có nghĩa là không có. Nhưng Ưu là gì mà không có ưu? Hán tự có hai chữ Ưu mang hai ý nghĩa trái ngược nhau. Ưu thứ nhất (憂) là ưu tư, ưu phiền và Ưu thứ hai (優) là ưu ái, ưu tiên, ưu tú.  Đặt chữ trước chữ Ưucho ta ý thức để chọn lựa giữa kết quả tốt đẹp và hậu quả tai hại; giữa may mắn phước hạnh và bạc phước, bất hạnh. Làm thế nào để biết mà chọn lựa?

Năm 1948, Dale Carnegie đã dùng chữ “How?” để đặt tựa đề cho một cuốn sách học làm người bắt đầu bằng câu hỏi Làm Thế Nào? “How To Stop Worry and Start Living?” Cuốn cẩm nang vô ưu này đã được học giả Nguyễn Hiến Lê chuyển ngữ và xuất bản tại Sài-gòn năm 1955 với tựa đề là“Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống”. Trong mục điểm sách, một độc giả đã chia xẻ cảm tưởng như sau:
“Cuộc đời rất ngắn. Muốn vui sống phải biết cách diệt ưu tư. Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống là cuốn sách kinh điển mang lại hiệu quả rất lớn trong việc giúp cho người đọc có được một đời sống tinh thần yên ả, không muộn phiền. Dù là tài liệu trình bày về tâm lý nhưng lối văn lại không thấy khô khan mà lại duyên dáng và hấp dẫn.” 

Bên cạnh dòng tư tưởng tốt đẹp đó, là lời chia xẻ của một độc giả đang nặng gánh ưu tư:
“Thật dễ dàng để nói ‘quẳng gánh lo đi mà vui sống’. Nhưng quăng cái lo đó đi đâu? Thử sống chung với chồng tôi một ngày, thử áp dụng kỷ luật với đứa con ương ngạnh của tôi, thử nhìn vào số tiền còn lại trong tài khoản của tôi, thử nhìn vào hồ sơ bệnh lý của tôi thì dù có quăng được cái lo đi chổ khác thì cũng không có lòng dạ nào để vui sống.”  

Cổ nhân có câu “Cẩn tắc vô ưu” có nghĩa là nếu biết cẩn thận, cẩn trọng thì sẽ tránh khỏi được những chữ ưu của sự lo âu, lo lắng, lo phiền, lo sợ. “Cẩn tắc vô ưu” là lời khuyên để cảnh giác, đề phòng. Nhưng một khi đầu hàng trước chữ ưu thì tinh thần bị sa sút, cuộc sống bị áp lực đè nặng, khống chế thì làm sao quẳng được gánh lo mà vui sống?  Hãy lắng nghe lời dạy của Chúa Cứu Thế Giê-xu về sự lo lắng:

“Ta khuyên các con đừng lo âu vì vấn đề cơm áo. Đời sống không quý hơn cơm nước sao? Thân thể không trọng hơn quần áo sao? Các con xem loài chim bay lượn trên trời, chúng chẳng gieo, gặt, cũng chẳng tích trữ vào kho, thế mà chúng vẫn sống, vì Cha các con trên trời nuôi chúng. Các con không có giá trị hơn loài chim sao? Trong các con có ai lo âu mà kéo dài đời mình thêm được một giờ không? Vậy các con đừng lo âu về cơm áo, là những thứ người ngoại đạo mãi lo tìm kiếm, vì Cha các con trên trời thừa biết nhu cầu của các con.  Nhưng trước hết, các con phải tìm kiếm Đức Chúa Trời để được Ngài ngự trị trong lòng.  Ngài sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho các con.  Vì thế, các con đừng lo âu về tương lai. Ngày mai sẽ lo việc ngày mai; nỗi khó nhọc từng ngày cũng đã đủ rồi.”  Ma-thi-ơ 6:25-34

“Nỗi khó nhọc từng ngày” là những lo toan, lo liệu cho nhu cầu căn bản, cho bổn phận, cho trách nhiệm được chu toàn, chứ không phải là những rối răm của sự lo âu, lo sợ, lo phiền. Biết phân biệt như thế là “biết lo”và làm tròn được chữ ”cẩn” trong câu nói “cẩn tắc vô ưu”.  

Thánh Kinh Tân Ước thuật lại nhiều chi tiết liên quan đến kinh nghiệm, từng trải của một nhân chứng đã đáp ứng lời mời gọi quẳng gánh lo của mình để đặt lòng tin cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh.  Sứ đồ Phao-lô đã được gặp Chúa, được mang ách chung và phục vụ với tinh thần tận hiến cho đến hơi thở cuối cùng. Suốt cả quãng đường đầy chông gai thử thách, tâm hồn của sứ đồ Phao-lô đã được sự bình an nội tâm chiếm hữu và kiểm soát trọn vẹn y như lời Ngài đã hứa ban sự an nghĩ cho những ai tin nhận Ngài.Chúa Cứu Thế Giê-xu hiểu rõ tâm trạng ưu tư, nhọc mệt của chúng ta và Ngài mời gọi:

“Hỡi những ai đang nhọc mệt và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được nghĩ ngơi. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng, hãy mang ách với Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghĩ trong tâm hồn. Vì ách Ta dể chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.”  Ma-thi-ơ 11:28-30  

Kinh nghiệm vô ưu của sứ đồ Phao-lô được viết xuống bằng giá rất đắc của mồ hôi, nước mắt và cả máu huyết:”Tôi phục vụ, làm việc nặng nhọc, lao tù, đòn vọt vô số, nhiều phen gần bỏ mạng. Năm lần bị người Do-thái đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần chìm tàu, một ngày, một đêm lênh đênh giữa biển sâu. Trải qua nhiều cuộc hành trình, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với đồng bào, nguy với người nước ngoài, nguy trong thành phố, nguy ngoài sa mạc, nguy trên biển cả, nguy với tín hữu giả mạo; tôi chịu cực nhọc vất vả, thao thức trằn trọc, nhịn ăn cầu nguyện, nhiều khi phải đói khát, rét mướt trần truồng.” 2Cô-rinh-tô 11:23-27

Qua từng trải, kinh nghiệm đó, sứ đồ Phao-lô đã quẳng được gánh lo để vui sống và đã đúc kết thành những quy tắc, phương cách giúp chúng ta có thể áp dụng.  Sứ đồ Phao-lô viết:

           ”Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh chị em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.” Phi-líp 4:6-7

Ngay sau mệnh lệnh “Chớ lo phiền chi hết” là những ứng dụng cụ thể để trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để quẳng được gánh lo?” Sứ đồ Phao-lô đưa ra những phương cách mà cá nhân ông đã áp dụng là cầu nguyện, nài xin, tạ ơn và giữ lòng bình an. Hãy lưu ý đến cụm từ ba chữ:“Trong mọi sự”. Những phương cách này cần được triệt để thi hành như một mệnh lệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào và cho bất cứ ai ở bất cứ nơi nào, thời nào. Kết quả tốt đẹp của thái độ và nếp sống vô ưu là nhìn thấy được sự ích lợi, gây dựng từ mọi khía cạnh và sự phối hợp từng chi tiết cách diệu kỳ của Đức Chúa Trời cho từng người. ”Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” Rô-ma 8:28. Khi chúng ta đối diện với nghịch cảnh, nếu chúng ta có thái độ đúng thì thái độ đúng dẫn đến hành động đúng và hành động đúng dẫn đến kết quả phước hạnh.

Vì vậy, chúng ta tạ ơn Chúa về mọi nghịch cảnh Chúa cho phép xảy đến trong đời sống của chúng ta.  Nghịch cảnh xảy đến trong đời sống của người đặt niềm tin nơi Chúa Cứu thế Giê-xu là cơ hội để người ấy được dự phần trong sự thương khó và vinh hiển của Chúa Cứu Thế Giê-xu: ”Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.  Nhưng anh chị em có phần trong sự thương khó của Chúa Cứu Thế Giê-xu bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh chị em cũng được vui mừng nhảy nhót. 1Phi-e-rơ 4:12-13.  Nghịch cảnh xảy đến trong đời sống của người theo Chúa là cơ hội để rèn tập cho người ấy được trĩu nặng bông trái của Đức Thánh Linh. ”Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy.” Rô-ma 5:3-4

Muốn vô ưu thì “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.”

1. Cầu Nguyện là trò chuyện với Chúa. Thay vì than thở, tâm sự với loài người về nghịch cảnh thì hãy tâm sự, hàn huyên với Đấng nhận mình là bạn tâm giao để bày tỏ nỗi niềm riêng. Lời Chúa dạy: ”Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh chị em.” 1Phi-e-rơ 5:7

2. Nài Xin là tha thiết, “tận nhân lực” để van xin với trông mong được nhìn thấy bằng con mắt đức tin hình ảnh của “tri thiên mạng”, và  “ý Cha được nên”. Lời Chúa dạy: “Nếu các con cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các con, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.” Giăng 15:7

3. Tạ ơn là bày tỏ lòng biết ơn Chúa về mọi sự và trong mọi sự Chúa cho phép xảy ra để đem lại ích lợi cho đời sống tinh thần cũng như thể xác.  Căn bản của sự tạ ơn được tác giả Thi Thiên 103:2-3 nhắc nhở là: “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bịnh tật ngươi.”

4. Sự bình an Chúa ban cho là bình an nội tâm, không bị ngoại cảnh chi phối. Sự bình an này không phải chỉ ban cho những ai “biết vượt qua sức ép” nhưng dành cho tất cả mọi người.

Cái lo lớn nhất là lo sợ. Cái sợ lớn nhất là sợ mất, và cái mất lớn nhất là mất những giá trị không thể thay thế hoặc đền bù. Tất cả những gì chúng ta có trong đời sống đều có thể mua bảo hiểm để được thay thế, để được đền bù, nhưng đối với những giá trị được xem là vô giá thì làm sao để đền bù, làm sao để thay thế? Giá trị không thể thay thế hoặc đền bù mà chúng ta đều đang có chính là linh hồn và sự sống Chúa ban cho, thưa quý vị. Linh hồn là vô giá mà lắm khi chúng ta đã thêm chữ trị vào để nhìn thấy linh hồn dường như là vô giá trị vì chẳng ai quan tâm đến nó, chẳng ai mua bảo hiểm cho nó. Chúa Cứu Thế Giê-xu dạy: “Có ai trong các con lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không? Vậy nếu đến việc rất nhỏ các con cũng không thể có được thì sao các con lo việc khác? Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song Ta phán cùng các con, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy. Hỡi kẻ ít đức tin, nếu loài cỏ ngoài đồng là loài nay sống mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho mặc thể ấy, huống chi là các con! Vậy các con đừng kiếm đồ ăn đồ uống, cũng đừng có lòng lo lắng. Vì mọi sự đó, các dân ngoại ở thế gian vẫn thường tìm, và Cha các con biết các con cần dùng mọi sự đó rồi. Nhưng thà các con hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm. Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các con đã bằng lòng cho các con nước thiên đàng.” 

“Chớ lo phiền chi hết”“Quẳng gánh lo đi”.  “Vui sống” bắt đầu từ quyết định chận đứng sự lo âu phiền muộn để chuyển hướng, tiến bước trên con đường may mắn và phước hạnh. Cụm từ “Nhưng trước hết” có nghĩa là đặt ưu tiên hàng đầu, là ý nghĩa của chữ Ưu tú, ưu điểm ưu hạng có tác dụng giải thoát chúng ta ra khỏi những ưu tư, ưu phiền. Chúa Cứu Thế Giê-xu phán:

Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các con mọi điều ấy nữa.” Ma-thi-ơ 6:33.  

Tâm hồn vô ưu là tâm hồn có nguồn bình an sung mãn ngự trị để có thể vui sống. Tâm hồn ấy sẽ không còn chổ trống nào để ưu tư, phiền muộn xen vào, nhưng thường trực được tràn ngập bởi niềm hân hoan thiên thượng. Sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ tinh thần, thái độ và tâm tình vô ưu bằng lời tuyên bố khẳng định là: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại nói nữa, hãy vui mừng lên!” Lý do có thể vui mừng, hân hoan trong mọi cảnh ngộ vì đã quẳng đuợc gánh lo.  Dựa trên tinh thần đó, ta có thể thay thế mệnh đề “Quẳng gánh lo đi” bằng mệnh lệnh “Chớ lo phiền chi hết!” 

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HOÀNG
vanhoaniemtin.com