“Nhưng anh em đã tới gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời Hằng Sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ nhóm lại” (câu 22).
Câu hỏi suy ngẫm: So sánh cảnh tượng ở tại núi Si-na-i và tại núi Si-ôn? Hai khung cảnh ấy bày tỏ cho chúng ta về Chúa như thế nào? Việc được tới gần núi Si-ôn có ý nghĩa thế nào cho đời sống của bạn?
Mở đầu phần Kinh Thánh này, trước giả thư Hê-bơ-rơ mô tả khung cảnh kinh khiếp khi người Ít-ra-ên tiến gần đến núi Si-na-i, nơi ông Môi-se nhận lãnh luật pháp của Chúa. Ở đó có ngọn lửa hừng, sự tối tăm, cơn gió lốc, và tiếng phán rền vang thật kinh khiếp. Một khung cảnh mà ngay chính ông Môi-se cũng còn cảm thấy “sợ sệt và run rẩy cả người” (câu 18–21, xem thêm Xuất Ê-díp-tô Ký 19:10–25, Phục Truyền 4:10–24). Ở núi Si-na-i, Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài là Đấng vô cùng thánh khiết, vô cùng vĩ đại, không tạo vật nào có thể tới gần. Khung cảnh đó đòi hỏi mọi người phải tôn kính lẫn sợ hãi. Tất cả điều này tượng trưng cho giao ước cũ, trong giao ước đó con người yếu đuối không thể tự do đến với Đức Chúa Trời chí thánh, chí đại, mà phải thông qua một hệ thống tế lễ đã được hướng dẫn cụ thể.
Ngay sau đó, trước giả thư Hê-bơ-rơ nêu lên sự tương phản của khung cảnh kinh khiếp này với một khung cảnh yên bình và phước hạnh tại núi Si-ôn, nơi con dân Chúa có thể đến gần với thành Giê-ru-sa-lem trên trời, nơi ở phước hạnh của những người thuộc Chúa; và đến gần “Đức Chúa Giê-xu, Đấng Trung Bảo của giao ước mới” được thiết lập bởi máu Ngài, tức là bởi sự chết thay của Ngài trên thập tự giá.
Hành trình từ núi Si-na-i đến Si-ôn là hành trình từ luật pháp đến ân sủng, là hành trình từ giao ước cũ sang giao ước mới. Việc được “tới gần núi Si-ôn” nhắc chúng ta rằng, thông qua sự chết của Chúa Giê-xu, một con đường đã mở ra để chúng ta dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời trong sự phước hạnh và vui thỏa.
Cuộc sống hiện tại với quá nhiều loại âm thanh đang chi phối chúng ta mỗi ngày. Và đôi khi ở trong Hội Thánh quá lâu, thường xuyên nghe những thuật ngữ tôn giáo khiến chúng ta không còn nhớ đến món quà cứu rỗi tuyệt vời chúng ta đã được nhận trong Chúa Giê-xu. Bài học hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhớ lại ân sủng diệu kỳ mà nhờ đó chúng ta được cứu, để không bao giờ quên đi hoặc xem thường những gì Chúa Giê-xu đã làm vì chúng ta. Đồng thời, mỗi người phải bày tỏ lòng kính sợ Đức Chúa Trời như đáng phải có, không phải qua sự kinh khiếp nhưng qua việc bày tỏ lối sống đẹp lòng Ngài, lánh xa những ô uế của thế gian.
Tại núi Si-na-i, người ta run rẩy nghe Lời Chúa. Nơi núi Si-ôn, người ta vui thỏa trong sự hiện diện của Chúa và vui mừng lắng nghe Ngài. Lòng bạn có tới gần núi Si-ôn chưa?
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì con không phải sợ hãi, run rẩy khi đến với Ngài. Nhờ những gì Chúa Giê-xu đã làm, con được tự tin và dạn dĩ đến với Cha. Xin giúp con không bao giờ quên món quà cứu rỗi tuyệt vời con đã nhận trong giao ước mới, và cam kết sống cuộc đời làm Chúa vui lòng.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 10.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-062024

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet