“Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì?” (câu 31).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu nói gì về sự lo lắng? Thay vì lo lắng, Chúa Giê-xu muốn chúng ta làm gì? Sự lo lắng có thể đánh mất niềm vui của bạn ra sao? Bài học này nhắc nhở bạn điều gì?
Người ta có thể khác nhau về hoàn cảnh sống, tuổi tác, chủng tộc, nghề nghiệp… nhưng có một điểm chung là ai cũng mang sự lo lắng bên mình như một “người bạn” trung thành. Nhiều người cho rằng lo lắng là một phản ứng tự nhiên và tất yếu của con người vì mỗi ngày chúng ta đều phải đối diện với những nan đề trong cuộc sống, với những trách nhiệm nặng nề khó hoàn thành, với những hoàn cảnh không biết trước… Thế nhưng, trong cái nhìn của Chúa Giê-xu thì lo lắng là vấn đề của đức tin, “Hỡi kẻ ít đức tin” (câu 30). Khi lo lắng, chúng ta đã hành xử giống như “các dân ngoại” (câu 32a), chúng ta đã không nhìn thấy công việc của Đức Chúa Trời (câu 30), và khi lo lắng, chúng ta cũng phủ nhận sự tốt lành của Ngài trên chúng ta (câu 32b).
“Lo” là để tâm trí và sức lực nhằm làm tốt một công việc. Chúng ta cần biết lo để không thờ ơ trong cuộc sống, nhưng “lo lắng” là để sự lo âu ám ảnh khiến không còn tâm trí làm công việc cần làm. Chúa Giê-xu cho thấy lo lắng là không cần thiết, “Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì?” (câu 31). Vì sao phải lo lắng cho những điều mà Đức Chúa Trời đã biết và cung ứng cho chúng ta? Vì sao cứ để cho những lo lắng ám ảnh khi mà sự lo lắng đó không giúp giải quyết được bất cứ điều gì, “có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” (câu 27). Nhưng quan trọng hơn nữa là lo lắng khiến chúng ta lạc mất mục đích sống của mình và đánh mất những điều quan trọng. Thay vì sống cuộc đời kinh nghiệm Chúa và làm vinh quang Danh Chúa (câu 33) thì những lo lắng về “cơm, áo, gạo, tiền” khiến chúng ta xoay hướng về thế gian và tìm kiếm những giá trị từ nó.
Điều ưu tiên chúng ta cần làm là thờ phượng Chúa, tìm kiếm và phục vụ Ngài, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (câu 33). Bên cạnh đó, hãy siêng năng và hết lòng với công việc làm mỗi ngày Chúa ban cho với lòng tin cậy Chúa là Đấng đáp ứng nhu cầu cho chúng ta. Trong Truyền Đạo 9:7–10, Vua Sa-lô-môn cho biết có bốn điều đáng để làm trong cuộc đời đầy đau khổ này: Chăm chỉ trong công việc (câu 10), chiều về có được bữa ăn vui thỏa với gia đình (câu 7), luôn sống lạc quan vì biết Chúa đang tể trị trên mọi sự (câu 8), và yêu thương vợ/chồng của mình (câu 9).
Bạn có còn để sự lo lắng chiếm hữu tâm trí mình không?
Cảm tạ Chúa về tình yêu, sự tốt lành, và sự ban cho dư dật của Ngài trên đời sống con. Xin cho con mỗi ngày vui thỏa với những gì Chúa ban cho, và chính đời sống vui mừng bình an của con sẽ là một lời chứng cho người khác về Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 10:21—11:10.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=zl3JaFX_GSc&list=PLy5dD_318r0XIjj8DXFFn1z9hjz_CczoL&index=7
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=7TfZ7I6XSNc&list=PLy5dD_318r0VdAQRX0oPXaDq2NF_HbZfg&index=11
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien