VẤN ĐỀ SUNG TÚC

Những người khách sốt sắng ngồi chật quanh bàn ăn tối. Chủ nhà hối hả bước vào và dọn một món thịt với khoai tây ngon lành, điển hình của bữa ăn tối Tân Tây lan. Nhưng đến giờ tráng miệng và dùng trà, bà vừa xin lỗi vừa rót thứ nước xanh nhợt nhạt vào mỗi chiếc cốc.
“Tôi xin lỗi vì trà tệ quá”, bà giải thích với những vị khách “Chúng tôi phải pha hơi loãng để được dùng lâu hơn”. Quý vị thấy đó, chúng tôi đang sống bằng đức tin mà”.
Những vị khách của bà đều bảo rằng không sao để bà yên tâm. Thật ra, bởi vì họ là những người Mỹ, họ cảm thấy dễ chịu hơn vì nước trà không đậm như cách người Tân tây lan thường pha! Và tất nhiên họ biết ơn chức vụ mà những người nầy đang làm, mở rộng cửa nhà mình cho những người có cần và tin cậy Đức Chúa Trời sẽ cấp dưỡng cho họ mỗi tuần. Nhưng sau đó trên đường về, sự mỉa mai và khôi hài trong câu nói của bà ta đã đánh vào họ.
Có phải sống bằng đức tin nghĩa là phải pha trà loãng? Nghĩa là phải mang những đôi giày mòn vẹt cả gót? Đi những chiếc ô tô khởi động không nổi hoặc cách cả một dãy phố cũng có thể nghe thấy tiếng nổ của nó, Và điều nào tệ? Trà tệ hay đức tin tệ?
Vấn đề sung túc, đặc biệt đối với những tôi tớ của Đức Chúa Trời, là một vấn đề dễ gây xúc động. Thật khó mà tách rời những cảm xúc của chúng ta khỏi sự thực. Những Cơ Đốc nhân đòi-Chúa-ban-phước-cho-mình giảng dạy rằng nếu bạn có đức tin, bạn sẽ giàu có về vật chất. Nếu bạn không sống trong sự thịnh vượng, là vì bạn chưa thực hành đức tin của bạn.
Những Cơ Đốc nhân làm-việc-theo-đạo-lý khẳng định rằng lao động chăm chỉ sẽ dẫn đến sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Họ nói rằng nếu bạn không có tiền là vì bạn lười biếng. Đáng buồn thay, những người nầy thường dai sức trong công việc và rất năng nổ, nhưng lại thiếu kém lòng thương xót và sự dâng hiến cho các hội truyền giáo.
Quan điểm cực đoan của Những Cơ Đốc Nhân thích-đòi-Chúa-ban phước-cho mình và Những Cơ Đốc Nhân làm-việc-theo-đạo-lý là họ thường có một cái nhìn hằn học vào bất cứ ai thuận lợi về vật chất. Những Cơ Đốc nhân coi giàu có là gian ác nầy chỉ chưa bằng những người theo chủ nghĩa cộng sản, là chủ nghĩa cho rằng căn nguyên của mọi điều xấu xa trên thế giới nầy bắt nguồn do sự phân phối của cải không đồng đều. Theo họ bất cứ Cơ Đốc nhân nghiêm túc nào, cũng đều phải từ bỏ tất cả, chỉ trừ những thứ thật cần thiết mà thôi. Có một số trong vòng họ hầu như tôn thờ sự nghèo nàn, tức là càng có ít của cải, bạn càng gần với Đức Chúa Trời.
Dầu quan niệm của chúng ta có như thế nào thì hầu hết trong chúng ta đều cảm thấy có những tình cảm pha trộn liên quan đến sự giàu có, nhất là đến những người làm chức vụ.
Một số bạn bè của tôi đã làm việc trong tổ chức YWAM gần hai mươi năm nay, phần lớn ở tại Hoa Kỳ. Thời gian trôi qua, họ đã sử dụng kế tiếp nhau những chiếc xe đã dùng rồi, hầu hết có giá chi phí bảo quản cao, máy không tốt, tốn xăng và sức chở kém. Một chiếc xe mà họ sẽ không bao giờ quên được đó là chiếc Travel – All, uống hết 4 lít xăng trong vòng 16 cây số và liên tục hỏng máy.
Sau đó tình cờ họ gặp một chiếc xe đã dùng rồi nhưng còn khá tốt. Mặc dù đã được xài qua 7 năm, nó vẫn còn trong tình trạng hoàn hảo, đi được 45 cây số với 4 lít xăng, dùng được, khá tiết kiệm về mặt sửa chữa, rẻ hơn nhiều so với một chiếc xe hơi Hoa Kỳ mới, cỡ kinh tế. Đó là một chiếc Mercedes – Benz. Các bạn tôi đã mua vì tin chắc rằng đó là cách tốt nhất để quản lý tiền bạc của Chúa cách phải lẽ.
Trong nhiều năm, họ dùng chiếc xe ấy cùng với những chiếc Mercedes cũ khác, mỗi khi có thể đổi một chiếc để mua một chiếc khác tương đương giá tiền mà vẫn chi trả ít hơn nhiều về mặt bảo trì và nhiên liệu như trước kia họ chi, họ rất biết ơn Đức Chúa Trời về sự chu cấp của Ngài.
Thế rồi, họ bắt đầu nghe lời phê bình về những chiếc Mercedes này. Một người dùng chữ “sang trọng” trong khi một người khác thì thắc mắc “làm sao một người hầu việc Chúa mà lại có thể mua nổi chiếc xe như vậy?”. Thậm chí có người còn nói “Làm thế nào mà họ lái được loại xe hơi như thế trong khi đang có những người đói ăn trên thế giới?”
Giá như họ có thể treo một tấm bảng bên hông xe, liệt kê giá cả của nó, việc sửa chữa nó ít tốn kém làm sao và mỗi tuần nó tiết kiệm được bao nhiêu nhiên liệu. Thậm chí họ có thể viết bên hông xe câu nầy “Chiếc xe nầy đang tiết kiệm tiền của Đức Chúa Trời”. Nhưng họ không thể làm điều đó. Họ cầu nguyện và quyết định không muốn trở thành hòn đá vấp chơn cho bất kỳ ai. Các chiếc Mercedes đã phải ra đi.
Họ đổi nó và mua một chiếc xe tải nhỏ, thật sự là đắt hơn chiếc Mercedes cũ. Chiếc xe tải cỡ nhỏ rốt cuộc cũng tốn kém hơn trong việc bảo trì, và mau hư hơn. Nhưng không còn ai phàn nàn về việc họ phí phạm tiền bạc của Đức Chúa Trời nữa.
Trong mọi chuyện như vậy, Đức Chúa Trời đứng ở chỗ nào? Có phải có một mức giàu có nhất định mà bạn phải đứng dưới mức ấy để làm vừa lòng Đức Chúa Trời chăng?
Mới đây, tôi đã được phước bằng cách đưa câu hỏi ấy đến gần nhà mình hơn. Vài năm trước, sau khi gia đình chúng tôi đã sống nhiều năm trong một căn hộ nhỏ tại khu sinh viên YWAM ở tại Kona, chúng tôi gặp một điều ngạc nhiên lớn. Thành viên YWAM ở khắp thế giới đã dự phần vào một cuộc dâng hiến đặc biệt và đã tặng cho chúng tôi một chiếc xe hơi mới và tiền đặt cọc một căn nhà.
Điều đó thật quá tuyệt vời, nhất là bởi tình yêu thương họ đã tuôn đổ trên chúng tôi. Căn nhà thật dễ thương, nhưng sau vài tuần Darlene đã nhận xét “Em cứ mong cho có ai đó thật sự sống ở đây đến và thấy chúng ta trong ngôi nhà của họ!”
Thế rồi, sau vài tháng có một người đàn ông đến gặp tôi với một món quà lạ lùng. Ông ta muốn tặng tôi một số tiền, nhưng tôi chỉ có thể được dùng nó vào một trong ba điều. Tôi hãy để riêng số tiền đó ra cho đám tang của tôi (là điều có thể không bao lâu nữa tôi phải cần đến, theo lời người bạn ấy). Hoặc tôi phải dùng số tiền đó để sử dụng cho việc chăm sóc đặc biệt sau một cơn tai biến của tôi (là điều anh ta cho rằng có thể xảy ra bất cứ lúc nào). Hoặc là tôi sử dụng tiền đó để xây một bể tắm và thực hành thường xuyên để ngăn trở hai điều kia không xảy ra!
Tôi hiểu vì sao người bạn của tôi đem tặng vật đến với một chỉ thị mạnh mẽ như vậy về cách sử dụng. Ông ta biết hẳn là khó cho tôi để có một bể bơi, mặc dầu trong khí hậu của chúng tôi điều đó thật có ý nghĩa. Những người bạn khác cũng đã dâng vào việc xây bể bơi cho chúng tôi, và một người bạn thân khác đã cống hiến công sức lao động chuyên môn của anh để xây dựng nó. Bể bơi ấy luôn luôn là sự nhắc nhở về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của người bạn tôi.
Khi Đức Chúa Trời muốn nêu các gương đức tin cho chúng ta, Ngài đã kể ra những khuôn mẫu anh hùng trọn vẹn trong Hêbơrơ đoạn 11. Ápraham, Ysác, Giacốp, Giôsép, Đavít và Salômôn đã được nêu tên, mỗi người trong số đó đều là những người giàu có. Nhưng có những người khác cũng được kể ra trong đoạn nầy là những mẫu mực của đức tin. Những vị anh hùng nầy đã bị tra tấn, nhạo cười, đánh đập, tù đày, ngược đãi, thậm chí bị giết; bị thiếu thốn mọi đường, mặc những da chiên, da dê, sống trong hang, trong hầm dưới đất.
Phao Lô nhắc cho chúng ta nhớ rằng cả giàu lẫn nghèo đều có thể là ý muốn của Chúa dành cho chúng ta, và để chúng ta có thể học tập thích nghi với cả hai hoàn cảnh.
Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật . Trong mọi sự và mọi nơi , tôi đã tập cả, dầu no hay đói dầu dư hay thiếu cũng được . Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi . (Phi Pl 4:12-13)
Tôi thấy rằng có dư dật thì khó khăn hơn là sống nghèo thiếu. Lắng nghe tiếng Chúa hàng ngày khi bạn đang tin cậy Ngài chu cấp cho bữa ăn kế tiếp thì dễ hơn nhiều so với khi mọi thứ đều dễ dàng.
Theo Lời Chúa phán thì dư dật về mặt tiền bạc là điều nguy hiểm. Chúa Jesus phán rằng người giàu vào nước thiên đàng khó thay, và hãy coi chừng “sự lừa dối của những của cải”. Đức Chúa Trời báo trước cho dân sự Ngài rằng khi họ được ban cho những thành lớn và tốt đẹp cùng những nhà cửa đầy dẫy những thứ đẹp đẽ, thì hãy cẩn thận kẻo các ngươi quên Đức Giêhôva…( PhuDnl 6:12)
Tác giả sách Châm ngôn cũng muốn sự quân bình khi ông nói “Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang. Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, e khi no đủ tôi từ chối Chúa mà rằng: Đức Giêhôva là ai? Và lại kẻo e khi tôi nghèo khổ, đi trộm cắp và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng?” (ChCn 30:8, 9)
Chúng ta phải giới hạn ở chỗ nào đây? Nghèo như thế nào mới là nghèo quá và giàu có bao nhiêu thì mới nguy hiểm? Giới hạn đó còn đa dạng nhiều tùy theo ba điều:
1. Cá tánh: Đây không phải là vấn đề tôi có thể tin cậy Ngài giao cho tôi bao nhiêu, mà là Ngài có thể tin cậy tôi đến mức nào. Nếu chúng ta trung tín trong việc nhỏ, Ngài có thể khiến chúng ta trung tín nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, còn hai yếu tố khác nữa. Mức chu cấp của chúng ta cũng còn tùy thuộc vào…
2. Sự kêu gọi của mình và…
3. Nền văn hóa nơi chúng ta đang làm việc
Dẫu Đức Chúa Trời tin cậy tôi và cá tánh của tôi, Ngài biết rõ điều tôi cần, không nhiều hơn và không kém hơn, để hoàn thành sự kêu gọi của Ngài trên đời sống tôi.
Sư cung ứng có thể thay đổi nhiều tùy theo điều bạn đang làm và nơi chốn Đức Chúa Trời đặt bạn để làm việc cho Ngài. Tôi có một người bạn hầu việc Chúa với một tổ chức Cơ Đốc sung túc, anh ta có lương cao, đi xe hơi mới và sống trong một ngôi nhà đẹp ở ngoại ô thành phố. Sau một vài năm ở đó, Chúa kêu gọi anh làm việc bên trong thành phố Los Angeles.
Chỉ qua đêm, anh và gia đình đã thấy mình đang sống giữa một khu vực đầy tội phạm với các chấn song trên cửa sổ nhà mình, mua thức ăn nơi các cửa hàng mà những cửa sổ đều được bịt kín bằng ván. Thay vì mua sắm quần áo mới thường xuyên, họ đã dâng phần lớn tiền bạc của mình cho những người trong Hội thánh, giúp họ có các thực phẩm trên bàn ăn.
Sau nhiều năm sống như vậy. Đức Chúa Trời lại một lần nữa dẫn dắt họ thay đổi chức vụ. Họ nhận chức vụ chăn bầy ở một Hội thánh dư dật hơn thuộc vùng Tây Nam. Mặc dầu vẫn không phung phí, vị mục sư nầy và vợ ông thấy rằng họ cần phải năng mua sắm quần áo hơn và sống trong một ngôi nhà giống với các ngôi nhà của tín đồ mình hơn.
Trong từng hoàn cảnh sống của ba giai đoạn đó, các bạn của tôi đều ở trong trung tâm ý muốn của Đức Chúa Trời, tức là đã sử dụng các nguồn phương tiện của Ngài cách khôn ngoan để hầu việc Chúa trong nền văn hóa mà Ngài đã đặt để họ.
Bao nhiêu tiền là vừa đủ và bao nhiêu tiền là quá nhiều? Chúng ta không thể đưa ra một số lượng. Điều đó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, sự kêu gọi của bạn và những người sống giữa nơi bạn đang làm việc. Ông Norman Vincent Peale đã chủ tọa một Hội thánh có thanh thế lớn ở tại Manhattan trong nhiều năm, Mẹ Teresa đã hầu việc giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo tại Calcutta Ấn độ. Song cách ăn mặc, cách sống và đi lại của mỗi người như thế nào tùy thuộc vào sự kêu gọi của họ.
Làm sao bạn biết khi nào thì bạn đang sống quá hào phóng? Dầu chúng ta không thể đưa ra một số lượng, nhưng chúng ta có thể có những sự chỉ dẫn.
1. Chúng ta không nên sống ở mức quá cao hoặc quá thấp so với những người giữa vòng mình đang hầu việc.
Em rễ tôi và cô em gái, Jim và Jan Rogers mô tả một tình huống nọ. Họ đang thăm viếng một số nhà truyền giáo tại Châu Á, trong một quốc gia vừa bị suy thoái kinh tế do những biến động chính trị. Vì tình hình kinh tế của xứ sở đó, nhiều giáo sĩ đang sống trong những ngôi nhà đẹp đẽ, tốt hơn nhiều so với khả năng họ có thể trả ở tại Hoa Kỳ, nhưng với một giá trung bình 60 mỹ kim một tháng.
Một buổi chiều, Jim và Jan đang có thì giờ thông công vui vẻ với những nhà truyền giáo ngoại quốc khác tại nhà của một trong các giáo sĩ. Chợt có tiếng gõ cửa, một vị mục sư lớn tuổi, là người bản xứ. “Ông ta đứng đó, lúng túng ở cổng vòm phía trước” Jan nói “Trông như ông không dám bước vào nhà. Chủ nhà bước ra ngoài với ông và vội vàng giải quyết các câu hỏi trước khi quay vào bàn tiệc trà”. Buổi tối hôm ấy chúng tôi không làm điều gì sai trái cả, nhưng dầu sao tôi vẫn cảm thấy một cảm giác khó chịu hiện diện trong căn phòng, dường như là tội lỗi.
Làm sao biết được là bạn có đang sống quá cách biệt với (quá cao hoặc quá thấp) những người bạn đang gây dựng? Hãy tự hỏi mình câu nầy: Chiếc xe, căn nhà, lối sống nầy đang giúp đỡ hay cản trở tôi trong việc chinh phục và môn đệ hóa người ta cho Chúa cho Jesus?
2. Hãy Coi Chừng Lòng Tham
Kinh Thánh lập lại nhiều lần lời cảnh cáo nầy, đặc biệt đối với những người trong chức vụ hầu việc trọn thì giờ. Chúng ta được dạy “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời giao phó cho anh em, làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (IPhi 1Pr 5:2-3). Việc tìm kiếm sự giàu có vượt trên những điều cần thiết để hoàn thành chức vụ Chúa kêu gọi là tham lam và bị định tội theo Kinh Thánh.
Hai điều ngày nay làm cho công chúng rất phẫn nộ đó là khi các mục sư bày tỏ một nếp sống xa xỉ và buông thả, và các chính trị gia tìm cách làm giàu trong lúc đang phục vụ nhân dân. Bạn có bao giờ tự hỏi mình vì sao như vậy không? Tôi nghĩ đó là vì ký ức chung của xã hội chúng ta về Kinh Thánh. Đa số dân chúng không biết rằng họ đã nhận những tư tưởng đó từ Thánh Kinh, song họ đã thật sự mang lấy.
Đức Chúa Trời bảo dân sự hãy chọn một người lãnh đạo (hoặc vua) là người không có quá nhiều ngựa, không kiếm thêm nhiều bạc và vàng cho chính mình, hầu cho “…lòng vua không kiêu căng, coi rẻ đồng bào mình…” (PhuDnl 16:15-20). Cũng vậy, người lãnh đạo thuộc linh phải được chọn là người “không tham tiền” (ITi1Tm 3:3)
Không bao giờ được lợi dụng chức vụ để thâu góp của cải cho mình. Có một lý do khiến cho người Lêvi là chi phái duy nhất không được ban cho tài sản thực tế. Cơ nghiệp của họ là chính mình Đức Giêhôva chứ không phải những thứ của cải vật chất (Dan Ds 18:20)
Chúng ta phải tránh việc để cho những giá trị đời nầy thành ra của riêng mình. Chúng ta cần phải phó giao khả năng chi tiêu của mình cho Chúa Jesus và để Ngài cai trị lãnh vực đó. Nếu lòng bạn cam kết vâng lời Chúa, Ngài có thể phán bảo và cất đi những dục vọng tự nhiên đang chi phối bạn.
3. Hãy tránh ganh tỵ với người khác và sống thỏa lòng
Kinh Thánh không bảo chúng ta tránh sự giàu có hay sự nghèo thiếu. Song chúng ta được Kinh Thánh dạy hãy thỏa lòng. Kinh Thánh dạy chúng ta đừng so sánh tất cả những gì mình có với người khác, cũng đừng thèm muốn điều họ có.
Chúng ta làm thế nào để vượt thắng trong lãnh vực nầy? Liều thuốc giải độc chữa chứng ganh tỵ là hãy tin cậy tuyệt đối vào sự công bình của Đức Chúa Trời. Hãy lấy Kinh Thánh và thực hiện việc nghiên cứu Lời Chúa về sự công bình của Ngài. Hãy để lẽ thật nầy dầm thấm lòng bạn và ảnh hưởng đến mọi việc bạn nhìn thấy. Ngài là công bình, và Ngài sẽ ban phước cho bạn, nếu không phải về mặt tài chính trong đời nầy, thì chắc chắn bằng những cách khác, và cả cõi đời đời. Ngài không hề hứa rằng chúng ta sẽ có sự bằng nhau về của cải cũng như sự cung ứng trong đời nầy; mà Ngài chỉ hứa rằng chúng ta sẽ được chu cấp những gì chúng ta cần.
4. Cứ dâng cho Chúa, khi Ngài dẫn dắt bạn
Đường lối của Chúa trong Kinh Thánh không phải là bỏ qua các luật lệ hoặc các thứ thuế và dùng sức mạnh để phân phối lại của cải cho mọi người bằng nhau. Cũng không phải giữ những lời thề nguyện chịu khó nghèo, vậy bạn còn ban cho ai được nữa. Ý muốn của Ngài là những ai đã được Ngài ban phước hãy chia sẻ nó cách rộng rãi, theo ý muốn tự do của chính họ. Đây là ý muốn của Ngài dành cho bạn, nếu Ngài đã ban phước dồi dào cho bạn:
Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dự dật cho chúng ta được hưởng . Hãy răn bảo họ làm điều lành , làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của cải mình có, vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và vững bền cho mình, để được cầm lấy sự sống thật (ITi1Tm 6:17-19)

KHI CÔNG VIỆC KHÔNG KẾT QUẢ

Điều gì xảy ra khi bạn lắng nghe tiếng phán của Chúa, được thúc giục để vâng lời Ngài, mà tiền thì đã hết? Bạn cứ thấy mình xem đi xem lại thùng thư. Bạn cố gắng tập trung vào công việc, nhưng lúc nào bạn cũng chỉ có thể nghĩ đến một điều “Tại sao Chúa không chu cấp nhu cầu của tôi! Tôi đã làm điều Ngài bảo tôi hãy làm! Tại sao điều đó vẫn chưa kết quả?”
Đức Chúa Trời tuyệt đối thành tín, tức là Ngài không thể là bất cứ điều gì khác. Khi Ngài phán ra Lời Ngài, chắc chắn Ngài sẽ làm thành. Trừ phi…
Bạn biết không, những lời hứa của Chúa luôn luôn dựa vào những điều kiện đủ của chúng ta. Không bao giờ tự động. Chúng ta hãy xem xét một số vấn đề và tự hỏi chính mình trong suốt thời gian không có kết quả:
1. Tôi có yêu vật chất hơn là yêu Chúa không? (Chủ nghĩa vật chất)
Bạn không phải là một kẻ giàu có bủn xỉn thì mới yêu tiền bạc hoặc của cải vật chất. Không phải khi nào giàu thì bạn mới trở thành con người theo chủ nghĩa vật chất. Đây không phải là vấn đề bạn sở hữu bao nhiêu, mà là những của cải bạn sở hữu đã chi phối bạn nhiều chừng nào.
Tinh thần yêu chuộng vật chất len lỏi một cách tinh vi, từng chút một, ngay cả trong chức vụ trọn thì giờ, ngay cả vào trong các hội truyền giáo. Bạn nhìn thấy những nhu cầu trong công tác, bạn bắt đầu nhắm vào nhu cầu của công việc, và cuối cùng nhu cầu trở nên lớn hơn trọng tâm bạn đặt vào Chúa. Bạn trở thành một người theo chủ nghĩa vật chất hoàn toàn trong danh nghĩa của chức vụ.
Mat Mt 6:24 chép rằng “không ai được làm tôi hai chủ”. Bạn không thể làm tôi Chúa lẫn tiền bạc. Có một số các dấu hiệu cho thấy từ thâm sâu lòng bạn đổi hướng, bắt đầu làm tôi tiền bạc thay vì hầu việc Đức Chúa Trời.
Hãy tự hỏi chính mình:
* Khi tôi cầu nguyện hoặc nhóm chúng tôi cầu nguyện, có bao nhiêu thời gian cầu nguyện được dành ra cho nhu cầu tài chánh.
* Khi nhóm họp lại với những người khác để lập chương trình hoặc nhìn lại chức vụ, có bao nhiêu thời gian được dành ra để nói đến ngân sách và những cách để chúng ta nhận được nhiều tiền hơn?
Bất cứ điều gì giữ vị trí cao nhất trong lòng bạn tự nó sẽ bày tỏ ra. Lời Chúa phán rằng trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời, rồi mọi điều khác sẽ được Ngài ban cho thêm. Điều đó nghe như thể Chúa Jesus “đặt mọi điều khác” hầu như là chuyện tính sau. Đừng lo lắng về điều đó, Ngài phán hãy cứ làm công việc Chúa đang dẫn dắt con làm. Ngài sẽ lo cho các nhu cầu của con.
* Bạn thực hiện các quyết định của mình như thế nào? Bạn có cầu hỏi Chúa điều phải làm, rồi hỏi Ngài cách thực hiện nó không? Hay bạn xem xét lợi tức dự đoán được, rồi quyết định điều mình phải làm?
Khi bạn thực sự đặt Chúa Jesus là Chúa, bạn sẽ có những quyết định hoàn toàn khác với người chung quanh mình. Rất nhiều người hiện đang sống cho những thần tượng của cải vật chất. Không ai cho rằng bạn không bình thường nếu bạn dời từ vùng nầy đến vùng bên kia đất nước để tìm một công việc có mức lương cao hơn, thậm chí nếu như có nghĩa là bạn phải mang cả gia đình theo và bỏ lại bạn bè, hàng xóm thân quen và mọi điều bạn yêu mến.
Nhưng nếu bạn cho người khác biết bạn đang thay đổi vì muốn vâng lời Chúa, có thể bị trả lương giảm đi hoặc thậm chí bước vào chức vụ là nơi bạn không có thu nhập bảo đảm, chắc chắn bạn sẽ bị mọi người xem là con người kỳ quặc. Một số người thậm chí buộc tội bạn bắt đầu tham gia vào tà giáo hoặc sắp trở thành một người mất quân bình về tâm trí.
Khi bạn đe dọa các thần tượng của người ta, tự họ sẽ cảm thấy bị đe dọa. Những bạn hữu lâu năm của tôi là Graham và Treena Kerr đã rất giàu có và nổi tiếng ngay lúc mới tiếp nhận Chúa. Hẳn bạn còn nhớ Graham trong chương trình truyền hình của ông ta “The Galloping Gourmet”, khi họ tin Chúa, Chúa bảo họ hãy từ bỏ tất cả và họ đã thực hiện điều đó, hàng triệu Mỹ kim. Họ là những viên quan trẻ tuổi giàu có đã vâng lời Chúa.
Điều đáng ngạc nhiên là sự chỉ trích họ nhận được từ những Cơ Đốc nhân vì cớ sự vâng lời của mình. Một số người đã kết tội họ là những người quản lý không tốt. Họ bảo hai ông đáng lẽ phải đầu tư số tiền ấy, để có thể tiếp tục dâng nhiều nữa cho nước Đức Chúa Trời.
Những phản ứng như vậy cho thấy các giá trị thật của người ta nằm ở đâu. Giống như các môn đồ khi thấy người đàn bà đập chai dầu đắt tiền để xức chân Chúa Jesus, họ đã bảo “Số tiền đó đáng ra phải được dùng vào việc tốt hơn!”.
Chúng ta không nghe nhiều bài giảng chống lại việc thờ hình tượng cho lắm, dầu vậy Kinh Thánh nói nhiều về tội này hơn bất cứ tội nào. Ba trong bốn điều đầu tiên của mười điều răn: Điều thứ nhất, thứ ba và thứ tư, có liên hệ tổng quát đến tội này, nhưng điều răn thứ nhì liên hệ đến tội nầy một cách đặc biệt. Dầu vậy, chúng ta cần có sự hiểu biết mới về việc thờ hình tượng trong Hội thánh Chúa. Thờ hình tượng không chỉ là việc một người ngoại cúi đầu thờ lạy trước một ảnh tượng. Thờ hình tượng chỉ đơn giản là sống cho một điều gì đó cao hơn Chúa. Chỉ một mình Ngài xứng đáng với sự hứa nguyện cao cả nhất của chúng ta, với sự tận hiến và thờ phượng tối thượng của chúng ta.
Vậy, nếu thấy mình không có tiền, thưa với Chúa xem có phải Ngài đang tỏ cho bạn thấy tiền bạc đang trở thành quá quan trọng đối với bạn. Điều đó không làm cho bạn thấy mình bị định tội. Chúa không định tội bạn đâu, nhưng Ngài thật sự muốn tỉa sửa chúng ta và kêu gọi chúng ta đến chỗ ăn năn. Ngay cả trong sự tỉa sửa, Ngài vẫn dịu dàng và đầy lòng tha thứ. Ngài yêu bạn và muốn thấy bạn có một lối sống giúp bạn vui mừng và trọn vẹn. Nhưng Ngài biết đời sống ấy chỉ đến khi bạn đặt Ngài đứng hàng đầu trong mọi lãnh vực. Bởi vậy, vì yêu bạn Ngài có thể ngăn tiền bạc lại cho đến khi nào bạn biết đặt đúng các giá trị ưu tiên của mình.
2. Có phải tôi đã đi sai ý muốn của Chúa
Đây là một vấn đề rất rõ ràng, nhưng thường bị bỏ qua.
Điều gì xảy ra nếu người chủ một trạm phục vụ đi vắng trong một kỳ nghỉ dài hạn, và đặt bạn coi sóc công việc. Ông dặn dò bạn những gì phải làm: bơm xăng cho các khách hàng, thay dầu cho họ và làm các công việc sửa chữa đơn giản cho xe ô tô của họ. Song, sau khi ông đã đi, bạn nẩy ra một ý tưởng mới, Tại sao không mở một khu vực phục vụ ăn uống trong trạm nhỉ?
Không bao lâu sau đó, khi đang bận rộn bán xúc xích nóng kẹp trong bánh mì, bánh rán và múc những muỗng kem hình chóp…cho khách. Điều rắc rối bây giờ là không có đủ người phục vụ, và những người cần các dịch vụ cho Ô tô cứ phải đợi, đợi mãi và cuối cùng đã bỏ đi trong sự phẫn nộ. Mặc dù bạn bán rất nhiều bánh mì kẹp xúc xích nóng, tổng thu nhập vẫn giảm và bạn không thể chi trả nổi cho công ty cung cấp xăng dầu và cuối cùng bạn phải đóng cửa các máy bơm xăng.
Khi người chủ trở về, mức thâm hụt của bạn tăng lên, đẩy bạn vào những rắc rối nghiêm trọng về tài chánh. Bạn xin ông chủ cho thêm vốn để gỡ mình ra khỏi những rắc rối nầy, nhưng ông ta từ chối. Vì sao vậy? Bởi vì ông là chủ trạm phục vụ đó và không hề cho phép bạn được quyền bán bánh mì xúc xích, chỉ được bán xăng dầu mà thôi. Ông chủ sẽ không khôn ngoan nếu trả thay cho hành vi liều lĩnh, tự phụ của bạn phải không?
Đức Chúa Trời cũng sẽ không khôn ngoan nếu Ngài đơn sơ bảo hiểm cho tất cả những ước muốn và ý định viễn vông mà người ta thực hiện dưới danh nghĩa của Ngài. Có một sự khác biệt lớn giữa đức tin và tính liều lĩnh tự phụ. Đức tin đặt trên nền tảng của việc lắng nghe tiếng Chúa và làm điều Ngài phán bảo. Còn sự liều lĩnh tự phụ có thể thấy như thuộc linh ngoài mặt, có lẽ bạn “đang làm một điều gì đó cho Chúa”, song thật ra, bạn làm vì chính mình và không cầu hỏi ý Chúa.
3. Tôi có đang mắc nợ không?
“Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về tình yêu thương nhau mà thôi…” (RoRm 13:8)
Nợ nần có thể là lý do khiến bạn gặp khó khăn về tài chánh. Đức Chúa Trời vì lòng yêu thương, Ngài đã cầm giữ các nguồn tài chánh của bạn lại cho đến khi nào bạn dàn xếp đúng đắn các vấn đề và học tập cách sống có trách nhiệm trong sự cung ứng Ngài dành cho bạn.
Như vậy, có nghĩa là tất cả việc vay mượn đều sai? Nếu chúng ta không được mắc nợ ai chi hết, thì chúng ta có được mua nhà cửa, xe cộ bằng hợp đồng thế chấp (trả góp), bằng cách thanh toán dần không?
Có hai chủ nghĩa cực đoan khi tiếp cận với Kinh Thánh: một là tinh thần luật pháp và phần kia là chủ nghĩa tự do. Kinh Thánh đặt ra những chân lý tuyệt đối, như: Mười Điều Răn và lời công bố của Chúa Jesus rằng ngoài Ngài không ai được đến cùng Đức Chúa Trời. Chủ nghĩa tự do lấy những chân lý tuyệt đối của Kinh Thánh và làm cho nó thành ra những lẽ thật tương đối, bảo rằng, phải, Chúa Jesus là một con đường dẫn đến Đức Chúa Trời, nhưng Phật cũng là một con đường khác nữa.
Có những nguyên tắc khác trong Kinh Thánh là những lẽ thật tương đối, tức là những nguyên tắc có liên quan đến môi trường và văn hóa như lời khuyên răn trong ICo1Cr 11:14 nói về việc những người đàn ông không được để tóc dài. Một số người đọc câu Kinh Thánh đó bèn giữ theo tinh thần luật pháp, làm cho một nguyên tắc tương đối của Kinh Thánh thành ra một luật lệ tuyệt đối. Nhưng nếu Đức Chúa Trời cấm đàn ông để tóc dài, thì Ngài cũng không đồng ý với Samson, Giăng Báp tít và tất cả những người Nazarét khác có lời thề nguyện sao?
Tương tự như vậy, nếu lời nghiêm khuyến “đừng mắc nợ ai” trong RoRm 13:8 là một nguyên tắc tuyệt đối của Kinh Thánh, thì tại sao Kinh Thánh chép rằng hãy cho kẻ nghèo vay trong PhuDnl 15:8. Nếu kẻ nghèo đó bằng lòng mượn số tiền bạn cho vay, có phải người nghèo ấy đã không vâng lời Chúa?
Điều Chúa dạy chúng ta trong RoRm 13:8 vẫn phải được áp dụng cho thời nay, hiện vẫn phù hợp với các bổn phận của chúng ta. Phải khôn ngoan trong lĩnh vực tài chính, chỉ mượn những gì bạn có hy vọng một cách hợp lý rằng mình có thể trả nỗi mà thôi, và chỉ vay mượn để mua các món có tính cách vô tư không có lãi, là món bạn có thể bán lại để trả nợ nếu như bạn không thể thỏa đáp bổn phận của mình. Đó là sự sáng suốt về lãnh vực tài chánh.
Nói khác đi, mượn tiền để mua một chiếc xe, nhưng đừng ngã vào chiếc bẫy vay mượn để mua đồ ăn hoặc những thứ ám ảnh chúng ta, chơi trò may rủi với tương lai của mình. Tôi không bảo rằng bạn đừng bao giờ sử dụng thẻ tín dụng. Nếu bạn có thể giữ được mức sống hiện tại mà không tích lũy số nợ vượt quá khả năng chi trả của bạn, thì vẫn không bất tuân lời khuyến cáo chớ mắc nợ ai.
Cũng có những sự áp dụng khác nữa dành cho nguyên tắc đừng mắc nợ ai nầy, những lý do khác về vấn đề tại sao bạn không nhận được sự cung ứng tài chánh từ nơi Chúa. Bạn có thể mắc nợ một người nào đó vì đã lừa dối người ấy, lấy trộm của người ấy hoặc làm tổn thương người ấy bằng cách nào đó. Có thể bạn đang mắc nợ chính phủ vì đã trốn thuế thu nhập. Và không phải vì những điều đó đã xảy ra trước khi bạn tin Chúa nên bạn được miễn trừ việc bắt buộc phải bồi hoàn đâu.
Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi đánh cắp chiếc xe của bạn, đem sơn lại, rồi bắt đầu lái đi đây đó? Một thời gian ngắn sau đó, tôi tin Chúa, trở thành một Cơ Đốc nhân, nhưng tôi vẫn đang lái chiếc xe của bạn chỉ có màu là khác thôi. Ngày kia bạn nhìn nó kỹ hơn và nhận ra một vết móp nhỏ bên phải tấm chắn nơi bánh xe sau và một vết cắt nơi kính chắn gió. Bạn chất vấn tôi “Này, anh đang lái chiếc xe của tôi!”. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi trả lời “Ô, người anh em, tôi đã lấy cắp chiếc xe của bạn trước khi tôi tin Chúa Jesus. Nhưng điều đó đã được huyết Chúa bôi xóa hết rồi!”
Hẳn bạn sẽ không để tôi yên với lời biện hộ như thế và Chúa cũng vậy. Có thể Ngài còn đang giữ lại sự trợ cấp về mặt tài chánh dành cho bạn là vì muốn chờ đợi bạn vâng theo sự thôi thúc trong lương tâm mà sửa ngay lại những sai phạm đã qua.
4. Bạn có luôn dâng phần mười không?
Sách Malachi đoạn 3 tuyên bố rằng chúng ta đang ăn trộm Đức Chúa Trời nếu chúng ta không dâng một phần mười thu nhập của mình đều đặn. Nếu chúng ta vâng lời Ngài và bắt đầu dâng phần mười, Chúa hứa trong MaMl 3:11 “Ta sẽ vì các ngươi ngăn cấm kẻ cắn nuốt, nó sẽ không phá hại bông trái của đất ngươi và những cây nho các ngươi trồng trong đồng ruộng cũng sẽ không rụng trái…” Nếu nguồn tài chánh của bạn đang bị phá hủy, có thể là vì bạn không chuyên tâm vâng lời Chúa trong lãnh vực nầy.
5. Tôi có rộng rãi không?
Tính rộng rãi thường bắt đầu sau khi bạn đã dâng các khoản phần mười. Nếu bạn gặp phải một sự thiến thốn tài chính nghiêm trọng, lâu năm thì có thể là bạn đang nhận giống như cách bạn thường cho ra, nghĩa là yếu ớt và chậm chạp, thay vì hào phóng và sốt sắng, khi được Thánh Linh dẫn dắt. IICo 2Cr 9:6 cho chúng ta biết rằng “Hễ ai gieo ít thì gặt ít…”
Khi bạn thấy mình thiếu thốn tài chánh, hãy cầu hỏi Chúa tỏ cho bạn biết phải dâng như thế nào. Có thể Ngài sẽ ban cho bạn tiền bạc, yêu cầu bạn hãy dâng đi, có thể là nhiều lần, trước khi Ngài ban cho bạn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của chính bạn. Hoặc có thể bạn sẽ được Ngài dẫn dắt để cho đi những thứ mình yêu thích, để phá vỡ tính tham lam nào đó qua trận chiến thuộc linh. Trong bất cứ tình huống nào, chỉ có hoạt động ngược lại Satan mới chống trả được nó mà thôi. Nếu bạn cầu nguyện chống lại ma quỷ và sự thao túng tài chánh của nó đối với công việc Chúa thì ắt hẳn cần thiết phá hủy tinh thần tham lam đó bằng hành động rộng rãi về phía bạn.
Jose và Rosana Lisle là hai thành viên YWAM người Achentina ra đi để bắt đầu một chức vụ ở tại Resistencia, một khu vực rất nghèo thuộc đất nước họ. Khi hai người đến nơi, họ bị sốc trước điều kiện sống tại đó. Những đứa trẻ nghèo đói đến trước cửa nhà họ, van xin đồ ăn và họ đã san sẻ bất cứ thứ gì họ có. Nhưng họ cũng đang gặp khó khăn để nuôi ba đứa con của mình, gia đình họ gồm năm người chỉ nhận được số tiền tương đương với 20 mỹ kim cấp dưỡng hàng tháng.
Người Áchentina rất thích ăn thức ăn nướng vào Chúa nhật. Vào một ngày Chúa nhật tháng tư, khi gia đình Listes đang từ nhà thờ trở về nhà, họ nghe thấy có mùi thịt nấu nướng trong sân của ai đó.
“Bố!”, một trong mấy đứa con của họ kêu lên “Con thích ăn thịt nướng! Con muốn ăn thịt!”. Mẹ em, bà Rosana bật khóc, còn Jose thì cảm thấy hoàn toàn bất lực. Họ đã cạn hết tiền và hầu như không còn gì trong nhà để ăn.
Sau khi đã bước vào nhà, chợt có tiếng gõ cửa. Một cậu bé chín tuổi thường đến xin thức ăn. Bây giờ nó lại đứng đó với hai đứa em trai, cầu xin sự cứu giúp của họ.
Họ làm gì bây giờ?
Thế rồi Rosana nghĩ đến câu chuyện Chúa nuôi 5.000 người bằng phần ăn trưa của một cậu bé. Bà và ông Jose lục tìm trong tủ thức ăn. Tất cả những gì họ tìm được là bốn gói đậu lăng, mỗi gói nửa ký lô. Họ cho tất cả vào nồi, sau đó mời một người hàng xóm chuẩn bị một danh sách các cháu nghèo nhất. Có được 36 cháu. Ông Jose và bà Rosana mời tất cả các cháu đến ăn,và bằng cách nào đó Đức Chúa Trời đã làm cho nhiều lên, từng vá này sang vá khác.
Từ đó trở đi, họ bắt đầu nuôi những đứa bé này hàng ngày. Mỗi ngày có một phép lạ, và trong suốt nhiều tháng cho đến bây giờ, không bao giờ họ bỏ sót, dầu chỉ một ngày. Số các em thêm lên, hàng ngày họ nuôi 100 đứa trẻ cộng với một số các bà mẹ và số cấp dưỡng cố định của họ đã tăng thêm phần nào. Bấy giờ họ nhận 60 mỹ kim một tháng. Số ấy còn kém xa quá so với nhu cầu của công việc hiện tại.
Khi người ta hỏi ông Jose đã thực hiện điều này bằng cách nào, ông chỉ nhún vai và mỉm cười “Tôi cũng không biết bằng cách nào…chúng tôi chỉ thực hiện!”. Họ xin các nông gia sản phẩm, đến gặp các nhà buôn để xin lương thực thừa. Một lần nọ có người thợ săn đã đem đến cho họ một số chim bồ câu…ông Jose bắt chước các đứa trẻ liếm các ngón tay sau bữa tiệc. Mỗi ngày một khác, nhưng Đức Chúa Trời không hề thất tín trong việc chu cấp cho họ.
Đừng bao giờ nghĩ rằng bởi vì bạn đang trong chức vụ, bạn được miễn khỏi việc dâng hiến. Mọi Cơ Đốc nhân đều phải dâng. Dâng hiến có thể là điều mấu chốt đối với việc thông thoát trong lãnh vực tài chánh của bạn.
Cũng vậy, khi bạn đang tin cậy Chúa cung ứng hàng ngày, hãy tránh cái bẫy của cách suy nghĩ nghèo thiếu. Hãy rộng rãi, hãy đi ăn nhà hàng bất cứ khi nào có thể được. Điều đó không tạo ra sự khác biệt nếu người nhận ra sự rộng rãi của bạn có một thu nhập với sáu con số (tức là 100.000 hoặc hơn). Bạn là người đại diện cho Vua Thiên Đàng.
6. Tôi có biết ơn Chúa về sự chu cấp của Ngài không
Đức Chúa Trời xem việc hình thành bổn tánh của Ngài trong chúng ta là quan trọng nhất. Chúng ta chăm vào các nhu cầu của mình mặc dầu Ngài luôn luôn có khả năng để cung ứng dồi dào. Ngài có thể làm cho chúng ta như Ngài đã làm cho Êli, nghĩa là sai chim quạ mang bánh nướng cho chúng ta giữa đồng vắng, với các thiên sứ đứng bên cạnh phục vụ và hỏi “Có cần thêm sốt không, thưa ngài?” Tuy nhiên, Đức Chúa Trời quan tâm đến việc thay đổi để chúng ta mang lấy bổn tánh Ngài hơn việc cung cấp thức ăn. Lòng biết ơn đối với những gì Ngài ban cho là một phần lớn trong việc học biết các đường lối và bổn tánh Ngài.
Trong thời Cựu ước, người Lêvi đã ăn các của lễ dân chúng mang đến đền thờ, song các của lễ vẫn được xem là thánh. Trong LeLv 22:2, các thầy tế lễ được truyền “Đối với các lễ vật thánh, người Ysơraên đem dâng cho ta, các ngươi phải rất thận trọng. (sự nhấn mạnh được thêm vào)
Khi dân sự ngày nay dâng hiến cho công việc Chúa, chúng ta cũng phải xem các của dâng đó là thánh và biệt riêng ra. Khi rõ ràng có người đã không dâng điều tốt nhất của họ cho công việc Chúa, thì thật khó xem đó là thánh.
Câu chuyện kia kể về một nhà Truyền đạo nhận được một thùng táo từ một trong những tín hữu của ông. Về sau, khi có người hỏi gia đình ông đã thưởng thức những trái táo đó như thế nào, ông truyền đạo trả lời: “Chúng thật vừa đúng! Nếu chúng tốt hơn một chút, anh đã không cho chúng tôi, và nếu nó tệ hơn một chút, chúng tôi lại không thể ăn được!”
Dầu vậy, nói nghiêm túc có những lúc lòng biết ơn của chúng ta được chính Chúa thử thách. Trong bước đầu mở mang Trường Đại Học cho các dân tộc tại Kona, Hawaii, có những lúc thật eo hẹp về tài chánh. Một trong những lần đó, chúng tôi đã ăn cá Máclin hàng ngày trong suốt ba tháng. Chúa dùng món quà của một số ngư dân để tiếp trợ cho chúng tôi. Bạn không thể tưởng tượng cách phục vụ món cá Máclin mà các đầu bếp của chúng tôi đã nghĩ ra! Cá Máclin nướng, cá Máclin chiên, các Máclin xay với gạo, món bún cá Máclin thậm chí chả cá Máclin và món cá Máclin của người Mexico nấu với ớt, rất được ưa thích. Chúng tôi đã có thể hoàn toàn thông cảm với người dân Ysơraên, là những người đã chán chê mana.
Sau đó chúng tôi không còn ăn như vậy nữa. Nhưng chắc hẳn phải có điều gì trục trặc nếu như mười lăm năm sau chúng tôi vẫn còn ăn cá Máclin…trừ phi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng tôi phải sống như vậy vì một lý do đặc biệt nào đó. Những ngày ăn cá Máclin là những ngày đi tiên phong, và các ơn phước thuộc linh của những ngày đó là những bữa tiệc thật sự. Niềm vui mừng của chúng tôi đã trở thành điều Chúa Jesus đang thực hiện giữa vòng chúng tôi, vấn đề là Ngài đang phán và đang dẫn dắt như thế nào, chứ không phải những gì thấy trên các đĩa thức ăn khi ngồi vào bàn.
7. Tôi có trung tín trong những điều nhỏ không?
Câu chuyện về các ta lâng của Chúa Jesus trong Mathiơ 25 là một trong những đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất có liên quan đến vấn đề tài chánh. Hai người đầy tớ đầu tư vốn của mình cách khôn ngoan đã được cho thêm. Còn người đầy tớ không chịu đầu tư, đã bị cất mất ngay cả số vốn nhỏ bé của ông. Người chủ phán cùng hai người đầy tớ biết làm lợi rằng “Được lắm…ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi coi sóc nhiều” (câu 23)
Nguyên tắc trung tín trong những việc nhỏ trước khi chúng ta được giao trách nhiệm coi sóc nhiều hơn đó, được lập đi lập lại trong nhiều lãnh vực của đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời bởi sự thành tín của Ngài sẽ không đưa chúng ta đến sự thử nghiệm tiền bạc dư dật cho đến khi nào chúng ta trung tín với những đồng tiền nhỏ. Chúa đã hỏi trong Kinh Thánh “Vì ai là kẻ dám khinh dể những việc nhỏ thực hiện trong ngày khởi công?” (XaDr 4:10). Chúng ta không coi thường những bắt đầu nhỏ nhoi. Chúng ta phải trung tín trong những việc đó. Bất cứ những dự án hoặc mục tiêu lớn lao nào Ngài đặt vào lòng chúng ta để thực hiện, Ngài sẽ không đưa ra cho đến khi nào chúng ta vượt qua được những thử nghiệm trong ngày của những việc nhỏ.
Tôi đã học được nguyên tắc trung tín ngay thật trong những việc nhỏ, khi chúng tôi đang tin cậy Chúa cung ứng tài chánh để mua khu đất đầu tiên tại Thụy sĩ.
Chúng tôi đã hoạch định một buổi nhóm cầu nguyện đặc biệt và một kỳ dâng hiến giữa chúng tôi với nhau để có tiền đặt cọc cho khách sạn. Buổi chiều trước kỳ dâng hiến, tôi đang ở khu phố Lausanne, xem qua các Gian Hàng Mới. Mắt tôi bắt gặp các bộ đồ thể thao đẹp, có ghi giá tiền hạ đến mức chỉ tương đương với giá 20 mỹ kim một bộ! Mỗi buổi sáng tôi đều tập chạy trong những chiếc quần đã sờn cũ, trong khi những người Thụy sĩ chạy ngang tôi thật đẹp đẽ trong bộ đồ của họ, tôi đã ao ước có một bộ đồ chạy phù hợp hơn.
Một ý tưởng dấy lên trong tâm trí tôi khi đang đứng tại cửa hàng: Tốt hơn hãy mua một bộ hôm nay khi mình đang có 20$. Ngày mai, trong buổi cầu nguyện biết đâu Chúa sẽ bảo mình dâng tất cả số tiền mình có.
Đấy mình đã mua rồi, tôi nghĩ trong lúc bước ra khỏi cửa hàng, với chiếc túi kẹp dưới nách. Thậm chí buổi chiều hôm ấy tôi còn tập chạy để xác định quyền sở hữu của mình trong bộ đồ thể thao.
Hôm sau khi đang ngồi phía trước hội trường. Tôi hướng dẫn buổi cầu nguyện, như thường lệ, sau đó bảo mọi người hãy chờ đợi Chúa và làm bất cứ điều gì Ngài phán bảo họ làm. Trong không khí yên lặng của căn phòng. Chúa đã phán vào tâm trí tôi:
“Ta không thể cho con 60.000 $ để mua khách sạn đó, Loren à”
“Nhưng lạy Chúa, vì sao vậy?”
“Bởi vì ta không thể tin cậy ngươi, thậm chí với 20$”
Lòng tôi tan vỡ ngay lúc ấy khi nhìn thấy sự cứng cỏi của mình. Đó đúng là 20$ của tôi, nhưng tôi đã vội vàng tiêu đi e rằng Chúa hẳn sẽ bảo tôi dâng trong buổi dâng hiến. Tôi liền đứng dậy và xưng ra trước các nhân sự và học viên điều tôi đã làm, sau đó cầu nguyện xin Chúa tha thứ.
Nếu như lúc đó, tôi cầu xin Chúa mua bộ đồ thể thao, thì liệu Chúa có cho tôi không? Có thể có. Nhưng tôi đã không trung tín đủ để cầu hỏi Ngài. Dầu vậy, bởi lòng thương xót, Ngài đã tha thứ cho tôi. Y như tôi đã đoán trước, Ngài yêu cầu Darlene và tôi dâng mọi điều chúng tôi có trong kỳ dâng hiến đó, kể cả số tài khoản ngân hàng, và đất đai cho thuê chúng tôi có tại California, đó là tiền dự trữ của chúng tôi. Tôi đã đề cập ở phần trước về các bước vâng lời khác mà chúng tôi đã bước và thế nào số còn lại trong tổng số 60.000$ đã đến qua đường bưu điện vào hạn chót của chúng tôi.
8. Có phải tôi chưa vâng theo bất cứ điều gì Ngài phán bảo tôi?
Trước kia, khi một chiếc tàu lửa bị trật đường ray, các kỹ sư phải kéo chiếc tàu lui trở lại điểm nó trật đường ray trước khi có thể chạy lại được. Họ không thể nào tự nhấc nó bằng một chiếc cần cẩu và đặt nó trở lại chỗ nó nằm. Đôi khi việc thiếu hụt tài chánh có thể là một dấu hiệu của Chúa cho biết chúng ta đang trật đường ray ở chỗ nào đó. Thật sửng sốt biết bao khi chúng ta lưu tâm đến những điều bỏ túi mà lại bỏ lơ những tiếng kèn lanh lảnh của lương tâm. Đức Chúa Trời biết rõ điều đó, và vì tình yêu và lòng thương xót đối với chúng ta, nhiều khi Ngài đã chận nguồn tiếp trợ lại cho đến khi nào chúng ta biết tìm kiếm Ngài và ăn năn.
Trong Kinh Thánh, sự không vâng lời có liên kết với sự vô tín. HeDt 3:18 có chép rằng con cái Ysơraên đã không được phép vào Đất Hứa vì cớ sự không vâng lời của họ. Và trong câu kế tiếp 3:19 chép rằng: “Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì họ không tin”. Sự không vâng lời tự nhiên dẫn đến lòng vô tín. Một người vô thần là một người vô thần bởi vì người ấy không vâng theo lẽ thật đã được mặc khải trong quá khứ. Nếu người ấy không chịu ăn năn và bắt đầu vâng lời Chúa, người ấy không thể có đức tin được.
Có lẽ việc nhận biết lòng vô tín còn khó khăn hơn nữa đối với Cơ Đốc Nhân chúng ta. Có lẽ chúng ta tự nhủ:”Ôi, nhưng tôi tin Chúa mà. Tôi tin Lời Ngài”. Nhưng khó để bạn có đức tin nơi Chúa trong những việc cụ thể, điều đang xảy ra ngay ngày hôm nay? Đối với bạn ư? Có thể lòng vô tín xuất phát từ chỗ không vâng lời là nan đề của bạn.
9. Tôi có cầu xin Chúa chu cấp nhu cầu của mình chưa?
Điều đó có lẽ quá hiển nhiên, phải không? Nhưng bạn có xin Chúa đáp ứng các nhu cầu của bạn chưa? Gia Gc 4:2 chép rằng “Anh em chưa nhận lãnh được, vì chưa cầu xin Đức Chúa Trời”. Nhiều lúc chúng ta coi như Chúa biết rõ tất cả các nhu cầu của mình, và cứ đợi Ngài chu cấp. Có thể ngài đang chờ đợi một điều gì đó thật đơn giản như lời cầu xin của chúng ta. Bạn cũng không bị bắt buộc phải dành ra mười ngày cầu nguyện kiêng ăn để xin Ngài. Chỉ hãy xin Ngài.
10. Tôi đang quan tâm nhiều hơn đến sự dạy dỗ của Chúa hay nhu cầu của mình được đáp ứng.
Đó là điều quan trọng. Sau hơn ba mươi năm sống bằng những phương tiện cấp dưỡng mà mắt không thấy được, tôi có thể cho bạn biết rằng câu hỏi ấy không dễ trả lời. Tôi còn nhớ cảm giác của mình vào một thời điểm đặc biệt. Chúng tôi đang ở trong một tập thể YWAM, cầu nguyện xin Chúa mấy ngàn mỹ kim để tiếp tục thuê các phương tiện trường học. Chúng tôi đang thiếu hụt nghiêm trọng. Một số các học viên đóng học phí trễ, chúng tôi đã đi đến tình trạng phải mua các bữa ăn cho trường từng ngày một. Và cũng không còn các nguồn dự trữ có thể nhờ cậy vào.
Đang khi chúng tôi cầu nguyện, Joy Dawson là người cùng dạy học với chúng tôi, đứng lên và tuyên bố “Lạy Chúa, con xin Ngài đừng tiếp trợ tiền bạc chúng con cần đến cho đến khi nào mọi người trong chúng con đều học biết được điều Ngài đang muốn dạy dỗ chúng con!”. Tôi phải thừa nhận rằng vào giờ phút đó, tôi đành phải chấp nhận để cho một số các học viên chờ đợi để sau này học biết nhiều hơn về Chúa trong đời sống họ!
Lúc đó khoảng 9 giờ sáng khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện. Chúng tôi cứ ở trước mặt Chúa, cầu hỏi Ngài điều phải làm. Đức Thánh Linh bắt đầu cảm động, cáo trách một số lãnh vực chưa vâng lời, tỏ cho những người khác những bước vâng lời triệt để hơn phải làm. Buổi cầu nguyện tiếp tục cho đến 1g30 chiều.
Sau đó, Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng tôi thực hiện một buổi dâng hiến ngay giữa chúng tôi, mặc dầu lúc ấy chỉ có 60 học viên và một nhóm nhân sự. Giữa tập thể ấy, đã có 3.000 đồng Franc Thụy sĩ được dâng lên (tương đương với 700 Mỹ kim). Con số đó cộng với số Đức Chúa Trời mang đến từ bên ngoài hội truyền giáo đã đáp ứng đủ nhu cầu.
Điều đó xảy ra cách đây hai mươi mốt năm mà cho đến giờ này tôi vẫn phải neo chặt mình vào Chúa khi có những khủng hoảng về mặt tài chánh và nói với Ngài rằng “Con quan tâm đến việc học biết điều Ngài đang muốn dạy dỗ con hơn là để được đáp ứng các nhu cầu!”. Điều Chúa dạy dỗ chúng ta được ghi khắc vào trong tâm tánh chúng ta và sự hiểu biết của chúng ta về Ngài và đường lối của Ngài. Đó là những của cải trên trời trong Mat Mt 6:20 mà chúng ta phải chất chứa. Những của cải ấy không bao giờ bị cất lấy khỏi chúng ta. Hàng triệu triệu năm từ bây giờ cho đến đời đời, chúng ta sẽ vẫn phải sử dụng những nguyên tắc mà Chúa đang cố gắng dạy dỗ chúng ta ngày nay.
11. Có tội lỗi nào trong trại không?
Đây là câu mà bạn phải hỏi nếu bạn đang dẫn dắt một tập thể hoặc một tổ chức đang đối diện với nhu cầu chưa được giải quyết. Cụm từ “tội lỗi trong trại” đến từ câu chuyện được chép trong Giôsuê 7 về sự bại trận trước thành Ahi vì cớ tội lỗi của một người: Acan. Ahi được xem là một trận chiến dễ dàng, nhưng họ đã mất hết 36 người. Sau đó, Giôsuê sấp mặt xuống đất hỏi Chúa Vì sao Ngài lìa bỏ họ! Tấm lòng của vị đại tướng đã biến ra sờn não khi ông tưởng tượng và thưa lớn với Chúa mỗi một tai họa có thể thấy trước được “Ôi, chớ chi chúng tôi đã chọn phần ở lại bên kia sông Giôđanh”. Ông than khóc “Mọi người sẽ hay điều đó, sẽ vây chúng tôi và diệt chúng tôi!”
Đức Giêhôva bảo Giôsuê hãy đứng lên khỏi chỗ bụi bẩn và rằng đã có tội lỗi ở trong trại. Ngài sẽ tỏ rõ cho Giôsuê biết, không còn nghi ngờ gì cả, bằng một tiến trình vòng loại siêu nhiên, giới hạn đã thu hẹp dần vào đúng chi phái đó, rồi đúng gia đình đó, đúng chiếc trại và cuối cùng đúng ngay nhân vật đó: Acan.
Nếu bạn là một người lãnh đạo, bạn không phải thuê một thám tử hay mở một chiến dịch tình nghi, khi Chúa tỏ cho bạn rằng tội lỗi ở giữa các bạn đang làm cho Ngài phải giữ lại các ân phước, Ngài sẽ làm rõ điều đó bằng cách của Ngài.
Thường thì Ngài khiến chúng ta lưu ý bằng một tình huống “ơn phước pha trộn”, tương tự với điều Amốt mô tả trong đoạn 4 câu 7, nơi mưa rơi xuống trên thành nầy mà không rơi xuống trên thành kia.
Ở tại một trong các trung tâm YWAM rộng lớn của chúng tôi, nơi mỗi khu chung cư đều có ngân khoản riêng của mình, có một chung cư nọ cứ thiếu hụt từ tháng này qua tháng kia. Các nhà lãnh đạo đã cố gắng dự trữ các nhu cầu tốt hơn, và hoạch định cho các nhu cầu đó. Tuy nhiên, khu chung cư này không những liên tục bị mắc nợ tiền bạc mà còn phải chịu đựng những chuyện “không may” nữa. Có những sự đình trệ về máy móc và đủ thứ các nan đề.
Cuối cùng, những người lãnh đạo ngồi lại cầu nguyện và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Sau đó vấn đề đã được rõ: một nhân sự đã thú nhận anh đã có dính líu vào một mối quan hệ vô luân với một phụ nữ trẻ. Khi tội lỗi của anh đã được giải quyết, khu chung cư đó chẳng bao lâu đã hoạt động thông suốt và lại có dư dật tài chánh.
Thật quan trọng để biết rằng vấn đề này chỉ thích đáng nếu bạn đang giữ chức vụ lãnh đạo và tập thể đang chịu đựng những trở lực về tài chánh mà không thể giải thích khác được. Nhưng sẽ nguy hiểm vô cùng nếu mỗi khi tập thể gặp khó khăn về tài chánh, người ta lại nghi ngờ lẫn nhau.
Cũng vậy, hãy nhớ rằng sự cung ứng của Chúa dành cho bạn không phụ thuộc vào sự vâng lời của người khác mà là của bạn. Thậm chí nếu những người khác không vâng lời, song nếu bạn cứ trung tín và cứ vâng lời Ngài, Ngài sẽ tìm được cách đáp ứng cho nhu cầu của bạn.
12. Có phải tôi đang gặt lấy hậu quả của tội lỗi và quyết định sai lầm trong quá khứ?
Một lý do của những khó khăn tài chánh có thể bạn đang phải gặt hái những tội lỗi trong quá khứ. Mặc dầu Chúa tha thứ cho chúng ta khi chúng ta xưng nhận tội lỗi, nhiều lúc vẫn có những hậu quả tất nhiên mà chúng ta phải tiếp tục gặt lấy, đôi khi đến hàng năm. Trong 54 câu của Phục truyền đoạn 28, Kinh Thánh liệt kê những sự “rủa sả” hoặc những cách mà bạn phải gặt lấy do tội lỗi. Nhiều sự rủa sả được nhắc đến trong chương nầy là vấn đề tài chánh: “Cái giỏ của ngươi…mùa màng của đồng ruộng ngươi, lứa đẻ của bầy súc vật ngươi…đều sẽ bị rủa sả…”
Những sự rủa sả ấy được xây dựng nên. Đức Chúa Trời không góp phần đem những sự rủa sả đến trên bạn, nhưng chúng tự động xuất hiện, như hậu quả tất yếu của những hành vi cụ thể.
Tại sao Đức Chúa Trời lại dùng những sự rủa sả như vậy? Không phải Ngài là Đức Chúa Trời của tình yêu thương sao? Phải, Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương. Chính vì lòng yêu thương sâu nhiệm dành cho chúng ta mà Ngài đã gắn liền hậu quả với tội lỗi. Ngài biết rõ không gì làm chúng ta và người khác đau đớn nhiều bằng tội lỗi của chúng ta. Khi chúng ta phải sống với những hậu quả của tội lỗi mình, gặt hái những bông trái của chúng, thậm chí sau khi chúng ta đã tiếp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời, điều đó sẽ ghi khắc một nỗi oán ghét tội lỗi trong chúng ta.
Như có người đã từng nói, luật lệ mà không có hậu quả thì chỉ là lời khuyên. Khi chúng ta chịu đựng những hậu quả, chúng ta sẽ không có khả năng phạm tội theo cách ấy nữa.
Một khả năng khác nữa ấy là bạn đang đối diện với những hậu quả của các quyết định dại dột chứ không phải những quyết định tội lỗi. Bạn làm gì đây? Trong cả hai trường hợp, hãy xin mọi người cầu nguyện với bạn. Những sự rủa sả hoặc những hậu quả như vậy có thể được cất đi, được giảm nhẹ hoặc được rút ngắn bởi sự cầu thay của những người khác.
13. Tôi có đang làm việc chăm chỉ không?
Một vị mục sư trẻ tuổi đến gặp một vị mục sư lớn tuổi hơn, để xin lời khuyên về những nhu cầu tài chánh của chính mình và Hội thánh nhỏ bé của mình. Vị mục sư lớn tuổi bảo anh hãy thuật cho ông nghe về sinh hoạt trong một tuần lễ điển hình “Vâng, tôi có một hội chúng nhỏ, chỉ có năm hoặc sáu người lớn. Trước hết tôi chuẩn bị sứ điệp cho ngày Chúa nhật. Công việc ấy mất hết vài tiếng đồng hồ. Sau đó tôi thăm viếng chút đỉnh. Còn thường hầu hết là tôi chơi gôn và làm một số công việc khác vào những ngày còn lại trong tuần lễ”.
Vị mục sư lớn tuổi trả lời, “Anh thật sự được trả lương rất cao, nhưng Đức Chúa Trời đang trả cho anh theo giờ!”
Nói cách khác, hãy bận rộn. Làm việc cho Chúa hàm ý rằng bạn đang thật sự làm việc, và làm việc khó nhọc. Sống bằng những phương tiện cấp dưỡng không thấy được có nghĩa bạn phải là người có trách nhiệm nhất, phải làm việc siêng năng nhất trong mọi người.
Tính lười biếng cùng những tội lỗi có liên quan của sự tham lam và say sưa, bị Kinh Thánh lên án gay gắt. Dưới đây là một vài câu Kinh Thánh cần ghi nhớ:
Kẻ nào cày ruộng mình sẽ ăn bánh no nê
Còn ai theo kẻ biếng nhác sẽ được đầy sự nghèo khổ (ChCn 28:19)
Vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo
Còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách rưới (23:21)
Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa (IITe 2Tx 3:10)
Đức Chúa Trời đặt để trong mỗi người một sự khao khát muốn được hữu ích. Dĩ nhiên có những người không thể làm việc được, chúng ta nên bày tỏ lòng thương xót và giúp đỡ họ. Nhưng chúng ta không bao giờ được khuyến khích tính vô trách nhiệm. Hầu hết mọi người đều có thể được ban cho những công việc hữu ích để làm.
14. Tôi đã đụng đến sự vinh hiển của Chúa chăng?
Đây là một cụm từ trong Kinh Thánh có nghĩa giành lấy sự khen ngợi của Chúa và dâng tặng nó cho chính mình.
Đây là vấn đề trong ISu1Sb 29:11-12.
Hỡi Đức Giêhôva! Sự cao cả, quyền năng, vinh quang toàn thắng và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài . Đức Giêhôva ôi ! Nước thuộc về Ngài, Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật . Hoặc sự giàu có,hoặc sự vinh quang đều do Chúa mà đến, và Chúa quản trị trên muôn vật; quyền năng và thế lực ở nơi tay Chúa,khiến cho được tôn trọng và ban sức mạnh cho mọi người .
Thường có một mối nguy hiểm trong sự thành công trên mọi nẻo đường đời, kể cả trong chức vụ. Thay vì mọi sự chú tâm hướng về Chúa Jêsus, chúng ta lại dời đổi tinh vi vào chính mình là những người lãnh đạo. Những nan đề về tài chánh là một trong những cách Đức Chúa Trời dùng để báo hiệu rằng có điều gì đó đang sai trật.
15. Có phải tôi thường tự tin và kiêu hãnh chăng?
Một câu chuyện được kể về một tín đồ tận tụy bị kẹt trong một cơn lụt mà nước mỗi lúc một dâng cao. Anh từ chối việc được sơ tán. Anh ta nhất định phải chứng minh rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu anh. Nước lũ mỗi lúc lại càng dâng cao hơn, và người ấy đến lúc đã bị kẹt trên mái nhà mình, đang cầu nguyện xin Chúa một phép lạ. Ba lần những người cứu hộ dùng thuyền đến cứu, nhưng anh ta bảo họ hãy đi đi. Cuối cùng anh ta bị nước cuốn đi và chết chìm. Khi ra trình diện tại cửa thiên đàng, anh ta phẫn nộ.
“Lạy Chúa, vì sao Ngài không tôn trọng đức tin của con?”, anh đòi hỏi.Chúa trả lời “Ta đã ba lần đưa thuyền đến cứu con, nhưng con đã không chịu bước vào”.
Thông thường chúng ta đòi Chúa tiếp trợ một nhu cầu, nhưng lại từ chối sự trợ giúp khi Ngài gởi đến. Có lẽ chúng ta có một định kiến về cách thức Ngài phải đáp ứng nhu cầu đó. Có lẽ chúng ta không sẵn lòng hạ mình và xin người khác giúp đỡ trong chức vụ của mình. Có thể nói chúng ta muốn mình được gia thêm đức tin, nhưng thật ra chúng ta đang nói “Tôi không muốn nhờ cậy những người khác. Tôi muốn tự túc”.
Độc lập là một cá tánh đáng tôn trọng. Nhưng ưu điểm ấy cũng có thể trở thành một thứ tội. Satan đã cám dỗ Êva bằng cách khơi dậy ý muốn độc lập của bà. Con rắn hứa hẹn rằng “Ngươi sẽ nên giống như Đức Chúa Trời”
Đức Chúa Trời muốn chúng ta lệ thuộc vào Ngài và phụ thuộc vào nhau, chứ không đứng độc lập. Nếu bạn đang gặp rắc rối với thái độ muốn độc lập, Ngài có thể sử dụng những ngăn trở về tài chánh để cố gắng gây cho bạn sự lưu ý ấy.
16. Tôi có đang trông đợi sự trợ giúp nhu cầu nơi con người nhiều hơn là từ nơi Chúa không?
Kinh Thánh gọi đó là nhờ cậy vào “cánh tay xác thịt” (IISu 2Sb 32:8 hoặc Gie Gr 17:5). Đây có thể là một sự thay đổi từ từ theo năm tháng. Chúng ta bắt đầu với đức tin hoàn toàn đơn sơ, không một ý nghĩ tiền bạc sẽ từ đâu đến để cấp dưỡng trong chức vụ. Đức Chúa Trời bởi sự thành tín của Ngài đã dùng ai đó ban cho chúng ta. Khi khuôn mẫu nầy được lặp lại chúng ta dần dần chuyển dời sự lệ thuộc của mình từ Đức Chúa Trời sang một con người thường dâng giúp chúng ta. Một cách vô ý thức, thậm chí chúng ta trượt chân vào tình trạng truyền thông mang tính cách vận động, lôi kéo, “công tác gợi ý” hoặc sự nài xin không phải lẽ.
Có thể chúng ta không ngờ rằng mình đã dời chuyển lòng tin cậy đặt nơi Chúa vào con người, cho đến khi gặp nan đề về sự tiếp trợ…một vị ân nhân trung tín vẫn thường hậu thuẫn cho chúng ta bị mất việc làm, viết thư báo rằng ông không thể dâng giúp gì cho chúng ta được nữa. Hoặc một Hội thánh lâu nay vẫn thường trợ giúp, nay đã mất đi những mạnh thường quân của họ, họ chuyển đi xa, hoặc xóm giềng của họ đã thay đổi. Thế là chúng ta đối diện với sự thật lâu nay chúng ta đang nương cậy nơi con người chứ không phải nơi Chúa. Thật ra, ý tưởng tin cậy Chúa một lần nữa nghe có vẻ đáng sợ.
Đây là điểm tuyệt diệu của việc sống bằng đức tin. Chúng ta không bao giờ có thể quá xa rời khỏi sự lệ thuộc vào Chúa. Ngài có thể dùng nhu cầu tài chánh để khiến chúng ta phải lưu ý, đưa chúng ta đến chỗ lại nương cậy nơi Ngài.
17. Tôi có đang sợ hãi cho tương lai không?
Nhiều người bị cột trói bởi nỗi sợ hãi về tương lai đến nỗi họ không thể bước ra và vâng lời Đức Chúa Trời. Họ từ chối sự kêu gọi của Ngài và cứ ở trong chỗ không vâng lời.
Lo sợ về tương lai là một điều thật khủng khiếp, vì nó cứ gia tăng. Làm thế nào bạn biết được mình có đủ bảo hiểm, đủ tiền tiết kiệm? Bạn có đầu tư vào những điều hợp lý không? Bạn có bao giờ nghĩ đến mọi bất ngờ không? Kiểu bất ổn ấy cứ gia tăng lên mãi cho đến khi nó trở thành một sự trói buộc làm tê liệt.
Tình yêu thương trọn vẹn cất bỏ sự sợ hãi, theo IGi1Ga 4:18, chúng ta có thể đến với Chúa Jesus để được buông tha hoàn toàn khỏi sự sợ hãi.Chúng ta có thể tin cậy Ngài về tương lai của mình. Mọi chỗ nương dựa khác không hề an toàn. Bạn có đang đặt lòng tin nơi số tiền tiết kiệm không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như các chương trình liên bang hỗ trợ quỹ tiết kiệm của bạn bị phá sản? Điều gì sẽ xảy ra nếu như nền kinh tế thế giới bị suy sụp?
Dầu sao điều đó không phải là những tư tưởng bị cường điệu hóa. Trong những năm gần đây, chúng ta đã và đang chứng kiến những sự kiện kinh tế thay đổi rất nhanh, hoặc phất lên đột ngột, hoặc suy giảm nhanh chóng. Điều đó phần lớn do các hệ thống viễn thông đã được đưa vào máy tính làm việc nhanh chớp nhoáng, các hệ thống này liên kết với các trung tâm tài chính và thương mại trên từng lục địa. Một sự trục trặc về tài chánh có thể gây hoang mang trên phạm vi cả thế giới trong vòng vài phút. Nếu bạn đặt sự tin cậy vào các hệ thống của thế giới này, chúng sẽ làm bạn thất vọng. Nhưng Chúa Jesus là Đấng vĩ đại hơn cả thế giới mà Ngài đã dựng nên, vĩ đại hơn cả cõi vũ trụ mà Ngài đang nâng đỡ từng giây bởi “Lời có quyền phép” (HeDt 3:1-17).
Nếu bạn đang bị trói buộc vào nỗi lo sợ về tương lai thì đó là một lý do của sự thiếu hụt về tài chánh. Lời Chúa phán rằng “Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai… sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Mat Mt 6:34). Chúa không có ý nói rằng để dành tiền tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai là sai. Giôsép đã được kêu gọi để đưa đất nước Aicập vào một chương trình thâu trữ 20% cho tương lai. Hãy nghe tiếng Chúa và làm điều gì Ngài phán bảo bạn ngay cả nếu Ngài bảo bạn lấy tất cả số dự trữ của mình để thực hiện một công việc và hưởng thụ điều đó ngay hiện tại, hoặc bỏ nó vào ống tiền để dành của một người khác!

NẾU BẠN RỜI KHỎI MÉP BỜ?
Nếu bạn đang sống một đời sống đức tin, thì đời sống của bạn đặt nền tảng trên việc biết rõ Đức Chúa Trời là Đấng nào. Việc có đức tin nơi một người nào đó đặt cơ sở trên sự hiểu biết về tâm tánh người ấy, tức là biết rõ người ấy sẽ làm điều đã hứa. Đức Chúa Trời mà bạn đang hầu việc là Đấng ra sao? Đấng mà bạn đang nhờ cậy vì cớ các nhu cầu hàng ngày là ai? Một trong những điều mô tả đẹp đẽ nhất là Ngài như một người Cha, Ngài là Cha của bạn, một người Cha nhân từ, một người Cha tốt nhất trong vũ trụ nầy.
Những người cha tốt thường chu cấp cho con cái họ. Những người cha tốt cũng thường trả lời những câu hỏi của con cái. Khi có điều gì đó trục trặc, khi tiền bạc của bạn ngừng không đến nữa, hãy cứ đến gặp Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện và hỏi Ngài lý do nào đem đến sự tắc nghẽn?
Trong chương trước, chúng tôi đã đưa ra mười bảy lý do vì sao có sự tắc nghẽn ấy. Nếu bạn thấy mình không có tiền, thì có thể vì một trong những lý do đó. Hoặc vì điều gì khác. Bước đầu tiên là hãy xin Chúa cho bạn biết. ChCn 4:7 chép như vầy: “Tận dụng khả năng cho được thông sáng” (bản Diễn ý). Có quá nhiều người thất bại trong lãnh vực này. Họ tìm được sự chỉ dẫn từ nơi Đức Chúa Trời để làm một điều gì đó, nhưng công việc ấy không kết quả, họ bèn lảng đi xa xa mà không dừng lại để tìm xem vì sao. Lần kế tiếp họ cảm thấy một sự thách thức để làm một điều gì đó, họ cố gắng tin cậy Chúa và nhận trách nhiệm, nhưng họ không làm được. Những vấn đề không được giải đáp đã cướp mất đức tin của họ.
Sống bởi đức tin có nghĩa là bạn phải biết rõ lý do vì sao công việc không hiệu quả. Việc học tập để có đức tin từ nơi Chúa có nghĩa là phải đặt những câu hỏi. Đức Chúa Trời không bị hăm dọa bởi những thắc mắc hoặc những thất bại của chúng ta đâu. Chúng ta không làm Ngài ngạc nhiên vì sự kém hiểu biết của mình. Ngài hiểu chúng ta rõ hơn chính chúng ta hiểu mình. Ngài sẽ trả lời bất cứ câu hỏi thành thật nào và sẽ không tức giận vì chúng ta thắc mắc. Dâng những thắc mắc lên cho Chúa không có gì là sai trật cả.
Gióp chắc chắn đã không sợ khi chất vấn Đức Chúa Trời. Ông đã từng trãi những nan đề lớn lao về tài chánh, thêm vào đó là thảm cảnh mất tất cả con cái cùng với nỗi đau khổ của chứng bệnh làm suy nhược. Kinh Thánh chép rằng dầu trong tất cả mọi điều đó, Gióp không hề phạm tội bởi môi miệng mình. Và tuy nhiên, ông đã đặt những câu hỏi với Chúa, rất nhiều câu hỏi… những câu hỏi lớn tiếng.
Nếu bạn đã xem qua hết mười bảy mục trong chương trước mà vẫn không hiểu vì sao bạn đã “rơi khỏi bờ” về mặt tài chánh, hãy hỏi Chúa có phải bạn đang bị Satan cám dỗ hay không. Nếu như đó là điều Satan đang làm cho bạn, chứ không phải là điều chính bạn phải chịu trách nhiệm do mình, thì bạn có thể chống lại nó dễ dàng bằng uy quyền mà Chúa Jesus ban cho bạn là kẻ tin Ngài.
Hãy truyền cho ma quỷ lui khỏi bạn, theo Gia Gc 4:7. Sau đó hãy hỏi Chúa chỉ cho bạn cách đương đầu với những tấn công của Satan bằng cách phản ứng theo tinh thần ngược lại. Nếu Satan xúi giục bạn tham lam, hãy hỏi Chúa ai là người bạn có thể cho và cho những gì. Nếu Satan sử dụng sự sợ hãi, hãy cứ đứng vững trong đức tin và lòng yêu thương. Nếu hắn tấn công bạn bằng sự từ khước, hãy giữ lấy lòng tha thứ và chấp nhận người khác.
Bạn Làm Gì Cho Đến Khi Tiền Bạc Đến
Có một khả năng khác nếu bạn đang đối diện với một sự thao túng về mặt tài chánh. Có thể bạn đã làm mọi việc cách phải lẽ. Có thể Đức Chúa Trời thật sự đang phán với bạn, có thể bạn đã vâng theo đúng như lời Ngài, song tiền bạc vẫn không thấy đến. Có thể do Chính Chúa đang thử thách xem bạn có sẵn lòng trung tín với Ngài trong hoàn cảnh khó khăn không (PhuDnl 8:2)
Việc thử nghiệm luôn luôn đòi hỏi yếu tố thời gian. Sự cung ứng tài chánh của bạn có thể dường như bị trễ, nhưng Đức Chúa Trời có một thời khóa biểu khác. Hãy chờ đợi ngài, với sự nhận biết rằng sự thử thách đức tin sanh ra sự nhịn nhục (Gia Gc 1:3). Hãy nhất định không từ bỏ và rằng bạn sẽ chiến thắng bởi đức tin và nhờ cậy Chúa.
Trong khi đang chờ đợi Đức Chúa Trời cung ứng, hãy đếm lại những sự thành tín của Ngài đối với bạn từ những ngày quá khứ. Đó là một trong những lý do tốt nhất để ghi nhật ký đều đặn. Nếu bạn vẫn thường làm điều đó, hãy đọc lại nhật ký, đọc tất cả những lần bạn thấy Chúa đã can thiệp cho bạn. Nếu bạn không thường xuyên viết nhật ký, hãy tìm đến một người bạn hoặc người bạn đời của bạn và hỏi họ giúp bạn đếm lại tất cả những gì Chúa đã làm trong quá khứ. Hãy nhớ lại thời điểm ấy, lúc chúng ta hoàn toàn phá sản, cần phải có tiền để thanh toán các hóa đơn, và rồi số thu nhập bất ngờ đã đến, có đúng lúc không? Còn nhớ khi đứa con gái bé bỏng của chúng ta cần giải phẫu mà chúng ta không có bảo hiểm y tế, và những người lân cận đã quyết định trả tiền cho cuộc giải phẫu đó không?
Họ đã làm điều đó trong thời Cựu Ước. Khi đối diện với một trận chiến hoặc một khủng hoảng khác, người lãnh đạo nhắc dân sự nhớ những lần ra tay của Đức Chúa Trời. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh dành ra để kể lại những sự kiện đó. Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao Chúa cho phép sự lập lại chiếm nhiều chỗ như vậy? Tại sao chúng ta phải có những biến cố tương tự được lập lại trong Nêhêmi đoạn 9 là những điều đã được Kinh Thánh kể trong Xuất êdíptôký chương 14? Đức Chúa Trời muốn chỉ cho chúng ta cách để đắc thắng, cách để đương đầu với các trận chiến của mình và xây dựng đức tin trong lúc chờ đợi ngài can thiệp vào vì lợi ích của chúng ta.
Hãy cảm tạ Chúa vì đã chu cấp các nhu cầu của bạn trong quá khứ. Thường chúng ta chỉ chú ý đến sự cung ứng hàng ngày của Chúa khi điều đó dừng lại.
Trong lúc chờ đợi Đức Chúa Trời chu cấp, đừng đổ lỗi cho người khác vì sự thiếu thốn của bạn. Những người trách móc người khác không bao giờ có được câu trả lời thực sự. Họ cũng đánh mất niềm vui sống cho Chúa.
Cũng hãy tránh việc rơi vào bẫy so sánh số phận của mình với những người khác. Một người lãnh đạo YWAM kể lại một thời gian khi ông và gia đình ông phải trãi qua một sự thử thách gay go về mặt tài chánh. Lúc ấy họ đang trong một chương trình huấn luyện của YWAM. Họ để ý các học viên bạn của mình thì có tiền bạc dư dật, không những đủ để trả tiền học, mà còn có thể đi ăn ngoài và vui hưởng những bữa tiệc mà ông cùng gia đình mình không thể có được.
Người bạn của tôi kêu cầu cùng Chúa “Lạy Chúa vì sao vậy? Vì sao họ có quá nhiều tiền mà con thì thậm chí tiền để mua kem đánh răng cũng không có?”
Đức Chúa Trời trả lời ông thật dịu dàng “Con có thể dùng muối để đánh răng”
Nếu bạn mắc thói quen so sánh mình với người khác, bạn có thể quên mất điều Chúa đang muốn làm cho đời sống bạn vào một thời điểm đặc biệt. Người bạn của tôi đã học biết rằng Chúa đang đáp ứng những nhu cầu thật sự của anh. Anh ta đang trãi qua một giai đoạn nhất định của đời sống mình, một giai đoạn học tập, nương cậy nơi Chúa bằng một đường lối mới mẽ. Ngày nay, người bạn của tôi đang ở trong một giai đoạn chức vụ khác. Anh ta là một trong số những người lãnh đạo đếm trên đầu ngón tay giữ những trách nhiệm quan trọng nhất trong tổ chức Thanh Niên Sứ Mạng toàn cầu. Anh và gia đình đã đi khắp thế giới, chứng kiến sự chu cấp rộng rãi của Đức Chúa Trời.
Điều chúng ta thất bại khi so sánh chính mình với người khác đó là ai biết được mỗi người đang ở trong giai đoạn nào với Đức Chúa Trời. Có thể tôi đang bị thử thách trong một thời điểm, nhưng tôi không nên mong cho mọi người quanh tôi đều phải chịu thử thách vào cùng một thời điểm đó hoặc trong cùng lãnh vực đó. Nếu ai nấy đều sống y như nhau, thì không còn thử thách. Thử thách đến khi chúng ta thấy người khác lái xe hơi, còn mình thì chỉ có một chiếc xe đạp hoặc phải đi bộ.
Nhiều ơn phước trong những giai đoạn thiếu thốn về tài chánh không thể đến bằng bất cứ phương cách hoặc thời điểm nào khác. Bạn có thể học tập để được mạnh mẽ qua những thời điểm thiếu thốn. Bạn cũng học được cách để cảm thông với những người nghèo mà trước kia không bao giờ bạn có cơ hội để học.
Jean-Jacques Rousseau kể câu chuyện về một cô công chúa ngay trước cuộc Cách Mạng Pháp, Khi cô nghe hàng trăm ngàn người đang tham gia nổi loạn tại Paris, cô hỏi lý do vì sao.
Người ta cho cô biết “Thưa cô, vì họ không có bánh mì”
“Được rồi” cô trả lời “Vậy hãy cho họ ăn bánh Gatô”
Nhiều người giống như cô công chúa nầy, sống quá xa cách với mọi người bị cảnh thiếu thốn đến nỗi khó cảm thông với người ta được. Tôi không tin rằng cô công chúa này ngạo mạn. Nhưng cô không có ý niệm gì về việc những người nghèo đói chẳng có bánh ngọt lẫn bất cứ thứ gì để ăn.
Đức Chúa Trời có thể dùng những giai đoạn thiếu thốn tạm thời để làm sắc bén lòng quan tâm, lòng thương xót và sự cảm thông của chúng ta đối với những người thật sự nghèo đói trên thế gian này… vì hàng triệu người ngày nay đang chịu sự thiếu thốn gay gắt trong cuộc sống khốn khổ hàng ngày.
Một phước hạnh khác nữa trong những giai đoạn thiếu thốn đó là nhận ra sự khác biệt giữa những nhu cầu thật sự và những nhu cầu do cảm nhận. Cũng giống như bạn tôi than phiền về việc không có kem đánh răng, ông đã học được rằng có thể dùng muối để đánh răng. Khi chúng ta có ít, chúng ta có thể học tập cảm tạ Chúa vì mọi nhu cầu thực sự của chúng ta đã được đáp ứng.
Bạn cũng học được lẽ thật của Lời Chúa trong Luca 12:15; suốt thời gian thiếu hụt tài chánh, ở đây chép rằng đời sống người ta không phải cốt tại những gì mình có. Bạn học được rằng niềm vui của Ngài lớn lao hơn và không lệ thuộc vào tiền bạc. Habacúc đã học được bài học nầy cách đây nhiều thế kỷ:
Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho, cây ôlive không sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; Bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa . Dầu vậy tôi sẽ vui mừng trong Đức Giêhôva, tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi . (HaKb 3:17-18)
Khi không có tiền bạc, bạn có thể có được niềm vui sướng nhìn thấy Đức Chúa Trời cung ứng nhu cầu của bạn bằng những cách khác…
Shirley Alman cho tôi biết một thí dụ lạ lùng về sự Đức Chúa Trời nhân từ như thế nào trong một giai đoạn khó khăn. Bà và chồng, ông Wedge sống ở tại miền Nam nước Mỹ nơi ông đang giữ chức vụ Giám đốc YWAM của những người nói tiếng Tây ban nha trên phạm vi quốc tế. Sự việc Shirley chia xẻ đã cách đây vài năm khi họ vừa mới ra khỏi trường Kinh Thánh, đi mở mang một Hội thánh của người Hispanic thuộc Alamogordo, New Mexico.
Bà Shirley kể “Một ngày nọ các ngăn tủ thức ăn đều trống trơn, sạch bách, chẳng còn thứ gì ngoại trừ vài món gia vị mà những thứ ấy thì không thể biến chế được món gì cả!” Đã từng có những lúc còn sót vài thứ ăn được, nhưng ngày hôm ấy thì thật sự là không còn gì cả. Họ phải làm gì bây giờ? Các con đều đang đi học và ông Wedge đang ở chỗ làm việc. Ông Wedge sẽ trở về và rất đói sau công việc xây dựng ngôi nhà thờ của họ. Ông cần phải ăn cái gì đó trước khi lại đào móng tiếp tục vào buổi chiều. Bà sẽ lấy gì cho ông và các con ăn đây?
Thế rồi bà nhớ lại…Đức Chúa Trời thật là ông chủ khi họ vật lộn để xây cất ngôi nhà thờ này cho những người nghèo khó của thị trấn. Điều gì xảy ra nếu như bà viết một bản liệt kê các thứ thực phẩm để Ngài cung ứng?
Bà Shirley viết bảng liệt kê, đó là một bảng thật dài. Bà gộp luôn cả những thứ cần dùng cho bữa cơm tối hôm đó, dự trù bữa ăn mà gia đình ưa thích. Một buổi tối với món ăn Mễ tây cơ.
Chiều hôm đó, bà Shirley đi đến dự buổi nhóm phụ nữ với các bà trong Hội thánh. Sau buổi nhóm, bà đưa một số bà về nhà. Một phụ nữ mời bà ghé vào nhà trong chốc lát.
Khi bà Shirley bước vào bếp của bà ấy, tim bà đập mạnh. Ở trên dãy bàn bếp có nhiều túi thức ăn phình to mua từ chợ…dành cho bà! Nhìn qua thôi cũng biết rằng mọi thứ trong bảng danh sách của bà đã có đủ… chỉ trừ bột.
Tấm lòng bà Shirley òa vỡ niềm vui khi bà trở lại xe tiếp tục đưa các phụ nữ khác về nhà. Thật khó mà giữ im lặng, nhưng bà biết bà phải im lặng, vì bà không muốn tín đồ của bà biết bà đã gặp sự thiếu thốn như thế nào. Bà tiếp tục lái xe đi, nhưng trong lòng bà đang hỏi Chúa “Chúa ôi, nhưng còn bột thì sao? Con không thể làm loại bánh Mễ tây cơ có nhồi thịt nếu không có bột!”
Vừa khi một phụ nữ ra khỏi xe, cô nói “Thưa bà Shirley Alman. Mẹ tôi bảo thưa với bà, mẹ tôi có mười cân bột dành cho bà. Bà có muốn lấy bây giờ không ạ!”
“Có” Bà Shirley đáp “Tôi muốn lấy bây giờ!”
Cuối cùng khi còn lại một mình trong xe bà Shirley bắt đầu hát ngợi khen Đức Chúa Trời bằng giọng cao nhất. Đột nhiên, bà nhớ ra điều gì đó.
“Đậu nữa, Chúa ôi, con đã quên ghi món đậu vào tờ danh sách rồi!” Bà Shirley cố gắng nhớ lại các thứ có trong túi đồ ăn, bà không nghĩ là có đậu trong các gói ấy.
Về đến nhà, bà bắt đầu cẩn thận lấy ra các thứ thực phẩm quý báu của mình. Bà thò tay đến đáy bao và ở đấy đã có sẵn một gói đậu đốm. Chúa đã nhớ đến chúng, dẫu cho bà quên.
Những kiểu cung ứng như vậy từ nơi Đức Chúa Trời thật quá riêng tư, thậm chí còn có ý nghĩa hơn cả việc Ngài cho bạn tiền để dùng cho nhu cầu của bạn. Ngài biết gia đình bạn có thích thức ăn Mexico hay không. Ngài biết phải nhớ thứ đậu nữa.
Đức Chúa Trời không bị hạn chế trong cách Ngài cung ứng. Ngài đã chu cấp cho các con cái Ysơraên bằng cách làm cho giày dép và áo quần họ không hư mòn trong suốt bốn mươi năm. Hãy thử tưởng tượng nếu như Ngài đã làm điều đó cho chúng ta rồi. Lẽ ra chúng ta phải mặc những chiếc quần ống rộng và những bộ đồ thoải mái suốt trong bốn mươi năm.
Giai đoạn khó khăn về tài chánh làm sống lại ý thức tin cậy Chúa của chúng ta. Đức Chúa Trời luôn muốn rằng kinh nghiệm theo Chúa của chúng ta không đặt nền tảng trên những gì Ngài đã làm cho chúng ta nhiều năm về trước, mà là ngay lúc này, mới mẻ.
Cuối cùng, trong khi chờ đợi Chúa tiếp trợ tài chánh, hãy suy gẫm Thi thiên 37. Thi thiên nầy dường như được viết đặc biệt dành cho người nào đang thiếu thốn tiền bạc. Thi thiên nầy ba lần bảo chúng ta “Đừng lo lắng” nhưng hãy tin cậy Đức Giêhôva, nghỉ yên trong Ngài và bền lòng chờ đợi Ngài. Nó cũng nhắc chúng ta đừng ganh tỵ với kẻ khác, và nói rằng sự thạnh vượng của kẻ ác chỉ là tạm thời.
Theo Thi thiên 37, nếu bạn thực hiện phần của mình, hãy ở trong xứ và làm điều lành, nuôi dưỡng sự thành tín, vui mừng trong Chúa, phó thác đường lối mình cho Chúa và giữ điều răn Ngài trong lòng bạn. Đức Chúa Trời hứa:
. Ngài sẽ ban cho bạn điều lòng bạn ao ước
. Ngài sẽ làm điều có cần cho đời sống bạn ngay bây giờ
. Ngài sẽ làm lộ ra sự công bình của bạn
. Ngài sẽ lập một sự đoán xét cho bạn
. Bạn sẽ được kế thừa đất đai
. Bạn sẽ vui mừng trong sự thạnh vượng dư dật
. Ngài sẽ xét đoán kẻ ác vì bạn
. Ngài sẽ nâng đỡ bạn
. Cơ nghiệp của bạn sẽ còn mãi mãi
. Bạn sẽ không bị xấu hổ trong thì xấu xa
. Ngay cả trong cơn đói kém, bạn vẫn được dư dật
. Bạn sẽ có lòng thương xót, ban cho, bạn sẽ có năng lực để thỏa đáp nhu cầu của người khác.
. Các bước của bạn sẽ được Chúa định liệu
. Khi bạn ngã, sẽ không nằm ngã dài, vì Đức Chúa Trời sẽ nắm giữ tay bạn
. Bạn sẽ có đủ tài chánh trong tuổi già
. Con cháu bạn sẽ được chăm sóc và sẽ trở thành một nguồn phước cho người khác.
. Bạn sẽ được Đức Chúa Trời giữ gìn đến đời đời.
. Bạn sẽ có sự khôn ngoan hoàn toàn và nói ra sự công bình (Bạn sẽ học hỏi từ nơi Chúa và có thể dạy điều đó cho người khác và giúp đỡ họ)
. Bạn sẽ được bảo vệ khỏi nguy hiểm và sự đoán phạt.
. Đức Chúa Trời sẽ tôn cao bạn.
. Bạn sẽ chứng kiến sự diệt vong của kẻ ác
. Đức Chúa Trời sẽ giải cứu bạn, Ngài sẽ nên sức mạnh của bạn, sự cứu rỗi bạn và sự trợ giúp của bạn.
Đúng là một bảng danh sách phải không? Tuy nhiên đó chính là những lời hứa cụ thể của Đức Chúa Trời dành cho bạn, trong khi bạn trông đợi Ngài cung ứng.
Đời sống đức tin có đáng quý không? Nếu bạn đã từng kinh nghiệm điều đời sống ấy, thì đời sống này thật sự làm hỏng cuộc sống tầm thường của bạn. Sống đời sống đức tin giống như việc bước đi trên một sợi dây căng. Đó là một cảm giác sung sướng không thể tưởng tượng được.
Trong những năm 1800, một nhà làm xiếc tên là Blondin (Jean – Francois Gravlet) đã nổi tiếng vì băng qua thác nước Niagara trên dây nhiều lần, mà thường không dùng lưới an toàn.
Ngày nọ, có một đám đông tụ tập nơi thác nước để theo dõi một cuộc thử nghiệm nguy hiểm nhất của anh ta lúc ấy. Anh ta dự định sẽ đẩy một chiếc xe cút kít chở một bao xi măng nặng trên sợi dây để đi từ bờ vực này sang bờ vực kia. Với trọng lượng thêm vào đó, một tính toán sai lầm nhỏ cũng đủ làm nghiêng chiếc xe cút kít và khiến anh lộn nhào khỏi sợi dây, đưa anh vào cái chết với những thác nước hung tợn bên dưới.
Hàng ngàn người nín thở theo dõi khi anh băng qua trên dây, thận trọng đặt chân này lên chân kia, yên lặng đẩy chiếc xe cút kít đi giữa vực thẳm đầy bụi nước, quên cả tiếng gầm thét của thác nước dưới chân anh.
Khi anh sang đến đầu bên kia, đám đông mới thở phào và reo hò. Thật là một kỳ công! Bấy giờ ông Blondin hỏi một phóng viên đứng gần đó: “Anh có tin rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì trên sợi dây căng đó không?”
“Ồ vâng, ông Blondin à”, phóng viên nói “sau những gì tôi đã thấy hôm nay, tôi tin, tôi tin ông có thể làm bất cứ điều gì”
“Vậy thì anh có tin rằng” ông Blondin nói “Thay vì một bao xi măng, tôi có thể mời một quý ông ngồi vào xe cút kít, người mà từ trước đến giờ chưa hề đi dây, và đẩy ông ta qua bờ bên kia an toàn mà không cần giăng lưới không?”
“Ồ, tin chứ ông Blondin, Tôi tin” phóng viên nói
“Tốt, vậy thì mời ông ngồi vào” Blondin nói
Phóng viên xanh mặt và vội vàng biến mất trong đám đông. Tin là một chuyện nhưng sống bằng loại đức tin ấy lại là chuyện khác hẳn.
Tuy nhiên ngày hôm đó đã có một người có loại đức tin ấy nơi Blondin. Con người tình nguyện can đảm ấy bằng lòng ngồi vào trong chiếc xe cút kít và được đẩy qua những thác nước cùng với người chủ xiếc.
Khi ông Blondin nhấc bao xi măng ra và mời vị khách của ông ngồi vào xe đẩy, những người đàn ông ở hai bên thác nhanh chóng đánh cuộc vào kết quả. Và rồi đang khi đám đông cổ vũ, Blondin bắt đầu đi dây qua thác nước, lần này ông đẩy một hành khách đang căng thẳng ở phía trước xe.
Trông có vẻ như một cuộc chinh phục dễ dàng đối với con người liều mạng nầy. Nhưng đang khi họ còn nửa đường đến đích trên sợi dây căng ở độ cao 500 m, thì một người đàn ông với số tiền cá cược lớn biết mình sắp thua to đã lén đến và cắt một trong những sợi dây căng.
Thình lình sợi dây rung chuyển dữ dội, sức nhún càng gia tăng khủng khiếp. Trong khi ông Blondin phải vật lộn để giữ được thăng bằng, ông biết rằng họ vừa cách sự chết trong từng đường tơ kẻ tóc mà thôi. Nếu vành bánh xe trật khỏi dây cả hai người sẽ bị hất văng ra và đâm đầu xuống thác nước đang sôi ầm ầm.
Ông Blondin nói, cắt đứt sự hãi hùng của người hành khách đang trong xe đẩy “Đứng dậy”, ông ra lệnh “Hãy đứng dậy và bám vào hai vai tôi!”
Người đàn ông nằm bất động.
“Hãy đứng lên nào! rời khỏi xe đi! Hãy làm ngay hoặc sẽ chết!”
Bằng cách nào đó, người đàn ông đã đứng lên được và bước ra khỏi xe cút kít.
“Hai tay anh…choàng quanh cổ tôi! Nào, bây giờ kẹp hai chân vào hông tôi!” Blondin nói.
Một lần nữa người đàn ông vâng theo, bám chặt vào Blondin. Chiếc xe rơi xuống biến mất trong lớp bọt trắng hỗn độn sâu bên dưới. Diễn viên nhào lộn, sử dụng tất cả những năm kinh nghiệm của mình và từng bắp thịt đã được tập luyện để đứng vững trên dây cho đến khi sự dao động giảm bớt một chút. Đoạn từng phân một, anh tiến từ từ trên dây, mang theo người đàn ông như mang một đứa trẻ. Cuối cùng, ông ta đã đặt chân được lên bờ bên kia.
Sống bằng đức tin là như vậy đó. Bạn phải có lòng tin cậy thật sự nơi Đấng đang bồng ẵm bạn để băng qua bờ bên kia. Nói rằng bạn tin Chúa thì cũng dễ. Nhưng liệu bạn có sẵn sàng để Ngài ẵm bồng bạn đi ngang qua một sợi dây, trên một thác nước cao đang gào thét không? Bạn có thể có được kinh nghiệm đó, bạn biết đấy. Bạn có thể có được niềm vui sướng không tả nỗi vì đã tin cậy Chúa và nhìn thấy Ngài đáp ứng các nhu cầu của bạn.
Nói tóm lại, sống bởi đức tin là như vậy. Đó là đức tin đặt nơi chính mình Đức Chúa Trời, không có một hệ thống hoặc nghi lễ nào đối với điều đó. Là đức tin trong một con người sống, đức tin để Ngài giúp bạn hoàn thành công việc Ngài đã giao cho bạn.
Ngài hoạch định cho chính bạn những thách thức lớn lao. Ngài muốn bạn nhận phần chính trong cuộc đua hào hứng nhất trong lịch sử, cuộc đua mang Tin lành đến cho mọi người. Ngài muốn thấy bạn dốc toàn tâm lực mình cho Ngài, và cho thế giới chung quanh bạn. Hãy nhận lời thách thức ấy và bước ra vì cớ Ngài. Hãy tin cậy Ngài. Hãy dám sống trên bờ vực.

VIỆC TẠO RA CỦA CẢI VÀ VIỆC GIẢM BỚT TÌNH TRẠNG NGHÈO THIẾU
Của Don Johnson

Vừa sáng sớm có hai người đứng trên một góc phố. Người đàn ông cao ráo thì mặc áo quần đẹp đẽ, chải chuốt và tươm tất không chê vào đâu được với chiếc cặp da kẹp dưới tay. Còn người đàn ông kia ăn mặc tả tơi, đôi chân không có vớ được thấy rõ vì chiếc quần quá ngắn. Người đàn ông nghèo nàn này trông ốm yếu và buồn bã với những đường nhăn vì chán nản và tuyệt vọng làm u buồn đi gương mặt lẽ ra trông còn rất trẻ của anh ta. Anh ta rùng mình trong bầu không khí mát mẻ của buổi sáng sớm, dáng người của anh bị che phủ lạ lùng khi con người cao ráo tự tin kia,là người đang vội vã vượt qua mặt anh.
Điều nầy thường bị những người bình thường bỏ qua không lưu ý đến. Tuy nhiên, vào những lúc khác, một cảnh tượng như vậy sẽ đọng lại trong ký ức của và chúng ta buộc phải suy nghĩ đến. Những sự tương phản đó thật hiển hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nó tồn tại ở những quốc gia đang phát triển cũng như đã phát triển, trong tất cả các hệ thống kinh tế thế giới khắp trái đất. Nó là hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, là sự bất bình đẳng rõ ràng giữa các giai cấp.
Chúng ta hãy đối diện với điều đó, những cá nhân và những gia đình thuộc đủ thành phần hưởng thụ những ích lợi của những sở hữu vật chất, thành công về tài chánh, những cơ hội tốt về giáo dục, và uy tín. Trong khi những người khác phải chịu thiếu thốn, đói kém, bệnh tật và sự ngu dốt vì tình trạng kinh tế của họ. Nghèo thiếu là một điều đáng buồn trên thế gian này, một thứ bệnh dịch kéo dài!
Nhưng các nguyên nhân của sự nghèo thiếu là gì? Và điều gì đã đem đến sự thành công? Những câu hỏi đó đã sinh ra những học thuyết chính trị mới mẻ, những cuốn sách suy luận, và thậm chí những phong trào cách mạng khắp thế giới.
Nhiều người tin rằng sự giàu có bị hạn chế. Nó được phân phối một cách không đồng đều. Để san bằng hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, chúng ta phải phân phối lại những của cải trên thế giới cho đồng đều. Một số các nhà hoạt động chính trị cũng tin rằng điều ác do một cơ chế bất công bên ngoài gây ra. Đối với họ, ngoại cảnh tức là xã hội, chính quyền v.v… là nguyên nhân gây ra những nan đề về mặt đạo đức. Con người xấu xa là vì chế độ của họ.
Nhiều điều trong số những tư tưởng ấy chứa đựng sự hợp lý hoàn hảo. Nhưng có thể chính những giả thuyết này lại đặt nền tảng trên những ý tưởng sai lầm. Sự giàu có bị giới hạn không? Có phải việc một người giàu lên thì làm cho một người khác bị nghèo đi không? Có phải một nền kinh tế đứng đầu thế giới đang dựa vào một hệ thống bóc lột và gian giảo không? Có phải những người giàu gian ác đã tích trữ một phần của cải của thế giới này một cách không công bằng và để cho người nghèo phải bị thiếu hụt không? Có phải những người giàu đã gây ra sự nghèo thiếu không?
Có phải sự giàu có không bị giới hạn không? Có thể nó được tạo ra. Điều đó không phải là tin mừng cho những người nghèo sao? Có thể nào sự giàu có mới mẽ đó không bị giới hạn trong các ý nghĩ, các sự phát minh và trong công việc chân thật để phục vụ người khác không? Cứ coi như một người thạnh vượng không phải là kẻ ác. Nhưng làm thế nào để người ấy có được điều đó?
Sự Giàu Có Có Thể Tạo Ra Được
Bạn cần những ý tưởng, cá tánh và một chính quyền bảo vệ cho những cơ hội của bạn.
Ý Tưởng
Tư tưởng là nguồn phương tiện chủ yếu cho việc tạo ra sự giàu có. Mỗi một con người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và sở hữu một nguồn khả năng sáng tạo độc đáo, một nguồn ý tưởng không hề cạn. Sự giàu có chỉ bị giới hạn theo ý nghĩ hoặc không bị giới hạn tùy theo đặc tính sáng tạo của người ấy.
Những nguồn phương tiện thiên nhiên không tạo ra sự giàu có được. Dầu lửa không được coi là một nguồn phương tiện cho đến khi có ai đó phát minh ra năng lượng đốt cháy trong bản chất của nó. Nền Công nghiệp vi tính hiện nay được mở rộng ở khắp nơi do có được những vi mạch gồm những linh kiện phức tạp. Vi mạch nầy được tạo từ chất Silicon chỉ là một nguyên tố lấy từ cát.
Nếu như các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân của sự giàu có thì Nhật bản và các quốc gia khác nằm ven vùng Áđông hẳn sẽ rất nghèo. Vì họ hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào cả.
Tinh thần con người là nguồn phương tiện quan trọng để tạo ra của cải. Người ta không phải thụ động khi gặp phải những thử thách của sự áp bức và nghèo thiếu. Sự thạnh vượng, trù phú phun lên từ dưới đáy sâu: Từ các ý tưởng, sự phát minh và các hoạt động của hàng triệu những nghệ thuật kinh doanh nhỏ. Tạo ra được một công việc kinh doanh nhỏ là một nghệ thuật thật sự.
Ý tưởng kinh doanh tốt là điều phải phục vụ được những nhu cầu thực tế của người khác để trở nên thành công. Việc tạo ra của cải không phải chỉ là một hoạt động ích kỷ, mà còn là một cơ hội độc đáo để phục vụ người khác một cách sáng tạo.
Tâm Tánh
Tâm tánh là một phẩm chất đạo đức. Là toàn bộ đời sống, suy nghĩ, hành động và tình cảm của một con người. Đây là một kiểu mẫu suy nghĩ và hành xử do chính người ấy tạo ra. Tâm tánh của bạn ảnh hưởng đến phẩm chất của các ý tưởng và cách sáng tạo của bạn. Những suy nghĩ và những hành động trong sạch là những hạt giống cần thiết trong khu vườn sai trái của các công việc làm ăn thành công. Loài người đã được Chúa tạo dựng với ý định trở thành những người quản lý tốt trong công trình sáng tạo của Ngài. Con người phải là một uỷ viên quản trị trung tín, biến chế các vật liệu thô sơ để chúng có một giá trị lớn hơn hầu phục vụ cho những người khác.
Con người phải sử dụng sự chuyên cần, kỷ luật và những hoạch định khôn ngoan để sản sinh ra của cải chứ không phải chỉ tiêu thụ nó. Một người phải biết liều mình, chịu hy sinh và làm việc khó nhọc. Những kẻ gian ác có thể phạm tội tham lam và giữ lại một ít số tiền lương chính đáng của người làm thuê để tích lũy của cải cho mình, nhưng một người đức hạnh phải làm ra và tạo dựng của cải phục vụ xã hội. Lòng thương xót đối với người nghèo là một phẩm hạnh đạo đức của tâm tánh nhằm tìm cách giảm bớt tình trạng nghèo đói. Một con người có lòng thương xót sẽ tìm cách thiết lập những phương cách nhằm khuyến khích sự phát triển kinh tế giữa vòng các tầng lớp đông đảo những người nghèo.
Chính Quyền
Mục tiêu của chính quyền nhân dân là phải bảo vệ và phục vụ các công dân của mình. Một chính quyền ngay thẳng sẽ không tịch thu hoặc chiếm đoạt những phương tiện tạo ra của cải của người dân. Nhà nước tồn tại vì nhân dân chứ không phải dân vì nhà nước.
Đức Chúa Trời đã ban cho con người những ta lâng bất luận hoàn cảnh xã hội của họ. Ngài đã ban cho người nghèo những ân tứ bên trong đang nằm đó chờ đợi cơ hội để được thể hiện ra. Xã hội phải thu xếp tạo cơ hội cho người nghèo thể hiện những tài năng còn đang ẩn giấu của họ. Chính quyền phải cam kết để bảo đảm rằng người nghèo khó và thiếu thốn cũng có mọi cơ hội và sự bảo vệ để theo đuổi những hoạt động kinh doanh hoặc công trình hữu ích theo những khả năng và suy nghĩ của họ. Chúng ta không được nghĩ về người nghèo như là những người tìm kiếm một lát bánh trong ổ bánh có giới hạn của người giàu. Xã hội thật sự sẽ tốt đẹp hơn lên bởi sự thành công của họ.
Chính quyền phải tự kỷ luật mình để phục vụ và hỗ trợ cho sự phát triển về mặt đạo đức và kinh tế. Tính sáng tạo có thể bị thui chột vì các thứ thuế quá đáng. Tuy nhiên, hệ thống thuế hữu trách sẽ đem lại cho vai trò hữu hạn của nhà nước trong chức năng thích đáng cho việc phát triển kinh tế. Một chính quyền ngay thẳng là cần thiết để cắt giảm mức lợi nhuận bất chính của những kẻ xấu và sự bóc lột tính sáng tạo của những người khác. Không được để cho tội phạm phát triển!
Nhà nước cũng phải tôn trọng các quyền làm chủ của các cá nhân. Một chính quyền khôn ngoan sẽ hiểu rằng mặc dầu không thể xây dựng luật đạo đức bên trong của tấm lòng, nhưng có thể ngăn ngừa sự vô đạo đức qua các điều luật và những hậu quả thích đáng. Những thể chế hoặc tổ chức chính quyền về đạo đức và về kinh tế không nên cạnh tranh nhau mà nên bắt tay nhau, chịu khó làm việc để tạo dựng một xã hội công bằng và quan tâm đến nhau.
Nguyên Nhân Của Sự Nghèo Đói Là Gì?
Sự áp bức bất công đối với người nghèo chỉ là một trong nhiều lý do của sự tồn tại tình trạng nghèo đói nghiêm trọng. Nghèo đói thường là hậu quả của những thói quen hoặc cá tánh tồi tệ của chính con người. Có thể do sự gian ác, sự say sưa, tính ưa phù phiếm hoang phí, tính vô luân, sự bốc đồng hấp tấp, sự keo kiệt và hoàn toàn biếng nhác. Một số người là nạn nhân vô tội của tình trạng nghèo đói. Có những bà mẹ và trẻ con bị các ông cha vô trách nhiệm ruồng bỏ. Những con người tham lam nhiều khi phạm những sự bất công khủng khiếp nghịch lại những con người chân thật. Song điều đáng buồn là có quá nhiều người dự phần một cách có chủ ý và có trách nhiệm trong sự nghèo khổ, và hủy hoại chính họ. Vì vậy, đi ra cứu giúp được nhiều người nghèo thiếu là một hành động thương xót và khoan dung. Những người khác đã bị những kẻ phạm tội tấn công thì phải được bênh vực, bảo vệ một cách công bằng. Chính phủ phải khuyến khích và khen thưởng những người đi ra với lòng thương xót và khoan dung lẫn những người bảo vệ công lý!
Tự Do Cho Người Nghèo
Vậy, nếu giàu có đúng là điều có thể tạo ra được. Thì đây là tin mừng cho những người nghèo bởi vì khi họ đến với Chúa để được cứu giúp, Ngài hứa cung ứng cho họ những điều họ có cần theo như sự giàu có vinh hiển không giới hạn của Ngài. Ngài sẽ ban cho họ có những ý tưởng và giúp họ phát huy tâm tánh cùng với một chiến lược quản trị khôn ngoan. Việc giải phóng người nghèo khỏi những tình trạng nô lệ cho tội lỗi, hủy hoại đạo đức và bảo vệ họ khỏi những tội lỗi chống nghịch họ là điều chủ chốt quan trọng để giảm bớt tình trạng nghèo đói. Họ không cần phải đưa hai tay lên để giành lấy “miếng bánh chả” bằng vũ lực. Mà họ thật sự cần một cơ hội để tạo ra của cải hầu đáp ứng nhu cầu.
Chính quyền phải do người dân tạo nên để phục vụ người dân. Giá trị của người dân lớn hơn nhà nước. Công việc của nhà nước là phải bảo vệ người dân thoát khỏi bạo ngược và đem lại những cơ hội tự do cho những người nghèo để họ phát lộ tài năng sáng tạo của mình. Họ cần phải được khuyến khích để tham gia vào việc giải phóng chính họ ra khỏi tình trạng nghèo đói.
Những người giàu phải được cả những tổ chức, hiệp hội đạo đức lẫn chính trị khuyến khích để cứu giúp cho những người nghèo, giúp việc đào luyện, giáo dục và đem lại những cơ hội để bắt đầu những công việc làm ăn nhỏ. Khi những người nghèo khá giả lên từ hoàn cảnh nghèo khó, họ phải được khuyến khích để giúp đỡ những người khác. Sự giàu có là một phương tiện có mục đích, không phải mục đích trong chính nó. Việc tạo ra của cải là phương tiện có sức mạnh nhất sẵn sàng cho việc giải phóng người nghèo khỏi sự bạo ngược và của sự hủy hoại của tình trạng nghèo đói đau khổ cùng cực! Khi việc tạo ra của cải tồn tại trong các phương tiện, kết thúc sẽ luôn luôn là sự tự do!

Ghi chú :
Don là một nhà truyền giáo làm việc với YWAM trong một quốc gia đang phát triển . Chúng ta biết đây là một vấn đề phức tạp, nhưng những hạn chế về không gian của chúng ta không cho phép Don liên hệ đến các yếu tố đồng liên quan khác, như là sự thi hành đúng đắn các ý tưởng và tính sẵn sàng của những nguồn phương tiện cùng việc huấn luyện để dẫn đến sự thành công .
– Loren Cunningham