“Đức Giê-hô-va Vạn Quân đã thề rằng: Chắc thật, sự Ta đã định sẽ xảy đến, điều Ta đã toan sẽ đứng vững” (Ê-sai 14:24).
Câu hỏi suy ngẫm: Khi dân chúng thấy Vua Rô-bô-am không nghe lời thỉnh cầu của họ thì phản ứng thế nào? Vua đã làm gì? Kết quả ra sao? Nguyên nhân chính của đất nước bị phân chia là gì? Bạn thường lý giải ra sao về nguyên nhân đưa đến những khó khăn bạn gặp?
Khi “cả Ít-ra-ên,” tức là đại diện mười chi phái miền Bắc, thấy Vua Rô-bô-am không nghe lời thỉnh cầu của họ thì trở lòng phản nghịch và nói rằng họ chẳng được chia phần gì với nhà Đa-vít. Thế là “cả Ít-ra-ên bèn trở về trại mình,” ly khai và không thần phục Vua Rô-bô-am nữa, ngoại trừ số người Ít-ra-ên trú ngụ trong lãnh thổ Giu-đa ở miền Nam. Vua Rô-bô-am vẫn chưa ý thức được quyết tâm ly khai của những chi phái miền Bắc nên sai ông
Ha-đô-ram, quan phụ trách cưỡng bức lao động, đến với “dân Ít-ra-ên” để thỏa thuận thì bị họ ném đá chết. Vua vội vã lên xe trốn về Giê-ru-sa-lem. Thay vì tìm cầu Chúa, xin sự hướng dẫn của Ngài, Vua Rô-bô-am lại một lần nữa làm theo ý riêng và chuốc lấy thất bại.
Những việc đáng buồn này xảy ra không phải chỉ do lòng kiêu ngạo, thiếu khôn ngoan của Vua Rô-bô-am nhưng còn để làm ứng nghiệm Lời Chúa đã dùng Tiên tri A-hi-gia phán cùng ông Giê-rô-bô-am là nhà Đa-vít sẽ mất đi mười chi phái vì Vua Sa-lô-môn đã “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (I Các Vua 11:6; 29–33). Phía sau sự cứng lòng của Vua Rô-bô-am là quyền tể trị của Chúa. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời mới là Đấng tể trị dòng lịch sử chứ không phải con người, Ngài cũng là Đấng Thành Tín, luôn thực hiện điều Ngài đã phán.
Khi nhìn thấy sự xoay chuyển đáng buồn của lịch sử hay của cuộc đời mình nhiều người đau lòng và không hiểu được vì sao. Thế nhưng khi biết rằng mọi sự xảy ra đều ở dưới quyền tể trị của Chúa và Ngài là Đấng Thành Tín luôn giữ lời hứa thì chúng ta sẽ không bao giờ mất hy vọng. Lịch sử tuyển dân của Chúa đã chứng minh điều đó. Khi vua của họ phạm tội thì đất nước bị phân chia; khi vua và dân phạm tội thì họ bị lưu đày, nhưng Chúa luôn có kế hoạch để phục hồi họ (Giê-rê-mi 29:14).
Khi sự khó khăn nào xảy đến, điều trước hết là chúng ta phải đến với Chúa, cầu xin Chúa cho thấy những tội lỗi, cứng lòng, kiêu ngạo hay ngu dại nào v.v… còn tồn đọng trong đời sống khiến cho mình phải nhận lãnh những hậu quả cay đắng như vậy, để từ đó ăn năn và cầu xin sự tha thứ của Ngài chứ không tiếp tục lún sâu vào sai lầm như Vua Rô-bô-am. Ngay cả khi không hiểu được lý do của những khó khăn xảy đến đi nữa, chúng ta cũng sẽ không đánh mất hy vọng nơi Đức Chúa Trời thành tín và yêu thương, Đấng luôn có chương trình tốt đẹp cho đời sống của con dân Ngài (Giê-rê-mi 29:11–12).
Bạn có đặt lòng tin nơi Chúa là Đấng tể trị dòng lịch sử và cuộc đời mình không?
Kinh lạy Đức Chúa Trời! Ngài là Đấng tể trị dòng lịch sử, nắm giữ tương lai và hiện tại của con, xin cho con luôn biết tìm cầu và tin cậy Ngài để luôn có sự bình an trong lòng trong mọi hoàn cảnh.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xơ-tê 9:1–17.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=H3w31NaUWYw&list=PLy5dD_318r0W5KN1H0zAmGzqGM75v2teP&index=11
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=ZeBaq8LEC04&list=PLy5dD_318r0XvPpub25Iy5xMtnIYsYuaB&index=10
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien