“Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).
Câu hỏi suy ngẫm: Luật xử lý những tổn hại về súc vật giữ hộ, cho mượn hay cho mướn được quy định như thế nào? Tại đây Chúa muốn dạy dân Ngài điều gì về tinh thần trách nhiệm? Ngày nay, con dân Chúa áp dụng bài học này thế nào?
Khi một người nhận giữ hộ súc vật cho người lân cận mình, người ấy phải biết rõ trách nhiệm là hết lòng hết sức bảo vệ súc vật của người anh em đã tin tưởng và giao phó súc vật cho mình trông nom. Khi con vật đó bị chết, gãy một chân, hoặc bị chạy mất không ai thấy, người ấy phải đến với các thẩm phán thề rằng mình đã không đặt tay làm hại con vật đó. Nếu súc vật bị thú rừng xé chết, người ấy phải đưa ra chứng cứ rõ ràng. Trường hợp thẩm phán chứng minh người ấy chính là kẻ trộm đã lấy cắp súc vật đó, người ấy phải bồi thường cho chủ con vật theo luật trộm cắp. Trong khi đó, người chủ súc vật phải chấp nhận thiệt hại trong trường hợp có tai nạn, bệnh tật, dịch lệ v.v…
Trường hợp một người mượn súc vật của người lân cận, rồi con vật bị chết hay gãy một chân mà không có sự hiện diện của chủ thì người mượn phải đền cho chủ sở hữu con vật đó. Vậy người mượn súc vật phải hết sức cẩn thận gìn giữ và chăm sóc con vật đã mượn như của chính mình để hạn chế tối đa những tổn hại có thể xảy ra. Nhưng nếu con vật bị chết hay gãy chân trước sự chứng kiến của chủ sở hữu con vật đó thì người mượn không phải bồi thường. Trong trường hợp này, chủ nhân cũng đã không thể cứu con vật của mình, vì thế người mượn cũng không thể can thiệp được là điều dễ cảm thông.
Nếu con vật được mướn, thì giá mướn thế cho tiền bồi thường khi bị tổn hại, gãy chân hay bị chết. Đây là dịch vụ kinh doanh nên chủ súc vật phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn. Tuy vậy, người mướn súc vật phải hết lòng chăm sóc và bảo vệ súc vật thật tốt để tiếp tục được cho mướn các lần sau.
Chúa đặt ra các luật giải quyết sự tổn hại về súc vật giữ hộ, mượn hay cho mướn một cách chi tiết để người chủ súc vật, người nhận giữ hộ, người mượn hay người mướn có thể lường trước những bất trắc có thể xảy ra, biết cách hành xử đúng đắn nhằm giảm thiểu những tổn thương đáng tiếc về vật chất cũng như tinh thần trong cộng đồng dân Chúa. Nhìn chung, Chúa muốn dân Ngài sống theo Lời Chúa dạy yêu người lân cận như mình, có tinh thần chia sẻ, cảm thông, và có trách nhiệm chăm lo và bảo vệ tài sản của nhau, quan tâm đến lợi ích của nhau. Bài học nhắc nhở mỗi chúng ta khi gây ra thiệt hại, ngoài việc nhận lỗi, cần phải có tinh thần bồi thường thiệt hại thỏa đáng theo luật công bình của Chúa.
Bạn thường làm gì khi gây thiệt hại tài vật của anh chị em mình?
Lạy Chúa! Xin giúp con sống yêu thương người lân cận như chính mình, sống có nghĩa tình với anh chị em, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc bảo quản tài sản cho người lân cận của mình.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1—6:13.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=lu_enVRDXs4&list=PLy5dD_318r0VdAQRX0oPXaDq2NF_HbZfg&index=22
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien