“Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Như cây nho trong các cây rừng mà Ta lấy làm củi, ném vào trong lửa, thì Ta cũng sẽ phó dân cư Giê-ru-sa-lem như vậy” (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời ví sánh người Ít-ra-ên với điều gì? Vì sao Ngài ví sánh như thế? Bạn có ích cho Đức Chúa Trời trong những lãnh vực nào? Còn những lãnh vực nào chưa hữu ích cho Ngài?
Cựu Ước xem tuyển dân của Đức Chúa Trời là một cây nho sai trái, nhưng ở đây, Đức Chúa Trời ví sánh người Ít-ra-ên như một cây nho không ra trái và gỗ của nó cũng vô dụng. Dù bị đốt trong lửa hai lần, nhưng nó không cho ra một chút than nào để dùng làm chất đốt như một số loài cây khác.
Những điều Tiên tri Ê-xê-chi-ên nói hàm chứa ý nghĩa về mặt đạo đức. Giống như một cây nho mọc hoang trong rừng, người Ít-ra-ên không sinh trái cho Đức Chúa Trời, họ không trở nên tốt hơn, khác biệt hơn, nhưng ngày càng trở nên vô ích. Cảm nghĩ của Đức Chúa Trời về con dân Ngài giống như cảm xúc của một người cha quá đau buồn và tủi nhục vì lối sống hết sức tồi tệ của đứa con hư hỏng, đến nỗi có lúc đã nói rằng: “Nó không phải là con của tôi.” Không chỉ có người Ít-ra-ên mới được xem là cây nho. Chúng ta được ví sánh như những nhánh nho thuộc về cây nho thật là Chúa Giê-xu. Ngài phán: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.” Nhưng sau đó Ngài nói tiếp rằng nhánh nào không sinh trái thì sẽ bị ném vào lửa (Giăng 15:1-6).
Tiên tri Ê-xê-chi-ên kêu gọi dân tộc của ông nhìn lại quá khứ không vâng lời của họ, để hiểu rằng cuộc tấn công của Ba-by-lôn vào năm 605 T.C. là lần thoát khỏi sự thiêu đốt của lửa (câu 7), nhưng sau đó họ bị thiêu đốt bởi “lửa lưu đày” vào năm 597 T.C. Tiên tri Ê-xê-chi-ên không có ý nói rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn từ bỏ dân Ngài để thay thế bằng một dân khác là Hội Thánh của Ngài. Ông nhấn mạnh đến sự thịnh nộ, thất vọng nói lên tấm lòng yêu thương của Cha trên trời muốn con dân Ngài ăn năn tội để nhận được sự tha thứ và phục hồi. Chỉ khi sự đoán phạt và sự nhân từ của Đức Chúa Trời được bày tỏ công khai, khi đó dân Ngài sẽ nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời.
Bạn kinh nghiệm thế nào về sự trách phạt và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì sự trách phạt yêu thương và lòng nhân từ của Ngài đã làm thay đổi cuộc đời con. Xin giúp con trở thành một cành nho hữu ích cho Ngài.
Trong danh thánh Cứu Chúa Jêsus Christ. Amen.