Con người là tạo vật do Đức Chúa Trời dựng nên theo hình ảnh Ngài. Con người thông minh hơn muôn loài vạn vật, vì Đức Chúa Trời không những phú cho con người một thân xác mà còn có linh hồn.

Bài 2

CON NGƯỜI

1. Con người là gì?

Con người là tạo vật do Đức Chúa Trời dựng nên theo hình ảnh Ngài. Con người thông minh hơn muôn loài vạn vật, vì Đức Chúa Trời không những phú cho con người một thân xác mà còn có linh hồn.

Vậy Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam và người nữ.

(Sáng Thế 1:27).

ChúaĐức Chúa Trời dùng bụi đất nắn nên con người, rồi hà sinh khí vào lỗ mũi, con người bèn trở nên một sinh vật có linh hồn.

(Sáng Thế 2:7).

2. Thế sao ngày nay nhiều người cho rằng con người tiến hóa từ

giống khỉ mà thành. Điều đó có đúng không?

Theo đức tin của chúng ta và theo Kinh Thánh thì điều đó không đúng. Khỉ là loài vật, còn chúng ta là loài người. Giả như có ai nói rằng, “Ông tổ của bạn là một con khỉ đực,” có lẽ chúng ta cảm thấy tự ái bị tổn thương ngay. Lương tri tự nhiên của chúng ta lập tức không chấp nhận điều ấy. Hơn nữa, tự cổ chí kim, cho dù khoa học đã khám phá ra nhiều điều tuyệt vời, chưa hề có ai có thể chứng minh được khỉ biến thành người hoặc khỉ sinh ra người bao giờ. Đó là một giả thuyết sai lầm nhằm phủ nhận lẽ thật về Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người chúng ta. Kinh Thánh đã dạy rõ rằng loài nào sinh ra loài nấy. Loài khỉ không thể sinh ra loài người hay từ từ tiến hóa qua nhiều thế hệ mà thành người được.

Đức Chúa Trời phán, “Nước phải có đầy dẫy sinh vật, phải có chim bay trên đất trong bầu trời của cõi không trung.” Vậy Đức Chúa Trời tạo dựng những thủy quái lớn, những sinh vật di động và sinh sản trong nước tùy theo loại, và các loài chim có cánh tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp. Đức Chúa Trời ban phước cho chúng, mà rằng, “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều và làm cho đầy trong nước biển; các chim chóc cũng hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều trên đất.” Vậy có buổi chiều và buổi sáng, ngày thứ năm.

Đức Chúa Trời phán, “Đất phải sinh các sinh vật tùy theo loại: các súc vật, các sinh vật bò trên mặt đất, và các thú rừng trên đất tùy theo loại,” thì có như vậy. Đức Chúa Trời dựng nên các thú rừng trên đất tùy theo loại, các súc vật tùy theo loại, và mọi loài bò trên mặt đất tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp.

(Sáng Thế 1:20-25).

3. Linh hồn là gì?

Linh hồn là phần tinh anh, không thấy được, nhưng thực hữu, và trường tồn của con người.

4. Có thật là có linh hồn không?

Nếu không có linh hồn, con người sẽ không ra người nữa mà chỉ là cái xác không hồn. Linh hồn ở trong con người mới làm con người trở nên có giá trị.

5. Linh hồn ở đâu?

Linh hồn ở trong thân xác chúng ta. Khi linh hồn ra khỏi thân xác, con người chỉ còn là cái xác chết, hết có giá trị, và ai cũng sợ.

6. Làm thế nào tôi biết rằng tôi có linh hồn?

Nếu bạn có lý trí, ý chí, tình cảm, và lương tâm, bạn biết rằng bạn đang có một linh hồn. Linh hồn là phần tinh anh, vô hình, vô dạng, không thể thấy được bằng mắt, nhưng lại rất thực của con người bạn. Lý trí, ý chí, tình cảm, và lương tâm là những phần của linh hồn. Bạn không thấy những phần đó, nhưng chúng có thật. Những điều như tự ái, giận hờn, yêu thương, buồn bã, vui mừng, cảm động, v.v. là những biểu lộ của linh hồn.

7. Linh hồn sẽ tồn tại bao lâu?

Linh hồn sẽ trường tồn mãi mãi, hoặc ở trong thân xác bạn, hoặc ở ngoài thân xác bạn. Vì linh hồn không phải là vật chất, nên linh hồn sẽ không bị mai một với thời gian.

8. Linh hồn sẽ ở trong thân xác bao lâu?

Linh hồn sẽ ở trong thân xác bạn cho đến khi bạn qua đời. Qua đời hay chết tức là lúc linh hồn lìa khỏi thân xác.

9. Linh hồn lìa khỏi thân xác rồi sẽ đi đâu?

Có hai trường hợp xảy ra:

1) Người tin thờ Chúa

Khi một người đã tin thờ Chúa và cứ trung tín thờ phượng Ngài cho đến lúc qua đời thì khi lìa đời linh hồn của người đó sẽ được cứu rỗi, tức là được tiếp về với Chúa trên thiên đàng.

Do chúng ta có niềm tin vững vàng đó, nên chúng ta mong muốn thà được rời khỏi thân xác nầy để về ở với Chúa là hơn. Thế thì dù ở trong thân xác nầy, dù ra khỏi, mục đích của chúng ta vẫn là làm vui lòng Chúa.(2 Cô-rinh-tô 5:8-9).

Tôi đang bị giằng co giữa hai điều: một đàng thì muốn được ra đi để ở với Chúa Cứu-thế, đó là điều tốt hơn cho tôi, một đàng thì cứ tiếp tục ở lại trong thân xác, đó là điều cần thiết hơn cho anh chị em.(Phi-líp 1:23-24).

2) Người không tin thờ Chúa

Khi một người không tin Chúa qua đời, linh hồn của người ấy sẽ được đem về một nơi Đức Chúa Trời đã dành sẵn, để ở đó chờ ngày phán xét của Ngài.

10. Thế tại sao có người cho rằng linh hồn của người chết biến thành

ma và trở về thăm họ?

Không phải vậy đâu. Đó chỉ là Sa-tan và các quỷ sứ của nó lợi dụng lòng tin và sự sợ hãi của người ta để giả làm hồn của người chết hiện về hầu người ta tin như thế mà thôi. Sa-tan và các quỷ sứ của nó thường làm mọi cách để gạt người ta, hầu họ tin bất cứ chuyện gì, thờ phượng bất cứ ai, miễn là đừng tin tưởng và thờ phượng Ba Ngôi Đức Chúa Trời là được. Vì thế Đức Chúa Trời mới gọi con quỷ chúa là Sa-tan. Sa-tan có nghĩa là “kẻ chống đối,” “kẻ vu khống,” và “kẻ lừa dối.” Chúng ta phải ý thức bản chất của nó và âm mưu thâm độc của nó.

11. Phải chăng linh hồn vốn có từ kiếp trước và luân hồi vào thân

thể ta bây giờ?

Không đâu. Kinh Thánh không hề nói cho chúng ta biết con người có kiếp trước nào cả. Nếu chúng ta đã có từ kiếp trước, tại sao không ai nhớ kiếp trước mình là ai và mình đã làm gì? Một vài tín ngưỡng cho rằng sau khi chết linh hồn bị cho uống thuốc lú, nên không còn nhớ gì nữa trước khi đi đầu thai. Ngoài ra họ còn tin rằng bây giờ mình là đàn ông, nhưng kiếp trước có thể là đàn bà, hoặc có thể là một con vật nào đó tu luyện mà thành. Chưa ai trong chúng ta thấy một con vật nào tu cả. Giả dụ thuyết có tiền kiếp là đúng thì thử hỏi tại sao kiếp nầy ta phải tu hành khắc khổ cho một kiếp sau mà ta không biết kiếp sau mình sẽ là ai; người trong tương lai ấy cũng không biết gì đến mình, không nhớ gì đến mình, một kẻ đã khổ công tu hành để cho người ấy được hưởng? Điều ấy thật không hợp tình hợp lý chút nào. Hơn nữa, người ta dạy con người phải tu mãi hết kiếp nầy qua kiếp khác cho đến khi tan biến vào vũ trụ mới thôi. Đó là mục đích tối hậu của đường tu. Vậy thử hỏi, tại sao tôi phải tu hành khắc khổ suốt đời để cuối cùng tôi tự diệt mất chính mình? Điều ấy quả là thật khó hiểu!

Riêng chúng ta, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên A-đam, rồi hà sinh khí vào ông, tức ban linh hồn cho tổ phụ loài người. Từ đó cứ theo công lệ sinh hóa mà thân xác và linh hồn loài người lưu truyền từ đời nọ sang đời kia theo quy luật Đức Chúa Trời đã tạo ra, chứ không có luân hồi gì cả.

Tất cả những người thuộc về Gia-cốp đi vào Ai-cập, tức những con cháu từ ông sinh ra, không kể các nàng dâu của ông, tổng cộng được sáu mươi sáu người (linh hồn).

(Sáng Thế 46:26).

Các chữ “người” trong câu kinh văn nầy trong tiếng Hebrew là “linh hồn.”

Vì Lê-vi vẫn còn ở trong lòng tổ phụ ông, khi Mên-chi-xê-đéc ra đón gặp tổ phụ ông. (Hê-bơ-rơ 7:10).

12. Có người cho rằng Đức Chúa Trời dựng nên linh hồn mỗi người

mỗi khi có một thai nhi hình thành, thì chúng ta nghĩ làm sao?

Dù một vài người có trích dẫn một vài câu trong Kinh Thánh để lập luận rằng Đức Chúa Trời trực tiếp dựng nên linh hồn mỗi người khi có một thai nhi thành hình thì lập luận ấy hoàn toàn sai lầm, bởi họ hiểu sai ý của các câu kinh văn đó. Những câu ấy đề cập đến sự dựng nên gián tiếp của linh hồn; tức linh hồn từ A-đam theo công lệ sinh hóa mà lưu truyền và thành hình từ cha mẹ của mỗi người, chứ không phải mỗi khi một thai nhi thành hình thì Đức Chúa Trời dựng nên một linh hồn nữa ngay lúc đó. Bởi lẽ, khi một người nam và một người nữ ngoại tình, hoặc một thiếu nữ bị kẻ xấu hãm hiếp, chẳng lẽ Đức Chúa Trời cũng tán thành việc ấy mà tạo dựng một linh hồn cho đứa con do sự giao hợp bất chính và tội lỗi như thế hay sao? Đức Chúa Trời không bao giờ làm như vậy.

13. Thế còn thân xác của con người thì sao?

Kinh Thánh dạy rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời, nơi Chúa ngự; vì thế chúng ta phải giữ thân thể mình cho thánh sạch.

Anh chị em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang ngự trong anh chị em sao? Nếu có ai muốn phá huỷ đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá huỷ kẻ ấy. Vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh chị em là đền thờ.(1 Cô-rinh-tô 3:16-17).

Anh chị em không biết rằng thân thể anh chị em là đền thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong anh chị em, Đấng Đức Chúa Trời ban cho anh chị em, và anh chị em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh chị em đã được mua bằng giá rất cao rồi. Vậy hãy lấy thân thể mình làm vinh hiển Đức Chúa Trời.(1 Côr. 6:19-20).

Vậy, thưa anh chị em, bởi ơn thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài khuyên anh chị em hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đó là cách thờ phượng phải lẽ của anh chị em. (Rô-ma 12:1).

14. Con người có giá trị như thế nào trước mặt Đức Chúa Trời?

Con người là loài được tạo dựng cao quý nhất trước mặt Đức Chúa Trời. Trong muôn loài vạn vật do Đức Chúa Trời dựng nên, chỉ con người là loài được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho quyền tự do chọn lựa để định đoạt số phận của mình, kể cả quyền tự do chọn lựa thờ phượng Ngài hay không. Vì thế, việc chúng ta sử dụng quyền tự do Đức Chúa Trời ban cho để quyết định thờ phượng Ngài là điều rất có ý nghĩa đối với Ngài.

Vậy Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam và người nữ.

(Sáng Thế 1:27).

ChúaĐức Chúa Trời truyền lịnh cho con người, “Ngươi được tự do ăn mọi cây trái trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện và điều ác ngươi không được ăn đến, vì hễ ngày nào ngươi ăn trái cây ấy, ngươi chắc sẽ chết.”(Sáng Thế 2:16-17).

15. Nếu một người qua đời trước khi có dịp tin thờ Chúa thì số phận

đời đời của linh hồn người đó sẽ ra sao?

Bây giờ chúng ta không rõ, vì Kinh Thánh không nói rõ ràng và quả quyết về việc ấy. Nhưng Kinh Thánh có dạy rằng Đức Chúa Trời sẽ có một ngày phán xét. Đến ngày ấy, mọi người tự cổ chí kim sẽ phải trình diện trước tòa phán xét của Ngài. Bấy giờ Ngài sẽ xét xử một cách công minh cho mỗi người. Số phận đời đời của mỗi người như thế nào lúc bấy giờ chúng ta sẽ rõ và không ai sẽ có thể phàn nàn gì được cả.

Điều quan trọng là ai đã tin thờ Chúa rồi, người ấy sẽ khỏi phải ứng hầu trước toà phán xét của Đức Chúa Trời. Vì thế chúng ta nên nổ lực khuyên mời mọi người tin thờ Chúa, để họ khỏi phải bị ứng hầu trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời. Đó là việc thiện lớn nhất trong các việc thiện mà chúng ta có thể làm cho người khác.

Đoạn tôi thấy một chiếc ngai trắng lớn và thấy một Đấng ngồi trên ngai đó. Trước mặt Ngài, đất và trời đều biến mất, chẳng còn thấy đâu nữa. Tôi cũng thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ, đứng trước ngai, và các sách đều mở ra. Cũng có một cuốn sách khác được mở ra, đó là sách sự sống. Những người chết đều được xét xử tuỳ theo những việc họ làm, như đã ghi trong các sách đó.

(Khải 21:11-12).

Bởi vậy, hiện nay ai ở trong Chúa Cứu-thế Giê-su sẽ không còn bị kết tội nữa. (Rô-ma 8:1).

16. Nếu cha mẹ đã qua đời mà con cháu không cúng giỗ, như vậy có

phải là đã bất hiếu quá đi chăng?

Thờ cúng tổ tiên là phong tục do người Trung Hoa truyền cho chúng ta khi họ đô hộ chúng ta. Chúng ta cần phải hiểu “Hiếu” là thế nào? Nếu dựa theo gương hai mươi bốn người có hiếu (Nhị Thập Tứ Hiếu) danh tiếng thời xưa bên Trung Hoa mà làm theo, thì hiếu là biết lo phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ vui lòng khi cha mẹ còn sống, và nhớ thương cha mẹ khi cha mẹ đã qua đời. Vì khi cha mẹ chết rồi, thì dù con cái có làm tiệc lớn để cúng giỗ bằng những mâm cao cỗ đầy bao nhiêu, cha mẹ cũng không về hưởng được miếng nào.

Còn nếu bảo hiếu là khi cha mẹ qua đời, ta phải tôn cha mẹ lên làm thần, rồi thờ lạy cha mẹ như thờ lạy Đức Chúa Trời và còn tin rằng cha mẹ có quyền ở cõi âm về phù hộ và ban phước cho chúng ta, thì đó thật là một niềm tin sai lầm. Bởi nếu cha mẹ thật sự linh thiêng và có quyền phép như chúng ta tưởng, lẽ nào cha mẹ nỡ để cho con cháu của họ hằng năm đều cúng giỗ và cầu xin họ cứ phải chịu khổ sở triền miên như chúng ta thấy hiện nay trên khắp đất nước chúng ta?

Ngoài ra, các dân tộc thờ phượng Chúa, đa số là các dân tộc Tây Phương, không thờ cúng tổ tiên giống như người mình, hóa ra họ bất hiếu theo quan niệm của chúng ta, nhưng sao cuộc sống của họ dường như tự do hơn và sung túc hơn dân Việt chúng ta rất nhiều. Họ có thể viện trợ và giúp đỡ được nhiều dân tộc khác ở nhiều phương diện. Như vậy quan niệm phải cúng giỗ cha mẹ mới là có hiếu, mới được cha mẹ ở cõi âm về phù hộ ban phước cho công ăn việc làm và việc học hành thi cử của mình chưa hẳn là đúng. Điều đó chẳng qua là tục lệ xã hội ngày xưa do các thầy cúng người Trung Hoa qua đô hộ đất nước chúng ta bày vẽ trong lúc dân tộc chúng ta vốn nể trọng họ là kẻ có quyền nên phải tin theo mà thôi. Thời gian trôi qua, chúng ta đã quen với tập tục ấy; bây giờ việc đó đã trở thành một tập quán, rất khó bỏ đi, chứ không hẳn việc cúng giỗ như thế mới là cách tốt nhất để bày tỏ lòng hiếu thảo.

Ngày nay vì áp lực của xã hội và của một vài tôn giáo cho nên nhiều người cứ thế mà làm theo, chứ không chịu xét lại, và dường như vì áp lực của xã hội, không ai dám nghĩ khác đi hoặc dám làm gì khác hơn cho đúng hơn và cho văn minh hơn. Ước mong rồi đây dân tộc chúng ta sẽ có đủ can đảm sửa đổi lại cho đúng và tốt hơn, bỏ đi những tàn dư không đúng đã du nhập vào văn hóa của chúng ta trong thời kỳ bị đô hộ, mà tỏ lòng hiếu thảo một cách thật cụ thể và có ý nghĩa với ông bà cha mẹ như Lời Chúa dạy.

Ngoài ra, về việc thờ cúng tổ tiên, chúng ta đã theo thói tục do người Trung Hoa bày vẽ nên chỉ thờ phượng đến năm đời; như thế đời thứ sáu và những đời trước nữa thì sao? Những đời trước cũng là tổ tiên của chúng ta vậy. Nếu truy cho cùng thì vị nguyên tổ của chúng ta chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo nên loài người. Thờ phượng Đức Chúa Trời chính là thờ phượng tổ tiên đúng nghĩa nhất. Thế nên, ông bà cha mẹ là những bậc chúng ta phải yêu kính, mến thương, tôn trọng, và tưởng nhớ, chứ không nên thờ phượng như thờ một vị thần, vì các vị không phải là thần.

17. Nếu vậy thì thế nào là sống cho tròn đạo hiếu với ông bà cha mẹ

theo tinh thần Đạo Chúa dạy?

Chúng ta tin rằng có hiếu là..

1) Khi cha mẹ còn sống

Lúc còn bé, chúng ta phải vâng lời cha mẹ. Khi lớn khôn, chúng ta phải biết kính yêu và giúp đỡ cha mẹ. Khi cha mẹ trở nên già yếu, chúng ta phải biết phụng dưỡng, thăm nom, chăm sóc, và an ủi cha mẹ. Con cháu phải biết làm sao để ông bà cha mẹ vui lòng và hãnh diện về mình; chẳng hạn như ráng ăn học thành tài, hoặc làm ăn lương thiện, hoặc ăn ở cho có đạo nghĩa giữa đời, v.v.. Khi có món ngon vật lạ phải biết dâng biếu cho cha mẹ dùng, chứ đừng để “lúc sống thì không cho ăn, đến khi đã chết làm văn tế ruồi.” Khi cha mẹ già yếu, không có tiền bạc nhiều, con cháu có tiền của thì phải biết giúp đỡ cha mẹ, chứ đừng ích kỷ, coi tiền bạc trọng hơn cha mẹ. Đừng để cha mẹ lúc già yếu sống trong quên lãng và đói khổ cơ hàn, đợi khi cha mẹ qua đời thì làm mâm cao cỗ đầy, rước thầy về cúng giỗ linh đình, mời nhiều người đến ăn uống, để chứng tỏ rằng mình có hiếu, hầu che mắt thế gian. Đó là điều chẳng nên làm theo niềm tin của chúng ta.

2) Khi cha mẹ qua đời

Khi cha mẹ qua đời, con cháu phải hiệp nhau lo tang lễ cho trọng thể theo khả năng tài chính của mình. Ngày cha mẹ qua đời, tuy biết rằng ngày ấy linh hồn cha mẹ mình về với Chúa, nếu cha mẹ lúc sống là con cái Chúa và trung tín với Ngài cho đến chết, thì dù sao cũng là ngày buồn. Đó là tình cảm tự nhiên Chúa phú cho chúng ta. Con cháu không nên tổ chức linh đình để phô trương tiền của, và cũng không nên quá khích mà bảo rằng đó là ngày vui, (vì linh hồn cha mẹ đã được về với Chúa), như một vài người quá khích và cực đoan trong chúng ta thường nói.

3) Sau khi cha mẹ đã qua đời rồi

Sau khi cha mẹ đã qua đời, con cháu phải tiếp tục giữ gìn danh thơm tiếng tốt của cha mẹ mình. Ai nấy phải ráng làm vinh hiển danh Chúa để được rạng rỡ tông môn. Con cháu nên chọn ngày thuận tiện để tổ chức ngày tưởng nhớ cha mẹ. Con cháu nên mời mục sư hay các chức viên trong hội thánh đến, dùng Lời Chúa khuyên nhủ gia tộc tiếp tục noi gương sáng của cha mẹ mà sống ở đời cho phải đạo làm người và làm hiển vinh danh Chúa. Trong dịp nầy, con cháu cũng hãy nhắc lại công ơn của cha mẹ và những gương sáng của cha mẹ lúc sinh tiền, như nếp sống đạo đức, lòng hy sinh, lòng thương người, lòng trung tín với Chúa, tinh thần hết lòng hầu việc Chúa, v.v. để con cháu lấy làm hãnh diện và tiếp tục noi theo. Thiết tưởng, nếu chúng ta làm được như thế, tức là chúng ta có hiếu thật và rất phù hợp với tinh thần của Đạo Chúa vậy.

Mục Sư Đặng Ngọc Báu