Giải pháp không phải là phương tiện, chi phí mà chủ yếu mọi người phải quyết tâm thực hiện một số biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả. Ngành y có nói qua nói lại thế nào thì cảm, cúm vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là vào những lúc thời tiết mưa nắng thất thường như mấy ngày qua.

Thầy thuốc có hứa hẹn êm tai về thuốc chủng ngừa thì cảm, cúm vẫn là thủ phạm không ngừng gây tổn hao khả năng lao động, học tập và hao tốn thường xuyên cho xã hội.

Chủ động giới hạn lây lan

Điều đáng nói là tuy siêu vi tinh ranh đủ kiểu nhưng bệnh cảm, cúm thực tế đã không thể tung hoành đến thế, nếu “con mồi” trên khắp mặt địa cầu quyết tâm để chống.

Cụ thể là bên cạnh chủ động tăng cường sức đề kháng thì cần chủ động giới hạn khả năng lây lan của cảm, cúm bằng cách trong nếp sinh hoạt thường ngày đừng quên một số biện pháp không đến độ quá phức tạp đến mức khó thực hiện.

Trước hết, dụng cụ thường dùng chính là nhịp cầu để cảm, cúm có cơ hội lan truyền từ người này sang người khác. Nói cụ thể hơn là những thứ như điện thoại công cộng, bàn phím máy vi tính, nút nhấn trong thang máy, nắm tay cánh cửa… và hàng trăm thứ khác rất gần gũi với chúng ta nhưng đều có thể dễ dàng trở thành ổ lưu trú siêu vi.

Tất cả vật dụng có sự tiếp xúc của nhiều người vì thế cần được sát trùng ít nhất một lần mỗi ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cũng theo tổ chức này, người đang bị cảm nên tự giác đứng xa người khác và mang khẩu trang.

Hơn thế nữa, khi đang có dịch bệnh cảm, cúm thì dù bản thân chưa bệnh và sinh sống ở xa ổ dịch nhưng khi di chuyển trên các phương tiện công cộng, đến nơi đông người… mọi người cũng nên chủ động mang khẩu trang.

Lưu ý mồ hôi tay và nước bọt

Kế đến, mồ hôi tay là môi trường phát triển lý tưởng của siêu vi cũng như của vi khuẩn, nấm mốc theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Berkeley (Mỹ). Các nhà nghiên cứu ở đó khẳng định là chỉ cần rửa tay nhiều lần trong ngày, trước và sau mỗi bữa ăn, sau giờ làm việc, đã đủ để góp phần rất tốt ngăn chặn cảm, cúm.

Đơn giản nhưng phải khoa học

So với virus cúm A/H5N1, nhiều loại siêu vi khác quỷ quái hơn nhiều đang chực chờ để tiếp tục là mối đe dọa triền miên cho sức khỏe cộng đồng trong thiên niên kỷ này. Chạy theo cấu trúc của siêu vi cho dù có hay cách mấy cũng vẫn chỉ là thụ động.

Đã rượt bao giờ cũng chậm ít bước. Dự trữ thuốc cảm suy cho cùng là biện pháp đắt tiền nhưng chỉ chữa cháy cầm canh, trong lúc thực tế lại không cần quá cầu kỳ hay tốn kém nếu mỗi người chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh, càng đơn giản càng tốt nhưng đòi hỏi phải khoa học.

Mới đây, WHO còn nhắc nhở thầy thuốc, y tá… rửa tay nhiều lần để tránh lây bệnh cho người bệnh, vì thầy thuốc trong lúc khám bệnh là môi trường trung gian giữa người đã bệnh và người chưa bệnh. Lời cảnh báo này chắc chắn không sai trong bối cảnh chất lượng y tế “tranh tối tranh sáng” của nước mình.

Rửa tay thì ai cũng nói là đã làm nhiều lần quá rồi nhưng nên lưu ý là rửa tay để ngăn chặn cảm, cúm đòi hỏi chút gì đó nhiều hơn nước sạch và xà phòng. Đó chính là ý thức của mỗi người trong phòng ngừa cảm, cúm lây lan.

Theo sau mồ hôi là nước bọt. Chuyên gia về vệ sinh phòng bệnh Đại học San Diego (Mỹ) ắt không vô cớ khi khuyến cáo mọi người tuân thủ biện pháp vệ sinh răng miệng, dùng riêng và tẩy trùng chén dĩa bởi đó là phương án thực tiễn nhất để khoanh vùng bệnh lây lan qua đường tiêu hóa.

Điều này hoàn toàn khả thi ở xứ mình vì hiện nay không thiếu kem đánh răng, xà phòng cũng như nước rửa chén có tác dụng thanh trùng.

Rõ ràng, không phải vì phương tiện, chi phí mà chủ yếu ở quyết tâm của mọi người muốn phòng bệnh.

4 lưu ý để cuộc sống khỏe mạnh hơn

Nếu công việc có thể làm phong phú cuộc sống của bạn thì nó cũng có thể rút ngắn cuộc sống đi. Vì vậy, cần nhiều giải pháp để duy trì cuộc sống lâu bền, khỏe mạnh.

Giải quyết công việc trên đường

Điện thoại di động và những thiết bị số cá nhân khác giúp tăng khả năng xử lý công việc vào mọi thời điểm. Tuy nhiên, số tai nạn nghiêm trọng do người lái xe gây ra vì mải nhắn tin và nói điện thoại khi tham gia lưu thông cũng đã tăng đáng kể.

Giải pháp: Khi đi trên đường, hãy để điện thoại của bạn sang một bên (nếu đang lái ô tô), hoặc giữ yên trong túi (nếu đi xe máy). Nên xem xét những hậu quả có thể xảy ra. Công việc có thể quan trọng, nhưng sự an toàn cũng quan trọng không kém.

“Dính chặt”vào bàn giấy

Các chuyên gia y tế thường xuyên cảnh báo chúng ta về chuyện ngồi một chỗ, thức ăn sẵn bên, sẽ góp phần gây ra bệnh tim và tiểu đường. Nhưng không nhiều người để ý rằng việc ngồi bàn giấy, mắt dán vào màn hình máy tính hoặc điện thoại “dính” vào tai trong nhiều giờ cũng có thể khiến chúng ta tổn thọ.

Giải pháp: Hãy cố gắng chen vào lịch trình công việc bận rộn của bạn những thời khắc mà bạn có thể rời bàn giấy và đi loanh quanh. Nên dùng thang bộ và ăn trưa ở ngoài.

Mất ngủ

Căng thẳng do công việc gia tăng có thể khiến bạn ngủ không đủ giấc. Mất ngủ, hoặc cơ thể không thích nghi với việc làm theo ca, làm ban đêm, sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn.

Giải pháp: Cố gắng “quy hoạch” giấc ngủ, đảm bảo mỗi ngày có khoảng 6-8 tiếng “khò khò”. Và nếu stress khiến bạn thường xuyên không chợp mắt được, hãy nhanh đến gặp bác sĩ.

Rủi ro nghề nghiệp

Những rủi ro sức khỏe nghề nghiệp, đôi khi do tiếp xúc với những mối nguy hiểm không thể nhìn thấy tận mắt, có thể rút ngắn cuộc đời bạn.

Giải pháp: Triệt để tuân thủ những tập quán về an toàn và sức khỏe được đề ra cho nghề nghiệp của bạn, chẳng hạn phải đeo khẩu trang ngăn bụi hoặc các trang thiết bị bảo hộ khác nếu làm việc trên công trường xây dựng hay trong xưởng mộc, hoặc phải thực hiện những biện pháp an toàn khi tiếp xúc với chất độc hại…