Dầu có nhiều khó khăn, thử thách, đôi lúc tưởng chừng như hạt giống Tin Lành phải nghẹt ngòi vì sự khô hạn lớn, nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài luôn thăm viếng, yêu thương Hội Thánh Ngài.
Bài viết Lửa Thánh Linh Tại Quê Hương Việt Nam của Mục sư Trần Thái Sơn đưới đây mô tả lại sự thăm viếng đặc biệt của Thánh Linh trong suốt những năm đầu thành lập Hội Thánh cho đến bây giờ.

Lửa Thánh Linh đã bùng cháy, đem sự phấn hưng để Hội Thánh được đứng vững trước cơn bách hại, để Hội Thánh phát triển cách mạnh mẽ, để Hội Thánh được hun đốt trong công tác truyền giáo.

Xin quý tôi con Chúa tiếp tục nghiên cứu và gởi đến chúng tôi những bài viết về chuyên đề này, hầu cho toàn thể con cái Chúa có dịp nhìn lại Hội Thánh Việt Nam 100 năm qua cách rõ ràng, qua đó dâng lời tạ ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đấng thành lập và phát triển Hội Thánh.

“Tôi muốn viết phần này để những người tin Việt-nam tin Chúa biết rằng Thánh Linh đã nhiều lần bùng cháy tại Việt-nam quê hương của chúng ta. Người ta nói: Lịch sử là những sự kiện được tái diễn, nên tôi tin rằng khi Chúa cho Luca ghi lại Lịch sử Hội thánh trong sách Công vụ các sứ đồ cũng như trải qua các thời đại, đã tái diễn ngay trong quá khứ Lịch sử Hội thánh Việt-nam, cũng còn tái diễn nữa. Ước nguyện và lời cầu nguyện của tôi là Chúa cho Hội thánh Việt-nam được phấn hưng trước ngày Chúa tái lâm, để dân tộc Việt-nam được nghe Tin Lành một lần trước ngày vào cõi đời đời, và Hội thánh trả được món nợ Mười Triệu (10.000.000) người Việt-nam tin Chúa trước ngày Chúa đến mà Hội thánh đã đề ra từ năm 1966” – Mục sư Trần Thái Sơn

LỬA THÁNH LINH TẠI VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG

I. THỜI KỲ KHAI SÁNG – 1911-1930
Năm 2011, Hội thánh Việt-nam sẽ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt-nam, đó là một tin vui, nhưng cũng là một điều đáng lo, vì có những câu hỏi cần đặt ra: Hội thánh có gì để kỷ niệm hầu cảm tạ Chúa không? Một người già 100 tuổi liệu có còn sức để làm việc không? Có người nói: Hiện tại chở đầy quá khứ và chất chứa tương lai, do đó người Việt-nam tin Chúa Jêsus chúng ta cũng cần ôn cố tri tân, điều chúng ta cần là học từ quá khứ, để sống trong hiện tại và lường trước tương lai, với Kinh thánh chỉ nam cho mọi việc.

Năm 1887, Mục sư A. B. Simpson đã viết một bài báo đặng trên Tạp chí của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA) kêu gọi cầu nguyện cho chương trình đem Tin Lành đến Đông Nam Á, trong đó có Việt-nam.

Năm 1911, cửa Tin Lành đã được Đức Chúa Trời mở ra tại Đà Nẵng, sau những ngăn trở từ chính quyền Pháp đang đô hộ tại Việt Nam từ áp lực của Giáo hội Công giáo La Mã, cũng từ Triều đình Huế mà phần lớn là do các quan chức có thành kiến với thực dân Pháp và bảo thủ văn hóa cũ như nhà văn Phan Khôi đã viết trong bài báo Giới Thiệu và Phê Bình Thánh Kinh Báo. Bài viết này được đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn, số 74, ngày 16 tháng 10 năm 1930 (cũng được trích đăng trên Trung Lập Báo số 6235, ngày 1 tháng 9 năm 1930. Trong bài viết đó, Phan Khôi ký tên với bút hiệu Chương Dân).

Có nhiều người An Nam mình, theo cái óc cũ, thấy đạo khác thì không ưa, nói rằng: Kinh thánh là do người có đạo họ tôn trọng kinh của họ mà kêu như vậy; còn mình, người ngoại, không tội chi mà kêu Kinh thánh như họ….

Đừng nói mấy ông nhà nho họ cho là dị đoan họ không ngó (Kinh thánh) đã đành. Các ông học chữ Pháp giỏi mà cũng ít có ông nào đọc tới Kinh thánh ….

Cảm ơn Chúa, Thánh Linh đã làm việc, năm 1925, Hội thánh tại Đà nẵng có 1.600 người chịu báp-têm. Lửa Thánh Linh đã bùng cháy khiến cho các tín hữu Việt-nam đầu tiên nóng cháy giảng Tin Lành.

Như Bà Cụ Ban đưa dẫn cả gia đình tin Chúa và nhiều người khác nữa

.nguon-hy-vong-van-pham-09
Bà cụ Ban ở Đà Nẵng

Ngày 19 tháng 3 năm 1926, Bà Nguyễn thị Võ từ Tam Kỳ ra Hội-an buôn bán, nhờ đó được nghe Tin Lành và tin Chúa. Mười ngày sau bà trở về Tam Kỳ, mời mục sư đến nhà giảng Tin Lành, ngay đêm đầu tiên đã có 66 người tin nhận Chúa Jêsus.

Phải hiểu địa vị của Nữ giới trong lúc bấy giờ còn chịu ảnh hưởng sâu nặng của Nho giáo tam tòng tứ đức, khuê môn bất xuất, mới thấy được sự nóng cháy của những phụ nữ tin Chúa đầu tiên tại Việt-nam.

Đồng thời các Hội thánh địa phương được thành lập tại Đại an, Trường an, Hội an, Trường Kinh thánh tại Đà nẵng. Có nhiều phép lạ xảy ra, phép lạ lớn là lòng đồng bào bao nhiêu năm nặng về phong kiến, thờ cúng, đã tin Chúa, như trường hợp của Mục sư Lê-văn-Thái; trường hợp của Mục sư Hoàng Trọng Thừa khi đến vùng cao nguyên giảng Tin Lành bị thách thức cầu nguyện xin trời mưa cho một vùng bị hạn hán nguy cấp. Cụ nhận lời tuyên bố ngày mai mưa, và đêm ấy Cụ đ㠓úp mặt giữa hai đầu gối” như tiên tri Ê-li xưa trên núi Cạt-mên để vì dân sự mà cầu xin một cơn mưa. Đức Chúa Trời đã không hề để tôi tớ Ngài bị hổ thẹn trước dân ngoại nên đêm ấy Ngài đã ban cho một cơn mưa lớn. Nhơn đó dân chúng nhận biết Chúa của Cụ là Đức Chúa Trời thật.

nguon-hy-vong-van-pham-10
Giáo hội Tin Lành Việt Nam buỏi sơ khai

II. THỜI KỲ THẾ CHIẾN II (1938-1941)

Đây là thời kỳ Lửa Thánh Linh đã làm cho Hội thánh được thành nhờ phương diện truyền giảng và tự trị không lệ thuộc vào Hội Truyền giáo nước ngoài.

1. Bác sĩ Tống Thượng Tiết:

Bác sĩ Tống Thượng Tiết là người Trung Hoa, con của một Mục sư, du học tại Hoa Kỳ với 5 bằng Tiến sĩ, trong đó có bằng Tiến Sĩ Y Khoa, nhưng chưa hề được phong chức Mục sư, nên thường được gọi là Bác-sĩ, không gọi mục sư dù ông có bằng Tiến sĩ Thần học.

Bác sĩ Tiết được Hội thánh Việt-nam mời sang giảng cho Hội Đồng Tổng Liên Hội năm 1938 tại Vĩnh Long. Chúa đã dùng Bác sĩ Tiết để thúc đẩy Hội thánh cả nước việc Chứng đạo, qua những bài Thánh ca ngắn như Gió Thánh Linh, Hư Không, Hãy Kíp Về và cách giảng hùng mạnh, thí dụ cụ thể (như khi giảng về Đồng Bạc Mất, Bác sĩ Tiết đã dùng cây chổi quét trên sàn tòa giảng với nước mắt và tiếng kêu: Ôi đồng bạc mang hình và hiệu của Chúa tôi đâu rồi?, Thánh Linh đã làm tan vỡ biết bao tấm lòng, sau những ngày Hội đồng, ai nấy đã ra về với cờ màu trắng có hình thập tự đỏ để trở về Hội thánh nhà lập Ban Chứng đạo. Bài hát chứng đạo nổi tiếng lúc bấy giờ là CHÚA SAI TÔI ĐI.

Chúa sai tôi đi rao giảng khắp nơi
Tôi tình nguyện đi, tôi sẵn lòng lòng đi
Ngài phán bảo tôi rao giảng Tin Lành
Nào dám trễ nải, tôi phải truyền ngay.
nguon-hy-vong-van-pham-11
Bác sĩ Tống Thượng Tiết – sứ giả phục hưng của Trung Quốc và cả Việt Nam

2. Mục sư Lê-văn-Thái:

Trong lúc tình hình Thế chiến II căng thẳng, trước khi các Giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Hoa Kỳ bị quân đội Nhật bắt giam tại Mỹ tho, tiền giúp cho các Hội thánh không còn được gởi đến. Nhiều Hội thánh tại Miền Bắc bị đóng cửa vì không có tài chánh sinh hoạt. Hội thánh tại Miền trung và Miền Nam còn có thể sống tạm, vì điều kiện kinh tế dễ hơn Miền Bắc và phần đông các Hội thánh đều mới mở.

Mục sư Lê-văn-Thái đương là Chủ Nhiệm Bắc Hạt đang ở tại Hà nội, được Ban Trị Sự Địa Hạt Liên Hội Miền Nam mời giảng thay cho Mục sư Hội Trưởng Lê Đình Tươi bất ngờ bịnh nặng (bị tai biến mạch máu thành liệt người). Chúng ta hãy nghe lời Mục sư Thái thuật lại.

Một đêm kia nằm chiêm bao, ông thấy mình đứng giảng trước Hội Đồng. Trong khi ông đang giảng thì có một người trẻ tuổi đứng dậy cỡi áo choàng để trên bàn và nói rằng: ‘Vì công việc Chúa ở Bắc kỳ, tôi xin dâng món nầy’. Tiếp đến, một thiếu phụ cũng đứng dậy tiến về phía bàn, gỡ đôi bông tai đặt lên đó và nói: ‘Vì công việc Chúa ở Bắc kỳ tôi xin dâng món nầy’. Sự cảm kích làm cho Mục sư thức giấc, và cầu nguyện, sau khi cầu nguyện – ông trả lời cho Ban Trị Sự hay rằng mình ưng thuận.

Hội đồng được phước nhiều, nhất là phiên nhóm cho thanh niên của Hội thánh. Sau đó vào ngày chót, ông giảng cho toàn thể Hội đồng. Đang khi giảng, tuy ông không hề tỏ lời kêu gọi xin giúp đỡ tài chánh cho Hội thánh Bắc kỳ, nhưng một thanh niên đứng lên tiến về phía bàn, cỡi áo choàng đặt trên bàn và nói: ‘Tôi muốn dâng món nầy cho công việc Chúa ở Bắc kỳ’. Tức thì một thiếu phụ cùng đứng dậy, tiến về phía bàn, lột đôi bông tai bằng vàng và lặp lại: ‘Tôi muốn dâng món nầy cho công việc Chúa ở Bắc kỳ’. Mục sư Thái rất ngạc nhiên vì nhận ra đó chính là hai người mình đã thấy trong chiêm bao. Các giáo hữu khác cũng làm theo như vậy. Số người dâng cứ tăng thêm mãi đến nỗi phải mượn hai va-ly để chở các lễ vật.

Trên đường về, Mục sư Thái cũng ghé lại dự Hội đồng Linh tu tại Địa hạt Trung kỳ. Ông có dịp giảng dạy ở đó và kế tiếp là Trường Kinh thánh Tourane. Khắp nơi đều có một số người tự ý dâng lễ vật như vậy, và Mục sư trở về Hà-nội với bốn va-ly đầy. Những tặng vật nầy thật đã là một phần cứu trợ lớn cho Hội thánh Bắc kỳ trong bốn năm trường gian khổ….

nguon-hy-vong-van-pham-12
Mục sư Lê Văn Thái, Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam từ năm 1942 đến năm 1963

Đó là báo chí nói đến, còn cá nhân Mục sư thuật:

Không phải như câu chuyện vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy chiêm bao rồi quên hẳn đinhư đã được chép trong Đa-ni-ên đoạn 2. Nhưng sự thật tôi đã quên lửng những gì tôi đã thấy trước vào dự Hội đồng. Bây giờ thái độ hành động của thanh niên và thiếu phụ nầy bỗng nhắc tôi nhớ lại một đoạn phim đã được xem qua ‘trong giấc mơ’. Những người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt tôi, đây chính là những người tôi đã thấy trong khải tượng. Tiếp đó, người cởi giày, kẻ cởi áo, bông tai, đồng hồ chen lấn nhau tiến về phía tòa giảng để dâng vật tốt nhất mà mình đang có cho công việc Chúa ở miền Bắc. Trong số những người dâng trên đây, có bà Giáo sĩ D. I. Jeffrey dâng một cái đồng hồ đeo tay rất quí giá.

Sau Hội đồng Cần thơ, tôi ra thăm các Hội thánh Trung hạt và giảng cho hội đồng Linh tu tại Đức phổ (Quản ngãi) ngày 24-2-1942. Tôi dùng Êphêsô 3:14-19 làm nền tảng cho bài giảng. Khi tôi đang đọc đến câu: ĐẾN NỖI ĐẤNG CHRIST NHƠN ĐỨC TIN MÀ NGỰ TRONG LÒNG ANH EM, bỗng nghe có những tiếng khóc từ các hàng ghế nổi lên rồi lần lần lan rộng khắp nhà thờ. Một cô truyền đạo trẻ tuổi bước ra khỏi chỗ ngồi tiến về phía tòa giảng, vừa khóc vừa tháo đôi bông tai đặt lên bàn, nói trong màn lệ: ‘Tôi xin dâng vật tốt nhất mà tôi có để góp phần hầu việc Chúa ở Bắc hạt’. Quang cảnh cảm động khóc lóc giữa Hội thánh Cần thơ mấy hôm trước đây bây giờ lại tái diễn tại Hội đồng Đức phổ. Tôi sững sờ không biết nói gì hơn là nức lòng ngợi khen quyền năng cao cả của Chúa Thánh Linh… Chúa giục giả lòng anh em. Tất cả đều nôn nả sốt sắng. Lửa Thánh Linh cuồn cuộn dâng cao. Tình yêu thương thật tràn ngập tâm hồn mọi người.

Tối thứ tư, ngày 25-2-1942, tôi giảng tại trường Kinh thánh Đà-nẵng. Chúa nhắc nhở tôi một đoạn ngắn trong thư II Timôthê 1:13-14, rồi tôi dùng hai câu Kinh thánh này để làm nền tảng cho bài giảng. Chúa giúp đỡ tôi khai triển đầy trọn ý nghĩa mệnh đề sau đây: HÃY LẤY LÒNG TIN VÀ YÊU TRONG ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST MÀ GIỮ LẤY MẪU MỰC CỦA CÁC SỰ DẠY DỖ CÓ ÍCH. Tôi đã trình bày với tất cả nhiệt thành. Lời Chúa do đó đã đâm thấu vào lòng toàn thể anh chị em sinh viên, học sinh. Cũng như tại Hội đồng Linh tu Đức phổ, trong khi tôi đang giảng bỗng có tiếng khóc từ giữa lễ đường vang lên, rồi một học sinh đứng dậy tiến về phía tòa giảng, cởi chiếc đồng hồ đeo tay đặt lên bàn, vừa khóc vừa nói: ‘Tôi dâng vật nầy để góp phần hầu việc Chúa tại Bắc hạt’. Tiếp theo đó, người nầy vừa đi xuống, người khác tiến lên,…Đức Thánh Linh làm việc rất lạ, đến nỗi người cư ngụ gần trường Kinh thánh có dịp nghe giảng cũng cảm động, chạy về nhà lấy tiền bạc và đồ vật đến dâng….

Đến sáng Chúa nhật, ngày 1-3-42, sau khi thờ phượng Chúa và giảng Kinh thánh, tôi bắt đầu tường thuật cho Hội thánh Hà-nội nghe những biến động trong cuộc hành trình vào Nam vừa qua của tôi. Những việc lạ lùng Chúa đã làm ở Cần thơ, Đức phổ cũng như ở trường Kinh thánh Đà-nẵng. Tức thì như có một luồng điện mạnh chạm vào lòng tất cả những con cái Chúa đang dự nhóm trong nhà thờ. Tâm hồn họ như tan vỡ, và bừng cháy bởi sự kính mến Chúa và tình yêu thương linh hồn đồng bào. Những tiếng NGỢI KHEN CHÚA vang lên hòa lẫn trong tiếng khóc. Sự xúc động dâng trào mãnh liệt. Có thể bảo LỬA THÁNH LINH đã phát khởi ở Cần thơ, rồi sau đó cháy lan ra khắp các miền Đức phổ, Đà nẵng rồi đến Hà nội một cách hết sức nhanh chóng.…

Do biến động này, các Hội thánh Chúa ở Nam, Trung và Bắc đồng loạt tỉnh thức, tất cả đều ý thức được trách nhiệm của mình là phải làm sao cho Hội thánh được tự trị tự lập cách bền vững. Trong dịp này một số con cái Chúa ở Nam và Trung hạt được Thánh Linh cảm thúc nên vui lòng dâng một số tiền hằng tháng để cung cấp cho các Mục sư Truyền đạo ở miền Bắc trong suốt thời gian gần bốn năm kể từ tháng 6-1942 đến tháng 4-1946. Trong khi tín đồ ở Nam và Trung hạt cố gắng giúp đỡ công việc Chúa tại miền Bắc, thì tín đồ Bắc hạt lại càng cố gắng bội phần hơn. Đối với họ số tiền một phần mười quá ít nên đã bằng lòng dâng từ mười lăm đến hai mươi phần trăm hoặc hơn nữa để giúp đỡ cho các tôi tớ Chúa. Thậm chí có người sau khi khấu trừ các chi phí gia đình, đem dâng tất cả số tiền còn lại để phát triển Hội thánh. Vả lại, tinh thần của Mục sư Truyền đạo lúc bấy giờ rất cao, bằng lòng chấp nhận mọi hi sinh gian khổ để duy trì Hội thánh và rao truyền Tin Lành.

Cầu xin Chúa tái diễn phục hưng Hội thánh tại Việt-nam.

III. THỜI KỲ NỘI CHIẾN (1965-1975)

Năm 1966, sau khi dự Hội đồng Truyền giáo Thế giới tại Tây Berlin (Cộng hòa Liên Bang Đức) do Đoàn truyền giáo của Mục sư Billy Graham tổ chức, Hội thánh Tin Lành Việt-nam đã phát động Chương Trình Truyền Đạo Sâu Rộng với khẩu hiệu TẤT CẢ CHO NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU, và mục tiêu là 10 triệu người Việt-nam tin Chúa Jêsus trước ngày Chúa đến.

Trong một buổi thuyết trình về Truyền Đạo Sâu Rộng tại nhà thờ đường Trần Cao Vân, Mục sư Phạm Xuân Tín đã ví von rằng khi ông dự Hội đồng Truyền giáo Thế giới tại Tây Berlin, nghe Mục sư Billy Graham nói: ‘Người Mỹ nào cũng biết uống Coca Cola, thì người Mỹ nào cũng phải nghe Tin Lành’, lòng của ông rất cảm động để nói với Hội thánh Việt-nam rằng: ‘Người Việt-nam nào cũng biết ăn nước mắm thì người Việt-nam nào cũng phải được nghe Tin Lành’. Trong khi đó Mục sư Thomas Stebbins với bài giảng đề tài TẤT CẢ, nói rằng ông lo lắng không biết giảng đề tài gì thì trong đêm khuya nghe tiếng con tắc-kè kêu ‘tắc-kè, tắc-kè’, Chúa cho ông đề tài là TẤT CẢ với Mathiơ 28:18-20, “Tất Cả mọi môn đồ, tất cả thế giới, tất cả quyền phép, tất cả giáo lý, tất cả thời gian”.

Với Chương Trình Truyền Đạo Sâu Rộng, Hội thánh đã phát động lập Tổ cầu nguyện, các Ban Ngành cầu nguyện, rồi tổ chức các Chiến dịch Truyền giảng tại các nhà thờ, ngoài trời với một Trại Tin Lành lưu động của Mục sư Thomas Stebbins, tại Sân Vận Động Cộng hòa, Cần thơ, Tôn Đản, Phước tuy, Huế….

Thêm vào đó, ngày 3 tháng 12 năm 1972, sau bài thuyết trình về Phục hưng tại Đông Timor của một sinh viên, cơn phục hưng bùng cháy Thần Học Viện. Mùa giáng sanh năm 1972, lửa Thánh Linh phục hưng tại Thần Học Viện lan đến Hội thánh tại Cao nguyên rất mạnh mẽ do các Học viên Thần Học Viện về Hội thánh nhà làm chứng. Dường như Đức Chúa Trời dự bị một kinh nghiệm quyền năng cho Hội thánh cao nguyên trước khi cho phép biến cố 1975 xảy ra để bảo vệ Hội thánh cao nguyên. Tôi tin như vậy, giống như Chúa đã phục hưng Hội thánh tại Trung hoa đầu thế kỷ 20 trước khi Chúa cho phép xảy ra biến cố 1949.

IV. SAU NĂM 1975

Thời gian từ 1975 đến 1978 là một thời gian có nhiều xáo trộn, mệt mỏi. Nhưng sau 1978, lòng khát khao của những người Việt-nam tin Chúa Jêsus lại được Thánh Linh dấy lên, dù tinh hình bên ngoài đầy khó khăn nguy hiểm, bên trong tinh thần học Kinh thánh, cầu nguyện, gia tăng rất đáng kể. Dù không nói nhưng mọi lòng đều mong đợi một cơn phấn hưng. Nhiều người Việt-nam tin Chúa Jêsus lúc bấy giờ mang gánh nặng làm chứng Tin Lành qua việc mời thân hữu, hoặc tham gia chăm sóc, dạy đạo tại nhà riêng.

Lúc bấy giờ phong trào thuyền nhân, phong trào HO lại được Chúa dùng như cơ hội để đưa rất nhiều người Việt-nam đến với Tin Lành.

Bẵng đi thời gian, cảm ơn Chúa, năm 2008, Thánh Linh lại dấy lên tinh thần truyền giảng Tin Lành mạnh mẽ. Năm 2009 Chúa mở cánh cửa thật rộng cho các Hội thánh từ Bắc chí Nam, nội trong Mùa Giáng Sanh 2009, Hội thánh đã có mấy chục ngàn người nghe về Chúa công khai, mạnh mẽ, và cũng có hơn mười ngàn người tiếp nhận Chúa.nguon-hy-vong-van-pham-13
Đêm truyền giảng Giáng Sinh lịch sử 11/12/2009

Đó chỉ là những bước đầu Thánh Linh làm việc, lửa bùng cháy, những người Việt-nam tin Chúa Jêsus chúng ta cần bình tỉnh trong mạnh mẽ bắt kịp cơ hội Khơi Lửa và Giữ Lửa, và nhờ ơn Chúa biến những đóm lửa nhỏ thành Ngọn Lửa Thánh Linh cháy lên cả nước.

Mục Sư Trần Thái Sơn