Hê-bơ-rơ 12:1-3
“Hãy kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta”.
Hê-bơ-rơ 12:1

Câu hỏi suy ngẫm: Bạn có đức “kiên trì” không? Tại sao phải kiên trì theo dõi cuộc đua? Qua đời sống trên đất của Chúa Giê-xu, bạn nhận thấy gương kiên trì nào? Gương kiên trì của Chúa Giê-xu giúp gì cho bạn? Tiến tới tương lai, chúng ta cần nhìn xem Chúa để thấy gương kiên trì của Chúa mà noi theo. Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta chữ “kiên trì” có nghĩa là chịu đựng tính tình khác nhau của con người, chịu đựng những hoàn cảnh khó khăn. Trong Cô-lô-se 1:11, Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện “Nguyện xin Đức Chúa Trời tăng cường mọi quyền năng cho anh chị em theo sức mạnh vinh quang Ngài để anh chị em kiên trì chịu đựng mọi sự.” Theo ông, đời sống đẹp lòng Chúa là đời sống được Chúa ban thêm quyền năng và sức mạnh để có thể “kiên trì chịu đựng mọi sự.” Chúng ta cần được Chúa ban cho sức kiên trì chịu đựng trong những lúc khó khăn. Chúng ta cần nhớ Chúa là Đấng tể trị, hoàn cảnh khó khăn và sự chống đối của con người không thể làm hỏng chương trình của Ngài. Chúa chỉ làm những điều tốt lành, Ngài hiệp mọi sự lại làm ích lợi cho chúng ta. Chúng ta có thể không hiểu những điều đang xảy ra nhưng biết Chúa có mục đích tốt. Chúa không bao giờ sai lầm. Thế giới này không phải là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta không để cho những điều đang xảy ra trên thế giới làm chúng ta tuyệt vọng. Kiên trì là chịu đựng mọi sự hay mọi hoàn cảnh nói lên đức tính không chịu khuất phục trước hoàn cảnh hay bỏ cuộc giữa chừng hay đầu hàng trước áp lực. Đó là sự kiên trì ông Phao-lô nói về đời sống của con cái Chúa ở Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca: “Trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, chúng tôi nhớ đến… lòng kiên trì của anh chị em nhờ hy vọng nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3). Chúng ta có thể chịu đựng cuộc đua khi đặt hy vọng, đức tin, lòng tin cậy nơi Chúa Giê-xu. Dù hoàn cảnh làm đời sống cá nhân, hay Hội Thánh khó khăn đến đâu, Chúa vẫn là nguồn sức mạnh để chúng ta chịu đựng, để tiến tới kết quả cuối cùng. Hãy nhìn xem Chúa, đừng bao giờ bỏ cuộc, mệt mỏi, ngã lòng, vì chúng ta biết Chúa “đã chịu đựng thập tự giá” và “sự sĩ nhục,” Ngài ở cùng và “không bao giờ lìa bỏ chúng ta.” Với sự dẫn dắt của Ngài chúng ta sẽ thắng mọi trở ngại, khó khăn, thư thách, chán nản hay đau đớn. Khi nhìn xem Chúa Giê-xu, chúng ta được Ngài thêm sức để chạy một cách kiên trì. Nếu có vấp ngã, chúng ta sẽ đứng dậy tiếp tục chạy. Chúa là mục đích và là động cơ thúc đẩy sự kiên trì. Khi nhìn xem Chúa, sống theo Chúa và phục vụ Ngài, chúng ta sẽ có một “quyết tâm thiêng liêng” vì có tấm gương sáng chói về lòng kiên trì của Chúa để chúng ta noi theo. Chúa đã không để cho những hoàn cảnh, những con người gây khó khăn và ngay cả ma quỷ làm Ngài chán nản bỏ cuộc. Ngài kiên trì theo đuổi mục đích cuả Ngài.  Là con dân Chúa, bạn làm gì khi gặp khó khăn? 

Lạy Chúa, con dễ bỏ cuộc, dễ đầu hàng, xin Ngài ban cho con sự kiên trì của Ngài. 

Đức Tin Đắc Thắng

Đọc: 1 Sa-mu-ên 1:1-18

 


 

Tôi lớn tiếng kêu cầu Đức Giê-hô-va, và từ núi thánh, Ngài đáp lời tôi. -Thi Thiên 3:4

 


 

 

Có vài điều gây trở ngại cho người bắt tay vào công việc mới, như chỉ trích từ người cũ chẳng hạn. Những ông chủ giỏi thuê người, thì biết cách bảo vệ nhân viên mới, bằng cách cắt đặt những cố vấn sẵn sàng chở che họ trước những lời nhạo báng không cần thiết. An-ne là một cố vấn giúp chúng ta xử lý những lời chỉ trích và niềm khát khao sâu xa trong lòng (1 Sa-mu-ên 1:1-18). Bên cạnh một người chồng không hiểu mình, một người ngang hàng hay nhiếc móc, và một thầy tế lễ hay chỉ trích quá lời, An-ne tìm đường băng qua sương mù bằng cách tâm sự với Đức Chúa Trời (c.10). Dù biết Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin bằng cách cho An-ne một đứa con, nhưng chúng ta không biết chắc sự chúc phước của Hê-li, chỉ là một lời chúc, hay đó chính là lời hứa từ Đức Chúa Trời (c.17). Tôi nghĩ vẻ mặt không còn buồn nữa của bà phần lớn xuất phát từ sự bình an sau khi tâm sự với Chúa. Chúng ta được tạo dựng để có mối liên hệ với Đức Chúa Trời; và khi chúng ta nâng mối liên hệ này lên tầm thân thiết, thì chúng ta được buộc chặt không chỉ với sự hiện diện của Ngài mà còn với năng lực của Ngài. Những lời cầu nguyện nói lên niềm đau cùng xúc cảm của chúng ta, chắc chắn là được Đức Chúa Trời đón nhận, vì cho thấy chúng ta tin cậy Ngài. Chúng ta sẽ thường thấy triển vọng, và hầu như luôn luôn được an ủi sau đó, vì biết mình đã phó thác những điều làm phiền nhiễu mình dù là lời chỉ trích hay những ao ước sâu xa cho Đấng có khả năng giải quyết tốt nhất. – Randy Kilgore


Khi cầu nguyện, có lòng mà thiếu lời, vẫn tốt hơn có lời mà thiếu lòng.