Sách Công Vụ Các Sứ Đồ: Vấn Đề Tiền Lệ Lịch Sử
Ở nghĩa nào đó, viết riêng một chương về sách Công Vụ Các Sứ Đồ là thừa, vì hầu hết những gì đã nói trong chương trước đều có thể được áp dụng ở đây. Tuy nhiên, vì một lý do thực tế trong việc giảng kinh, sách Công Vụ đòi hỏi một chương riêng biệt. Lý do rất đơn giản, đó là phần đông các tín hữu không đọc sách Công Vụ giống như cách họ đọc sách Các Quan Xét hoặc II Sa-mu-ên, ngay cả khi họ không hoàn toàn nhận thấy điều đó.
Khi chúng ta đọc các truyện ký trong Cựu Ước, chúng ta có xu hướng làm những điều đã được đề cập ở chương trước, tức là đạo đức hóa, hình bóng hóa, cố tìm các ẩn ý v.v… Rất ít khi chúng ta nghĩ rằng các câu chuyện này phải được dùng làm mẫu mực cho hành vi Cơ Đốc hoặc cho sinh hoạt trong Hội Thánh. Chúng ta cũng chẳng bao giờ làm đúng y như một số ít trường hợp đã xảy ra – thí dụ như đặt một lốt chiên để tìm biết ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta chẳng bao giờ trải ra một lốt chiên thật để Đức Chúa Trời khiến nó khô hay ướt. Trái lại, chúng ta “thử” Đức Chúa Trời bằng cách đặt ra một loạt hay nhiều loạt tình huống. “Nếu trong tuần này có ai đó từ California gọi điện thoại cho chúng ta, thì chúng ta tin rằng đó là cách Đức Chúa Trời dùng để bảo chúng ta rằng Ngài muốn chúng ta đi California.” Và chẳng bao giờ, theo “khuôn mẫu” này, chúng ta cho rằng hành động của Ghê-đê-ôn là không đúng, bởi vì hành động ấy chứng tỏ ông thiếu tin cậy vào lời Đức Chúa Trời đã phán với ông.
Hiếm khi chúng ta nghĩ rằng các câu chuyện lịch sử trong Cựu Ước là những tiền lệ trong Kinh Thánh cho cuộc đời chúng ta. Mặt khác, đây là cách bình thường khi đọc sách Công Vụ. Chẳng những sách này kể lại cho chúng ta lịch sử của Hội Thánh nguyên thủy, mà còn được dùng như một mẫu mực cho Hội Thánh thuộc mọi thời đại noi theo. Đây chính là chỗ khó khăn khi chúng ta giảng kinh.
Nói chung, phần lớn các nhóm Tin Lành thuần túy (evangelical) đều có tinh thần của “phong trào phục hồi.” Chúng ta thường nhìn lui về Hội Thánh và từng trải Cơ Đốc nhân hồi thế kỷ thứ nhất, hoặc xem đó như một mẫu mực phải được phục hồi, hoặc như một lý tưởng cần phải noi theo. Chẳng hạn chúng ta vẫn thường nói đại khái “sách Công Vụ dạy chúng ta rõ ràng rằng…” Tuy nhiên, dường như điều hiển nhiên là không phải tất cả “những lời dạy rõ ràng” đều rõ ràng như nhau cho tất cả mọi người.
Thật ra, chính việc giảng kinh thiếu chính xác về sách Công Vụ đã dẫn tới nhiều chia rẽ trong Hội Thánh. Những điểm dị biệt như có thể làm phép báp-tem cho trẻ con hay chỉ cho các tín hữu trưởng thành, Hội Thánh theo quy chế hội chúng hay giám mục, cần phải dự tiệc thánh mỗi Chúa nhật hay không, việc chọn các chấp sự bằng lá phiếu của cả hội chúng, việc bán đi mọi tài sản và xem tất cả là của chung, và cả đến nghi thức bắt rắn cũng đều được hậu thuẫn toàn phần hoặc một phần dựa vào sách Công Vụ.
Chủ đích của chương này là đưa ra vài gợi ý về việc giảng kinh đối với vấn đề các tiền lệ trong Kinh Thánh. Do đó, điều được nói ra đây cũng sẽ áp dụng cho tất cả các câu chuyện lịch sử trong Kinh Thánh, kể cả một số tài liệu trong các sách Phúc Âm. Tuy nhiên, trước nhất ta cần tóm lược đôi điều về cách đọc và nghiên cứu sách Công Vụ.
Trong phần thảo luận tiếp theo đây, chúng tôi sẽ có cơ hội thường xuyên đề cập đến ý định hay mục đích của Lu-ca khi viết sách Công Vụ. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là Đức Thánh Linh ở đàng sau ý định của Lu-ca. Lu-ca có một số những ý thích cũng như những mối quan tâm khi viết sách Lu-ca và Công vụ, cũng như việc chúng ta “tiếp tục làm nên sự cứu chuộc mình,” nhưng “chính Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta” (Philip 2:12-13). Thế nhưng chúng tôi tin rằng Đức Thánh Linh đứng đàng sau điều khiển tất cả những điều đó.
Giải Kinh Sách Công Vụ
Tuy Công Vụ là một sách dễ đọc nhưng lại khó cho việc nghiên cứu theo từng nhóm. Có nhiều lý do rất khác nhau để người ta nghiên cứu sách này. Một số người rất quan tâm đến các chi tiết lịch sử của sách Công Vụ, tức những gì liên hệ đến lịch sử của Hội Thánh nguyên thủy. Nhiều người khác lại quan tâm đến biện giáo, chứng minh rằng Kinh Thánh là chân xác bằng cách cho thấy tính chính xác của Lu-ca như một sử gia. Tuy nhiên, phần đông người ta đến với sách Công Vụ là vì các lý do thuần túy tôn giáo hoặc bồi linh, muốn biết các Cơ Đốc nhân nguyên thủy là những con người như thế nào, để qua họ được khích lệ hoặc xem họ như là khuôn mẫu.
Do đó, mối quan tâm đưa người ta đến với sách Công Vụ khiến họ đọc hoặc nghiên cứu sách này với nhiều chọn lọc. Chẳng hạn người quan tâm đến dưỡng linh thì ít chú ý lời nói của Ga-ma-li-ên trong Công Vụ 5 hơn là việc Phao-lô ăn năn quy đạo trong chương 9 hoặc việc Phi-e-rơ bị tù ở chương 12. Cách đọc hoặc nghiên cứu như thế thường khiến người ta bỏ qua các vấn đề về biên niên sử hoặc sử ký. Thí dụ khi bạn đọc mười một chương đầu, thật là khó tưởng tượng được rằng những điều Lu-ca đưa vào đây thật ra vốn đã trải dài một thời gian từ mười đến mười lăm năm.
Do đó, điều quan tâm của chúng tôi ở đây là muốn giúp bạn đọc và nghiên cứu sách này với thái độ thật tỉnh táo, đầy cảnh giác, để bạn thấy nhìn sách công Vụ trong mối quan tâm của Lu-ca, cũng như giúp bạn nêu ra một vài loại câu hỏi mới trong lúc đọc sách ấy.
Sách Công Vụ, Một Tác Phẩm Lịch Sử
Phần lớn các gợi ý giải kinh nêu ra trong chương trước vẫn đúng cho sách Công Vụ. Điều quan trọng ở đây là Lu-ca vốn là một người ngoại quốc, mà phần ký thuật được linh cảm của ông đồng thời cũng là một thí dụ tuyệt vời về phương pháp viết sử của người Hi Lạp, một loại lịch sử đã bắt nguồn từ Thucydides (460-400 T.C.) và rất thịnh hành trong giai đoạn của người Hi Lạp (300 T.C. – 400 S.C.). Loại lịch sử này không chỉ đơn giản ghi lại các thành tích hay các sự việc đã xảy ra trong quá khứ theo thứ tự thời gian. Trái lại, nó đã được viết ra vừa để khuyến khích hoặc tiêu khiển, vừa để cung cấp thông tin, để dạy đạo đức, hoặc biện giáo. Lẽ dĩ nhiên việc đọc và sống với các câu chuyện của Cựu Ước đã ảnh hưởng trên Lu-ca trong khi ông kể lại câu chuyện về Cơ Đốc giáo nguyên thủy trong quyển sách lịch sử tôn giáo được linh cảm này.
Như thế, hai sách của Lu-ca (Lu-ca và Công Vụ) rất phù hợp với cả hai loại lịch sử đó. Một mặt, chúng đặc biệt dễ đọc, mặt khác, do theo đúng cả hai cách viết sử hoàn hảo nhất của người Hi Lạp và của Cựu Ước, Lu-ca không chỉ quan tâm đến thông tin hoặc tiêu khiển. Có hành động thiên thượng của Đức Chúa Trời xuyên suốt câu chuyện và Lu-ca mong muốn độc giả của ông hiểu được điều này. Với ông, hoạt động của Đức Chúa Trời bắt đầu với Chúa Giê-xu và tiếp tục qua trung gian chức vụ của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh như là phần nối tiếp câu chuyện của Đức Chúa Trời đã bắt đầu trong Cựu Ước. Do đó, chú ý đến các mối quan tâm thần học của Lu-ca là điều rất quan trọng khi bạn đọc hay nghiên cứu sách Công Vụ. Cho nên, giải nghĩa sách Công Vụ bao gồm không những chỉ có các vấn đề thuần túy lịch sử như “đã có gì xảy ra” mà thôi, nhưng còn có cả các vấn đề thần học như “Lu-ca có mục đích gì khi ông chọn lọc và sắp xếp tài liệu như vậy” nữa.
Vấn đề ý định của Lu-ca là vấn đề quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất. Quan trọng nhất vì nó có tính cách quyết định cho việc giảng kinh của chúng ta. Nếu ta có thể chứng minh rằng ý định của Lu-ca trong sách Công Vụ là đưa ra một mẫu mực cho Hội Thánh vào mọi thời đại, thì chắc chắn mẫu mực đó sẽ trở thành khuôn thước, nghĩa là điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi đối với toàn thể các Cơ Đốc nhân dưới mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh. Nhưng nếu ý định của ông là một điều gì khác, thì chúng ta cần đặt ra các vấn đề giảng kinh khác đi. Tuy nhiên, muốn tìm được ý định của Lu-ca là điều rất khó, một phần vì chúng ta chẳng biết Thê-ô-phi-lơ là ai, mà cũng không biết tại sao Lu-ca lại viết sách này cho ông ta, và một phần là vì dường như Lu-ca cũng còn có nhiều mối quan tâm khác nữa.
Tuy nhiên, vì việc nắm vững mục đích của Lu-ca rất quan trọng đối với việc giảng kinh nên bạn cần thường xuyên lưu ý vấn đề này mỗi khi đọc hoặc nghiên cứu theo mức độ giải kinh. Trên một phương diện, việc này rất giống với việc suy nghĩ theo từng phân đoạn khi giải nghĩa các thư tín. Nhưng trong trường hợp ở đây, việc này không dừng ở các phân đoạn nhưng nhìn toàn thể câu chuyện và những phần của quyển sách.
Cho nên khi giải kinh, chúng ta cần quan tâm đến điều gì lẫn tại sao. Như chúng ta đã biết, chúng ta phải bắt đầu với điều gì trước khi đặt câu hỏi tại sao.
Bước Thứ Nhất
Điều đầu tiên ta phải làm là đọc, tốt nhất là đọc trọn cả sách một lần. Trong khi đọc, bạn cần tập thói quen đưa ra các nhận xét và đặt câu hỏi. Việc nhận xét và đặt câu hỏi trong khi bạn đọc sách Công Vụ thường gặp trở ngại là vì câu chuyện cứ càng lúc càng lôi cuốn nên chúng ta thường quên đặt câu hỏi giải kinh.
Cho nên, nếu chúng tôi cần cho bạn một bài tập nữa ở đây, thì đây là bài tập: (1) Hãy đọc sách Công Vụ từ đầu chí cuối luôn một lần hoặc chia làm hai lần. (2) Trong khi đọc, nên lưu ý trong trí những điểm như các nhân vật và địa điểm then chốt, các chủ đề được nhắc đi nhắc lại (Lu-ca thật sự quan tâm đến điều gì?), và bố cục tự nhiên của sách. (3) Bây giờ hãy quay lại và đọc qua thật nhanh, bỏ qua các đoạn không quan trọng, và ghi ra những nhận xét trước đó của bạn. (4) Hãy tự hỏi: Tại sao Lu-ca lại viết sách này?
Vì sách Công Vụ là sách duy nhất thuộc loại này trong cả Tân Ước, chúng tôi xin hướng dẫn bạn đọc và nghiên cứu sách này cách cụ thể hơn.
Tổng Quan Về Sách Công Vụ
Chúng ta bắt đầu tìm hiểu điều gì bằng cách ghi nhận bố cục tự nhiên của sách Công Vụ theo như cách Lu-ca trình bày cho chúng ta. Sách Công Vụ thường chia phần căn cứ trên mối quan tâm của Lu-ca vào Phi-e-rơ (các chương 1-12) và Phao-lô (13-28), hoặc vào sự bành trướng của Phúc Âm về phương diện địa lý (1-7, Giê-ru-sa-lem; 8-10 Sa-ma-ri và Giu-đê; 11-28 cho đầu cùng đất). Tuy cả hai cách chia phần này đều có thể nhận thấy được ngay theo nội dung đích thực của sách, hãy còn một đầu mối nữa đã được chính Lu-ca đưa ra, dường như để buộc chặt tất cả lại với nhau càng rõ ràng hơn. Trong khi đọc, bạn cần chú ý những câu tóm tắt ngắn gọn trong Cong vu 6:7; 9:31; 12:24; 16:5; 19:20. Trong tất cả các trường hợp, câu chuyện dường như dừng lại một chút trước khi chuyển sang một hướng mới ở dạng nào đó. Căn cứ vào đầu mối này, sách Công Vụ có thể được xem như gồm có sáu phần, hay sáu nhóm làm cho câu chuyện diễn tiến liên tục từ môi trường Do Thái giáo tại Giê-ru-sa-lem với Phi-e-rơ là nhân vật lãnh đạo, tới một Hội Thánh mà người Dân Ngoại chiếm ưu thế mà Phao-lô là nhân vật lãnh đạo, và Rô-ma, thủ đô của thế giới Dân Ngoại, là mục tiêu. Câu chuyện chấm dứt khi Phao-lô đến Rô-ma, nơi mà một lần nữa ông lại quay trở lại với Dân Ngoại vì họ sẽ chịu nghe (28:28).
Vậy trong khi đọc, bạn cần chú ý xem mỗi phần đã đóng góp vào “biến chuyển” này như thế nào. Bằng lời lẽ của riêng bạn, hãy cố gắng mô tả từng nhóm một, cả về nội dung lẫn về phần đóng góp của nó cho biến chuyển đó. Điều gì có vẻ như là chìa khóa cho mỗi đợt tiến về phía trước? Sau đây là phần ghi nhận của chúng tôi:
1:1-6:7. Mô tả về Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, những bài giảng đầu tiên, cuộc sống chung, sự bành trướng và khởi sự bị chống đối. Lưu ý tất cả những gì mang tính Do Thái giáo, kể cả các bài giảng, sự chống đối và sự kiện các tín hữu đầu tiên vẫn tiếp tục hội họp tại đền thờ và các nhà hội. Phần này kết thúc với câu chuyện cho thấy một sự phân rẽ khởi mầm giữa các tín hữu nói tiếng Hi Lạp với các tín hữu nói tiếng A-ram.
6:8-9:31. Mô tả sự bành trướng địa lý đầu tiên do các Cơ Đốc nhân người Do Thái nói tiếng Hi Lạp lan rộng đến những người Do Thái bị tan lạc hay những người “gần như là Do Thái” (người Sa-ma-ri và người nhập giáo Do Thái). Lu-ca cũng nói đến việc Phao-lô ăn năn quy đạo. Ông vốn là (1) người Do Thái nói tiếng Hi Lạp, (2) một người Do Thái chống lại đạo, và (3) là nhân vật sẽ lãnh đạo việc bành trướng Phúc Âm đến với dân ngoại. Việc Ê-tiên bị tử đạo là chìa khóa cho đợt bành trướng đầu tiên này.
9:32-12:24. Mô tả sự bành trướng đầu tiên đến cho dân ngoại. Chìa khóa là việc Cọt-nây ăn năn quy đạo, mà câu chuyện đã được kể lại đến hai lần. Câu chuyện cho thấy việc ăn năn quy đạo của Cọt-nây là một hành động trực tiếp của Đức Chúa Trời, bấy giờ Ngài vẫn chưa sử dụng người Do Thái nói tiếng Hi Lạp vì như thế có thể bị nghi ngờ, nhưng đã dùng Phi-e-rơ, là vị lãnh đạo được thừa nhận giữa vòng tín hữu Cơ Đốc Do Thái. Phần này cũng bao gồm câu chuyện của Hội Thánh tại An-ti-ốt, nơi việc ăn năn quy đạo của người ngoại quốc giờ đây được người Do Thái nói tiếng Hi Lạp chủ ý thực hiện.
12:25-16:5. Mô tả lần bành trướng đầu tiên về mặt địa lý vào thế giới Dân Ngoại, với sự lãnh đạo của Phao-lô. Giờ đây, người Do Thái thường chối bỏ Phúc Âm vì Phúc Âm tiếp nhận cả Dân Ngoại. Hội Thánh họp hội nghị và không loại bỏ các anh chị em là Dân Ngoại, cũng không áp đặt các đòi hỏi của Do Thái giáo trên họ là điểm quan trọng nhờ đó Phúc Âm tự do bành trướng sang các nước khác.
16:6-19:20. Mô tả sự bành trướng càng xa hơn về hướng Tây của Phúc Âm sang thế giới Dân Ngoại, giờ đây đã sang tận Âu châu. Người Do Thái vẫn khước từ nhưng Dân Ngoại thì đón nhận Phúc Âm.
19:21-28:30. Mô tả các biến cố khiến Phao-lô và Phúc Âm được chuyển đến Rô-ma, nhấn mạnh đến những lần xét xử Phao-lô, trong đó ba lần ông được tuyên bố là vô tội, chẳng làm gì sai quấy cả.
Thử đọc Công Vụ theo bố cục này và để ý đến “chuyển biến” như trên để xem bạn có nắm được những gì đang xảy ra hay không. Trong khi đọc chắc bạn sẽ thấy rằng cách mô tả của chúng tôi về phần nội dung bị thiếu mất yếu tố then chốt, đó là vai trò của Đức Thánh Linh trong tất cả mọi việc này. Có lẽ bạn đã lưu ý rằng tại tất cả các mối nối mấu chốt, trong từng nhân vật chủ chốt, Đức Thánh Linh đều giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối. Theo Lu-ca, toàn thể diễn tiến này đã không xảy ra do ý đồ của con người, nó xảy ra vì Đức Chúa Trời muốn như thế và vì Đức Thánh Linh đã thực hiện nó.
Mục Đích của Lu-Ca
Chúng ta phải cẩn thận, đừng di chuyển quá dễ dàng từ cái nhìn bao quát này về những gì Lu-ca đã làm sang một phát biểu quá dễ dãi hay giáo điều về mục đích được linh cảm của ông liên hệ đến tất cả mọi việc đã xảy ra. Nhưng thiết tưởng cần có một vài nhận xét, một phần dựa vào những gì Lu-ca đã không làm.
1. Chìa khóa để hiểu sách Công Vụ dường như nằm trong mối quan tâm của Lu-ca trong diễn tiến của Phúc âm được điều động bởi Đức Thánh Linh từ căn cứ Giê-ru-sa-lem, với những bắt đầu nhuốm màu Do Thái cho đến khi nó lan tràn khắp thế giới, với hiện tượng Dân Ngoại chiếm ưu thế. Nếu chỉ dựa trên cơ sở cấu trúc và nội dung, bất cứ một khẳng định nào về mục đích mà không gồm luôn sứ mạng truyền giáo cho Dân Ngoại và vai trò của Đức Thánh Linh trong sứ mạng ấy, đều chắc chắn là đã đi lạc mục đích của sách này.
2. Mối quan tâm vào “diễn tiến” này còn được hậu thuẫn thêm bởi những gì Lu-ca không nói cho chúng ta biết. Thứ nhất, ông đã không quan tâm đến cuộc đời của các sứ đồ, tức là tiểu sử của họ. Gia-cơ là người duy nhất mà chúng ta được biết là đã qua đời như thế nào (Cong vu 12:2). Khi câu chuyện bắt đầu chuyển hướng đến Dân Ngoại, thì Phi-e-rơ không còn xuất hiện trong câu chuyện nữa, ngoại trừ trong chương 15 chỗ ông chứng thực sứ mạng truyền giáo cho người ngoại quốc. Trừ Giăng ra, thậm chí các sứ đồ khác đã không được đề cập, và mối quan tâm của Lu-ca vào Phao-lô hầu như hoàn toàn là vì cớ sứ mạng truyền giáo cho Dân Ngoại.
Thứ hai, ông không quan tâm hoặc quan tâm rất ít đến cách tổ chức hay chính sách của Hội Thánh. Bảy nhân vật trong chương 6 đã không được gọi là chấp sự, và đã sớm rời Giê-ru-sa-lem. Lu-ca chẳng bao giờ cho chúng ta biết tại sao hoặc cách nào việc đó xảy ra, khiến Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem được chuyển từ quyền lãnh đạo của Phi-e-rơ và các sứ đồ sang cho Gia-cơ là em trai Chúa Giê-xu (12:17; 15:13; 21:18); ông cũng chẳng bao giờ giải thích các chi hội địa phương đã được tổ chức như thế nào về các phương diện chính sách hay lãnh đạo, ngoại trừ bảo rằng các “trưởng lão” đã được “chỉ định” (14:23).
Thứ ba, không đề cập đến sự bành trướng về địa lý nào khác, ngoại trừ con đường duy nhất trực tiếp đi từ Giê-ru-sa-lem đến Rô-ma. Không đề cập đến đảo Cơ-rết (Tit 1:5) xứ Y-ly-ri (Roma 15:19, Nam Tư ngày nay) hoặc xứ Bông, Cáp-ba-đốc và Bi-thi-ni (IPhiero 1:1), không đề cập đến việc Hội Thánh bành trướng sang hướng Đông đến vùng Lưỡng Hà hoặc xuống phía Nam, sang Ai Cập.
Tất cả những điều trên đây nói lên rằng lịch sử Hội Thánh không phải là lý do khiến Lu-ca viết sách Công Vụ.
3. Mối quan tâm của Lu-ca dường như cũng không phải là nhằm tiêu chuẩn hóa mọi sự việc, biến mọi sự trở thành đồng nhất với nhau. Khi ông chép lại việc ăn năn quy đạo của các cá nhân, thường có liên quan đến hai yếu tố: ân tứ của Đức Thánh Linh và phép báp-tem bằng nước. Nhưng hai việc này có thể theo thứ tự trái ngược nhau, có hoặc không có việc đặt tay, có hoặc không có đề cập việc nói các thứ tiếng, và càng ít đề cập hơn nữa việc ăn năn hối cải, cả sau những gì Phi-e-rơ đã nói trong Cong vu 2:38-39. Tương tự, Lu-ca không nói cũng không ngụ ý rằng các Hội Thánh Dân Ngoại cùng chia sẻ đời sống chung giống như Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trong 2:42-47 và 4:32-35. Sự khác nhau đó có lẽ hàm ý rằng không một gương mẫu cụ thể nào được ấn định để làm kiểu mẫu cho từng trải Cơ Đốc hoặc sinh hoạt của Hội Thánh.
Nhưng phải chăng Lu-ca đã không cho chúng ta biết điều gì khi ký thuật các câu chuyện cụ thể này? Không nhất thiết như thế. Vấn đề là, Lu-ca muốn nói gì với các độc giả đầu tiên của ông?
4. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phần lớn những gì Lu-ca viết trong sách Công Vụ là để dùng làm kiểu mẫu. Nhưng kiểu mẫu không có nhiều trong những sự việc cụ thể cho bằng trong bức tranh toàn diện. Đức Chúa Trời đã cảm động Lu-ca sắp xếp và ký thuật phần lịch sử này, dường như để chúng ta thấy sự kiện Phúc Âm đã lan rộng với niềm vui đắc thắng vào thế giới Dân Ngoại bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và kết quả là nhiều đời sống và các cộng đồng địa phương được thay đổi chính là ý định của Đức Chúa Trời và Ngài muốn Hội Thánh cứ tiếp tục như thế. Vì đó là ý định của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh nên chẳng có gì ngăn trở được, kể cả Tòa Công Luận lẫn nhà hội Do Thái, cả sự bất hòa lẫn đầu óc hẹp hòi, cả tù ngục lẫn các âm mưu. Cho nên, rất có thể ý định của Lu-ca là Hội Thánh phải “giống như vậy” nhưng theo nghĩa rộng, không phải rập khuôn theo bất cứ một gương mẫu cụ thể riêng biệt nào.
Một Bài Giải Kinh Mẫu
Với phần nội dung khái quát và cái nhìn tạm thời vào vấn đề trước mắt, chúng ta sẽ khảo xét hai phần ký thuật trong Cong vu 6:1-7 và 8:1-25, và lưu ý các vấn đề giải kinh mà ta cần học đặt câu hỏi cho sách Công Vụ.
Như việc vẫn luôn luôn phải làm, ta sẽ bắt đầu đọc sách được chọn và văn mạch cận tiếp của nó vài lần. Cũng như với các thư tín, các câu hỏi liên quan đến văn mạch mà bạn phải luôn luôn đặt ra trong sách Công Vụ là: Luận điểm (vấn đề) của phần ký thuật hay bài giảng này là gì? Nó đóng vai trò gì trong toàn bộ câu chuyện của Lu-ca? Tại sao ông lại đặt nó vào đây? Bạn thường có thể tạm thời trả lời cho câu hỏi này sau một hoặc hai lần đọc kỹ. Tuy nhiên, đối với sách Công Vụ, nhiều khi bạn cần phải đọc thêm các tài liệu bên ngoài nữa để trả lời một số câu hỏi về nội dung trước khi có thể tin chắc rằng mình đã đi đúng hướng.
Chúng ta bắt đầu với 6:1-7. Đoạn này có chức năng gì trong toàn bộ bức tranh? Có thể nói ngay hai điều. Một là, nó dùng để kết thúc cho phần thứ nhất, 1:1-6:7 hai là nó cũng được dùng để chuyển tiếp sang phần thứ hai, 6:8-9:31. Hãy chú ý cách Lu-ca thực hiện việc này. Mối quan tâm của ông trong 1:1-6:7 là đưa ra cho chúng ta một bức tranh về cả sinh hoạt của cộng đồng nguyên thủy lẫn sự bành trướng của nó tại trong Giê-ru-sa-lem. Phần ký thuật này (6:1-7) gồm cả hai nét đặc trưng đó. Nó cũng ám chỉ sự căng thẳng đầu tiên bên trong cộng đồng, một sự căng thẳng dựa trên những dòng truyền thống trong Do Thái giáo giữa người Do Thái Giê-ru-sa-lem (nói tiếng A-ram) và những người Do Thái nước ngoài (nói tiếng Hy-lạp). Trong Hội Thánh, sự căng thẳng này đã được khắc phục bởi việc chính thức thừa nhận quyền lãnh đạo đã bắt đầu xuất hiện giữa vòng Cơ Đốc nhân Do Thái nói tiếng Hi Lạp.
Sở dĩ chúng tôi viết câu cuối cùng cách đặc biệt như thế vì ở đây ta còn phải đọc số tác phẩm bên ngoài liên quan đến bối cảnh lịch sử. Bằng cách đào hơi sâu một chút (đọc các bài viết trong các Thánh Kinh Tự Điển về “các chấp sự” và “người Hi Lạp gốc Do Thái,” các bộ sách giải kinh và các sách về bối cảnh lịch sử như quyển Jerusalem in the Time of Jesus của J. Jeremias (Philadelphia: Fortress, 1967), bạn có thể khám phá ra các sự kiện quan trọng sau đây:
1. Người Hê-lê-nít hầu như chắc chắn là những người Do Thái nói tiếng Hi Lạp, nghĩa là những người Do Thái tản lạc bây giờ đang sống tại Giê-ru-sa-lem.
2. Nhiều người Hê-lê-nít như thế đã trở về Giê-ru-sa-lem vào những năm cuối đời để chết và được chôn gần núi Si-ôn. Vì họ không phải là những người quê quán tại Giê-ru-sa-lem, nên sau khi chết, các quả phụ của họ đã không được trợ cấp thường xuyên.
3. Các quả phụ này được trợ cấp nhu yếu phẩm hằng ngày; việc trợ cấp này gây túng thiếu nghiêm trọng tại Giê-ru-sa-lem.
4. Theo Cong vu 6:9, rõ ràng những người Do Thái nói tiếng Hi Lạp này có nhà hội riêng mà cả Ê-tiên lẫn Sau-lơ vốn người Tạt-sơ (xứ Si-li-si nói tiếng Hi Lạp, c.9) đều là thành viên.
5. Chứng cứ 6:1-15 cho biết Hội Thánh đầu tiên mạnh mẽ xâm nhập vào nhà hội này – hãy lưu ý việc đề cập “những người góa bụa của họ,” sự kiện tất cả bảy người được chọn để lo vấn đề này đều có tên Hi Lạp và sự phản đối kịch liệt đó vốn từ nhà hội của những người Do Thái tản lạc.
6. Cuối cùng, bảy người được chọn đã không hề được gọi là “chấp sự.” Họ chỉ được gọi là “bảy người” (21:8), và công việc của họ trông coi việc trợ cấp thực phẩm hàng ngày cho các quả phụ người Do Thái nói tiếng Hi Lạp mà thôi, nhưng hai người trong số đó rõ ràng cũng là những người rao giảng Lời Chúa nữa (Ê-tiên, Phi-líp).
Kiến thức về nội dung này sẽ đặc biệt giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của những việc tiếp theo. Vì trong 6:8-8:1, Lu-ca tập trung chú ý vào một trong số Bảy Người như nhân vật chủ chốt trong việc bành trướng đầu tiên ngoài thành phố Giê-ru-sa-lem. Ông cho chúng ta biết rằng việc Ê-tiên bị tử đạo đã đưa đến kết quả này (8:1-4). Chắc bạn cũng chú ý khúc sách trước đó cho thấy cộng đồng các Cơ Đốc nhân nói tiếng Hi Lạp tại Giê-ru-sa-lem quan trọng cho kế hoạch của Đức Chúa Trời như thế nào. Họ bị bắt buộc phải rời bỏ Giê-ru-sa-lem vì bị bắt bớ, nhưng dù sao họ không phải là những người quê quán tại đó. Cho nên họ chỉ đơn giản ra đi để truyền giảng Lời Chúa “khắp miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri.”
Do đó, phần ký thuật trong 6:1-7 được viết không phải để chúng ta biết về tổ chức đầu tiên của Hội Thánh gồm có hàng giáo phẩm và các chấp sự nhưng chỉ nhằm trình bày bối cảnh của cuộc bành trướng đầu tiên của Hội Thánh ra ngoài thành phố Giê-ru-sa-lem mà thôi.
Phần ký thuật trong 8:5-25 thuộc một loại khác. Ở đây chúng ta có câu chuyện về lần bành trướng đầu tiên của Hội Thánh nguyên thủy. Phần này đặc biệt quan trọng vì nó hàm chứa nhiều khó khăn khi giải kinh và gây tranh luận trong việc giảng kinh.
Để bắt đầu thực hiện công tác giải kinh cách cẩn thận, việc đọc đi đọc lại đoạn kinh văn nhiều lần và ghi ra những nhận xét là điều bắt buộc. Trong trường hợp này, cần nắm được phần trả lời cho câu hỏi điều gì của câu chuyện, cố tìm cách nêu nó ra bằng lời lẽ của riêng bạn. Các nhận xét của chúng ta có thể tóm tắt như sau:
Không cần quanh co, câu chuyện kể lại cho chúng ta về chức vụ mà Phi-líp đã thực hiện lần đầu tiên trong xứ Sa-ma-ri, kèm theo là việc chữa bệnh và đuổi quỉ (8:5-7). Nhiều người Sa-ma-ri đã trở thành Cơ Đốc nhân, vì họ đã tin và chịu báp-tem. Có nhiều phép lạ đầy quyền năng, đến nỗi Si-môn, một thuật sĩ hành nghề phù phép cũng tin nữa (8:9-13). Khi Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem nghe về hiện tượng đó, đã sai Phi-e-rơ và Giăng đến, và chỉ đến lúc đó người Sa-ma-ri mới nhận được Đức Thánh Linh (8:14-17). Bấy giờ, Si-môn muốn trở thành người phục vụ Chúa bằng cách mua điều mà Phi-e-rơ và Giăng đang có. Rồi Phi-e-rơ quở trách Si-môn. Nhưng căn cứ vào câu trả lời cuối cùng của Si-môn (8:24) thì ta không rõ ràng ông ta có ăn năn hay phải nhận lấy sự trừng phạt mà Phi-e-rơ đã nói (8:20-23).
Cách Lu-ca đan kết câu chuyện với nhau cho thấy rõ có hai mối quan tâm nổi bật: việc ăn năn quy đạo của người Sa-ma-ri và vấn đề của Si-môn. Việc giải thích hai vấn đề này chủ yếu nẩy sinh từ kiến thức và niềm tin của người giải kinh. Họ có xu hướng nghĩ rằng mọi việc đáng lẽ đã không xảy ra như thế. Vì Phao-lô dạy rằng nếu không có Đức Thánh Linh thì người ta không thể nào trở thành Cơ Đốc nhân được, thì làm thế nào các tín hữu này lại vẫn chưa được nhận lãnh Thánh Linh? Còn về Si-môn thì sao? Ông ta là một tín hữu thật sự bị “sa ngã” hay ông ta chỉ mới xưng nhận mà chưa có được đức tin để được cứu?
Có lẽ vấn đề đích thực xuất phát từ sự kiện chính Lu-ca không cố tìm cách làm mọi sự hài hòa cho chúng ta. Thật khó khi đọc một khúc sách như thế mà không có thiên kiến trước, và chúng tôi, các tác giả của quyển sách này, cũng không được miễn trừ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố tìm hiểu nó theo quan điểm của Lu-ca. Khi trình bày câu chuyện này thì đâu là mối quan tâm của ông? Nó giữ vai trò nào trong toàn bộ mối quan tâm của ông?
Về việc người Sa-ma-ri ăn năn quy đạo, có hai việc dường như có ý nghĩa đối với ông: (1) Sứ mạng truyền giáo cho xứ Sa-ma-ri được thực hiện bởi một người Hy Lạp gốc Do Thái hoàn toàn nằm ngoài ý định hoặc chương trình của các sứ đồ. (2) Tuy nhiên, điều quan trọng các độc giả của Lu-ca cần biết là sứ mạng ấy đã được cả Đức Chúa Trời lẫn các sứ đồ tán thành, như đã được chứng minh bằng việc Đức Thánh Linh đã bị cầm giữ lại, đợi cho đến khi có sự đặt tay của các sứ đồ. Điều này phù hợp với toàn bộ mối quan tâm của Lu-ca nhằm chứng minh rằng công tác truyền giáo của người Hê-lê-nít không phải là một phong trào độc lập hay phi chính thống, mặc dầu nó không xuất hiện từ bất cứ hội nghị sứ đồ nào về tăng trưởng Hội Thánh.
Tuy chúng ta không thể chứng minh việc này vì đoạn văn không cho chúng ta biết và nó nằm ngoài các mối quan tâm của Lu-ca, dường như điều đã bị giữ lại cho tới khi Phi-e-rơ và Giăng đến là chứng cứ ân tứ có thể thấy được của sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Chúng tôi gợi ý như thế vì ba lý do: (1) Tất cả những gì đã được nói về người Sa-ma-ri trước khi Phi-e-rơ và Giăng đến đều đã được nói ở nhiều chỗ khác trong Công Vụ để mô tả từng trải đích thực của một Cơ Đốc nhân. Do đó, quả thật chúng phải là khởi điểm của đời sống Cơ Đốc nhân. (2) Ở nhiều chỗ khác trong Công Vụ, sự hiện diện của Đức Thánh Linh – cũng như ở đây – là yếu tố quyết định trong đời sống Cơ Đốc nhân. Làm thế nào họ lại có thể bắt đầu cuộc đời làm Cơ Đốc nhân nếu không có yếu tố quyết định đó? (3) Theo Lu-ca thì trong sách Công Vụ, sự hiện diện của Đức Thánh Linh có nghĩa là quyền năng (1:8; 6:8; 10:38) vốn thường được biểu hiện bằng một chứng cứ có thể thấy được nào đó. Cho nên, rất có thể là sự biểu hiện đầy quyền năng nhìn thấy được của Đức Thánh Linh đó vẫn chưa từng xảy ra tại Sa-ma-ri, cho nên Lu-ca mới đồng hóa nó với việc “giáng xuống” hay được “nhận lãnh” Đức Thánh Linh.
Vai trò của Si-môn trong câu chuyện này cũng phức tạp. Tuy nhiên, có nhiều ngoại chứng cho thấy Si-môn này đã trở thành kẻ chống đối nổi tiếng của các Cơ Đốc nhân ban đầu. Vì vậy, có lẽ Lu-ca đưa phần này vào để giải thích mối liên hệ hời hợt của Si-môn với cộng đồng Cơ Đốc và để chỉ cho các độc giả của ông thấy rằng Si-môn vốn không được Đức Chúa Trời hoặc các sứ đồ chuẩn nhận. Câu nói cuối cùng của Si-môn dường như chỉ mơ hồ nếu ai đó chỉ quan tâm đến các câu chuyện ăn năn quy đạo thời kỳ đầu tiên. Thật ra thì cả câu chuyện của Lu-ca đã có thái độ tiêu cực đối với Si-môn rồi. Cho dù ông ta có thật sự được cứu hay không, nó chẳng có lợi ích nào cho phần ký thuật cả. Việc ông ta đã có một thời gian ngắn ngủi tiếp xúc với Hội Thánh, ít ra với tư cách một người tự xưng là tín hữu, mới là điều đáng quan tâm. Nhưng câu nói của Phi-e-rơ dường như phản ảnh chính nhận xét của Lu-ca về niềm tin của Si-môn – nó là giả!
Chúng tôi thừa nhận rằng việc giải kinh theo loại theo đuổi câu hỏi điều gì và tại sao trong câu chuyện của Lu-ca không nhất thiết sẽ gây thích thú về phương diện bồi linh, nhưng có thể nói rằng đây là bước dò dẫm đầu tiên để có thể lắng nghe sách Công Vụ như Lời Đức Chúa Trời. Không phải mỗi câu trong mỗi câu chuyệnt hay mỗi bài giảng đều nhất thiết phải cố nói cho chúng ta một điều gì đó, nhưng nó góp phần vào những gì Đức Chúa Trời đang tìm cách nói như một tổng thể qua sách Công Vụ. Trong khi nghiên cứu, chúng ta có thể học được từ mỗi câu chuyện những phương cách, những con người khác nhau mà Đức Chúa Trời sử dụng để hoàn tất công việc của Ngài.
Giảng Kinh Sách Công Vụ
Như đã ghi nhận, ở đây chúng tôi chỉ quan tâm về một vấn đề mà thôi. Làm thế nào mỗi câu chuyện trong sách Công Vụ, hoặc bất luận một câu chuyện nào trong Kinh Thánh về vấn đề ấy, lại giữ chức năng như một tiền lệ cho Hội Thánh về sau, hay chúng có chức năng đó hay không? Nghĩa là phải chăng sách Công Vụ là Lời Chúa không những chỉ mô tả Hội Thánh đầu tiên, mà còn được xem như một qui tắc cho Hội Thánh thuộc mọi thời đại? Nếu như thế, thì làm thế nào để ta phát hiện nó hay thiết lập các nguyên tắc để giúp cho người ta nghe được Lời ấy? Tóm lại, đúng ra thì tiền lệ lịch sử có vai trò gì trong giáo lý Cơ Đốc hay trong sự hiểu biết về từng trải Cơ Đốc?
Cần lưu ý rằng hầu như toàn thể Cơ Đốc nhân đọc Kinh Thánh đều có xu hướng xem các tiền lệ như là thẩm quyền mẫu mực trong một mức độ nào đó, nhưng rất ít khi nhất quán. Một mặt, người ta có xu hướng noi theo một số các câu chuyện để thiết lập các khuôn mẫu bó buộc, trong khi lại bỏ qua nhiều câu chuyện khác; mặt khác, nhiều khi họ lại có xu hướng tạo ra một khuôn mẫu bắt buộc trong lúc chính sách Công Vụ lại có nhiều khuôn mẫu phức tạp.
Những gợi ý sau đây không được xem là tuyệt đối, nhưng chúng tôi mong rằng chúng sẽ giúp bạn nắm vững được vấn đề giảng kinh này.
Một Số Nguyên Tắc Tổng Quát
Vấn đề giảng kinh tối quan trọng ở đây là có phải các câu chuyện mô tả những gì đã xảy ra trong Hội Thánh đầu tiên cũng được xem là mẫu mực phác họa những gì phải xảy ra trong Hội Thánh hiện tại hay không? Trong sách Công Vụ, có những trường hợp nào để người ta có thể nói rằng: “Chúng ta phải làm việc này” hay ta chỉ nên nói rằng “chúng ta có thể làm việc này” hay không?
Quan niệm của chúng tôi được nhiều người đồng ý là, “Trừ phi Kinh Thánh dạy rõ ta phải làm gì, thì một điều gì được kể lại hay được mô tả không được xem như một mẫu mực, trừ phi điều đó có thể được chứng minh trên một cơ sở khác rằng tác giả muốn nó có chức năng như thế.”
Nói chung, những phát biểu về giáo lý phát sinh từ Kinh Thánh gồm có ba (hoặc bốn) loại: (1) Thần học Cơ Đốc (điều các Cơ Đốc nhân tin), (2) Đạo đức Cơ Đốc (cách ăn ở cư xử mà các Cơ Đốc nhân phải theo), (3) kinh nghiệm và nếp sống Cơ Đốc (việc Cơ Đốc nhân làm). Trong các loại này, ta còn có thể phân biệt hai cấp bậc của những phát biểu mà chúng tôi gọi là chủ yếu và thứ yếu. Ở cấp chủ yếu là những phát biểu giáo lý nẩy sinh từ các đề xuất hay mệnh lệnh rõ ràng của Kinh Thánh (thí dụ những gì Kinh Thánh hàm ý dạy bảo). Ở cấp bậc thứ yếu là những câu chỉ được rút ra một cách ngẫu nhiên, do hàm ý hoặc theo tiền lệ.
Thí dụ, trong loại thần học Cơ Đốc, những câu như Đức Chúa Trời chỉ có một, Đức Chúa Trời là tình yêu, mọi người đều đã phạm tội, Chúa Cứu Thế đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, sự cứu rỗi là nhờ ân điển, và Chúa Cứu Thế là Đức Chúa Trời, vốn được rút ra từ những khúc sách mà chúng được truyền dạy một cách chủ ý, do đó, thuộc cấp chủ yếu. Thuộc loại thứ yếu là những câu rút ra một cách hợp lý từ các câu chủ yếu hoặc từ hàm ý của Kinh Thánh. Như sự kiện thần tánh của Chúa Cứu Thế là chủ yếu; còn hai bản tính hợp nhất với nhau như thế nào là thứ yếu.
Ta cũng có thể phân biệt tương tự đối với giáo lý về Kinh Thánh. Đó là Lời được linh cảm của Đức Chúa Trời là chủ yếu; tính chính xác của sự mặc khải là thứ yếu. Nói như thế không phải là bảo rằng những câu thứ yếu không quan trọng. Chúng thường có ý nghĩa liên hệ với đức tin của ta đối với các câu chủ yếu. Thật vậy, giá trị thần học tối hậu của chúng có thể liên hệ với việc chúng duy trì được tình trạng thực của các câu chủ yếu như thế nào.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là hầu hết những gì mà các Cơ Đốc nhân rút ra từ Kinh Thánh như một tiền lệ đều thuộc về loại thứ ba của chúng tôi, tức là từng trải hoặc nếp sống Cơ Đốc, và bao giờ cũng thuộc cấp bậc thứ yếu. Thí dụ, việc Tiệc Thánh phải là một thực hành liên tục trong Hội Thánh, là một khẳng định thuộc cấp chủ yếu. Chính Chúa Giê-xu đã ban truyền lệnh đó; các Thư Tín và sách Công Vụ làm chứng cho nó. Nhưng mức độ phải tuân thủ nó thường xuyên như thế nào, một điểm mà các Cơ Đốc nhân có ý kiến khác nhau, vốn có cơ sở là truyền thống và tiền lệ; chắc chắn đây không phải có tính cách bó buộc. Kinh Thánh không trực tiếp bàn đến vấn đề này. Đây cũng là một trường hợp đối với sự cần thiết phép báp-tem (chủ yếu) và cách thực hiện (thứ yếu); thực hành việc “nhóm nhau lại” của các Cơ Đốc nhân (chủ yếu) và tính cách thường xuyên hoặc ngày nào trong tuần (thứ yếu). Một lần nữa, xin nhắc lại rằng nói như thế không có nghĩa là bảo rằng các câu khẳng định thứ yếu là không quan trọng. Thí dụ, chắc chắn chẳng có ai cảm thấy bị thúc ép để chứng minh không biết các Cơ Đốc nhân nên nhóm nhau lại để thờ phượng vào thứ bảy hay Chúa nhật, nhưng dầu trường hợp nào thì người ta sẽ có một quan điểm thần học theo cách thực hành của mình.
Liên hệ mật thiết với phần thảo luận này là khái niệm về ý định. Chúng ta vẫn thường nói: “Kinh Thánh dạy chúng ta rằng…” Bình thường thì người ta nói như thế để ngụ ý rằng một điều gì đó đã được truyền dạy bằng một câu khẳng định minh nhiên. Các vấn đề liên hệ đến điều này sẽ nẩy sinh khi người ta chuyển sang lãnh vực truyện tích trong Kinh Thánh. Phải chăng một điều gì đó đã được truyền dạy chỉ đơn giản là vì nó đã được ghi chép lại – nhất là nếu nó được ghi chép lại trong trường hợp có vẻ như một điều thuận lợi?
Có một phương châm tổng quát về giảng kinh là Lời Đức Chúa Trời được tìm thấy trong chính ý định (intent) của Kinh Thánh. Đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc giảng kinh đối với các câu chuyện lịch sử. Một sử gia đưa vào một sự việc vì nó phục vụ cho một chủ đích lớn hơn của tác phẩm của ông, nhưng nhà giải kinh lại xem sự việc đó như có giá trị dạy dỗ nằm ngoài ý định rộng lớn của sử gia đó.
Tuy ý định bao quát được linh cảm của Lu-ca có thể là một điểm nghi vấn đối với một vài người, giả thuyết của chúng tôi, đặt cơ sở trên phần giải kinh trước đây, đó là ông đang cố tìm cách chứng minh thế nào Hội Thánh xuất hiện như một hiện tượng chủ yếu là người ngoại quốc, có tầm vóc thế giới từ các nguồn gốc có căn cứ tại Giê-ru-sa-lem, do một số tín hữu người Do Thái có xu hướng Do Thái giáo, và thế nào Đức Thánh Linh có trách nhiệm trực tiếp đối với hiện tượng cứu rỗi phổ quát nhờ ân điển mà thôi. Chủ đề cứ được lặp đi lặp lại là chẳng có gì ngăn chặn được phong trào tiến lên của Hội Thánh nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh khiến chúng ta nghĩ rằng Lu-ca cũng có ý muốn cho các độc giả của mình thấy được đây là một kiểu mẫu. Và sự kiện sách Công Vụ được liệt vào Kinh Thánh càng khiến chúng ta suy nghĩ chắc chắn hơn nữa rằng đây chính là cách mà Hội Thánh luôn luôn muốn vươn tới – tức là một Hội Thánh truyền bá phúc âm, vui vẻ, có quyền năng Đức Thánh Linh.
Nhưng còn các chi tiết đặc thù trong các câu chuyện này, mà chỉ khi nào họp chung tất cả lại mới giúp chúng ta thấy được ý hướng rộng lớn hơn nữa của Lu-ca, thì thế nào? Phải chăng các chi tiết ấy cũng có cùng một giá trị dạy dỗ? Phải chăng chúng cũng được dùng để làm các kiểu mẫu có tính cách bắt buộc? Chúng tôi nghĩ là không, vì về cơ bản những chi tiết như thế chỉ có tính cách phụ thuộc (incidental) nhằm dẫn tới chủ điểm của câu chuyện, và vì tính cách hàm hồ(ambiguity) của các chi tiết ấy từ câu chuyện này sang câu chuyện khác.
Như vậy khi khảo xét Cong vu 6:1-7, chúng ta thấy chức năng của câu chuyện này trong kế hoạch toàn diện của Lu-ca là kết luận cho phần ký thuật chính đầu tiên của ông, đồng thời cũng được dùng để giới thiệu những người Hê-lê-nít. Cũng có thể một phần ý định của Lu-ca ở đây là cho thấy giải pháp hòa giải cho sự căng thẳng đầu tiên bên trong cộng đồng Cơ Đốc giáo.
Căn cứ theo phần ký thuật này, có lẽ chúng ta cũng tình cờ học hỏi được nhiều điều khác nữa. Thí dụ ta có thể học được rằng có một phương pháp rất hay để giữ được một nhóm thiểu số trong Hội Thánh là phải để cho nhóm người ấy được quyền tự lãnh đạo, tự chọn lấy các cấp lãnh đạo cho mình. Đó là việc họ đã thực sự làm. Vậy chúng ta có phải làm như thế không? Không nhất thiết, vì Lu-ca đã không bảo chúng ta làm thế, cũng chẳng có lý do gì để tin rằng ông đã có ý như thế khi chép lại câu chuyện này. Nhưng mặt khác, một phương thức như thế quả thật là hay, không nên bài bác.
Luận điểm của chúng tôi là, cho dù có người cố ý góp nhặt điều gì khác từ một câu chuyện như thế, thì những điều góp nhặt được cũng chỉ là sự kiện phụ thuộc dẫn đến ý định của Lu-ca mà thôi. Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng sự kiện đó là sai, cũng không có nghĩa là nó chẳng có giá trị thần học; nó có nghĩa là Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta trong câu chuyện này trước hết là liên hệ với những gì mà nó chủ ý dạy dỗ.
Căn cứ trên phần thảo luận này, các nguyên tắc liên quan đến việc giảng kinh đối với câu chuyện lịch sử được nêu ra như sau:
1. Lời Đức Chúa Trời trong sách Công Vụ có thể được xem là khuôn mẫu cho các Cơ Đốc nhân phải liên quan trước nhất với những gì mà câu chuyện đó chủ ý dạy dỗ.
2. Điều phụ thuộc đối với chủ đích của câu chuyện thật sự có thể phản ảnh sự hiểu biết của tác giả được linh cảm về các sự việc, nhưng nó không có cùng một giá trị dạy dỗ như điều mà câu chuyện ấy chủ ý dạy dỗ. Điều này không triệt tiêu các sự kiện phụ thuộc, cũng không có ý bảo rằng nó không có gì để nói cho chúng ta. Luận điểm ở đây là cái phụ không thể trở thành chính, tuy nó luôn luôn có thể được dùng để thêm hậu thuẫn cho một vấn đề rõ ràng được dạy ở chỗ khác.
3. Để có giá trị như một khuôn mẫu, một tiền lệ lịch sử phải liên quan đến ý định. Nghĩa là, nếu ta có thể chứng minh rằng chủ đích của một câu chuyện nào đó là nhằm xây dựng tiền lệ, thì một tiền lệ như thế phải được xem là khuôn mẫu. Thí dụ nếu ta có thể chứng minh trên cơ sở giải kinh rằng trong 6:1-7, ý định của Lu-ca là thiết lập cho Hội Thánh một tiền lệ về việc chọn các cấp lãnh đạo, thì một tiến trình tuyển chọn như thế phải được các Cơ Đốc nhân sau này noi theo. Nhưng nếu việc thiết lập một tiền lệ không phải là ý định của câu chuyện, thì giá trị của nó như một tiền lệ cho các Cơ Đốc nhân về sau phải được xem xét phù hợp với các nguyên tắc đặc thù mà chúng tôi sẽ nói đến trong phần tiếp theo.
Lẽ dĩ nhiên, vấn đề này cho chúng ta rất ít những gì có tính cách khuôn mẫu trong những lãnh vực rộng lớn cần quan tâm – đó là từng trải Cơ Đốc và thực hành Cơ Đốc. Chẳng có lời dạy bảo rõ ràng nào cho cách thức làm phép báp-tem, tuổi tác của người phải được làm phép báp-tem cho, không một hiện tượng ân tứ đặc thù nào phải được xem là chứng cứ hiển nhiên khi một người nhận lãnh Đức Thánh Linh, hay việc dự Tiệc Thánh thường xuyên. Đó chỉ là một vài thí dụ. Thế nhưng đây lại là các lãnh vực đã gây nhiều chia rẽ giữa các Cơ Đốc nhân với nhau. Trong những trường hợp như thế, người ta luôn luôn lý luận rằng đó chính là cách mà họ đã làm, cho dù họ có rút những cách lãnh đạo đó từ các câu chuyện của sách Lu-ca hay chỉ căn cứ vào những hàm ý rút ra từ những gì đã được viết trong các Thư tín.
Kinh Thánh không truyền lệnh rõ ràng rằng phép báp-tem phải là nhúng cả người trong nước, hay trẻ con phải chịu phép báp-tem, hoặc tất cả những lần ăn năn quy đạo thật đều phải đầy kịch tính như việc ăn năn quy đạo của Phao-lô, cũng không dạy các Cơ Đốc nhân được phép báp-tem trong Thánh Linh phải có chứng cứ hiển nhiên là nói tiếng lạ như một công việc thứ hai của ân điển hay Tiệc Thánh phải được cử hành mỗi Chúa Nhật. Thế thì, chúng ta phải làm sao? chẳng hạn như việc làm báp-tem phải nhúng cả người trong nước? Kinh Thánh có nói gì? Trong trường hợp này, ta có thể lý luận căn cứ vào ý nghĩa của chính từ ngữ ấy, từ một phần mô tả phép báp-tem trong sách Công Vụ là “xuống nước” và “ở dưới nước lên” (Cong vu 8:38-39), và từ cách Phao-lô ví việc chịu báp-tem với việc chết, bị chôn, rồi sống lại (Roma 6:1-3), và việc “phỏng đoán” rằng nhúng cả người trong nước là cách báp-tem của Hội Thánh đầu tiên. Không có chỗ nào truyền lệnh chính xác như thế vì đây là một phỏng đoán.
Mặt khác, người ta có thể nêu ra rằng do chẳng có một hồ nước để làm phép báp-tem trong chi hội địa phương của xứ Sa-ma-ri, cho nên những người chịu phép báp-tem chắc đã gặp nhiều khó khăn để có thể được nhúng cả người trong nước. Đơn giản là vì người ta không được biết cách cung ứng nước để có thể chọn việc nhúng cả người trong nước. Phải chăng họ đã được đổ nước lên người theo như Didache, cuốn cẩm nang của Hội Thánh đầu tiên ( khoảng năm 100 S.C.) gợi ý, khi không có đủ nước lạnh, nước đang chảy hoặc nước ấm, để thực hiện việc nhúng cả người trong nước? Đơn giản là chúng ta không biết. Sách Didache đã trình bày khá rõ ràng rằng dìm mình xuống nước là qui luật, nhưng cũng nói rõ là hành động quan trọng hơn là cách thức. Tuy sách Didache không phải là một tài liệu của Kinh Thánh, nhưng là một tài liệu rất cổ xưa, chính thống của Cơ Đốc giáo và có thể giúp ích cho chúng ta bằng cách chỉ ra Hội Thánh đầu tiên đã có những điều chỉnh thực tế như thế nào trong lãnh vực mà Kinh Thánh không trình bày rõ ràng. Cách thực hành bình thường (thường xuyên, đều đặn) được dùng làm mẫu mực, nhưng chỉ vì bình thường thì không thể trở thành mẫu mực được. Có lẽ chúng ta nên làm theo cách này nhưng đừng lẫn lộn cái thường làm với cái khuôn mẫu, theo nghĩa là tất cả các Cơ Đốc nhân phải làm như thế, bằng không họ là những người bất tuân Lời Đức Chúa Trời.
Vài Nguyên Tắc Cụ Thể
Với các nhận định tổng quát và những nguyên tắc này, chúng tôi xin nêu lên những đề nghị về việc giảng nghĩa các tiền lệ trong Kinh Thánh (the hermeneutics of Biblical precedents):
1. Dùng lối loại suy (analogy) căn cứ trên một tiền lệ trong Kinh Thánh như là có thẩm quyền Kinh Thánh cho các hành động hiện nay, có lẽ không hề có giá trị gì cả. Thí dụ chiếc lốt chiên của Ghê-đê-ôn vẫn thường được dùng đi dùng lại để suy ra một phương pháp tương tự nhằm tìm biết ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời đã gia ân đối với việc Ghê-đê-ôn thiếu lòng tin cậy Ngài, có lẽ Ngài cũng có thể hành động như thế đối với nhiều người khác nữa, nhưng chẳng hề có một thẩm quyền hay một khuyến khích nào trong Thánh Kinh cho những hành động như thế cả.
Cũng vậy, căn cứ trên câu chuyện Chúa Giê-xu nhận lãnh Đức Thánh Linh khi chịu phép báp-tem, hai suy luận loại suy đã được rút ra theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Một số người thấy đây là chứng cứ hiển nhiên cho việc người tín hữu được nhận lãnh Đức Thánh Linh lúc chịu phép báp-tem và do đó suy ra rằng người ta được tái sinh lúc chịu phép báp-tem. Trái lại, nhiều người khác thấy đó là chứng cứ hiển nhiên cho một phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh ngay sau khi được cứu (vì Chúa Giê-xu đã được sinh ra bởi Đức Thánh Linh từ trước rồi). Có lẽ ít có ai thắc mắc về việc chính Lu-ca xem biến cố này như khoảnh khắc Chúa Giê-xu được ban cho quyền năng để thi hành chức vụ công khai của Ngài (đối chiếu Luca 4:1, 14, 18 với Cong vu 10:38). Nhưng người ta nghi ngờ phải chăng câu chuyện cũng đóng vai trò như một suy luận loại suy cả cho các lập trường thần học về sau này, nhất là khi nó được hiểu vượt hẳn một suy luận loại suy để trở thành một hậu thuẫn Kinh Thánh cho giáo lý này hay giáo lý kia. Nếu mọi sự trong đời sống Chúa Giê-xu đều là những gì chúng ta buộc phải theo đúng thì mọi người chúng ta đều có thể trông đợi phải chịu chết bằng cực hình đóng đinh vào thập tự giá, để rồi sẽ được khiến sống lại vào ngày thứ ba.
2. Mặc dầu có lẽ không phải là chủ đích của tác giả, các câu chuyện trong Kinh Thánh đều có giá trị minh họa, và đôi khi để làm mẫu (pattern). Thật vậy, đây chính là lý do để thỉnh thoảng nhiều người trong Tân Ước dùng vài tiền lệ lịch sử của Cựu Ước. Thí dụ Phao-lô đã dùng vài thí dụ trong Cựu Ước để cảnh cáo những kẻ quá tự tin một cách sai lầm vào việc họ đã được Đức Chúa Trời tuyển chọn (ICor 10:1-13), còn Chúa Giê-xu cũng đã dùng thí dụ của Đa-vít như một tiền lệ để biện minh cho các hành động của các môn đệ Ngài trong ngày Sa-bát (Mac 2:33-38 và những chỗ chép lại cùng một câu chuyện ấy).
Nhưng chẳng có ai trong chúng ta lại có được thẩm quyền của Đức Chúa Trời để tái sản xuất loại giải kinh và phân tích loại suy mà các tác giả Tân Ước thỉnh thoảng áp dụng cho Cựu Ước. Cần lưu ý đặc biệt trong các trường hợp khi một tiền lệ biện minh cho một hành động hiện tại, tiền lệ ấy không thiết lập một khuôn mẫu cho một hành động cụ thể.
Người ta không thể cứ ăn bánh trên bàn bánh trần thiết hoặc bứt bông lúa mì vào ngày Sa-bát để chứng minh rằng sở dĩ ngày Sa-bát đã được thiết lập là vì loài người. Trái lại, tiền lệ ấy chỉ minh họa một nguyên tắc có liên quan với ngày Sa-bát mà thôi.
Chúng tôi xin có lời cảnh cáo ở đây. Nếu ta muốn dùng một tiền lệ trong Kinh Thánh để biện minh cho một hành động nào đó hiện nay, ta phải có cơ sở an toàn là nguyên tắc của hành động đó đã được truyền dạy ở một chỗ nào khác, nơi đã có chủ định truyền dạy như thế. Thí dụ muốn dùng việc Chúa Giê-xu dọn sạch đền thờ để biện minh cho cái gọi là thạnh nộ công nghĩa – thường chỉ là cách nói trớ đi cơn giận ích kỷ – thì đó là lạm dụng nguyên tắc này. Mặt khác, ta có thể có cơ sở thích đáng cho kinh nghiệm hiện tại về việc nói các thứ tiếng không những chỉ dựa trên tiền lệ (trong sách Công vụ) mà thôi, nhưng cả trên lời truyền dạy về các ân tứ thuộc linh trong ICor 12:1-14:40 nữa.
3. Trong các vấn đề về từng trải Cơ Đốc và còn nhiều hơn nữa là về nếp sống Cơ Đốc, nhiều khi các tiền lệ trong Kinh Thánh có thể được xem như những “mẫu” (patterns) có thể được lặp lại – cả khi chúng không được hiểu là qui luật (normative). Nhiều cách thực hành cho thấy rõ Hội Thánh về sau này đã lặp lại các “khuôn mẫu” (patterns) trong Kinh Thánh; nhưng không thể lý luận rằng toàn thể các Cơ Đốc nhân ở mọi nơi mọi lúc đều phải lặp lại cùng một khuôn mẫu, nếu không làm như thế là không vâng theo Lời Đức Chúa Trời. Điều này đặc biệt đúng khi chính sự thực hành là điều ràng buộc, nhưng cách thức thực hiện thì không. Cần lưu ý là không phải toàn thể các Cơ Đốc nhân đều hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề như thế này. Một số phong trào và hệ phái vốn được thiết lập một phần trên cái tiền đề rằng rõ ràng là mọi mẫu mực của Tân Ước đều phải được phục hồi càng đầy đủ càng tốt trong thời hiện đại, và qua nhiều năm, đã phát triển một nền giảng kinh đáng kể về tánh chất ràng buộc của phần lớn những điều chỉ được ký thuật trong sách Công Vụ mà thôi. Tương tự như thế, nhiều phong trào và hệ phái khác lại lý luận rằng chính Lu-ca đã muốn như thế, thí dụ như việc nhận lãnh Đức Thánh Linh phải có chứng cứ là ân tứ nói tiếng lạ kèm theo. Nhưng trong cả hai trường hợp này, cuối cùng thì vấn đề không đặt nhiều trên việc nguyên tắc này đúng hay sai, mà là trên cách giải nghĩa sách Công Vụ và ý định toàn diện – cũng như cụ thể – của Lu-ca trong cách kể chuyện của ông).
Việc quyết định một số hành vi hay kiểu mẫu có nên lặp lại hay không cần phải theo các hướng dẫn cân nhắc sau đây. Thứ nhất, trường hợp mạnh mẽ nhất là khi nào chỉ có một kiểu mẫu đã được thiết lập mà thôi (tuy ta phải cẩn thận đừng quá im lặng), và khi nào kiểu mẫu ấy được lặp lại trong Tân Ước. Thứ hai, khi có mơ hồ về kiểu mẫu hay khi một kiểu mẫu chỉ xuất hiện có một lần duy nhất mà thôi, thì nó chỉ có thể được các Cơ Đốc nhân sau này lặp lại khi nào dường như có sự chuẩn nhận thiên thượng hay phù hợp với những gì đã được truyền dạy ở chỗ khác trong Kinh Thánh. Thứ ba, điều gì vốn hình thành từ văn hóa, thì hoặc là không thể lặp lại, hoặc phải được chuyển dịch sang một nền văn hóa mới hoặc khác biệt.
Như thế, căn cứ trên các nguyên tắc này, ta có thể có hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc nhúng cả người trong nước như là cách thức để thực hiện phép báp-tem, hậu thuẫn yếu hơn cho việc giữ Tiệc Thánh mỗi Chúa nhật, nhưng hầu như chẳng có hậu thuẫn nào cho việc làm phép báp-tem cho trẻ con cả (dĩ nhiên, vấn đề này có thể được lý luận căn cứ trên tiền lệ của lịch sử Hội Thánh chứ không dễ căn cứ trên tiền lệ Kinh Thánh, vốn là vấn đề ở đây). Tương tự như thế, chức năng của mục sư như một thầy tế lễ không có cơ sở Kinh Thánh.
Chúng tôi không hề nghĩ là đã giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nghĩ rằng đây là những gợi ý khả dĩ có thể áp dụng, và mong rằng những gợi ý này sẽ giúp bạn suy nghĩ theo phương pháp giải kinh và chính xác hơn về mặt giảng kinh, khi đọc các câu chuyện được ký thuật trong Kinh Thánh.
Tác giả: Gordon D. Fee và Douglas Stuart