“Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi. Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành” (Thi Thiên 16:5-6).
Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Giê-rê-mi cho biết sản nghiệp của ông Gia-cốp là gì? Dân Chúa đã có thái độ thế nào với sản nghiệp Chúa ban? Sản nghiệp của bạn đang có và ước ao để lại cho con cháu là gì?
Tiên tri Giê-rê-mi đã khẳng định “sản nghiệp của
Gia-cốp thì chẳng giống như vậy…” (câu 16) để kết luận lại những điều ông vừa trình bày về thần tượng hư không như nguồn gốc, năng lực, và kết cuộc của chúng. Sản nghiệp hay cơ nghiệp là toàn bộ tài sản của một người hay một dân tộc. Tiên tri Giê-rê-mi nhắc lại cho tuyển dân
Ít-ra-ên nhớ rằng sản nghiệp của họ không phải là những điều “giả dối,” “hư vô” (câu 14-15), là những điều sẽ bị diệt vong trong ngày cuối cùng. Song sản nghiệp của dân Chúa chính là Đức Giê-hô-va Vạn Quân: “Chính Đức
Giê-hô-va đã làm nên đất bởi quyền năng Ngài, đã lập thế gian bởi sự khôn ngoan Ngài, đã giương các tầng trời ra bởi sự thông sáng Ngài” (câu 12).
Lịch sử giáo hội trải qua mấy ngàn năm đã cho thấy biết bao thánh đồ của Chúa đã luôn thỏa lòng và nhận biết mình thật may mắn khi được có Đức Giê-hô-va làm sản nghiệp. Nhưng cũng không ít người trong vòng con dân Chúa vẫn muốn bôn ba tìm kiếm những cơ nghiệp hư không, ô uế, suy tàn, để dành cho lửa. Tuyển dân Ít-ra-ên thật phước hạnh biết bao khi được Đức Giê-hô-va chọn lựa để làm dân thuộc riêng về Ngài, nhưng họ lại không trân trọng điều tốt lành này mà còn tìm kiếm và tôn thờ những thần tượng hư không.
Trong bước đường theo Chúa, chúng ta cũng từng kinh nghiệm được sự thỏa vui khi có Đức Giê-hô-va làm sản nghiệp của chính mình. Nhưng điều đáng buồn là kinh nghiệm ấy không liên tục trên đời sống của chúng ta, và cảm xúc ấy không luôn tươi mới với chúng ta. Cho nên nhiều người đã không do dự tìm kiếm những điều khác để làm sản nghiệp cho mình. Chắc chắn những người như vậy luôn mệt mỏi trong hành trình tìm kiếm, gìn giữ những sản nghiệp mong manh này. Mặt khác, là ông bà, cha mẹ, chúng ta vẫn mong muốn để lại cho con cháu những cơ nghiệp để giúp đỡ con cháu bớt sự nhọc nhằn trong cuộc sống, cũng như có điều kiện để thế hệ sau của chúng ta được tiến bộ, phát triển hơn. Tuy nhiên, mỗi người có cách lựa chọn và quyết định khác nhau về những di sản để lại cho thế hệ kế thừa. Đó có thể là tài sản vật chất: tiền, vàng, đất đai, nhà cửa…, cũng có thể là di sản phi vật vất: nghề nghiệp, tri thức, địa vị… Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng di sản thuộc linh mới là điều quý báu nhất mà chúng ta có thể để lại cho con cái.
Bạn có nhận biết phước hạnh lớn lao khi có Chúa là sản nghiệp của mình không?
Kính lạy Đức Giê-hô-va Vạn Quân! Ngài là sản nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, đã được dành sẵn trong các tầng trời, con chúc tụng Danh Ngài. Xin giúp con luôn ghi nhớ và sống thỏa vui khi có Ngài là cơ nghiệp con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 20.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien