Đại Lộ Union Pacific
Dầu đã dời đến Downey khi tôi được tám tháng, bố mẹ tôi vẫn tiếp tục dự nhóm ở ngôi nhà thờ nhỏ nằm trên đường Gless. Bố nói rằng chính từ hội thánh mà những người Ạc-mê-ni đã tìm được sức mạnh. Bố đã dạy tôi hai kỷ năng vào cùng một thời gian.

Ngay khi đôi tay tôi đã lớn đủ, ông dạy tôi cách vắt sữa. Và ngay khi tôi đủ cao để đứng trên một cái thùng đựng cam mà với tới đầu con ngựa Jack thì ông đã chỉ cho tôi cách điều khiển nó. Một trong số những kỷ niệm đầu tiên của tôi là việc buộc con Jack vào cỗ xe độc mã và cùng gia đình, bấy giờ tôi đã có thêm hai cô em gái, Ruth và Lucy, lên đường đến nhà thờ.

Chuyến đi vẫn phải mất hết ba tiếng đồng hồ mỗi lần, và buổi nhóm có cả buổi ăn trưa kéo dài đến năm giờ. Tôi vui hưởng từng điều một. Tôi thích nhìn xem những nông gia bắp thịt cuồn cuộn và những tá điền vung tay lên không khi Thánh Linh tuôn đổ trên buổi nhóm, những khuôn mặt hướng lên trời cho đến khi bộ râu đen dài của họ chỉa thẳng ra, song song với mặt bàn. Tôi ưa thích được nghe những giọng nói trầm trầm ấm áp của họ khi hát những bài Thánh ca Ạc-mê-ni cổ xưa.

Ngay cả những bài giảng cũng có sức mê hoặc, bởi vì lúc ấy quá khứ trở nên sống động, trong ngôi nhà thờ nhỏ bé có khung gỗ ở Phố Gless. Người giảng luận sẽ nhắc nhở cho chúng tôi rằng Ạc-mê-ni là quốc gia Cơ đốc cổ nhất thế giới, và cũng là quốc gia chịu đau khổ nhiều nhất vì cớ niềm tin của mình. Những cuộc thảm sát gần đây của người Thổ nhĩ kỳ chỉ là những cuộc tàn sát mới nhất trong hồ sơ ghi chép về những nỗ lực man rợ của những kẻ láng giềng nhằm tiêu diệt đất nước nhỏ bé song bướng bỉnh này, và với việc không ngớt kể lại lịch sử dân tộc của chúng tôi, nó đã trở thành xương thịt của đất nước chúng tôi.

“Chính vào năm 287” vị Mục sư bắt đầu giảng “một vị thánh trẻ tuổi là Gregory tự hỏi liệu ông có dám trở về quê nhà yêu dấu ở Ạc-mê-ni không. Gregory đã bị thất sủng đối với nhà vua và bị đày khỏi xứ sở, nhưng thời gian bị lưu đày ấy ông đã nghe được sứ điệp Cơ đốc cuối cùng, dầu rất nguy hiểm ông vẫn quyết định trở về rao giảng, chia xẻ Tin lành với những người ở quê hương mình.

Chẳng bao lâu, nhà vua hay tin về việc chàng thanh niên trở về, đã bắt giữ anh và tống vào căn hầm tù sâu nhất của tòa lâu đài để cho anh ta chết đói. Nhưng con cái của đức vua vào những dịp không phải ở trước mặt vua đã được nghe lời giảng của Gregory, và đã trở thành những Cơ đốc nhân. Vị Mục sư đã vẽ ra một hình ảnh thật sống động về người phụ nữ trẻ lén lút xuống những bậc thang bằng đá ẩm ướt để đến được hầm tù tăm tối, tanh hôi, giấu trong mình một ổ bánh mì hoặc một bầu sữa dê bên dưới chiếc áo choàng xếp li. Trong suốt mười bốn năm cô đã tiếp tục giữ cho vị Thánh ấy còn sống.

Vào lúc ấy một chứng bệnh ghê gớm bắt lấy nhà vua, một chứng tâm thần quái đản ném nhà vua xuống sàn và gầm gừ như một con vật. Trong những lúc tỉnh táo ông van nài các danh y hãy chữa cho ông được khỏi, nhưng không ai làm được.

“Người đàn ông tên Gregory có thể giúp cha” cô con gái ông đề xuất.
“Gregory đã chết từ nhiều năm rồi” nhà vua giận dữ nói. “Xương hắn ta đã mục rửa dưới chính tòa lâu đài nầy”
“Ông ta vẫn còn sống” cô khẽ nói, và thuật lại mười bốn năm dài canh giữ.

Gregory được mang lên khỏi hầm tối, tóc ông ta trắng xóa như tuyết trên đỉnh Ararát, nhưng tâm trí và tinh thần thì vẫn mạnh mẽ. Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ông quở Quỷ đã hành hạ nhà vua và lập tức, vua được chữa lành. Năm 301, nhà Vua cùng Thánh Gregory khởi sự giành được sự cải đạo cho toàn thể xứ sở Ạc-mê-ni.

Trên con đường dài trở về nhà, tôi hồi tưởng lại câu chuyện một lần nữa, suy nghĩ về con người kiên trì tại ngục tối, bị nhốt kín từ năm này sang năm nọ, vẫn không hề mất đức tin, cứ chờ đợi đến đúng thời điểm của Đức Chúa Trời.

Khi người cuối cùng trong sáu cô con gái của mình đã lấy chồng, bà nội đến ở với chúng tôi trong căn nhà ván nhỏ bé. Tôi còn nhớ rất rõ về bà, một bà cụ nhỏ nhắn với mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng ngời niềm tự hào về người con trai duy nhất của bà. Nỗi buồn duy nhất của bà, như bà vẫn thường nói, là ông Demos đã không còn sống để nhìn thấy dòng họ nhà Shakarian một lần nữa lại dựa trên miếng đất của chính mình. Bà Goolisar qua đời tại đó, trong gian buồng nhỏ. Bà là một người phụ nữ hạnh phúc và toại nguyện.

Thế rồi khi tôi lên mười, công việc ở trại bò sữa phát triển. Ba con bò sữa đã thành ra ba chục, rồi đến một trăm, và rồi lên đến năm trăm con, và mười mẫu đất lúc đầu nay đã tăng lên hai trăm mẫu. Bây giờ, bố tôi mơ làm chủ một trại bò sữa rộng lớn nhất và hoàn hảo nhất vùng California. Nếu sự lao động sẽ dẫn đến niềm mơ ước đó, thì sẵn sàng làm việc, bởi vì bố biết cách làm việc và cũng biết cách điều động những người còn lại trong chúng tôi làm việc nữa.

Bây giờ còn có cả một gian nhà xây cho các công nhân làm việc ngủ lại, đầy những người Mỹ gốc Mêxicô cùng làm việc bên cạnh chúng tôi trong các nhà to, bố và tôi đã học nói tiếng Tây ban nha. Tôi không biết ai ưa thích chuyện của ai hơn: Những câu chuyện của họ về Mêhicô hay là những kỷ niệm của bố về đời sống ở tại Ạc-mê-ni. Họ thường không được nghe đầy đủ về Efim, cậu bé Tiên Tri hoặc về chuyện Magardich Mushegan báo trước việc bố ra đời. Mỗi lần có một người mới vào làm với chúng tôi là bố phải kể tất cả các câu chuyện lại một lần nữa.

Về sau, ông cứ luôn phải thuật lại đám tang của Efim năm 1915, đó là một tang lễ long trọng nhất mà khu chung cư Los Angeles từng được chứng kiến. Ông Efim không dự nhóm với hội thánh ở Phố Gless (là nơi các buổi nhóm đều nói tiếng Ạc-mê-ni) mà ông nhóm với hội thánh nói tiếng Nga ở cách đó vài dãy phố. Trong ngày cử hành tang lễ vĩ đại đó, không những hai hội chúng kể trên cùng nhau hiệp lại, mà cả những người Ạc-mê-ni và người Nga theo Chính Thống giáo cũng đã bỏ qua những ý kiến chống đối trước “sự tiếp tục phát triển của giáo phái Ngũ tuần tự do” và đã tham dự buổi nhóm, vì rất nhiều người trong số họ cũng đã đến đất Mỹ vì cớ lời tiên tri ấy.

“Còn về lời tiên tri thứ hai thì thể nào? Những người Mỹ gốc Mêhicô sẽ hỏi. “Là điều vẫn chưa xảy ra cơ mà?”
“Nó vẫn được giữ an toàn. Con trai Efim còn giữ nó”
“Và nếu mở nó bạn sẽ chết phải không”
“Trừ khi bạn là một tiên tri được Chúa chỉ định”
“Theo bạn nghĩ, ai sẽ là vị tiên tri đó”
Dĩ nhiên là chẳng có ai biết được câu trả lời đó.
Vào khoảng thời gian cậu bé Tiên Tri qua đời, tôi bị một sự thương tật gây cho tôi thật nhiều vấn đề.
Thậm chí tôi đã không hề biết làm thế nào mà tôi đã bị dập mũi. Một cậu bé mười tuổi làm việc ở khắp chỗ trong trại thì hẳn va đầu sứt trán nhiều lần. Dẫu sao, khi tôi bắt đầu nhận ra rằng mình không nghe rõ như những đứa trẻ khác trong lớp năm, thì mẹ tôi liền đưa tôi đến bác sĩ.
Vị bác sĩ bảo “thưa bà Zarouhi, vấn đề thể nào thì tôi có thể cho bà biết, nhưng phải làm cái gì thì không chắc. Cậu Demos đã bị dập mũi và khi lành đã có sự cố. Cả lỗ mũi lẫn các ống tai đầu bị nghẽn. Chúng tôi có thể thử làm phẫu thuật, nhưng thường không thành công lắm”.

Và họ cũng đã không thành công trong trường hợp của tôi, hầu như, cứ mỗi năm, tôi lại phải đến bệnh viện để có một cuộc giải phẫu nữa, và cứ mỗi năm, các ống tai lại càng khép chặt. Ở trường, tôi phải ngồi ngay dãy đầu để nghe hết những gì thầy giáo nói.

Mặc dầu không lúc nào Chúa Jesus không là người bạn thân của tôi, song trong những tháng này, khi chứng điếc của tôi trở nên tồi tệ hơn, thì dường như Ngài lại càng gần gũi tôi hơn bao giờ hết. Tôi không còn được nhập bạn với những cậu bé khác trong các trò chơi sau giờ học nữa (“đừng rủ thằng Demos, nó chẳng nghe gì cả”) vì vậy tôi rất cô độc. Song tôi không quá phiền muộn. Công việc mà tôi ưa thích trong trang trại là cuốc cỏ bắp, bởi vì lúc đó tôi có thể đi xa mãi tận các cánh đồng và trò chuyện lớn tiếng với Chúa. Hai mùa hè năm tôi lên mười hai và mười ba, đối với tôi dường như các rãnh bắp là những lối đi dài đan lờ mờ giống như lối đi trong ngôi giáo đường màu xanh lá cây có những cánh lá có gân lớn làm thành vòm khung ở trên đầu. Ở đó tôi đưa hai tay lên làm như những người đàn ông đã làm tại nhà thờ:

“Xin cho con nghe lại được, lạy Chúa Jesus! Xin đừng nghe vị bác sĩ nói con sẽ không đỡ hơn”
Tôi còn nhớ từng chi tiết ngày Chúa nhật đó năm 1926, khi tôi đã mười ba tuổi. Tôi còn nhớ đã thức dậy và thay quần áo trong phòng mình ở tận lầu hai trong ngôi nhà mới của chúng tôi. Bấy giờ, bố tôi đã có một ngàn con bò sữa, và đã xây một ngôi nhà hai tầng theo kiểu Tây Ban Nha với các bức tường tô xi măng trắng và mái ngói đỏ.

Tôi cảm thấy vui vẻ khi thay đồ đi nhà thờ. Vui vẻ một cách dễ chịu như thể toàn thân tôi đang ở trong một loại giai điệu tâm linh đặc biệt nào đó. Tôi đi xuống cầu thang dài hình cong để hát trong bữa điểm tâm. Bố mẹ và các em tôi đều đã sẵn sàng nơi bàn ăn. Lúc bấy giờ đã có ba cô em gái thêm vào gia đình. Đứa bé nhất, Florence, vẫn còn là một em bé hai tuổi, còn bốn đứa lớn hơn vẫn huyên thuyên sôi nổi về chuyến đi hàng tuần của chúng tôi lên phố. Tôi cố nhập bọn nhưng chẳng bao lâu đã bỏ cuộc. Bạn làm thế nào để nói chuyện với những người nói lí nhí, chẳng nghe được gì cả?

Jack, con ngựa già của chúng tôi, không còn kéo cỗ xe nhà độc mã đi mười lăm dặm đến nhà thờ mỗi sáng Chúa nhật nữa. Năm ngoái khi nó được mười sáu tuổi, bố tôi đã thả nó ra ngoài đồng cỏ để hưởng phần còn lại của đời nó trong chế độ hưu thật xứng đáng. Thay chỗ của nó, bây giờ chúng tôi đã có một chiếc xe du lịch dài màu đen Studebaker, trần bằng vải bạt và có một cái thùng gồm các trục dự phòng nằm bên dưới chỗ ngồi sau dành cho những con đường gồ ghề trong nông trại.
Ngày Chúa nhật hôm đó, ngôi nhà thờ nhỏ rầm rì với sự náo động. Không ai trong phòng nhóm là không biết điều đã xảy ra vào tuần lễ trước, vì bà mẹ của một phụ nữ trong hội chúng đã rời Ạc-mê-ni từ hai tháng trước để đến với con gái của mình tại Hoa kỳ. Kể từ đó không hề có tin tức gì về bà, và người con gái này đang lo lắng phát cuồng. Đang khi hội thánh bắt đầu cầu nguyện cho hoàn cảnh ấy, thì chồng bác Esther, là ông George Stepania, thình lình đứng lên và bước ra ngoài cửa. Ông đứng đó một hồi lâu chăm chú nhìn ra đường phố như thể nhìn thấy tận chân trời xa. Cuối cùng, ông nói “Mẹ cô mạnh khỏe, ba ngày nữa bà sẽ đến Los Angeles”.
Ba ngày sau, bà cụ đến nơi.
Và vì vậy, ngày hôm nay, trạng thái chờ đợi của mọi người đang dâng cao, ai nấy đều tự hỏi không biết hình thức chúc phước kế tiếp của Chúa sẽ là điều gì. Có thể có người sẽ được chữa lành. Có thể có người sẽ nhận được sự hướng dẫn…

Ngay khi tôi đang suy nghĩ về điều đó, một việc lạ lùng đã bắt đầu xảy ra, không với ai khác, mà là tôi. Đang khi ngồi ở dãy ghế ngoài cùng với những cậu bé khác, tôi cảm thấy có cái gì giống như chiếc mền len nặng trĩu đặt lên hai vai tôi. Tôi nhìn quanh hoảng hồn, nhưng không có ai chạm đến tôi cả. Tôi thử cử động hai cánh tay, nhưng không được, y như tôi đang kéo chúng ở trong nước.
Thình lình, hàm răng tôi đánh lộp cộp với nhau như đang run vì lạnh, mặc dầu “chiếc mền” thì có cảm giác ấm. Các bắp thịt ở cổ sau bị thắt chặt. Tôi có một nỗi khao khát bất chợt muốn nói với Chúa Jesus rằng tôi yêu Ngài, nhưng khi tôi mở miệng để nói điều đó thì lại tuôn ra những lời mình không thể hiểu. Tôi biết chúng không phải tiếng Ạc-mê-ni, tiếng Tây Ban Nha, hay tiếng Anh, nhưng chúng xuất phát từ tôi như thể cả đời tôi đã nói thứ tiếng ấy. Tôi quay sang cậu bé ngồi bên và cứ thấy nó nhe răng cười.

“Demos đã nhận được Thánh Linh” nó nói lớn tiếng và mọi người trong nhà thờ đều quay lại. Có ai đó hỏi tôi một câu, và mặc dầu hoàn toàn hiểu, tôi chỉ có thể trả lời bằng những âm thanh lặp bặp, bày tỏ sự vui mừng. Cả hội chúng bắt đầu ca hát và ngợi khen Chúa trong sự vui mừng đang khi tôi thờ phượng Ngài bằng thứ tiếng mới của mình.

Thậm chí vài giờ sau, trên đường đi về nhà, hễ ai nói chuyện với tôi cũng đều được trả lời bằng tiếng lạ. Tôi lên lầu, vào phòng mình đóng cửa lại, những âm tiết vui sướng không thể hiểu được vẫn tuôn tràn ra từ môi miệng tôi. Tôi thay bộ đồ ngủ và tắt đèn. Ngay giây phút đó ý thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời tràn ngập tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dường như sự bao phủ vô hình đã ở trên hai vai tôi cả buổi chiều đã trở thành nặng nề không thể chịu nỗi, mặc dầu không muốn làm vậy, tôi mọp xuống sàn và nằm trên tấm thảm, hoàn toàn bất lực, không thể đứng dậy mà leo lên giường nỗi. Đó không phải là một từng trải gây sợ hãi, song là một kinh nghiệm bổ dưỡng và tươi mới, giống như giây phút đặc biệt ngay trước khi bạn chìm vào một giấc ngủ say.

Khi tôi nằm trong phòng mình như vậy, thời gian bắt đầu mang một giá trị đời đời và trong cõi đời đời đó tôi nghe một tiếng nói. Chính là tiếng nói mà tôi thật sự nhận ra rất rõ, bởi vì tôi đã từng nghe tiếng phán ấy trong ngôi giáo đường xanh lá cây của tôi ở ngoài cánh đồng ngô.

Demos, con ngồi lên được chăng?

Tôi cố thử, song vô hiệu. Có một sức mạnh nào đó, mạnh mẽ khác thường, song êm dịu vô cùng giữ tôi lại ở đó. Tôi biết mình là một cậu bé khỏe mạnh như Aram Mushegan, rất dai sức đúng với một cậu bé mười ba tuổi. Thế mà các bắp thịt của tôi không còn sức lực, tệ hơn cả một con bê con mới đẻ.

Tiếng phán ấy lập lại một lần nữa. Demos, con có bao giờ nghi ngờ quyền năng của ta chăng?
“Lạy Chúa, không ạ”

Câu hỏi ấy được lập lại ba lần. Cả ba lần tôi đều trả lời. Thế rồi lập tức tất cả sức mạnh đang ở chung quanh tôi dường như cũng vào cả bên trong thân thể tôi nữa. Tôi cảm thấy một năng lực siêu nhiên trào dâng. Làm như tôi có thể bay bỗng ra khỏi nhà và lướt trên bầu trời bằng quyền năng của Đức Chúa Trời. Tôi cảm thấy như thể mình có thể nhìn xuống trái đất từ cái nhìn của Đức Chúa Trời, nhìn thấy mọi nhu cầu của con người theo lợi thế từ sự cung ứng của Ngài. Và suốt thời gian đó Ngài thì thầm với lòng tôi: Demos, quyền năng là quyền thừa kế tự nhiên của mỗi một Cơ đốc nhân. Demos, con hãy nhận lấy quyền năng.

Và thình lình trời rạng đông. Tôi có thể nghe được tiếng chim nhại ở ngoài cửa sổ.
Tôi ngồi dậy và bắt đầu nghe được. Tôi nghe được gì thế? Đã nhiều năm tôi không nghe tiếng chim hót.
Tôi nhảy lên, cảm thấy hoàn toàn và sống động một cách kỳ diệu, và mặc quần áo một cách khó khăn. Đã hơn năm giờ sáng, bố và tôi đều phải có mặt ở nơi vắt sữa đúng 5g30. Khi tôi mở cửa phòng vào buổi sáng lạ thường ấy, tôi đã nghe tiếng trứng chiên kêu xèo xèo ở trong bếp.

Tiếng lách cách của bát đĩa, tiếng chim hót, và tiếng lép kép của từng bước chân khi tôi phóng xuống thang lầu lát gạch đỏ, đúng là những âm thanh nhỏ nhặt mà tôi không nhận biết là mình đang thiếu mất. Tôi lao vào bếp “bố, mẹ! Con nghe được rồi”.

Sự chữa lành không bao giờ hoàn toàn. Khi mẹ và tôi trở lại với vị bác sĩ, ông khám phá rằng 90 phần trăm đã nghe được bình thường. Vì sao 10 phần trăm còn suy kém tôi không biết, và tôi cũng chẳng quan tâm đến. Tôi còn nhớ, sau đó cũng vào buổi sáng thứ hai đó, khi công việc vắt sữa đã xong, đi một mình đến nơi giáo đường màu xanh lá cây. Những cây bắp đã cao, chuẩn bị thu hoạch. Tôi ngồi xuống giữa hai luống bắp, bẻ một trái, và nhâm nhi những hạt bắp nhỏ vọt chất sữa ra. “Lạy Chúa” tôi nói “con biết khi Ngài chữa lành cho người ta là bởi vì Ngài muốn giao công việc cho họ thực hiện.”

“Chúa ơi, Ngài có tỏ cho con công việc mà Ngài dành cho con chăng?”

Thoạt đầu, cũng như những cậu bé khác trong lớp mới trở thành những ngôi sao bóng rỗ, còn tôi, tôi mơ trở thành một nhà tiên tri. Lúc xảy ra biến cố ấy tôi chỉ lớn hơn cậu bé Tiên Tri một chút khi cậu có khải tượng.

Nhưng năm tháng trôi qua, tôi không nhận được ân tứ kỳ diệu nầy. Lời tiên tri sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con, nhưng con sẽ không trở thành nhà tiên tri. Dường như Chúa đang phán lời ấy.

Thế rồi một ngày kia tôi có được một kinh nghiệm khiến tôi tự hỏi không biết có phải mình trở thành một người chữa bệnh hay không. Đứa em gái út của tôi là Florence được sáu tuổi khi em ngã trúng ống trụ ở ngoài kho và bị vỡ xương khuỷu tay phải. Ngay khi các nhà giải phẩu và vị chuyên gia về xương đã hoàn tất công việc của họ, và đều tin rằng Florence vẫn sử dụng được tay của mình. Nhưng khuỷu tay sẽ không bao giờ gập lại được và cứ cứng nhắc. “Khi nào tháo băng bột, chúng tôi có thể bắt đầu điều trị. Với sự kiên trì, cô bé có thể phục hồi hai mươi phần trăm hoạt động của khớp xương nhưng đó là khả năng cao nhất mà chúng tôi có thể trông mong”
Một ngày Chúa nhật không lâu sau lời tường trình đó, tôi có lại cảm giác của một chiếc mền ấm áp và nặng, đè lên hai vai mình. Tôi không cần thắc mắc đấy là ai, cũng không phải hỏi mình phải làm gì: Tôi phải băng ngang phòng nhóm để cầu nguyện chữa lành cho cánh tay của Florence.

Vì vậy, trong lúc mọi người đang hát Thánh ca thì tôi yên lặng đứng lên, rời khỏi băng ghế mình và bước qua khu vực dành cho phụ nữ. Tôi cúi mình xuống và nói với Florence, lúc này đang ngồi ở băng ghế sau cùng, cánh tay phải của em được bó trong khuôn bột khổng lồ. Độ ấm của chiếc mền lan truyền xuống hai cánh tay tôi và dẫn đến hai bàn tay.

“Florence” tôi khẽ nói “anh sẽ cầu nguyện cho khuỷu tay của em”.

Đôi mắt to đen của em ngước nhìn tôi một cách trang trọng. Tôi đặt hai tay mình lên khuôn bột. Thật sự, tôi thật khó mà cầu nguyện được gì, mà chỉ đứng yên ở đó để cảm nhận một luồng lửa nóng chạy xuống hai cánh tay, hai bàn tay dẫn đến chỗ bó bột bọc quanh khuỷu tay của Florence.

“Em thấy rồi” Florence thì thào “em thấy nóng” chỉ có thế thôi.

Đó là tất cả. Trong giây lát cảm nhận về sự bao phủ ở trên tôi và tôi trở về chỗ mình. Tôi ngờ rằng có đến sáu, bảy người đã để ý chúng tôi.

Vài tuần sau em tôi đi tháo bột băng. Chiều hôm đó, tại bàn ăn, mẹ kể lại cho chúng tôi thế nào vị chuyên gia đã đặt một tay vào chỗ làn da trắng ở khuỷu tay Florence, tay kia ông giữ cổ tay em và thận trọng thử duỗi thẳng cánh tay bị thương từng phân một. Khi cánh tay đã đưa hoàn toàn về vị trí cũ, rồi đưa tới, đoạn quay được một vòng rộng quanh khuỷu tay, thì nét mặt ông đột nhiên nở một nụ cười hoài nghi. “Tốt rồi…!” ông cứ bảo vậy “ôi! Tốt hơn điều tôi mong đợi. Tốt hơn nhiều! Ôi tại sao mà nó…nó lại giống như cánh tay chưa hề bị gãy thế này?”

Vì thế, mùa hè năm ấy ở tại cánh đồng ngô, tôi thấy mình đang hỏi Chúa rằng có phải chữa lành là công việc của Ngài dành cho tôi chăng. Dường như một lần nữa tôi lại nhận được câu trả lời: Tất nhiên. Ta muốn hết thảy hội thánh Ta đều làm công việc đó. Con sẽ thấy nhiều sự chữa lành kỳ diệu, một số bởi chính tay con. Nhưng Demos, đó cũng không phải là công việc đặc biệt ta dành cho con.
Tôi đã mười bảy tuổi mà mới học lớp mười Trung học, đáng lẽ tôi đã lên lớp mười hai của trường Trung học, nhưng tôi đã mất hai năm vì chứng điếc, khi ấy bố tôi đã mua một nông trại thứ hai. Bấy giờ chúng tôi đã có chỗ để xây cất những tháp cao chứa thức ăn cho gia súc, và đủ vốn để lắp đặt các hệ thống máy vắt sữa tự động. Bố tôi cũng đang bắt đầu những công việc khác. Một vấn đề gây đau đầu cho chúng tôi và những nông gia lân cận trong trại bò sữa đó là chúng tôi phải luôn luôn đưa sữa từ nông trại đến nhà máy đóng chai. Vì vậy bố tôi bắt đầu một công việc vận chuyển sữa. Sau đó, bố để ý thấy giá thịt heo chà bông ở Los Angeles rất cao, nên ông cũng bắt đầu nuôi lợn thịt để đóng hộp.

“Đức Giêhôva sẽ khiến phước lành ở cùng ngươi trong các công việc ngươi”. Dường như đúng là mọi điều Ysác đứa con trai của lời hứa, đụng vào, đều được định rằng sẽ thịnh vượng.

Sự thành công của ông hoàn toàn đáng chú ý hơn bởi vì lúc này là những năm suy thoái trầm trọng của đầu thập kỷ ba mươi. Bấy giờ bố đã cho tôi quản lý một bầy súc vật nhỏ, và tôi còn nhớ vị giáo sư giúp tôi lập sổ sách kế toán đã báo cho tôi biết với một vẻ tiếc rẻ rằng với ba mươi con bò cái, tôi có thể kiếm nhiều hơn tất cả các giáo sư ở tại Trường Trung Học Downey.

Gia đình tôi lúc bấy giờ đã thu hút sự chú ý của các nhà chính trị, những nhà doanh thương và các vị lãnh đạo cộng đồng, mẹ tôi, từ một thiếu nữ e thẹn nhập cư từ Ạc-mê-ni, nay trở thành bà chủ, tiếp đón và chiêu đãi các buổi dạ tiệc hàng tuần cho những nhân vật có quyền thế hoặc lỗi lạc. Bà thật sự là một người nấu ăn tuyệt vời và chẳng bao lâu những món ăn của bà như món dolmas, kuftas và katahs đều đã nổi tiếng khắp miền Nam California.

Nhưng điều chủ yếu mà tôi còn nhớ được về việc nấu nướng của mẹ tôi đó là dẫu người khách là ai bà vẫn quan tâm đến họ như nhau. Những kẻ lang thang thất nghiệp là những vị khách ghé thăm thường xuyên trong những ngày ấy; và họ cũng được đối xử như vị thị trưởng Downey: Chén bát sứ đẹp nhất, các đĩa muỗng nĩa bằng bạc, khăn phủ bàn. Nếu bữa ăn nóng chưa sẵn sàng, thì bà sẽ chuẩn bị cho họ một bữa với thịt, rau cải và bánh nướng làm tại nhà và lúc nào cũng giục giã họ bằng thứ tiếng Anh còn hạn chế của mình “ngồi, ăn đi đừng có vội vàng!”

Trong lúc ấy tôi thấy mình ngày càng thường xuyên bị kéo đến một địa chỉ khác. Hễ khi nào công việc trang trại khiến tôi phải đến phía Đông Los Angeles, thì tôi lại tìm một cái cớ để đi vớ vẩn qua ngôi nhà màu kem, có những dây leo mọc dài ở số 4311 Đại lộ Union Pacific của dòng họ Sirakan Gabriehian, với hy vọng rằng cô con gái của họ bất ngờ xuất hiện ở trong sân. Không phải để được nói chuyện cùng nàng dầu cho nàng có đồng ý (bởi vì những cuộc trò chuyện nam nữ, trừ khi hai người đã hứa hôn, vẫn không nghe nói đến trong cộng đồng của những người Ạc-mê-ni). Song chỉ để biết rằng cô ta đang ở gần và điều đó tràn ngập lòng tôi một niềm hạnh phúc khó tả.

Và luôn luôn có những ngày Chúa nhật để mà trông ngóng. Chúa nhật là ngày Rose Gabrielian sẽ ngồi với những cô gái khác bên dãy ghế dành cho phụ nữ trong nhà thờ, nàng là cô bé xinh đẹp nhất phòng, là người mà tất cả các chàng trai đều kín đáo dõi mắt theo.
Tên thánh của cha cô là Sirakan, có nghĩa là người yêu, theo tiếng Ạc-mê-ni, tôi thích gọi tên đó. Giống như bố tôi, Sirakan đã bắt đầu từ chỗ không có gì cả. Cuối cùng ông đã thâu góp được một trăm mỹ kim, và cũng như bố tôi, đã mua một con ngựa và một thùng xe. Tuy nhiên, thay vì chuyên chở trái cây và rau cải bằng phương tiện của mình, ông Sirakan bước vào công việc thu gom phế phẩm. Đó là một dịch vụ rất cần thiết ở tại Los Angeles ngay sau khi chuyển sang thế kỷ mới, và chẳng bao lâu sau ông đã mua được một con ngựa và một cỗ xe thứ hai, rồi đến thứ ba.

Sirakan và gia đình ông đều là những người Ạc-mê-ni theo Chánh Thống Giáo. Ông sống gần nhà thờ ở phố Gless. Tuy nhiên, khi nghe được những âm thanh vui vẻ vang vọng ra từ những khung cửa sổ để ngỏ tuần này sang tuần khác ông quyết định tìm hiểu sự thật. Sau một thời gian dài, ông đã gia nhập hội thánh chúng tôi và vì cớ ấy mà suýt mất mạng. Đối với nhiều người Ạmêni theo Chánh Thống Giáo, những người theo giáo phía Ngũ Tuần được xem như là những người phản bội niềm tin cũ. Tìm thấy một người trong hội mình gia nhập vào nhóm người đáng ghét này thì cũng giống như thấy người đã chết.

Vì vậy họ quyết định chôn ông ta.

Một ngày kia khi Sirakan dừng xe ở bãi rác của Thành phố với đống phế thải ngập xe, thì một nhóm những người theo Chánh Thống Giáo đã đợi ông ở đấy. Họ trói tay chân của ông lại và khiêng ông đến một cái hố mà họ đã đào sẵn chỗ bãi cát. Họ ném ông xuống đó và thật sự đã lấp mấy tấc đất lên trên, rồi vào lúc đó có một chiếc xe do những người Ngũ tuần đánh ngựa chạy đến, và giữa cuộc xô xát tiếp theo đó Sirakan chui ra một cách rất vất vả.

Tôi ưa nghe ông kể câu chuyện ấy. Tôi cũng thích nghe ông kể về chuyện ông lấy vợ nữa. Khi Sirakan hai mươi mốt tuổi, cha ông quyết định quay về Ạc-mê-ni để tìm một người vợ, mẹ Sirakan đã mất từ nhiều năm trước. Công việc chở phế phẩm của Sirakan lúc bấy giờ cũng đang phát đạt, vì vậy ông xin cha mình cũng hãy dẫn về cho ông một cô dâu nữa.

Cha Sirakan đã thành công trong cả hai cuộc tìm kiếm. Về phần con trai mình, ông đã chọn được một cô gái xinh xắn mười ba tuổi tên là Tiroon Marderosian. để thuận tiện cho việc nhập cư vào Hoa Kỳ, cô được kết hôn theo sự ủy nhiệm ở tại Acmêni, sau đó lên đường trong cuộc hành trình dài để về sống với người chồng mà cô chưa hề biết mặt. Về sau họ mới biết rằng mình là những người may mắn thoát chết. Chỉ một vài tuần lễ sau đó, người Thổ nhỉ kỳ tấn công vùng đất ấy và hai cô dâu là những người cuối cùng rời khỏi làng mà còn sống.

Việc chào đón Tiroon đến Los Angeles hẳn phải là một chuyện lạ đời nhất mà người vợ quá trẻ như cô từng được kinh nghiệm. Sirakan đã không nghĩ rằng cha mình và hai người phụ nữ kia sẽ đến cho tới ngày hôm đó, ông trở về, từ bãi rác Thành phố, bắt gặp một cô bé với cái nhìn khiếp sợ đang đứng ở phòng khách. Anh giật mình nhận ra rằng cô ta hẳn phải là vợ mình, mà anh thì đang đứng đấy từ đầu đến chân phủ đầy bụi bặm.

“Hãy đứng đấy” anh ta hét lên với cô. “Đứng yên đấy” như thể là cô gái đáng thương ấy đang sắp chạy đi đâu đấy. Anh ta chạy ù ra sau nhà và nửa giờ sau, tắm rửa sạch sẽ, đầu chải gọn gàng và cảm thấy như cô ấy có cái gì đó rất gần gũi với cuộc đời mình, Sirakan, “người yêu Gabrielian bắt đầu nói lời chào mừng chính thức với người thiếu nữ rất trẻ mà gương mặt lúc bấy giờ đã dịu đi vẻ căng thẳng.

Họ chính là bố mẹ của Rose, là những người rồi đến một ngày kia sẽ chọn một người chồng cho cô. Song tôi không bao giờ được tiếp xúc trực tiếp với họ để cầu hôn con gái họ. Trong hoàn cảnh của tôi cũng như trong hoàn cảnh của cô ấy, chính gia đình là người phải đứng ra lo liệu.

Tôi run làm sao trong buổi tối mà tôi phải mở miệng trình bày vấn đề của mình. Vào một buổi chiều tháng sáu năm 1932, cả gia đình ngồi quanh bàn ăn ở phòng khách, những cánh cửa hình vòng cung đều mở để đón gió. “Thưa bố, con biết bây giờ con đã mười chín tuổi” tôi nói.

Bố tôi chùi hàm râu mép và cắt một miếng thịt bò khác.
“Và” tôi vội tiếp “con sắp tốt nghiệp Trung học. Và con cũng đang giúp cho các trang trại được sinh lợi thưa bố, bố cũng mười chín tuổi khi bố cưới vợ ạ”

Cả năm cô em gái tôi đều dừng ăn. Mẹ tôi đặt nĩa xuống bàn. Có phải là một cô gái đặc biệt không? Mẹ hỏi. Vâng ạ. Cô ấy là người Ạc-mê-ni? Vâng ạ. Thế cô ấy có phải là Cơ đốc nhân không? Ô, thưa mẹ vâng.

“Đó là” tôi mở miệng “Cô..cô ấy chính là Rose Gabrielian
“À a a… “ Mẹ tôi
“Thế…” Bố tôi
“Ố ô ồ… Tất cả các cô em gái tôi kêu lên một lượt và thế là bắt đầu chuẩn bị cho một tiến trình cầu hôn với những chi tiết xưa cổ hàng thế kỷ thật cầu kỳ. Trước hết, mặc dầu các gia đình thường xuyên gặp nhau hàng tuần ở tại nhà thờ và đều là những bạn bè thân quen, vẫn phải sắp xếp một buổi “gặp gỡ” chính thức.

Vấn đề tế nhị này luôn luôn được giao cho một người môi giới mà gia đình đã lựa chọn một cách cẩn thận. Sau khi đã bàn bạc kĩ lưỡng với nhau, (dĩ nhiên là tôi không được tham gia). Bố và mẹ đều đồng ý rằng nhân vật thích hợp nhất dành cho các công tác hết sức tế nhị này là bác Raphael Janoian, chồng của cô Siroon, chị bố tôi. Tôi nhủ thầm, một điềm tốt, bởi vì trong sáu vị đã kết hôn với sáu người cô của tôi, bác Janoian là người tôi ưa thích nhất. Bác có một bãi phế liệu lớn, là nơi khi tôi mười bốn tuổi, được bác cho lục lọi tìm kiếm các bộ phận xe hơi cũ để lắp ráp chiếc xe máy đầu tiên của tôi. Chính bãi phế liệu ấy đã khiến bác có mối liên hệ hàng ngày với công ty vận tải phế liệu của nhà họ Gabrielian.

Tôi còn nhớ thế nào mình đã chạy ra đón mừng khi chiếc xe của bác quẹo vào sân nhà, sau khi bác đã công khai chính thức đến thăm gia đình nhà Sirakan Gabrielian. Nhưng bác Janoian không tiết lộ công việc được ủy thác một cách khinh suất như vậy. Bác tiến vào phòng khách với một cung cách hết sức trang trọng, nhận lấy tách trà đậm, ngọt và thong thả khuấy một cách chậm rãi.

“Thế nào, anh Raphael” bố tôi giục.
“Thế này, Ysác à”. Bác Janoian báo cáo ngày hẹn đã được đồng ý. Nhà họ Gabrielian sẽ rất vui sướng để nhận chuyến viếng thăm từ phía bên nhà họ Shakarian vào ngày hai mươi tháng tới.

Cuộc viếng thăm đã được đồng ý! Như vậy, ít nhất họ cũng đã không từ chối lời thỉnh cầu của tôi, và tất nhiên điều đó hẳn phải hàm ý rằng Rose dầu sao cũng vui lòng để mà ngắm nghía tôi. Đầu óc tôi tràn ngập những suy nghĩ mông lung.

Cuối cùng thì ngày 20 tháng 7 cũng đã đến. Tôi hoàn tất các công việc của mình trong trang trại một cách kỷ lục và bắt đầu sửa soạn. Tôi tắm rửa, rồi lại tắm trở lại một lần nữa. Tôi đánh răng cho đến khi mất hết cả men răng, tôi dùng cả nước súc miệng Listerine lẫn Lavoris. Tôi kỳ cọ những móng tay đầy cáu bẩn vì công việc nông trại cho đến khi bàn chải muốn rụng hết các sợi cước.

Tôi nghe tiếng xe bố đang lui ra khỏi gara. Phóng lên lầu một lần chót nữa để chùi một vết bẩn khỏi đôi giày và thấm nhẹ chất cầm máu vào chỗ chảy máu mà tự tôi đã cứa phải khi cạo râu lần thứ ba.

“Demos!” Bố tôi gầm lên từ lối đi dưới sân “con đang làm cái gì nữa đấy, bộ muốn đẹp hơn cả cô Rose nữa à?”

Bị nêm chặt giữa các cô em gái trong dãy sau, tôi thấy như mười bảy dặm giữa Downey và Los Angeles chưa bao giờ lại dài đến thế. Cuối cùng chúng tôi đã dừng lại ở số 4311 đường Union Pacific. Đoàn chúng tôi tiến vào lối đi trãi sỏi, băng ngang những luống cỏ được chăm sóc sạch sẽ trồng các loại rau húng quế, rau mùi tây và những loại rau thơm dược thảo. Cánh cửa trước mở tung và tất cả đều đã đứng ở đấy: Ông Sirakan và bà Tiroon, người anh lớn của Rose, Edward, các cậu, các bà dì, bà cô và các anh em họ hàng không thể đếm hết, và sau cùng là Rose, trong chiếc áo mùa hè mang màu tên nàng, màu hồng.

Tôi không dán mắt vào nàng lâu được, vì ngay lập tức, cuộc tụ họp bị tách ra hai nhóm riêng biệt, theo kiểu của người Ạc-mê-ni, các ông một bên căn phòng lớn, và các bà ở phía bên kia. Thỉnh thoảng tôi liếc qua chỗ Rose đang ngồi với các cô em tôi và tự hỏi không biết các cô ấy đang bàn tán những gì. Rose cùng tuổi với Lucy em tôi, tôi nghĩ có bao giờ mình được trò chuyện với Rose một cách tự nhiên và dễ dàng nhu Lucy không nhỉ.

Tôi cũng chẳng được tham gia vào cuộc nói chuyện quan trọng đang tiếp tục ở giữa hai chiếc ghế đặc biệt đã được kéo lại gần nhau của bố tôi và ông Sirakan Gabrielian. Không biết đều gì đã được thông qua giữa họ, nhưng trông cả hai đều có vẻ hài lòng, lúc tiễn cha tôi ra cửa, ông Gabrielian bảo “tôi sẽ chuyển lại những điều ông nói cho Rose”.

Và hai ngày sau, bác Janoian đã chuyển lại câu trả lời thật quan trọng.
Rose đã bằng lòng lấy tôi.

Giờ đến năm đêm truyền thống tổ chức ăn mừng ở tại nhà gái vì câu trả lời đồng ý. Đó là những buổi tối tràn ngập niềm vui với việc ca hát, ăn uống, đọc diễn văn, những lời chúc mừng nhau, bởi vì giữa vòng người Ạc-mê-ni, đó không chỉ là việc hai người lấy nhau mà là hai gia đình kết hôn với nhau.
Có một buổi tối, Rose biểu diễn Pianô cho chúng tôi nghe, trong lòng tôi trào lên một niềm kiêu hãnh khi chú ý các ngón tay mềm mại của nàng lướt trên phím đàn. Tôi cũng từng học các bài Vi-ô-lông, nhưng đã kết thúc việc học do sự đồng ý chung của giáo sư, của chính tôi, và của mọi người đã từng được nghe tôi kéo. Florence được hưởng cả chiếc đàn Vi-ô-lông lẫn các bài tập đàn, và cô cũng chơi đàn trong những buổi hội họp của các gia đình, lên tám tuổi, cánh tay phải mềm dẻo uốn cong thật đáng yêu quanh cần đàn bóng loáng.

Một tối nọ, đến mục trao vật làm “tin”, tặng vật theo phong tục của chàng trai dành cho cô gái, tượng trưng cho mối quan hệ mới. Trong trường hợp nầy, đấy là một chiếc đồng hồ đeo tay hột xoàn. Món quà đã được bố mẹ tôi chọn đi chọn lại, còn đối với tôi, việc phải băng ngang qua gian phòng để đi đến chỗ các bà các cô đang ngồi và đeo chiếc đồng hồ vào tay Rose thật là một việc “chết người”. Trong sự im lặng đột ngột, với mọi cặp mắt đều đổ dồn vào tôi, các ngón tay tôi tự nhiên cứng đờ như gỗ. Trước nhất tôi không thể nào làm cho chiếc móc tí hon bung ra được, kế đến tôi không làm sao gài lại được. Tôi nghĩ đến các chiếc máy kéo nặng nề ở nhà kho mà tôi thường tháo rời các bộ phận máy móc và gắn lại không mất đến lần thứ hai. Cuối cùng Rose khẽ đưa bàn tay phải lên và khéo léo gài lại hộ tôi.

Và hẳn nhiên cũng có những quyết định do các bậc lớn tuổi đưa ra, như là đám cưới sẽ được tổ chức tại đâu, khi nào. Mọi người đều đồng ý rằng nhà thờ tại Phố Gless quá nhỏ để chứa đủ hàng trăm người sẽ được mời, hơn nữa, các bạn hữu thuộc hội Chánh thống và gia đình họ thà chết còn hơn đặt chân đến đấy. Không được, đám cưới sẽ được tổ chức ở tại nhà của chú rể, theo kiểu xưa như ở quê nhà, và bữa tiệc khoản đãi tiếp theo (đương nhiên là tiết mục chính của bất cứ sự kiện quan trọng nào của người Ạc-mê-ni) sẽ được tổ chức ở trong sân quần vợt đôi rộng lớn sau nhà.

Để định ngày, gia đình Gabrielian nhất định phải đợi ít nhất là một năm nữa. Họ giải thích, thời buổi đã đổi thay, từ khi mẹ tôi lập gia đình năm mười lăm tuổi, mẹ Rose thì lúc mười ba tuổi. Thời nay, một người phụ nữ cần được trưởng thành để xây dựng một gia đình. Chúng tôi phải đợi cho đến khi Rose được mười sáu tuổi.

Và trong suốt thời gian đó khi các công việc của chúng tôi được gia đình bàn bạc, những quyết định dành cho tương lai của chúng tôi được lập ra, thì Rose và tôi vẫn chưa được nói lời đầu tiên với nhau.
Theo truyền thống, thì chỉ sau buổi tiệc đính hôn chính thức, trong đó những người bà con xa và bạn bè sẽ được mời đến, chúng tôi mới được nói với nhau những lời đầu tiên, còn đây chỉ là những buổi gặp nhau của gia đình để trao đổi những việc mở đầu.

Nhưng đến đêm thứ tư của buổi lễ thì tôi không chịu nỗi nữa. Mặc cho truyền thống, tôi đứng bật dậy
“Thưa bà Gabrielian” Tôi nói trước đám đông người ngồi ở đấy “con được phép nói đôi lời với Rose không ạ?”

Bà Tiroon Gabrielian nhìn chăm tôi trong khoảnh khắc đáng sợ. Đoạn với một cái lắc đầu hàm ý rằng lời yêu cầu của thế hệ trẻ đã đến, bà đưa Rose và tôi vào một căn phòng, và đi ra, để chúng tôi ở lại một mình.

Đó là lần đầu tiên trong đời chúng tôi. Mọi lời văn hoa mà tôi đã nhẩm đi nhẩm lại nay bỗng biến đâu mất hết. Tôi đã định bao nhiêu lời đẹp nhất về những suy nghĩ để diễn tả bằng ngôn ngữ Ạc-mê-ni rất điêu luyện của mình, bởi vì ông Sirakan Gabrielian đã hoảng sợ vì sự điên cuồng của Hollywood mới đây của Thành phố, sẽ không cho phép nói tiếng Anh ở trong nhà của ông. Tôi định nói với nàng rằng nàng là cô thiếu nữ đẹp nhất thế gian nầy, và rằng tôi sẽ dành cả cuộc đời của mình để cố gắng làm cho nàng được hạnh phúc. Nhưng tôi không thể nhớ được một lời nào cả, tôi ngồi đó, cổ họng bị tắt nghẽn, ngây ra. Cuối cùng thật dễ sợ , tôi cũng thốt ra được một lời.

“Rose nầy, anh biết Chúa muốn kết hợp chúng ta”
Tôi thật sự sửng sốt, nhìn thấy đôi mắt nâu ấm áp của nàng long lanh nước mắt. “Demos” nàng thì thầm khẽ nói “suốt đời, em đã cầu nguyện rằng người mà em lấy làm chồng sẽ nói những lời đó với em trước nhất.

Ba tuần sau đó là buổi lễ đính hôn chính thức, lúc đó cô dâu sẽ nhận chiếc nhẫn. Chúng tôi cùng đến một cửa hiệu kim hoàn để chọn một chiếc nhẫn đính kim cương, cùng đi với chúng tôi, dĩ nhiên có cả một lực lượng hùng hậu của gia đình. Bà bán hàng, tôi hãy còn nhớ, là bà Earhart; chúng tôi đã nói về con gái bà ta, cô Amelia, người vừa vượt Đại Tây Dương, chỉ một mình mình. Tôi chỉ Rose xem một chiếc nhẫn kim cương nhỏ nhắn xinh xắn đặt trên một trong những chiếc khay một cách tiếc rẻ vì mẹ đã chọn một chiếc khác. Không bao giờ có ai trong hai chúng tôi thắc mắc về quyết định của bà.
Buổi tiệc đính hôn là một bữa ăn tối dành cho ba trăm khách ngồi ăn được tổ chức tại một cửa hàng tạp hóa của nhà họ Gabrielian. Sau buổi lễ ấy tôi được phép thường xuyên ghé thăm Rose, tất cả các buổi tối mà tôi không phải làm việc, và thường mang đến những món bánh Paklava hoặc là Shakar Lokoom phủ kem, có hình viên kim cương do mẹ tôi làm.

Khi một năm dài đã trôi qua, mẹ tôi, Rose, và các em tôi đi mua sắm càng lúc càng thường xuyên hơn. Theo truyền thống, gia đình chú rể mua quần áo cho cô dâu, và việc chọn một chiếc ví đầm hoặc một chiếc nón có thể mất đến sáu bảy lần đi như vậy. Món đồ mà Rose ưa thích nhất là chiếc váy đầm màu hạt dẻ sẫm hợp với đôi giày. Trong cộng đồng người Ạc-mê-ni chỉ những phụ nữ đã có gia đình mới mặc những màu sậm, Rose tin rằng cô sẽ trông già đi năm tuổi khi mặc chiếc váy ấy.
Đám cưới được diễn ra vào ngày 6 tháng 8 năm 1933. Sáng hôm đó toàn thể dòng họ nhà Shakarian đều đánh xe vào khu vực miền Đông Los Angeles để “đưa cô dâu về nhà”. Bởi vì tiệc chính trong ngày sẽ được tổ chức vào buổi chiều, nên gia đình nhà Gabrielian chỉ dọn một bữa ăn trưa gồm năm món, là một bữa ăn nhẹ, qua loa, theo tiêu chuẩn của người Ạc-mê-ni. Sau đó cả hai gia đình lên đường đến Downey trong một đoàn xe được trang hoàng bằng hoa gồm hai mươi lăm chiếc xe hơi.
Ở tại nhà, rào bao quanh sân quần vợt đã biến mất dưới lớp bông hồng. Giờ phút còn lại trong ngày tôi chỉ nhớ được những sự kiện riêng biệt. Bộ râu thưa của Mục sư Perumean chuyển động lên xuống khi ông đọc lời diễn văn nói về bổn phận của người Ạc-mê-ni cổ xưa. Những sợi dây điện có các bóng đèn sáng mắc trên các cây cọ, những người hầu bàn mặc áo vét trắng vội vã dưới những đĩa thức ăn khổng lồ đựng món Shishebad và món ăn truyền thống trong đám cưới Pilaf gồm có chà là và hạnh đào, là món mẹ tôi đã chuẩn bị từ mấy ngày trước.

Tôi còn nhớ rõ có năm trăm vị khách đã đến dự tiệc và dường như mỗi người đều viết một bài thơ bằng tiếng Ạc-mê-ni mà phải đọc lên để cho mọi người vỗ tay tán thưởng. Đến mười một giờ khuya, tôi bắt đầu chóng mặt vì quá mệt, và nước mắt đầy trong mắt Rose vì đôi giày trắng bó chặt chân nàng suốt từ buổi sáng.

Nhưng khi đứng nhận những lời chúc, lời chào tạm biệt của bạn bè và gia đình dường như bất tận chúng tôi đã quả quyết một điều. Rose và tôi cuối cùng đã được kết hợp với nhau, một cách hoàn toàn, dứt khoát mãi mãi ý nghĩa đúng nhất của từ ngữ “kết hôn” của người Ạc-mê-ni.

NHV SUU TAM