“Nhưng nếu anh em tây vị người ta, thì phạm tội, luật pháp bèn định tội anh em như kẻ phạm phép” (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ trình bày những lập luận nào để khuyên các tín hữu không được thiên vị? Bạn được nhắc nhở ra sao khi biết thiên vị là phạm tội?
Sau khi khuyên các tín hữu đừng thiên vị ai cả, ông Gia-cơ đưa ra ba lập luận về tín lý, đạo lý, và pháp lý để cho thấy thiên vị là trái ngược với bản chất của người tin Chúa.
Thứ nhất, về mặt tín lý, đối xử thiên vị là trái ngược với cách Đức Chúa Trời đối xử với con người. Trong câu 5, ông Gia-cơ giải thích, Chúa “lựa kẻ nghèo theo đời này đặng làm cho trở nên giàu trong đức tin, và kế tự nước Ngài.” Trong khi các tín hữu có xu hướng ưu ái người giàu thì Chúa lại chọn người nghèo. Lưu ý rằng không phải vì nghèo mà được Chúa chọn, bởi nguyên tắc nhất quán của Chúa trong chương trình cứu chuộc là “nhờ ân sủng, bởi đức tin.” Ở đây, ông Gia-cơ chỉ trình bày một thực tế là những người tin Chúa trong Hội Thánh lúc bấy giờ là những người “nghèo theo đời này.” Kinh Thánh thường mượn chữ “nghèo” để nói về ý nghĩa thuộc linh: khi một người nhận biết tâm linh nghèo hèn, không có gì của mình, từ đó tiếp nhận món quà ân sủng Chúa ban, thì người đó trở nên giàu có trong đức tin.
Thứ hai, về mặt đạo lý, đối xử thiên vị là trái ngược với những gì các tín hữu đang trải qua. Ông Gia-cơ đang viết thư cho những tín hữu Do Thái bị tản lạc khắp nơi, và phần lớn trong số họ là những người nghèo đang bị người giàu ức hiếp cả về phương diện xã hội lẫn đức tin (câu 6–7). Theo đạo lý thông thường thì người giàu không đứng cùng phía với họ. Ấy thế mà họ lại ưu ái người giàu, khinh dễ người nghèo. Ông Gia-cơ chỉ ra hành động như vậy là trái với luân thường đạo lý.
Thứ ba, về mặt pháp lý, thiên vị là trái với sự dạy dỗ của luật pháp, “Hãy yêu người lân cận như mình” (câu 8). Ông Gia-cơ trích điều răn này ở Lê-vi Ký 19:18, vốn là phần Kinh Thánh dạy dân Chúa phải công bằng, không được thiên vị mà phải yêu thương người khác. Từ đó, ông khẳng định rằng ai thiên vị thì đã phạm điều răn, mà phạm một điều cũng là phạm tất cả (câu 9–11).
Như vậy, xét về mọi phương diện, người tin Chúa không được thiên vị. Phải luôn nhận biết rằng Chúa nhìn thấy cách chúng ta đối xử với người khác và Ngài sẽ xét đoán chúng ta theo cách như vậy (câu 12–13). Mọi người chung quanh chúng ta dù có khác biệt ra sao thì cũng đều được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, đều là những người được Chúa Giê-xu yêu thương và sẵn sàng chết thế. Nguyện mỗi chúng ta để tình yêu thương thắng hơn mọi định kiến.
Bạn cần làm gì để giúp ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử trong Hội Thánh?
Tạ ơn Chúa vì Lời Ngài chỉ cho con thấy lối sống thiên vị là sai lầm, trái với tiêu chuẩn và ý muốn Chúa. Nguyện trong ngày phán xét, con sẽ không bị trách phạt vì đã đối xử thiên vị, mà sẽ được Chúa khen vì đã sống yêu thương mọi người.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 17.