“Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (câu 15).
Câu hỏi suy ngẫm: Điểm bắt đầu của sứ mệnh truyền giáo là từ đâu? Những nhiệm vụ của nhà truyền giáo là gì? Sứ đồ Phao-lô muốn nói gì khi viết “chẳng phải mọi người đều nghe theo Tin Lành đâu”? Bạn được nhắc nhở điều gì khi ra đi làm chứng về Chúa?
Trong thư Rô-ma chương 10, Sứ đồ Phao-lô đang nói về sự vô tín của dân tộc ông khi chỉ có ít người tin vào Đấng Christ. Thất bại này là do họ cậy sự công bình riêng chứ không phải sự công bình của Đức Chúa Trời nhờ đặt đức tin vào Đấng Christ. Từ đó, ông nhấn mạnh công tác rao giảng về Chúa Giê-xu, cốt lõi của “đạo đức tin.” Nội dung của sứ điệp rất rõ ràng và đơn giản, “Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì sẽ được cứu” (câu 13). Như ông đã hướng dẫn, vấn đề là sứ mệnh truyền giáo phải bắt đầu ở chỗ có người được gửi đi để nói cho mọi người nghe biết về Chúa Giê-xu chính là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời. Nhà truyền giáo hay người làm chứng có nhiệm vụ đầu tiên là “bàn chân” họ phải “ra đi.” Qua lịch sử phát triển Hội Thánh, có nhiều cách vươn ra rất sáng tạo và có thể áp dụng cách linh động ngay cả những nơi tưởng chừng rất khó khăn. Nhiệm vụ kế tiếp không thể thiếu, là nói về Chúa. Với sự phát triển của truyền thông hiện nay, “nói” còn có thể truyền đạt qua nhiều phương tiện nghe nhìn khác nhau như sách báo, phim ảnh, sách chứng đạo, Kinh Thánh, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội… là những cơ hội có thể “nói” bằng cách đóng góp, chia sẻ, làm chứng.
Hơn nữa, để khích lệ các nhà truyền giáo, Sứ đồ Phao-lô đã trích một câu trong sách Ê-sai rằng không phải ai cũng tin sau khi nghe làm chứng. Có nhiều lý do, hoặc họ còn cứng lòng, hoặc họ chưa hiểu rõ, hoặc chưa đến thời điểm Chúa thăm viếng… Điều đó có nghĩa là chúng ta phải bền lòng, kiên trì trong việc nói về Chúa Giê-xu. Không chỉ nói một lần mà nhiều lần, không chỉ nói bằng lời mà còn bằng nếp sống đạo yêu thương như chính Sứ đồ Phi-e-rơ đã dạy, “Hãy ăn ở ngay lành giữa Dân Ngoại, để dù họ có nói xấu anh em là người gian ác, họ vẫn thấy được việc lành của anh em và tôn vinh Đức Chúa Trời trong ngày Ngài thăm viếng” (I Phi-e-rơ 2:12 BTTHĐ). Có người tin Chúa ngay lần đầu khi nghe làm chứng như Hoạn quan Ê-thi-ô-bi (Công Vụ 8:36–38), nhưng cũng có người phải đến ngày Chúa thăm viếng, hoặc có khi đến hàng chục năm họ mới tiếp nhận Chúa như chúng ta từng nghe hoặc kinh nghiệm. Vì vậy, không bao giờ từ bỏ hy vọng họ sẽ tin Chúa một ngày nào đó trong tương lai. Tóm lại, “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:2).
Bạn có hết lòng ra đi làm chứng về Chúa không?
Lạy Cha Thánh, xin sai con đi và ban ơn để con bền lòng rao truyền Phúc Âm của Chúa. Cho dù thuận cảnh hay nghịch cảnh xin cho con cứ làm chứng về Chúa chẳng thôi.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 3.