“Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi” (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Trước nan đề đang gặp phải, Sứ đồ Phao-lô đã tha thiết cầu xin Chúa như thế nào? Thái độ và đáp ứng của ông ra sao khi nghe Chúa trả lời? Thái độ của bạn ra sao khi câu trả lời của Chúa không đúng ý mình?
Sứ đồ Phao-lô đã trải qua bao khổ nạn và sự chống đối trong suốt cuộc đời phục vụ Chúa của ông (II Cô-rinh-tô 11:23–29). Tuy nhiên, lần này nan đề ông đang gặp phải tác động trực tiếp đến cơ thể và sức khỏe. Đó là có một cái dằm đâm vào da thịt ông. Dù ông không cho biết cụ thể nhưng chúng ta có thể hiểu đó là nan đề gây đau đớn dai dẳng, đôi lúc khiến ông không thể làm việc được. Mỗi khi bị “cái dằm” làm cho khó chịu thì điều duy nhất ông ao ước là xin Chúa cho nó lìa xa khỏi ông. Vì thế, ông đã tha thiết ba lần cầu xin Chúa cất nó khỏi ông. Nhưng Chúa phán với ông Phao-lô rằng: “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi.” Chúa không làm ngơ trước nỗi đau hoặc không thể chữa lành cho ông, nhưng Ngài muốn ông kinh nghiệm sức mạnh của Ngài ở trong ông. Chúa khẳng định, “sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (câu 9) nhằm nhấn mạnh ông
Phao-lô phải chịu yếu đuối để kinh nghiệm trọn vẹn sức mạnh của Ngài. Đây cũng phải là phương châm cho đời sống mỗi chúng ta, vì càng kinh nghiệm sự yếu đuối của mình, chúng ta sẽ càng kinh nghiệm sức mạnh và ân sủng của Chúa nhiều hơn.
Sứ đồ Phao-lô đã vui vẻ chấp nhận câu trả lời của Chúa dành cho ông và ông đã thật sự trải nghiệm ân sủng cùng sức mạnh của Chúa trên cuộc đời ông. Cho nên, ông sẵn sàng “vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (câu 10). Ông Phao-lô nhận biết “cái dằm” là sự nhắc nhở của Chúa nhằm giữ ông khiêm nhường, hạ mình trước năng quyền của Ngài.
Nếu chúng ta cảm thấy tự mãn và kiêu ngạo, chúng ta sẽ nhận được vinh quang từ đời này chứ không phải từ Chúa. Vì thế, đôi khi Chúa làm cho những người mạnh mẽ trở nên yếu đuối hơn để quyền năng của Đức Chúa Trời được tỏ ra rõ ràng hơn. Có những thử thách, bệnh tật, khó khăn xảy ra trong đời sống mà chúng ta không hiểu, và chúng ta chỉ tha thiết kêu cầu mong Chúa giải cứu ngay, nhưng qua kinh nghiệm của Sứ đồ Phao-lô, chúng ta biết rằng Chúa cho phép những điều đó xảy đến để hoàn thành mục đích tốt đẹp của Ngài trong đời sống chúng ta. Sống bằng đức tin vào ân sủng của Đức Chúa Trời có nghĩa là thỏa mãn với những gì Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong Chúa Giê-xu. Đó là mục đích của sự yếu đuối và đau khổ của chúng ta.
Bạn có vâng phục ý Chúa khi Chúa giải quyết nan đề của bạn theo ý Ngài không?
Lạy Chúa, xin giúp con biết kêu cầu cùng Chúa trong thử thách khó khăn, nhưng cũng sẵn lòng và vui vẻ chấp nhận câu trả lời của Chúa dù có khi con không hiểu hết. Xin cho con kinh nghiệm sức mạnh của Ngài trong sự yếu đuối của con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 66.