng gọi thứ hai của Chúa chỉ dành cho những kẻ chết trong Ngài mà thôi; nhưng tiếng gọi thứ ba thì lại dành cho tất cả mọi người. Nhưng khác với tiếng gọi thứ nhất, tiếng kêu mời gọi mọi người tin theo Ngài để hưởng sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời, tiếng gọi thứ ba dù cũng dành cho tất cả mọi người, nhưng đưa đến hai kết quả: “Ai đã làm lành” tức đã tin nhận Chúa Giê-xu và được kể là người công chính của Chúa “thì sống lại để được sống”; còn “ai đã làm dữ” tức đã khước từ ơn cứu độ trong Chúa Giê-xu “thì sẽ sống lại để bị xét đoán.”
Sách Khải Huyền 20:11-18 ghi lại mạc khải về sự phán xét cuối cùng của những người khước từ ơn cứu rỗi trong Chúa Giê-xu như sau: Bấy giờ, tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Ðấng đương ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Ðoạn, sự chết và âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa. Ðây là phiên tòa chung thẩm chỉ dành cho những người không tin Chúa, không chịu tiếp nhận ơn cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời ban cho họ trên đời nầy. Người không tin Chúa trong khi còn sống, đã khước từ tiếng gọi thứ nhất của Chúa Giê-xu, và không nghe được tiếng gọi thứ hai của Chúa khi từ giã trần gian nầy. Họ sẽ đi vào âm phủ chờ đợi ngày ra trước phiên tòa chung thẩm. Tại phiên tòa nầy, họ được xử theo hai quyển sách: thứ nhất là các quyển sách ghi lại những tội lỗi của họ đã làm, và thứ hai là quyển sách sự sống mà trong đó không có tên của họ vì họ không tin nhận Chúa Giê-xu. Kết quả là họ bị quăng vào hồ lửa được gọi là “sự chết thứ hai,” nghĩa là hư mất đời đời. Phiên tòa chung thẩm nầy không còn xét xử ai vào thiên đàng, ai vào hỏa ngục. Ðây chỉ là giờ tuyên án tử hình đời đời cho những người khước từ ân sủng cứu rỗi của Ðức Chúa Trời. Các quyển sách ghi lại tội lỗi được phơi bày ra để cho những người đứng trước tòa chung thẩm lúc ấy thấy rằng họ không bị xử oan, và quyển sách sự sống cũng được phơi bày ra nhưng không có tên họ trong đó để xác nhận Chúa là Ðấng công bằng. Ngài đã cung cấp sự cứu chuộc cho họ khi họ còn sống trên đời nầy, nhưng vì họ không chấp nhận mà thôi. Tòa chung thẩm thật là một quang cảnh vô cùng kinh khiếp! Nhưng đây là tin mừng cho những ai đã đáp lại tiếng gọi thứ nhất của Chúa, đã từng nghe tiếng gọi thứ hai của Ngài khi lìa trần. Những người nầy sẽ nghe được tiếng gọi thứ ba của Chúa mà sống lại cả hồn lẫn xác để bước vào sự sống đời đời tuyệt diệu trong nước thiên đàng với Chúa. Con dân Chúa sẽ không phải ra trước tòa án chung thẩm, vì Thánh Kinh đã xác nhận “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu” (Phúc Âm Giăng 3:18); và “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Giê-xu Christ” (Thư Rô-ma 8:1) Ngay trong Phúc Âm Giăng 5:24 cũng đã nói rõ :”Ai nghe lời Ta mà tin Ðấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.” Trong ngày cuối cùng, khi Chúa Giê-xu tái lâm, lời Chúa trong thư I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16 cho biết: “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Ðấng Christ sẽ sống lại trước hết.” Tiếng kêu lớn nầy là tiếng của chính Chúa Giê-xu ra lệnh cho thân thể đã rữa nát của những người tin theo Ngài được sống lại để hiệp cùng linh hồn mà bay lên không trung nghênh đón Ngài. Chúng ta thấy khi Chúa Giê-xu kêu La-xa-rơ sống lại cũng vậy. Phúc Âm Giăng 11:43,44 chép: “Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra…” Thật vô cùng lạ lùng! Thân xác của con dân Chúa sau khi chết cũng hư nát trong lòng đất, lòng biển, như thân xác của bao nhiêu người khác. Nhưng thân xác của con cái Chúa không mất mà chỉ được kể là “ngủ” để chờ được thức dậy trong ngày huy hoàng khi Chúa Giê-xu tái lâm. Con cái Chúa được yên tâm đi qua cánh cửa của sự chết thể xác, như vua Ða-vít viết trong Thi thiên 23:4, “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi.” Khi chúng ta nhắm mắt lìa đời cũng là lúc chúng ta nghe tiếng êm dịu của Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta và nắm tay dắt chúng ta vào nhà Cha trên trời. Rồi đến ngày Chúa Giê-xu trở lại trần gian lần thứ hai, hồn linh của chúng ta cũng sẽ theo Chúa đến nơi không trung, để nghe tiếng kêu lớn của Ngài ra lệnh cho thể xác chúng ta đang nằm đâu đó sống lại mà bay lên trình diện Ngài. Thân thể của chúng ta dù có bị rữa nát đi nữa thì bởi quyền năng tối thượng của Chúa Giê-xu sẽ được sống lại lúc ấy với một bản chất bất diệt, vinh hiển, đẹp đẽ, hoàn toàn thánh thiện. Sứ đồ Phao-lô viết trong thư I Cô-rinh-tô 15:42-44 và 49: “Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng… Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời.” Thân thể vinh quang nầy cũng sẽ là thân thể của những người tin Chúa mà còn sống trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm. Thư I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17 nói rằng sau khi những người chết trong Chúa được sống lại trước hết, thì “kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” Khi Chúa Giê-xu trở lại mà chúng ta còn sống trong thân thể cũ kỹ nầy thì không thể bay lên không trung mà nghênh đón Chúa được. Ngài phải dùng quyền năng tối thượng của Ngài để “biến hóa” thân thể chúng ta cho thích hợp với Nước Trời. Thư I Cô-rinh-tô 15:50-53 ghi: Hỡi anh em, tôi quyết đoán rằng thịt và máu (tức thân thể hiện nay của chúng ta) chẳng hưởng nước Ðức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được. Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết (tức chết), nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết. Thân thể của những người tin Chúa mà còn sống khi Chúa Giê-xu tái lâm sẽ được Ngài biến hóa, giống như con sâu khi trở thành con bướm. Con sâu xấu xí nặng nề chỉ có thể bò trên mặt đất, nhưng con bướm đẹp đẽ nhẹ nhàng có thể bay lượn trên không trung.
Trong ba tiếng gọi huyền diệu của Chúa Giê-xu trong cuộc đời của chúng ta, tôi hy vọng tất cả quí vị đều đã nghe được tiếng gọi huyền diệu thứ nhất của Chúa Giê-xu rồi. Một số người chúng ta quen biết đã nghe được tiếng gọi huyền diệu thứ hai của Chúa Giê-xu khi họ lìa đời tạm nầy về an nghỉ trong Nước Chúa. Nhưng chỉ ai nghe tiếng gọi lần thứ nhất và đáp ứng, nghĩa là đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu, người đó mới được nghe tiếng gọi lần thứ hai, và sung sướng nghe thêm tiếng gọi lần thứ ba của Chúa Giê-xu khi Ngài từ trời cao giáng xuống nơi không trung, kêu lớn tiếng ra lệnh cho thân thể của mọi người chết trong Chúa sống lại trong vinh quang để nghênh tiếp Ngài trong nỗi vui mừng không thể mô tả của ngày huy hoàng và trọng đại nầy.
Cố Mục Sư Nguyễn Bá Quang