“Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tính tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm Ngôn 16:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua ngoại bang Nê-bu-cát-nết-sa xâm chiếm xứ Mô-áp nhưng Lời Chúa cho biết ai là Đấng quyết định số phận của Mô-áp? Ngoài tội thờ thần tượng, người Mô-áp còn phạm thêm tội trọng nào? Bạn được nhắc nhở gì qua lời tiên tri này?

Giê-rê-mi chương 48 là lời tiên tri về sự đoán phạt dân Mô-áp vì những tội lỗi nghiêm trọng và ghê tởm của họ như thờ lạy và trông cậy nơi thần Kê-mốt, dâng con trẻ làm tế lễ cho thần hư không này. Lời tiên tri từ câu 14–25 cảnh báo cho người Mô-áp là hậu tự của ông Lót từ sự loạn luân của hai con gái ông, rằng sự đoán phạt thật kinh khủng từ quân đội của Vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ đổ xuống cụ thể trên từng thành gần xa của Mô-áp. Tuy nhiên vua ngoại bang này cũng chỉ là “tôi tớ Chúa,” là công cụ Chúa sử dụng để phục vụ theo ý Ngài mà thôi (Giê-rê-mi 43:10), chính “Đức Vua, Danh Ngài là Đức Giê-hô-va Vạn Quân” (câu 15) là Đấng quyết định số phận của người Mô-áp. Tất cả quyền lực của họ vốn dựa trên sự trông cậy thần Kê-mốt lâu nay sẽ hoàn toàn tan thành mây khói, “sừng của Mô-áp đã chặt rồi, cánh tay nó đã gãy” (câu 25).

Thế nhưng, người Mô-áp vẫn cứ “lên mình nghịch cùng Đức Giê-hô-va” (câu 26a), Chẳng những vậy, họ còn chê cười người Ít-ra-ên khi dân tộc này lâm vào hoạn nạn vì bị Đức Chúa Trời sửa phạt, Lời Chúa cảnh báo rằng họ cũng sẽ nhận lấy hậu quả “Mô-áp sẽ đẵm mình trong sự mửa thổ, cũng làm cớ cho người ta chê cười” (câu 26b). Từ câu 29–36 là lời tiên tri mở rộng chi tiết của Ê-sai 16:6–12, cho thấy rõ ngoài tội thờ thần tượng, người Mô-áp còn phạm tội kiêu ngạo tột cùng, là điều Đức Chúa Trời chống cự (Gia-cơ 4:6; I Phi-e-rơ 5:5). “Mô-áp kiêu ngạo vô chừng, sự xấc xược, sự cậy mình, sự khoe khoang của lòng kiêu căng nó,…” (câu 29). Sự đoán phạt được rao ra là vô cùng kinh khiếp, người Mô-áp sẽ than khóc thảm thương cho chính họ (câu 31–34).

Tiên tri Giê-rê-mi đã cho thấy một bức tranh đáng kinh sợ của một dân tộc kiêu ngạo. Lời Chúa khẳng định: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tính tự cao đi trước sự sa ngã.” Kiêu ngạo bắt nguồn từ sự tự mãn về khả năng, thành tích của mình và về những gì mình nương tựa như tiền bạc, bằng cấp, sắc đẹp hoặc dựa vào một người nào đó mình tôn làm thần tượng. Như vậy, người kiêu ngạo dù miệng nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” nhưng không thật sự tôn thờ Chúa mà tôn thờ những điều họ trông cậy. Sa-tan đã bị ném khỏi thiên đàng cũng vì kiêu ngạo. Xin Chúa cho chúng ta sống khiêm nhường, luôn tôn cao Chúa, và dâng mọi vinh quang cho Ngài. Vì theo luật công bình của Chúa, khi đến thời điểm, người kiêu ngạo sẽ nhận hình phạt của Ngài.

Đời sống bạn có luôn khiêm cung dâng mọi vinh quang cho Chúa không?

Lạy Đức Chúa Trời, xin tha thứ cho con vì nhiều khi con trông cậy vào con người hoặc những gì con có. Xin bài học hôm nay cảnh tỉnh con để con dẹp bỏ tính kiêu ngạo, luôn sống khiêm nhường dâng mọi vinh quang cho Chúa.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Rô-ma 10:1—11:10.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=waxzEFwN7aQ&list=PLy5dD_318r0Xhv_5x80_GTFtcDAwWPiF7&index=49

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=EiEi6QPjmWs&list=PLy5dD_318r0VMMo-YYV0YLmAqGt_mt7Is&index=11

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Lịch Cầu Nguyện Tháng 9-2023: https://nguonhyvong.com/duong-linh/lich-cau-nguyen-thang-thang-9-2023

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien