“Na-ô-mi, bà gia Ru-tơ, nói cùng nàng rằng: Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân, làm cho con được phước hạnh” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Bà Na-ô-mi dặn dò con dâu làm gì? Tại sao bà dặn dò kế hoạch chu đáo như vậy? Cô Ru-tơ thưa với mẹ ra sao? Điều này cho thấy gì về tính cách của hai mẹ con? Bạn áp dụng gì cho gia đình mình?

Dẫu cuộc sống lúc bấy giờ của bà Na-ô-mi còn rất khó khăn, nhưng dù sao bà cũng có được nàng dâu thảo Ru-tơ lo lắng và chăm sóc cho bà mỗi ngày. Thế nhưng, bà Na-ô-mi không vì mình đã được cô Ru-tơ phụng dưỡng mà quên đi lợi ích của con dâu. Bà Na-ô-mi biết mình tuổi đã già, nếu như bà mất đi thì cô Ru-tơ sẽ chỉ còn có một mình ở nơi xứ lạ quê người này. Chính bởi lòng quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của con dâu, bà Na-ô-mi muốn lo cho cô Ru-tơ được tái hôn để có chỗ an thân và cũng như được hạnh phúc. Người mà bà Na-ô-mi nghĩ đến, không ai khác hơn chính là ông Bô-ô, một người bà con quyền quý, đức độ, và cũng là người có thể giúp gia đình bà chuộc lại sản nghiệp.

Bà Na-ô-mi đã chỉ dạy cho con dâu mình phải làm những gì theo luật lệ của người Ít-ra-ên, để xin ông Bô-ô chấp thuận chuộc lại tài sản của gia đình bà và chấp nhận cưới cô. Và thật cảm động khi cô Ru-tơ hứa vâng lời và làm theo mọi điều mẹ chồng căn dặn. Trong phân đoạn này, chúng ta thấy bà Na-ô-mi không còn cay đắng hay trách móc Chúa về những chuyện trong quá khứ nữa. Điều bà quan tâm giờ đây là hạnh phúc và chỗ an thân cho cô Ru-tơ. Bà không muốn cô vì cuộc sống đơn chiếc khó khăn của hai mẹ con mà phải vất vả suốt ngày nữa. Có thể nói, đây cũng là tính cách của bà Na-ô-mi, người mẹ chồng luôn biết quan tâm đến lợi ích người khác mà cô Ru-tơ hằng quý mến.

Trong văn hóa Việt, mẹ chồng cũng được xem như mẹ ruột thứ hai, nên con dâu có trách nhiệm phải hiếu thảo, quan tâm chăm sóc mẹ chồng. Nhưng đôi khi vì giáo dục gia đình hai bên khác nhau, hoặc tuổi tác, tính cách khác nhau nên giữa mẹ chồng và con dâu thường có những hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn. Nhưng trong gia đình Cơ Đốc, không nên vì thế mà mối quan hệ này lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Có thể nói, cách cư xử của bà Na-ô-mi dành cho cô Ru-tơ là tấm gương tốt cho mẹ chồng và nàng dâu ở mọi thời đại, đồng thời đó cũng là một thách thức lớn cho mỗi bà mẹ chồng. Lời Chúa dạy, “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4). Khi mẹ chồng và con dâu sống theo Lời Chúa dạy, yêu thương, quan tâm, và chăm sóc lẫn nhau, thì chắc chắc gia đình sẽ vui vẻ, phước hạnh.

Gia đình bạn có sống theo gương của gia đình bà Na-ô-mi chưa?

Con tạ ơn Chúa về tấm gương chăm về lợi người khác của bà Na-ô-mi và cô Ru-tơ. Xin giúp con đủ tình yêu, sự quan tâm như Lời Chúa dạy để cải thiện mối quan hệ trong gia đình con.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 2.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien