Đức Chúa Giê-su là Con Một của Đức Chúa Trời. Ngài chính là Thượng Đế Ngôi Hai và Ngài đã trở thành một Con Người hoàn toàn như chúng ta. Ngài chính là Chúa Cứu Thế, Đấng Giải Cứu của toàn thể nhân loại.
Bài 4
Đức Chúa Giê-su
1. Đức Chúa Giê-su là ai?
Đức Chúa Giê-su là Con Một của Đức Chúa Trời. Ngài chính là Thượng Đế Ngôi Hai và Ngài đã trở thành một Con Người hoàn toàn như chúng ta. Ngài chính là Chúa Cứu Thế, Đấng Giải Cứu của toàn thể nhân loại.
2. Đức Chúa Giê-su đã làm gì mà được tôn là Đấng Giải Cứu của
nhân loại?
Ngài đã từ trời giáng thế làm người, để chịu hình phạt thay cho chúng ta. Nhờ Ngài chịu chết thay trên thập tự giá mà chúng ta, những con người tội lỗi, khi tin nhận công ơn hy sinh cứu chuộc của Ngài thì được Đức Chúa Trời tha thứ và được hưởng ơn cứu rỗi.
3. Chẳng lẽ Đức Chúa Trời không còn cách gì khác hay sao mà phải
sai Con Một Ngài giáng thế và chịu nhục hình đớn đau như vậy?
Kinh Thánh không cho thấy Đức Chúa Trời muốn dùng cách nào khác vẹn toàn hơn là sai chính Con Một của Ngài, Đức Chúa Giê-su, giáng thế làm người, để rao giảng đạo Trời, và chịu hình phạt thay cho chúng ta. Số là sai Con Một của Ngài giáng thế chịu hình phạt thay cho chúng ta, một mặt thể hiện được đức yêu thương của Ngài, một mặt khác làm thỏa mãn đức công chính và đức thánh khiết của Ngài.
Thời xưa, kinh Cựu Ước cho thấy, các con vật hiến tế chịu chết vì tội của người mang nó đến dâng. Tất cả những điều ấy cũng chỉ làm hình bóng về chính Đức Chúa Giê-su sẽ làm con vật hiến tế, dùng cái chết của Ngài để đền tội cho những người có tội và cứu chuộc thế nhân. Để cho Con Một của Ngài chịu chết là cách tốt nhất Đức Chúa Trời đã dùng để thể hiện tình thương của Ngài và cứu chúng ta.
4. Tại sao Đức Chúa Giê-su lại chịu làm như thế?
Đức Chúa Giê-su vâng lời Đức Chúa Cha mà chịu như thế bởi vì Ngài thương chúng ta. Ngài không muốn chúng ta phải bị đau khổ đời đời trong hỏa ngục. Tình yêu thương là động cơ đã thôi thúc Ngài giáng trần để chết thay cho chúng ta, những người Ngài yêu. Khi còn ở thế gian Ngài đã phán:
Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu của Ta. (Giăng 15:9).
Không có tình yêu nào vĩ đại hơn là vì bạn mà hy sinh mạng sống mình. Các ngươi là bạn Ta…(Giăng 15:13-14).
Ta ban cho các con một điều răn mới, đó là các con phải yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó thiên hạ sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta.
(Giăng 13:34-35).
5. Nếu Đức Chúa Giê-su đã chịu hình phạt thay cho cả nhân loại, thì
không phải cả nhân loại sẽ được cứu sao?
Không đâu. Mặc dù Đức Chúa Giê-su đã chịu hình phạt thay cho cả nhân loại, nhưng chỉ những ai tin nhận công ơn hy sinh cứu chuộc của Ngài, Đức Chúa Trời mới ban ơn cứu rỗi cho người ấy.
Đức Chúa Trời đã ban, nhưng chúng ta phải nhận thì mới được hưởng. Vì thế Kinh Thánh có chép, “hễ ai tin Con ấy thì được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Nên người không tin chắc chắn sẽ không được hưởng sự sống đời đời, mặc dù Đức Chúa Giê-su cũng đã chết thay cho tội lỗi của người ấy rồi. Muốn hưởng ơn cứu rỗi, bạn phải tin nhận và rước Chúa vào lòng mới được. Ví như bữa cơm đã được dọn ra sẵn, nhưng bạn phải ăn thì mới được no vậy.
Nhưng hễ ai tin nhận Ngài, tức những ai tin vào danh Ngài, Ngài ban cho quyền phép trở thành con cái Đức Chúa Trời. (Giăng 1:12).
Ai tin Con thì được sự sống đời đời. Ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu. ..(Giăng 3:36).
6. Tại sao chỉ có một mình Chúa chịu chết mà có thể cứu vô số người
tin được?
Bởi vì giá trị của Đức Chúa Giê-su vô cùng lớn lao. Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời và cũng là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, nên sinh mạng của Ngài có giá trị đủ để cứu cả nhân loại tự cổ chí kim. Ví như chúng ta cầm hai tờ giấy bạc trong tay. Một tờ một đô-la và một tờ một trăm đô-la. Hai tờ đều là giấy bạc có khổ như nhau, nhưng một tờ có giá trị bằng một trăm tờ kia. Cũng vậy, sinh mạng của một mình Đức Chúa Giê-su có giá trị hơn hàng tỷ người trên thế giới từ xưa đến nay. Giá trị của Đức Chúa Giê-su lớn lao vô cùng, nên cái chết của Ngài có thể cứu chuộc cả nhân loại.
7. Đức Chúa Giê-su có cha mẹ phần xác không?
Đức Chúa Giê-su chỉ có mẹ phần xác là bà Ma-ry, nhưng Ngài không có cha phần xác. Cha nuôi phần xác của Ngài là ông Giô-sép.
8. Như thế làm sao mẹ Ngài có thai Ngài được?
Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh ngự vào lòng trinh nữ Ma-ry và làm cho cô mang thai Chúa, chứ cô không thụ thai theo công lệ thường tình như bao nhiêu người nữ khác.
Ma-ry thưa với thiên sứ, “Làm sao việc ấy có thể xảy ra được, vì tôi chưa hề biết một người nam nào?” Thiên sứ đáp cùng nàng, “Đức Thánh Linh sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trên cô. Cho nên Con Thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời. (Lu-ca 1:34-35).
9. Đức Chúa Giê-su giáng thế khi nào?
Đức Chúa Giê-su đã giáng thế trên 2.000 năm trước, tại Do-thái. Sự giáng sinh của Ngài đã chia hai dòng lịch sử nhân loại thành trước Chúa (T.C.) và sau Chúa (S.C.), Người lương đã đổi chữ Chúa thành Công Nguyên, cho nên họ gọi là TC (trước công nguyên) và SC (sau công nguyên), giống như họ đã đổi chữ “Chúanhật” thành “Chủnhật” vậy. Họ cho rằng đó là ngày của chủ cho được nghỉ làm, còn chúng ta thì tin rằng đó là ngày thánh, biệt riêng ra để thờ phượng Chúa.
10. Đức Chúa Giê-su đã sống bao nhiêu năm trên đất?
Ngài đã sống khoảng 33 năm trên thế gian nầy.
11. Trong thời gian sống trên đất Ngài ở nước nào?
Trong thời gian sống trên đất Ngài ở nước Do-thái, một quốc gia nhỏ bé trên bờ phía đông Địa Trung Hải. Nước Do-thái là một nước ở vùng Trung Đông, thuộc Á Châu. Vì thế, về phương diện phần xác, Đức Chúa Giê-su là người Châu Á, chứ không phải người Âu Mỹ, như một số người lầm tưởng.
12. Một số người đã gọi Đạo Tin Lành là Đạo Mỹ, như thế có đúng
không?
Dĩ nhiên là không. Đức Chúa Giê-su đã giáng sinh trên 2.000 năm rồi, còn nước Mỹ mới được lập quốc chưa được 300 năm, thì lẽ nào Đạo Chúa là đạo Mỹ được? Sở dĩ người ta nói như thế bởi vì họ thấy nhiều người Mỹ sốt sắng đi khắp thế giới rao giảng Đạo Chúa, cho nên họ hiểu lầm rằng Đạo Chúa là đạo Mỹ đấy thôi.
13. Lúc ở thế gian, Đức Chúa Giê-su đã làm gì?
Ba muơi năm đầu, Ngài làm người con hiếu thảo trong gia đình, phụng dưỡng cha nuôi và mẹ, chăm sóc các em, theo phong tục của người Do-thái. Ba năm sau cùng của cuộc đời, Ngài chu du trong nước Do-thái và các miền phụ cận để rao giảng Đạo Trời, kêu gọi người ta quay về thờ phượng Đức Chúa Trời và tin nhận Ngài là Đấng đến giải cứu họ ra khỏi quyền lực của Sa-tan, sự chết, tội lỗi, và bản ngã xác thịt. Đức Chúa Giê-su đã bày tỏ những quyền năng và phép lạ để chứng tỏ cho những người đồng thời với Ngài biết Ngài chính là Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu-thế từ trời đến.
14. Đức Chúa Giê-su đã làm những phép lạ gì để chứng tỏ Ngài là
Đấng Cứu-thế từ trời đến?
1) Đối với những bệnh tật nan y
Ngài đã chữa cho người đui thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, người què đi được, người phung được lành lặn, v.v. để cho người ta thấy Ngài có quyền trên các bịnh tật nan y. (Giăng 9:1-7; Mác 7:31-37; Lu-ca 5:18-25; 17:11-19).
2) Đối với các định luật thiên nhiên
Ngài làm phép lạ biến nước thành rượu, truyền cho bão tố yên lặng, hóa bánh cho hàng ngàn người ăn, đi bộ trên mặt biển, v.v., để chứng tỏ Ngài có quyền trên cõi thiên nhiên và vũ trụ.
(Giăng 2:1-11; Ma-thi-ơ 8:23-27; 14:15-21; 14:25).
3) Đối với tà linh ma quỷ
Kinh Thánh cho biết mỗi lần quỷ gặp Ngài là run sợ và van nài. Ngài đã nhiều lần ra lịnh cho quỷ phải xuất ra khỏi những người chúng ám hại và hành hạ, để chứng tỏ Ngài có quyền trên thế giới vô hình của tà linh và ma quỷ. (Ma-thi-ơ 8:28-34; Mác 1:23-26).
4) Đối với tử thần
Ngài đã truyền cho những người chết sống lại, để chứng tỏ Ngài có quyền trên sự sống chết của con người. (Mác 5:22-42; Lu-ca 7:11-15; Giăng 11:1-44).
Đức Chúa Giê-su đã làm những điều đó để chứng tỏ Ngài quả thật là Đấng Cứu Thế của thế gian.
15. Tại sao Đức Chúa Giê-su tài phép như thế mà lại phải chịu
chết?
Đức Chúa Giê-su phải chịu chết bởi vì Ngài vâng lời Đức Chúa Cha và làm theo luật của cha Ngài. Theo luật của Đức Chúa Trời thì chỉ khi nào con vật hiến tế đổ máu ra, chịu chết, bấy giờ sự chuộc tội mới có hiệu lực.
Thật vậy, theo Luật Pháp, thì mọi vật đều phải nhờ huyết mà được tinh sạch, và nếu không có đổ huyết thì không có sự tha thứ.
(Hê-bơ-rơ 9:22).
16. Lúc Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài có chết thật
không?
Ngài quả đã chết thật. Vị sĩ quan hành quyết, người La-Mã, đã kiểm nghiệm và xác nhận với thượng cấp của ông như vậy. Sau khi Ngài trút linh hồn, người ta đã đem thân xác Ngài đi liệm và chôn Ngài đi.
(Mác 16:44-45).
17. Nếu thế, Đức Chúa Giê-su cũng chết như mọi người thì làm sao
Ngài có thể cứu được ai?
Không phải vậy đâu. Ngài không chết luôn như bao nhiêu người khác. Sau khi Ngài được chôn trong mộ đá, đến ngày thứ ba, Ngài đã từ cõi chết sống lại. Ngài sống lại và hiện ra cho nhiều người xem thấy. Nhờ thế, Ngài mới có quyền ban sự sống đời đời và sức sống phục sinh cho những ai tin cậy Ngài, và Đạo Chúa, tức Cơ-đốc Giáo, mới được thành hình, chứ nếu Ngài chết luôn như bao nhiêu vị giáo chủ khác, thì chắc hẳn không có Cơ-đốc Giáo đâu. (Ma-thi-ơ 28:1-20; Mác 16:1-20; Lu-ca 24:1-55; Giăng 20:1-21:25).
18. Sau khi sống lại Đức Chúa Giê-su còn ở thêm trên đất bao lâu
nữa?
Sau khi phục sinh Ngài đã ở thêm trên đất 40 ngày nữa (Công Vụ 1:3). Ngài hiện ra nhiều lần cho các môn đồ Ngài và cho hơn 500 người (1 Cô-rinh-tô 15:3-9) có lòng tin, xứng đáng được chiêm ngưỡng thân thể vinh hiển và mầu nhiệm của Ngài xem thấy. Họ có thể thấy Ngài tận mắt và sờ đến Ngài tận tay; nhờ vậy họ mới được xác quyết chắc chắn về sự phục sinh của Ngài. Vì thế từ đó trở đi, những người ấy đã hăng say rao truyền về Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, bất chấp gian nguy và bách hại. Tất cả những người ấy, dù phải hy sinh tính mạng, họ cũng không bao giờ phủ nhận sự thật về Đức Chúa Giê-su đã phục sinh.
19. Sau 40 ngày ấy, Đức Chúa Giê-su đi đâu?
Sau 40 ngày đó, Chúa từ giã các môn đồ của Ngài và thăng thiên về trời, trước sự chứng kiến của họ.
Sau khi Ngài phán với họ như vậy xong, Ngài được cất lên trời đang lúc họ nhìn xem Ngài. Có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, họ không trông thấy Ngài nữa.(Công Vụ 1:9).
20. Đức Chúa Giê-su có dự định sẽ trở lại thế gian nầy không?
Có. Chúa hứa một ngày trong tương lai Ngài sẽ tái lâm để tiếp đón những người tin thờ Ngài vào thiên đàng vinh hiển.
Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; nếu không như thế, Ta đã bảo cho các ngươi rồi. Ta đi chuẩn bị một chỗ cho các ngươi. Nếu Ta đi và chuẩn bị một chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại để đem các ngươi đi với Ta, hầu Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.(Giăng 14:2-3).
Họ sẽ thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến. Con Người sẽ sai các thiên sứ mình dùng tiếng kèn lớn mà tập họp những người được chọn khắp bốn phương trời, từ chân trời nầy đến chân trời kia. (Ma-thi-ơ 24:30-31).
21. Ngài có hẹn trước khi nào Ngài sẽ trở lại thế gian không?
Ngài không nói rõ ngày giờ nào Ngài sẽ trở lại. Kinh Thánh bảo rằng Ngài sẽ trở lại thình lình như kẻ trộm.
Thì giờ và kỳ hạn mà Đức Chúa Cha đã tự quyền định lấy là điều các ngươi không nên biết. (Công Vụ 1:7).
Thưa anh chị em, về thời và kỳ thì tôi không cần viết cho anh chị em nữ; vì chính anh chị em đã biết rõ rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm. (1 Thê-sa. 5:1-2)
Vì thế lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng để nghênh đón Chúa trở lại, hoặc sẵn sàng để có thể về với Chúa bất cứ lúc nào. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nếu chưa, xin mời bạn hãy sớm tin thờ Chúa.
Mục Sư Đặng Ngọc Báu