“Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy” (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Người Đầy Tớ của Đức Chúa Trời trong sách Ê-sai chỉ về ai? Có những đặc điểm gì trong vai trò làm thầy? Bạn áp dụng những điều này thế nào trong vai trò làm thầy của mình trong gia đình và Hội Thánh?

Sách Ê-sai có nhiều lời tiên tri về Người Đầy Tớ của Đức Giê-hô-va, chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu: Ngài được sinh ra bởi một trinh nữ (Ê-sai 7:14). Sứ mệnh của Ngài là “đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến tận cùng trái đất” (Ê-sai 49:6). Được Đức Chúa Trời xức dầu để rao tin mừng (Ê-sai 61:1). Phải chịu nhiều khổ nạn (Ê-sai 53). Phân đoạn  Kinh Thánh hôm nay nói về Ngài trong vai trò người thầy dạy dỗ. Những gì Ngài nói và giảng dạy thể hiện người Đầy Tớ vâng phục Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là vị Thầy chia sẻ sứ điệp của Đức Chúa Trời cho thế giới. Ngài phán với những lãnh đạo Do Thái giáo rằng, “Khi các ngươi treo Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Ta là ai, và biết Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha Ta đã dạy Ta” (Giăng 8:28).

Người Đầy Tớ của Đức Chúa Trời trong vai trò làm thầy “có cái lưỡi” của người học trò đã được Đức Chúa Trời dạy dỗ, và có tai biết lắng nghe Lời Ngài phán dạy (câu 4). Chúa Giê-xu luôn có lời thích hợp để dạy dỗ, khiển trách, và có quyền năng chữa lành. Chúa có thói quen vào nơi vắng vẻ vào sáng sớm để tương giao, trò chuyện với Cha Ngài. Những lời Ngài phán dạy đều đến từ Cha. Mục đích của người Đầy Tớ của Đức Chúa Trời trong vai trò làm thầy là “dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi” (câu 4; Ma-thi-ơ 11:28–29). Chúa Giê-xu đã vâng phục Đức Chúa Cha trong sự lắng nghe (câu 4–5). Ngài kiên định với sứ mệnh cứu rỗi của Đức Chúa Trời giao phó cho Ngài. Dù Chúa Giê-xu biết Lời Ngài giảng dạy cuối cùng sẽ dẫn Ngài đến sự chết, nhưng Ngài “không trái nghịch, cũng không giựt lùi” (câu 5).

Cơ Đốc nhân dạy Lời Chúa cần phải thường xuyên tương giao với Chúa, lắng nghe Lời Ngài trong Kinh Thánh để có lời nói khôn ngoan, thích hợp nâng đỡ người mình hướng dẫn. Người dạy Lời Chúa phải luôn luôn là người học trò khao khát học hỏi từ Chúa. Làm thầy trong gia đình mình hay nhóm nhỏ trong Hội Thánh không phải dễ dàng, nhưng đây là công tác quan trọng của Cơ Đốc nhân. Thầy giáo phải là người sẵn sàng học hỏi theo gương của Chúa Giê-xu để có thể chu toàn trách nhiệm nâng đỡ người khác trong gia đình và Hội Thánh. Chỉ khi nào chúng ta biết lắng nghe và học hỏi từ Chúa, chúng ta mới có thể có lời nói khôn ngoan, thích hợp để nâng đỡ, khích lệ người mệt mỏi, ngã lòng.

Bạn có dành thì giờ đến với Chúa để lắng nghe Ngài khi bạn thức dậy mỗi buổi sáng không?

Lạy Chúa, xin giúp con học theo gương Ngài để có thể trở thành người thầy hữu hiệu trong gia đình, và làm tốt công tác dạy dỗ Ngài giao phó trong Hội Thánh.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 21.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien