Mỗi chúng ta đều bận rộn với nhiều công việc nhưng đến cuối một ngày, cuối một tuần, cuối một tháng, cuối một năm hoặc bất cứ khi nào có thể dừng lại, quý vị có bao giờ tự hỏi, mình bận rộn như vậy thì có được gì không? Có lợi ích gì cho ai không? Những bận rộn của mình đã đem lại được những điều gì? Và những điều đó có tồn tại hay có giá trị lâu dài không?

Một trong những điều mà con người đã hành hạ nhau là bắt người khác làm những công việc cực nhọc, vô bổ, phí thì giờ để rồi cuối cùng chẳng có gì như một số người đã từng kinh nghiệm. “Dã tràng xe cát biển Đông” đã trở thành câu sáo ngữ, tuy nhiên nó cũng là sự thật đối với nhiều đời sống. Tôi bận rộn việc gì? Cho ai? Và cuối cùng sẽ được gì?

Người học trò bận rộn học hành ngày đêm để nắm trong tay mảnh bằng. Người đi làm bận rộn cho xong đồ án hay số hàng để giao cho kịp thời hạn. Người nội trợ ở nhà bận rộn suốt ngày nhưng đến cuối ngày có khi không biết mình đã bận vào những việc gì vì chẳng thấy việc gì xong cả. Chúng ta bận rộn để được việc và có khi cũng bận rộn mà chẳng được việc gì cả. Vấn đề vì vậy không phải là bận hay không bận nhưng là bận vào việc gì.

Đời sống là một cuộc đầu tư và đời sống được tính bằng thời gian vì vậy sử dụng thì giờ như thế nào là điều quan trọng nhất trên đời. Chúng ta có thể sống cả cuộc đời bận rộn nhưng nếu sai mục đích thì đến cuối cuộc đời ta sẽ chẳng có gì, sẽ chẳng để lại được điều gì. Vì vậy đời sống cần được định hướng và định hướng đúng.

Mỗi chúng ta dều được Thiên Chúa ban cho trực giác và suy luận để nhận định và quyết định hướng đi cho đời sống. Nhưng một yếu tố khác có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống chúng ta khiến cho nhận nhận định và quyết định của chúng ta bị lệch lạc và chúng ta đi vào con đường sai lầm lúc nào không hay. Yếu tố đó là yếu tố bên ngoài đến với chúng ta dưới nhiều hình thức mà nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị hướng dẫn sai lạc lúc nào không hay. Những yếu tố bên ngoài đó được mang bằng những tên gọi khác nhau. Có khi chúng ta không biết là có sự hiện diện của những yếu tố đó nhưng thật sự là nó đang ảnh hưởng và chi phối cuộc đời của chúng ta.

Tôi muốn nói đến một số chủ thuyết đang chi phối cuộc đời chúng ta và nhiều khi vô tình chúng ta đang chạy theo hay đang sống theo những chủ nghĩa đó mà không biết. Hai chủ nghĩa lớn đang chi phối con người của chúng ta trong xã hội nay là chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa vật chất là chủ nghĩa đặt giá trị vào vật chất, cho rằng những gì thực tế trước mắt mới có giá trị. Có thể chúng ta không chủ trương như vậy, cũng không tin như vậy nhưng mọi người chung quanh chúng ta, cuộc sống chung quanh chúng ta đều đi theo con đường đó và rồi chúng ta bị lôi cuốn và đó lúc nào không hay. Giá trị của con người dĩ nhiên không nằm nơi của cải vất chất nhưng của cải vật chất đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống khiến chúng ta không chạy thoát khỏi vòng kiềm tỏa của của cải vật chất. Người ta có khuynh hướng định giá con người nơi tiền bạc của cải, nhà cửa, xe cộ, y phục, nữ trang và dần dần quên đi những giá trị khác. Như đã nói, không phải là chúng ta không biết vấn đề giá trị nhưng môi trường và hoàn cảnh sống đã điều kiện hóa chúng ta, khiến cho suy nghĩ và hành động của chúng ta rập theo khuôn của môi trường. Và vì vậy chúng ta đã bận rộn theo dòng đời, bận rộn kiếm tiền, nói rằng để sống con nhưng thật ra là để ganh đua, để không thua sút người khác, để không khác với người chung quanh. Giống như một người lái xe trên xa lộ, đi vào khung đường chạy nhanh nhất thì cứ như thế phải chạy cho nhanh mà thôi. Bận rộn đã trở thành điều mà ta suy nghĩ đó là nhu cầu của đời sống trong khi thật sự ta không phải đi vào con đường phải chạy nhanh và ganh đua đó.

Chủ nghĩa thứ hai chi phối suy nghĩ và quyết định của chúng ta là chủ nghĩa cá nhân. Thật ra gọi đây là chủ-nghĩa-cá-nhân-ích-kỷ-chỉ-biết-có-mình thì đúng hơn. Tiếng Anh gọi là meism. Tôi, tôi và tôi. Dĩ nhiên mỗi người chúng ta phải biết thương chính mình, phải dành mọi tình cảm, phải biết lo cho bản thân. Nhưng từ chỗ lo cho bản thân, chúng ta đã trở thành ích kỷ lúc nào không hay bởi vì chung quanh chúng ta ai cũng đòi hỏi quyền lợi, ai cũng sống cho mình trước. Chúng ta thấy đó là điều tự nhiên và dĩ nhiên là sống theo dòng đời.

Hai chủ nghĩa đó đi song song với nhau: vật chất và cá nhân ích kỷ đã đưa con người vào chỗ bận rộn không dứt để tìm ra tiền và để tiêu tiền. Nếu đời sống con người lẩn quẩn chỉ có vậy thì đời sống đáng buồn thật, nhưng vượt lên trên vật chất và cá nhân còn có tâm linh, còn có tha nhân. Chúa Giê-xu phán: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi mà còn nhờ mọi lời phán ra từ Thiên Chúa. Đời sống vật chất có đó nhưng không phải chỉ có ta mà còn có người chung quanh như lời Chúa phán: “Hãy yêu người lân cận như mình.” Hiểu biết về giá trị tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta, nhưng trần gian và môi trường sống đã khiến cho cái nhìn và nhận định của chúng ta bị lệch lạc. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đỗ lỗi cho hoàn cảnh và người chung quanh. Hoàn cảnh và người chung quanh có phần trong việc khuynh đảo suy tư của chúng ta nhưng chúng ta cần vượt lên trên hoàn cảnh. Chúng ta không thể là nạn nhân của hoàn cảnh nhưng phải đóng vai chủ động nếu không, chúng ta sẽ bị cuốn trôi theo dòng đời đến chỗ hư vong. Điều tôi muốn thưa với quý vị và các bạn trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay là chúng ta hãy dừng lại, phản tỉnh và đặt vấn đề. Đừng để cho dòng đời tiếp tục lôi chúng ta vào chốn hư vong.

Có hai vấn đề chúng ta cần đặt ra, đó là: (1) Giá trị và: (2) Lý tưởng sống. Chúng ta không đặt giá trị vào vật chất nhưng chúng ta đang sống như thế nào? Những bận rộn của chúng ta bao nhiêu phần cho thân xác và bao nhiêu phần cho tâm linh? Nếu thân xác là ba vạn sáu ngàn ngày thì tâm linh là vô hạn? Còn lý tưởng sống thì sao? Tôi sống làm gì? Cho ai? Chỉ cho bản thân nầy mà thôi sao? Để có thể trả lời các câu hỏi nầy cách thỏa đáng, chúng ta cần phải về nguồn, cần trở lại với Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng chúng ta để trả lời câu hỏi quan trọng nhất trên đời: Thiên Chúa đã đặt tôi trên quả đất nầy để làm gì? Tại sao tôi hiện hữu? Câu trả lời của Thiên Chúa là: “Ta đã dựng nên con người vì vinh quang Ta” (Ê-sai 43:7). Chúng ta phải chấp nhận chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong đời sống để thấy rằng mục đích chính của đời người là làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài mãi mãi. Đời sống có giá trị là đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh của con người đã chết khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng trần chịu chết để đem con người trở lại địa vị làm con Thiên Chúa, để phần tâm linh con người được sống lại. Lúc đó con người mới hiểu được giá trị tâm linh và ý nghĩa của đời sống.

Thiên Chúa không đòi hỏi con người điều gì khác hơn là hết lòng, hết ý, hết sức yếu kính Chúa và yêu người lân cận như chính bản thân. Biết như vậy và sống như vậy sẽ giúp chúng ta, dù bận rộn đến đâu, đến cuối một ngày, một tuần, một tháng, một năm, đến cuối đời, ta sẽ không ân hận vì đã sống một đời vô ích và phải đi vào chốn trầm luân đời đời. Mong Bạn dừng chân, suy nghĩ và quyết định. Bạn có thể liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau:

Mục sư Nguyễn Thỉ

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

PO Box 2468
Fullerton, California 92837

(714) 533-2278

 

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/