Theo dự báo, tỷ lệ NCT ở nước ta sẽ tăng đột biến từ năm 2010, đạt tỷ lệ 15,45% vào năm 2015và 28,45% vào năm 2050. NCT thường mắc các bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài với chi phí cao do sức đề kháng của cơ thể giảm.

Những bệnh mạn tính thường được nhắc đến nhiều là:

Bệnh khớp: (chiếm khoảng 54%) như đau xương, khớp, thoái hóa khớp, nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối làm cho người bệnh lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết.

Bệnh hô hấp: hay gặp là các bệnh viêm phổi, hen phế quản, phổi tắc nghẽn…

Bệnh mỡ máu: (chiếm 45%) (cholesterol, triglycerid), thường gặp ở người có tăng huyết áp, viêm gan, nghiện rượu…

Bệnh tim mạch: Trên 31% NCT bị bệnh tim mạch, trong đó bệnh xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp chiếm một vị trí đáng kể.

Bệnh đái tháo đường: một căn bệnh đưa đến nhiều biến chứng cho NCT và ngày càng có chiều hướng gia tăng như biến chứng thần kinh, tim mạch, mắt…

Bệnh tiêu hóa: NCT dễ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, điển hình là các bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính, viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng.

Bệnh về hệ tiết niệu sinh dục, suy thận, sỏi tiết niệu, viêm teo bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt…

Bệnh về hệ thần kinh trung ương: như sa sút trí tuệ, Parkinson…

Bệnh ung thư: ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng, bàng quang, tuyến tiền liệt ở nam, ung thư vú, buồng trứng, tử cung ở nữ…

Đặc biệt nguy hiểm khi NCT bị mắc các bệnh như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tàn phế do gãy xương, mù lòa… làm giảm chất lượng sống ở NCT và tốn kém trong chi phí điều trị cũng như chăm sóc.

Phương Khánh

Ngừa và trị gan nhiễm mỡ

Ăn kiêng khi bị gan nhiễm mỡ?

Hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Phòng và chữa gan nhiễm mỡ

Tôi năm nay 70 tuổi, vừa qua đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm mỡ máu thấy chỉ số triglycerid tăng cao gấp đôi mức bình thường. Như vậy có phải gan tôi bị nhiễm mỡ không? Xin quý báo cho biết cách điều trị và phòng ngừa. Tôi xin cảm ơn!

Nguyễn Hữu Thông (Hà Nội)

Mỡ máu như cách gọi thông thường để chỉ mức cholesterol và triglycerid máu. Mỡ máu có liên quan đến bệnh vữa xơ động mạch, do vậy đây là chỉ tiêu rất cần quan tâm. Triglycerid máu tăng, không có nghĩa là gan bị nhiễm mỡ mà đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tốt hơn là bác nên làm thêm xét nghiệm về HDL cholesterol và LDL cholesterol, đây là hai lipoprotein rất quan trọng liên quan trực tiếp đến bệnh vữa xơ động mạch.

Hình ảnh gan bình thường và gan nhiễm mỡ.

Không thể biết một cách chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng mỡ máu, tuy nhiên có thể biết một số yếu tố thuận lợi cho tăng mỡ máu, đó là: ăn quá nhiều mỡ động vật; ăn nhiều chất giàu cholesterol như các loại phủ tạng động vật, uống nhiều bia rượu, béo phì, tình trạng ít vận động và bệnh tăng cholesterol mang tính gia đình.

Về điều trị và phòng ngừa gồm hai bước. Đầu tiên thường không dùng thuốc mà chỉ điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện thể lực, giảm cân nếu có béo phì. Thực hiện ít nhất trong 2 – 3 tháng, nếu không có kết quả thì mới dùng thuốc.

Bước thứ hai là điều trị bằng thuốc. Khi thay đổi chế độ sinh hoạt, khẩu phần ăn mà không mang lại kết quả. Nhưng phải luôn nhớ trong khi dùng thuốc vẫn duy trì chế độ ăn kiêng và luyện tập. 2 – 3 tháng nên kiểm tra lại các thông số lipid để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

ThS. Nguyễn Vân Anh

Ăn kiêng khi bị gan nhiễm mỡ?

Tôi năm nay 60 tuổi bị gan nhiễm mỡ và thỉnh thoảng có tăng huyết áp. Xin bác sĩ cho biết bệnh có nguy hiểm không, phải ăn kiêng như thế nào?

Nguyễn Văn Thể (Thái Bình)

Gan nhiễm mỡ là biểu hiện hay gặp trong nhiều bệnh khác nhau như: ở người nghiện rượu, người thoái hoá mỡ gan không do rượu, người béo, người bị bệnh đái tháo đường, ở những người có tăng cholesterol, triglycerid trong máu… Gan nhiêm mỡ đơn thuần không gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu là biểu hiện trong bệnh khác về lâu dài sẽ để lại hậu quả nặng nề như ở người nghiện rượu. Giai đoạn đầu chỉ biểu hiện thoái hoá mỡ nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn tới xơ gan do rượu. Nếu bác chỉ có gan nhiễm mỡ đơn thuần thì không nên ăn chất béo, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, óc lợn, óc trâu, bò, cần hạn chế bia rượu, không để tăng cân hoặc để béo, ăn nhiều thức ăn có chất xơ, nhiều rau quả tươi. Nếu bác có tăng huyết áp thì cần phối hợp điều trị tại chuyên khoa tim mạch hoặc lão khoa.

BS. Vũ Trường Khanh

Hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em nhưng hay gặp nhất ở tuổi trung niên thừa cân hay béo phì, người bệnh đái tháo đường, những người có nồng độ cholesterol và triglyceride cao. Có rất nhiều phương cách để hỗ trợ chữa trị gan nhiễm mỡ. Tùy theo triệu chứng đi kèm để phân ra nhiều thể khác nhau, mỗi thể nên chọn món ăn, thức uống thích hợp để giúp điều trị hiệu quả

– Thể can khí uất: Người bệnh tức ngực, trướng bụng, đau tức hạ sườn phải, ăn chậm tiêu, ợ hơi, người bực dọc, dễ cáu gắt:

Nấm rơm.

Hải sâm.

+ Dùng 100g gạo tẻ nấu thành cháo nhừ rồi cho vỏ quýt khô (15g phơi khô tán nhỏ) trộn đều, hạ lửa nhỏ nấu sôi lại, chia 2 lần ăn lúc đói bụng.

+ Ép 100g củ cải trắng lấy nước, 5 trái quất bỏ hạt, giã nát. Trộn đều nước củ cải và quất, thêm 20g mật ong, hòa với 300ml nước sôi. Chia 2 lần uống trước bữa ăn.

– Thể khí trệ huyết ứ: Đau tức hạ sườn phải, gan sưng to có thể sờ thấy được, lưỡi đỏ tía, mạch căng như dây đàn:

+ Sấy khô, tán vụn 3g củ tam thất, 3g trà xanh. Hai thứ hãm với 200ml nước sôi trong 10-15 phút. Uống thay trà và có thể ăn luôn cả xác.