“Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ, người đó cũng sẽ kêu la mà sẽ chẳng có ai đáp lại” (Châm Ngôn 21:13).
Câu hỏi suy ngẫm: Người bưng tai trước người nghèo khổ đã sống sai ở phương diện nào? Họ sẽ nhận hậu quả gì? Vì sao Cơ Đốc nhân phải có lòng thương xót với người khác?
Động từ “bưng tai” hay “bịt tai” nhấn mạnh thái độ làm ngơ, cố tình không nghe thấy. Ở đây nói đến hành động bịt tai trước tiếng kêu cứu của người nghèo khổ. Họ có thể là người thiếu thốn ngặt nghèo về vật chất, hoặc bị ức hiếp, khốn khổ tột cùng trong hoạn nạn. Về phương diện công bình, lòng thương xót bày tỏ bản chất của người công bình. Trong cuộc sống, không ai là người không từng một lần mang ơn người khác. Nếu đã từng chịu ơn mà lại bịt tai khi người khác kêu xin là sống bất công. Về phương diện gieo chi gặt nấy thì “Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ, người đó cũng sẽ kêu la mà sẽ chẳng có ai đáp lại” (câu 13). Sống nhẫn tâm với người, làm sao mong rằng ngày mình gặp nạn sẽ có người thương xót mình?
Về phương diện thuộc linh, thương xót người nghèo khổ cũng chính là làm cho Chúa. Đấng yêu thương và công chính sẽ ban ơn cho người có lòng thương xót, và Ngài từ chối lời kêu cầu của người không thương xót. Chúa phán: “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người” (Châm Ngôn 19:17). Hơn nữa, thương xót người khác cũng thể hiện lòng biết ơn Chúa vì nhận biết những điều chúng ta có là ân sủng Chúa ban. Đã nhận được sự thương xót của Chúa, chúng ta cũng phải thương xót người nghèo khổ như Lời Chúa dạy: “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót” (Lu-ca 6:36).
Chúa Giê-xu đã dạy các môn đệ về sự tha thứ và lòng thương xót trong Ma-thi-ơ 18:23–35, qua hình ảnh một người được vua tha cho món nợ rất lớn, nhưng người ấy lại không tha món nợ rất nhỏ cho bạn mình. Vì vậy vua đã phán với người mang nợ vua rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?” Và vua ra lệnh bắt giam người không có lòng thương xót đó.
Khi giúp người nghèo khổ, cho dù chúng ta không nhận sự đền đáp nào thì qua nghĩa cử đẹp đó, những người khác sẽ thấy được lòng thương xót của chúng ta và sẽ làm ơn cho chúng ta khi chúng ta cần. Nhưng điều quan trọng hơn hết là Chúa biết và Ngài luôn thương xót người có lòng thương xót. Chúng ta đã nhận ơn thương xót của Chúa qua sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá đền tội cho chúng ta thì chúng ta phải sống thương xót người nghèo khổ.
Bạn có quan tâm lắng nghe sự kêu xin và giúp đỡ người nghèo khổ quanh mình không?
Cảm tạ Cha vì tình yêu và sự thương xót Ngài dành cho con. Xin cho con bày tỏ tình yêu Chúa qua sự thương xót người nghèo khổ, giúp đỡ họ không những vật chất mà còn biết và tin nhận Chúa.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ma-thi-ơ 8.
Lịch Cầu Nguyện Tháng 4-2024: https://nguonhyvong.com/lichcn-042024
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien
Nghe Kinh Thánh hôm nay
Nghe Kinh Thánh trong ba năm:
Nghe Kinh Thánh Online: https://nghekinhthanhviet.org/