“Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (câu 16a-17).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao ông Giăng từ chối làm phép Báp-tem cho Chúa Giê-xu? Chúa đã giải thích thế nào? Việc gì xảy ra sau khi Chúa chịu Báp-tem? Điều đó có ý nghĩa gì? Thánh lễ Báp-tem có ý nghĩa gì với bạn?

Trước khi bắt đầu chức vụ trên đất, Chúa Giê-xu đã làm trọn bổn phận của Ngài đối với gia đình và cả bổn phận tôn giáo. Vì thế, Ngài cũng muốn chịu phép Báp-tem để “làm cho trọn mọi việc công bình” (câu 15). Ban đầu ông Giăng từ chối làm Báp-tem cho Chúa Giê-xu vì ông nhận biết mình không xứng đáng, mà chính ông thấy mình cần phải được Chúa làm Báp-tem cho (câu 14). Tuy nhiên, sau khi được Chúa giải thích, ông đã hiểu Chúa cần phải làm như vậy để giữ trọn đức công chính, nên ông vâng lời và làm Báp-tem cho Chúa Giê-xu tại sông Giô-đanh.

Ngay sau khi Chúa Giê-xu chịu Báp-tem xong, các tầng trời đều mở ra và Chúa Thánh Linh giáng xuống ngự trên Ngài, rồi từ trời có tiếng phán từ Đức Chúa Cha rằng: “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (câu 17). Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã hiện diện trong phép Báp-tem mà Chúa Giê-xu nhận, cho thấy sự hiệp một của cả Ba Ngôi ấn chứng thần quyền của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời đến trần gian trong thân xác con người để thi hành chương trình cứu chuộc nhân loại trong sự ấn chứng của Chúa Thánh Linh và lời xác nhận từ trời của Đức Chúa Cha. Có cảnh tượng nào kỳ diệu hơn cảnh tượng này. Chúa Giê-xu ở dưới sông Giô-đanh đang mang lấy hình hài của một con người vì Ngài đã từ bỏ ngôi cao sang để đến thế gian sẵn sàng chịu chết vì nhân loại để đem lại sự cứu rỗi cho họ. Giờ đây, Ngài sắp bước vào con đường để làm theo ý của Cha Ngài. Chính Chúa Thánh Linh cũng đã đến với Chúa Giê-xu trên đất để xức dầu và thêm sức cho Ngài bước vào chức vụ. Chính Đức Chúa Trời, bởi lời phán êm dịu của Ngài, đã khẳng định Chúa Giê-xu là Con yêu dấu của Ngài, hài lòng Ngài trong mọi phương diện, trong đời sống cũng như trong những gì mà Ngài sẽ làm cho nhân loại theo ý muốn của Cha Ngài.

Ngày nay, khi một tín hữu nhận thánh lễ Báp-tem, mục sư hành lễ cũng nhân danh Chúa Cha,Chúa Con, và Chúa Thánh Linh mà làm Báp-tem cho người đó. Đó là nhân danh sự hiệp một của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong thánh lễ Báp-tem để ấn chứng cho người đó đã chết con người cũ và sống một đời sống mới trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi trong thánh lễ Báp-tem sẽ giúp chúng ta mỗi ngày sống hài lòng Cha mọi đàng.

Bạn nhận Báp-tem khi nào? Bạn có cảm nhận sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong thánh lễ Báp-tem của mình không?

Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin Ngài luôn hiện diện, giúp đỡ và ấn chứng cho cuộc đời con bước đi theo Chúa với một nếp sống mới sau khi con nhận thánh lễ Báp-tem.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 5.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien