BAN CHO NHƯ THẾ NÀO?

Điều đó có thường xảy đến với bạn không? Bạn đang ngồi trên chiếc xe hơi của mình ở một ngã tư đường trên con đường hẻm gần vỉa hè. Nơi có một gia đình trong bộ quần áo rách rưới đang đứng – một người đàn ông và một người đàn bà và một đứa bé. Người đàn ông giữ một tấm bảng có đề “xin bố thí mua thức ăn”. Bạn làm gì đây?
Bạn về nhà, ngồi phịch vào ghế, và bắt đầu xem xét kỹ lưỡng số bưu phẩm của mình. Một chồng hóa đơn, một mớ các tờ quảng cáo, và hai lá thư xin giúp đỡ. Một bức thì lưu loát và có vẻ chuyên nghiệp – như thể là có ai đó đã gạch dưới những khúc quan trọng để bạn đọc, nhưng khi bạn nhìn kỹ hơn thì cũng được viết bằng chữ rời. Bức thư kia thì chi chít chữ của bưu điện hàng không nước ngoài. Cả hai bức thư đều yêu cầu giúp đỡ về mặt tài chánh với những mục đích tốt đẹp như việc mua Thánh Kinh để phân phát ở tại Nga, hoặc nuôi những người đói ở tại Bắc phi. Sau đó, bạn lật một tờ tạp chí ra, bao giờ cũng thế, trên trang báo, một em bé gái da màu với đôi mắt thật to, và phần thông báo trên tạp chí bảo rằng, chỉ bằng giá tiền bạn uống cà phê trong giờ điểm tâm sáng, bạn có thể nuôi sống cô bé đều đặn.
Bạn đáp ứng với tất cả những điều đó như thế nào đây. Một số người phản ứng bằng cách trở nên chai đá trước tất cả những lời van xin. Họ cách ly chính mình với những kẻ vô gia cư, tự nói với mình rằng nếu những kẻ ấy thật lòng muốn tìm đến một công việc, thì họ đã kiếm được một việc làm. Hoặc là họ chỉ việc quay mặt nhìn sang hướng khác. Chỉ cần dùng một nỗ lực của ý chí để quên đi vẻ mặt đau khổ của người đàn ông cầm tấm bảng xin tiền đứng bên lề đường. Ngồi yên trong xe và cứ nhìn thẳng phía trước. Khi nào thì đèn sẽ đổi ư? Tìm một chương trình khác trên radio. Thậm chí kiểm tra xem chốt cửa tự động đã chắc chắn nằm đúng vị trí chưa.
Khi chúng ta cứ liên tục bị tấn công bởi những nhu cầu của người khác, thì hoặc chai sạn đi, hoặc chúng ta bị áp đảo. Thậm chí nếu hạn chế việc dâng hiến của mình cho Hội thánh, thì càng nhiều nhu cầu được bày ra trước mắt hơn là số chúng ta có thể đáp ứng. Bạn làm thế nào để vẫn mềm lòng trước những nhu cầu như vậy và mở rộng lòng đối với Chúa trong sự dâng hiến?
Sự Ban Cho Được Thánh Linh Dẫn Dắt
Cách duy nhất để giữ được sự đúng mức, giải quyết và có được sự mềm mại trong tấm lòng của mình là phải xin Chúa hướng dẫn sự ban cho của chúng ta. Bước thứ nhất trong việc học biết cách ban cho là phải cầu hỏi Chúa. Ngài hứa rằng chiên Ngài sẽ nghe được tiếng Ngài. Hãy quyết định ngay bây giờ rằng hễ khi nào bạn đối diện với một nhu cầu, bạn sẽ hỏi Chúa hai điều: bạn có phải ban cho không và cho bao nhiêu. Nếu Ngài bảo “không” thì bạn hãy tin cậy Ngài để đáp ứng nhu cầu đó cách khác.
Đôi khi không cho cũng có thể là một thử nghiệm thật sự về sự vâng lời của bạn. Don Price là người lãnh đạo một nhóm nhỏ làm việc ở tại Zimbawe (sau đó là Rhodesia) cuối những năm 70. Trong nhóm đó có một thành viên người Nauy có mái tóc màu vàng nhạt tên là Bjorn Skjillbotten. Một ngày vào đầu tháng mười hai, anh Bjorn xin được cầu nguyện với anh Don, Bjorn đã từng làm việc như một nhà truyền giáo đoản kỳ ở tại châu Phi trong một năm, nhưng bây giờ anh phải trở về Nauy để phục vụ trong quân đội.
“Don à, điều tôi muốn anh cầu nguyện với tôi đó là vấn đề thời gian. Tôi biết đã đến lúc phải trở về nhà, nhưng tôi không biết Chúa muốn tôi lên đường lúc nào”.
Vì vậy, Don cúi đầu cùng cầu nguyện với Bjorn. Sau khi cầu nguyện, Don đề nghị Bjorn cuối tháng hãy đi, tức là vào ngày 31 tháng 12, lúc ấy có một nhóm học viên lên đường thẳng đến YWAM ở tại Thụy sĩ trên một chuyến bay không đắt lắm của hãng hàng không Lux. Anh ta có thể cùng đi với họ đến Luxembourg, rồi sau đó tiếp tục bay đi Nauy. Bjorn cũng cảm thấy ổn trong vấn đề đó, và Don chẳng bao lâu đã quên mất điều đó giữa những bận rộn của các sinh hoạt bình thường của nhóm mình.
Một ngày trước khi nhóm nọ phải lên đường, Bjorn đến gặp Don.
“Anh có còn thấy rằng ý Chúa đối với tôi là lên đường vào ngày mai không?”, Anh hỏi. “Có”, Don trả lời, sục sạo trong trí của mình để nhớ xem cái ngày mà họ đã cùng cầu nguyện “Tôi đã cảm biết Chúa đã cho chúng ta ngày tháng, phải không?”
“Ơ…vâng”, người thanh niên tóc vàng nói, vẻ ngập ngừng
“Vậy thì sao? Có gì trục trặc?”
“Vâng…tôi không có tiền. Tôi nghĩ nếu Chúa đã bảo tôi phải ra đi và cho tôi biết thời điểm thì Ngài cũng sẽ chu cấp tiền bạc cho tôi về nhà. Tôi cần 200 rand để mua vé. Tôi đã cố gắng đặt chỗ trước, và họ đã ghi tên tôi vào chỗ, nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa có tiền!”
Don gật đầu, che giấu nỗi ngạc nhiên của mình. Làm sao anh có thể giải thích rằng bởi vì Bjorn đến từ một xứ sở giàu có hơn như Nauy, nên Don đã tưởng rằng anh ta có đủ tiền để trở về? Và bây giờ chưa đầy hai mươi bốn tiếng nữa máy bay sẽ cất cánh.
“Chúng ta hãy cầu nguyện lại với Chúa để xem điều chúng ta nghe có đúng không”. Don đề nghị. Hai thanh niên cùng cầu nguyện, và rồi chờ đợi trong yên lặng.
“Tôi vẫn nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ đi”. Cuối cùng Bjorn nói. Don đành phải đồng ý. Anh cũng cảm thấy thế, mặc dầu anh ước là mình không thấy như vậy. Một tuần nữa thì lại là chuyện khác.
“Chúng ta hãy cầu nguyện lại với Chúa để xem điều chúng ta nghe có đúng không”. Don đề nghị. Hai thanh niên cùng cầu nguyện và rồi chờ đợi trong yên lặng.
“Tôi vẫn nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ đi”. Cuối cùng Bjorn nói. Don đành phải đồng ý – anh cũng cảm thấy thế, mặc dầu anh ước là mình không thấy như vậy. Một tuần nữa thì lại là chuyện khác. Anh có thể thay mặt Bjorn nói với một số các bạn trong Chúa…hoặc làm một điều gì đó.
Nhưng tất cả những gì họ có bây giờ là hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Bằng cách nào đó Đức Chúa Trời phải chu cấp 200 rand trước sáng mai. “Tôi sẽ cùng anh tin cậy Chúa” Don bảo, anh thêm sự tự tin vào giọng nói của mình “Ngày mai hãy gặp tôi ở tại sân bay”.
Don đến phi trường trễ, vì phải bận rộn với những chi tiết trong phút chót, giúp đỡ nhóm học viên lên đường đi Thụy sĩ. Khi anh bước vào phòng chờ, thì đã thấy mái tóc vàng của Bjorn, cao hơn hẳn mọi người. Khi bước đến chỗ anh, Don thấy chiếc ba lô căng phồng đang đặt dưới sàn ở bên cạnh anh ta.
“Vậy tiền của anh đã đến chưa, Bjorn?”, Don hỏi. Nhưng Bjorn chỉ lắc đầu, cố gắng nở một nụ cười “Chưa, nhưng tôi nghĩ rằng Chúa vẫn có thể cho tôi 200 rand trong vài phút nữa, phải không?”
Don vội vã chạy đến bàn ghi vé máy bay để giúp những người khác, lúc này họ đang nói chuyện với nhau, đang cười lớn, hoặc đang vật lộn với những chiếc ba lô nặng nề. Đó là một sự cố gắng để che giấu đi nỗi lo âu của anh ta lúc này đang nhanh chóng biến thành một nỗi hoảng sợ. Người thanh niên này đang tin cậy Chúa hành động! Don nghĩ rằng chắc chắn có ai đó sẽ phải cảm thấy được Chúa dẫn dắt để dâng cho Bjorn hoặc một món quà tặng bất ngờ nào đó hẳn phải đến qua đường bưu điện. Nhưng chẳng có gì cả. Bây giờ máy bay sắp sửa cất cánh trong vài phút nữa. Don phải giải thích thế nào với anh ta đây? …anh phải chịu trách nhiệm với việc người tín hữu non trẻ này đã đặt đức tin nơi sự hướng dẫn và sự cung ứng của Chúa và nó đã bị tan vỡ.
Don kiếm một chỗ ngồi ở khu vực chờ đợi và bắt đầu dốc các túi áo quần của mình ra, chậm chạp đếm cả lại những đồng tiền lẻ, như thể là bởi một phép lạ nào đó anh sẽ có đủ tiền để cứu giúp. Chưa có đến 20 rand. Anh bèn gọi vợ mình và người thư ký đến, giải thích tình cảnh và hỏi xem họ có bao nhiêu. Sau khi lục lạo khắp các ví cầm tay của họ, họ kiếm thêm được vài rand và mấy xu nữa.
Đến lúc nầy mọi người đang xếp hàng để đi qua cửa kiểm tra hộ chiếu trên đường ra máy bay. Một vài người đã sắp sửa biến mất trong khu vực hạn chế ra vào.
“Don! Don!”
Có ai đó gọi tên anh ta trên đầu đám người đang khẩn trương tiến về phía lối ra. Đó là Mike Killen lên đường đi Thụy sĩ để huấn luyện “Cái nầy dành cho công tác của anh ở tại đây!”, Mike hét lên. Don cười tươi khi anh nhìn thấy Mike đang đứng gần phía trước hàng người vẫy vẫy một lá thư. Mike giao nó trở lại trước khi tiến thẳng vào bên trong cửa sân bay và các thành viên của hội YWAM chuyền chiếc bì thư từ người nầy đến người khác cho đến khi chạm tay Don. Phải, Chúa, Ngài đã đợi đến bây giờ, đã đủ lâu rồi! Anh nghĩ trong khi bóc phong bì và thấy một nắm tiền giấy. Trong lúc đếm nhanh, anh thấy gần đủ để trả tiền vé cho Bjorn.
Thế rồi, Don nghe tiếng Chúa phán rõ trong trí mình, tiếng phán hết sức rõ ràng
Số tiền này không phải dành cho anh ấy
Lòng anh chùng xuống. Don quay nhìn về phía Bjorn đang đứng chờ đợi, đang ngó ra cửa sổ một cách mông lung thờ thẫn. Hàng hành khách lên chuyến bay đã gần hết. Ít ra thì anh ta cũng đã không nhìn thấy chiếc phong bì. Don nghĩ thầm, lòng nặng nề. Và rồi anh suy nghĩ. Vâng, Chúa ôi, con sẽ không trao cho anh ấy chiếc phong bì nầy. Nhưng xin Ngài…hãy làm điều gì đó ngay đi!
Ngay lúc ấy, một cô gái trẻ tên là Thelma Broodryek, chạy đến chỗ Don. Cô ta là một người tình nguyện mới, cô ta đến làm việc với họ ở tại Rhodesia. Hẳn là cô đã đến sân bay để tiễn một số bạn bè đi Thụy sĩ. Thelma nói “Anh Don nầy, tôi có 200 rand đây trong các séc du lịch. Tôi đem theo đây cho các khoản chi phí phụ. Nhưng tôi thấy Chúa đang phán bảo tôi hãy trao số nầy cho người thanh niên Nauy trong chuyến trở về nhà của anh ta”.
Don thở phào “Cảm tạ Chúa!”. Anh lầm thầm những lời cảm ơn vội vã, và họ mang theo các tấm séc du lịch để chạy đến trung tâm đổi tiền của sân bay. Đến lúc họ quay lại với số tiền mặt, thì mọi người đã đi hết rồi. Bjorn đang đứng xây lưng về phía họ, nói chuyện với vợ của Don, Cecilia cùng với một người bạn nữa. Trước khi Don đến được với Bjorn, anh đã nghe thấy nhân viên bán vé gọi cho Bjorn “Ông Skjellbotten, chỗ đặt trước của ông đã bị hủy bỏ – ông có thể mua vé ngay bây giờ”
Bjorn nhấc chiếc ba lô lên và bước về phía quầy vé. Don rảo bước để bắt kịp Bjorn, tiến đến bên cạnh anh ta ngay khi nhân viên yêu cầu Bjorn trả tiền.
Trước khi Bjorn kịp mở miệng trả lời, thì Don đã nói “Đây, thưa ông” và đưa tiền cho người bán vé. Anh ta không có đủ thời gian để giải thích cho Bjorn chuyện gì đã xảy ra. Bjorn ôm siết Don, xốc balô lên vai và đi thẳng đến cửa kiểm tra hộ chiếu.
Ban Cho Mà Không Có Những Sợi Dây Ràng Buộc
Bước thứ hai trong việc học biết cách ban cho là hãy từ bỏ những quyền hạn của bạn đối với tiền bạc. Rất nhiều người từ chối cương vị của người quản lý tốt để đổi lấy lòng tham muốn được kiểm soát số tiền mà họ ban cho. Họ sẽ dâng hiến, nhưng với điều kiện là họ có một tiếng nói về cách sử dụng số tiền ấy. Một cách vô ý thức, họ đang muốn kiểm soát trên con người hoặc trên chức vụ của người mà họ đã ban cho.
Mặc dầu có thể chỉ định rõ các khoản tài trợ khi chúng ta dâng tiền, song chúng ta không nên xâm phạm vào lãnh vực điều khiển các công việc hoặc con người bởi số tiền chúng ta dâng. Nếu bạn vâng lời Chúa và dâng cho người Ngài đã phán bảo, thì hãy cứ tin cậy Ngài dẫn dắt họ trong cách sử dụng.
Điều thứ ba cần phải học hỏi trong sự ban cho dường như hoàn toàn mâu thuẫn với điều tôi vừa nói, nhưng thật là điều quan trọng để tìm biết xem tiền bạc của bạn đã được sử dụng như thế nào. Tinh thần trách nhiệm đối với các khoản tài trợ dâng cho công việc Chúa là điều đúng với Kinh Thánh, hợp lý và phần nào là trách nhiệm của bạn. Hãy tìm biết xem bao nhiêu trong số dâng của bạn đi vào chức vụ công tác đã định và bao nhiêu chi dùng vào các khoản chi phí thường lệ của một hoạt động, việc quản lý, và thậm chí có bao nhiêu trong số dâng của bạn được dùng để sinh sôi thêm tiền bạc.
Nói đến vấn đề ban cho, mỗi người đều khác nhau. Một số người thích dâng cho con người, trong khi những người khác lại thích dâng cho những đề án có một sự bắt đầu và kết thúc rõ ràng. Một số người thích dâng cho các công tác có tính cách từ thiện hơn, người khác lại muốn của dâng của họ phải dành cho công tác truyền giảng. Cũng có những người muốn góp phần vào việc huấn luyện hoặc các chức vụ truyền thông, để làm tăng bội của dâng của họ.
Những ý thích khác nhau đó không có gì sai trật nhưng chúng ta phải hoàn toàn giữ sự cởi mở, sẵn sàng lắng nghe Thánh Linh và tiếp nhận sự hướng dẫn của Ngài. Theo quan niệm của tôi, thì những khuôn mẫu tự nhiên nhất là người dâng cho người; còn các Hội thánh hoặc các tập thể thì dâng cho các đề án có một bắt đầu và kết thúc rõ ràng.
Trong tổ chức Thanh Niên Sứ Mạng, chúng tôi vẫn thường ở vào cuối đầu nhận và cho của một chương trình khác, nghĩa là các tổ chức Cơ Đốc nầy dâng cho các tổ chức Cơ Đốc khác. Trong quyển “Winning God’s Way 1, tôi có chia xẻ cách mà chúng tôi trải qua một quá trình đau đớn và hạ mình trong nổ lực đầu tiên để mua một chiếc tàu lớn vì cớ những mục tiêu của chức vụ. Chúa bảo chúng tôi hãy dâng 130.000 Mỹ kim cho Chiến Dịch Vận Động (Operation Mobilisation) để họ mua chiếc tàu mà họ đang muốn được xúc tiến nhằm ích lợi cho chức vụ.. Thế rồi, trước sự sửng sốt của chúng tôi, Đức Chúa Trời lại dẫn dắt các cơ quan khác, như Các Chức Vụ của Thời Kỳ Cuối Cùng (Last Days Ministries), Câu Lạc Bộ 700 (The 700 Club), 100 Huntley Street, Hiệp Hội Truyền Giáo Billy Graham và Chiến Dịch Thanh Niên David Wilkerson (David Wilkerson Youth Crusades) đã dâng ngay số tiền công tác chức vụ của họ cho chúng tôi, đến lượt những của dâng lớn lao ấy rất ích lợi cho chúng tôi, cuối cùng chúng tôi đã mua được chiếc tàu từ thiện đầu tiên, chiếc Anastasis có động cơ.
Tất cả sự dâng hiến đó nhấn mạnh đến nhu cầu của chúng tôi đối với những chi thể còn lại trong Thân Thể Đấng Christ. Nếu chúng tôi đã từng có cám dỗ nào và nghĩ rằng mình là những người đặc biệt và chẳng biết vì sao tổ chức YWAM lại là một cơ quan ít nhiều tốt hơn các cơ quan truyền giáo khác hoặc các tập thể Cơ Đốc khác, thì sự dâng tặng của các tập thể ấy đã làm những lời nói lên mình thầm thì trong lòng chúng tôi phải câm nín.
Có Cái Nhìn Của Đức Chúa Trời
Trong việc ban cho của bạn, hãy tránh khuynh hướng để cho một số các nhu cầu bị tình trạng “xa mặt cách lòng”. Mọi người thường cảm thấy quan tâm đến gia đình của mình, hàng xóm của mình, và đất nước của mình nhiều hơn. Nhưng Đức Chúa Trời của cả thế giới nầy luôn luôn cố gắng đưa chúng ta vượt lên trên cái thế giới nhỏ hẹp ấy. Mối quan tâm cũng như tấm lòng dịu dàng của Ngài không dừng lại trong những giới hạn của thành phố chúng ta hay biên giới của đất nước chúng ta. Hãy tìm nếu bạn chưa có một tập bản đồ đầy đủ và rồi nghiên cứu tập ấy. Hãy kiếm một tập bản đồ đầy đủ. Hãy đọc các tạp chí có các phần tin quốc tế. Hãy đọc nhiều để am hiểu về địa lý. Tìm hiểu về cả thế giới, cầu nguyện cho cả thế giới và khi Chúa dẫn dắt, hãy dâng hiến cho cả thế giới.
Cũng đừng ném bỏ đi “những bức thư tầm thường”. Thật ra, khi nói đến những bức thư xin giúp đỡ của Cơ Đốc nhân tôi không dùng danh từ ấy. Lá thư ấy không vô dụng nếu nó cho tôi biết những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện qua những tôi tớ của Ngài ở những vùng đất khác nhau trong mùa gặt của Ngài. Tôi cần phải xem xét kỹ những lá thư ấy càng nhiều càng tốt, hoặc trao nó cho những người có thể và sẵn sàng nghe theo sự dẫn dắt của Chúa.
Cách Tham Dự Giờ Dâng Hiến
Có lẽ đây là việc làm hời hợt nhất, là tiết mục thờ phượng ít được quan tâm nhất trong hầu hết các Hội thánh. Các nhà truyền đạo phải đi vào trường Kinh Thánh hoặc các chủng viện để học tập cách chia xẻ một bài giảng phải lẽ từ Lời Đức Chúa Trời. Một phần quan trọng trong tuần lễ của họ được dùng vào việc nghiên cứu và chuẩn bị cho giờ bước lên bục để giảng dạy. Những người đánh đàn và người hướng dẫn buổi thờ phượng cũng đã dành nhiều năm để phát huy kỹ năng, để ra nhiều giờ hàng tuần để chuẩn bị cho việc hướng dẫn buổi thờ phượng vào các ngày Chúa nhật.
Nhưng người ta đến đâu để học cách giữ giờ dâng hiến; và có bao nhiêu thì giờ được dành ra để cầu nguyện cho việc phải giữ thì giờ nầy hàng tuần như thế nào? Sự chuẩn bị tốt nhất dành cho thì giờ dâng hiến thường là khúc nhạc dạo để giữ cho tâm trí mọi người khỏi xao lãng trong khi các hộp tiền dâng được chuyền đi giữa các dãy ghế!
Tuy nhiên, Kinh Thánh có nói nhiều đến việc dâng hiến. Thật vậy có 356 chỗ nhắc đến việc dâng hiến trong Kinh Thánh! Khi bạn đọc đến việc dâng hiến trong Kinh Thánh bạn sẽ thấy rằng đó là những sự kiện có màu sắc, kịch tính và hứng thú. Người lãnh đạo trước hết phải dành thì giờ riêng tư với Chúa và nhận được sự hướng dẫn của Ngài, rồi thách thức mọi người dâng hiến. Sự dâng hiến theo Kinh Thánh không nằm giữa những phần “thuộc linh” hơn của buổi thờ phượng. Nhưng sự dâng hiến theo Kinh Thánh là điều thuộc linh sâu sắc và thường được đánh dấu bằng sự từ bỏ đầy vui mừng.
Ví dụ, hãy đọc về việc dâng hiến để xây dựng đền tạm trong Xuất êdíptôký đoạn 25. Hãy lưu ý những người mà lòng họ được Chúa cảm động về những nhu cầu và nhu cầu được trình bày một cách rất cẩn thận, đó là những số lượng vàng, bạc, đồng, dầu thắp, hương liệu, bích ngọc, cùng chỉ tím, đỏ, điều…cụ thể được nêu ra, và dân sự được kêu gọi dâng hiến để đáp ứng những nhu cầu đó.
Môi se cũng đã yêu cầu những tay thợ khéo cống hiến công sức của họ (XuXh 35:10). Khi bạn đọc XuấtÊdíptôký đoạn 35 về việc dốc tuôn các của dâng và sức lao động thật lớn lao, hãy xem thật là một sự tương phản với hầu hết những của dâng ngày nay. Họ không thể dùng một hộp tiền dâng cỡ khiêm nhường như chúng ta vẫn thường dùng trong các buổi nhóm của Hội thánh, hoặc còn tệ hơn nữa, một chiếc túi vải buộc vào đầu một cây gậy, bạn giấu cả bàn tay của mình trong khi bỏ của dâng vào (Tôi đã một lần đọc được rằng khi sử dụng một chiếc túi vải thì giá trị của dâng bị kém đi). Các con cái Ysơraên hẳn phải chở các của lễ trên những chiếc xe kéo và chất từng đống lớn ở trước mặt Đức Chúa Trời. Việc dâng hiến tiếp tục trong nhiều ngày, theo 36:3, cho đến khi những người lãnh đạo phải bảo dân sự thôi không mang thêm của dâng đến nữa. Có dư số cần dùng cho công việc của Chúa.
Bạn có bao giờ thấy điều đó trong Hội thánh mình không? Tôi chưa bao giờ được thấy một sự dốc đổ dư dật của tình yêu đối với Đức Chúa Trời như vậy đến nỗi phải ngăn tín hữu đừng dâng thêm nữa. Tuy nhiên, tôi đã được thấy việc dâng hiến với tấm lòng hớn hở và tôi cũng đã học tập được đôi điều về những phương cách của Đức Chúa Trời trong cách khích lệ dân sự dâng hiến như vậy.
Những Người Lãnh Đạo Phải Dâng Hiến Cách Triệt Để
Điều đó bắt đầu với người lãnh đạo và sự sẵn lòng của người ấy để lắng nghe sự chỉ dẫn của Chúa về một kỳ dâng, cũng như sự vâng lời của người ấy trong khi công bố điều đó cho dân sự. Tôi không nói rằng mỗi ngày Chúa nhật đều phải có một kỳ dâng quan trọng như gương mẫu về tư cách lãnh đạo của Môi se. Nhưng có những lần dâng hiến tiên phong, khi Đức Chúa Trời dẫn dắt một tập thể vào một sự thách thức đức tin lớn lao. Trong những lần đó, những người lãnh đạo phải nghe rõ từ nơi Chúa và dẫn dắt dân sự dâng hiến cách rộng rãi hơn, quyết liệt hơn lúc bình thường.
Như tôi đã đề cập ở một chương trước, cách đây vài năm, Chúa đã dẫn dắt chúng tôi mua một tòa lâu đài ở Hurlach, nước Đức. Chúng tôi dọn đến lâu đài với 1000 nhân sự trong thời gian có cuộc truyền giảng Tin lành cho Thế Vận Hội Munich. Sau cuộc truyền giảng, khoảng một trăm nhân sự và các nhà truyền giáo trong chương trình huấn luyện được cung cấp chỗ ăn ở trong tòa lâu đài nầy, do nhiều khoản chi trả lớn thanh toán cho. Lần nọ, một trong các khoản thanh toán của chúng tôi tăng lên trong khi chúng tôi có rất ít tiền trong tài khoản. Chúng tôi cần khoản 200.000 Mác, tức là khoảng 120.000 Mỹ kim trong vòng hai tháng.
Tôi mời nhóm nhỏ gồm những người lãnh đạo trong lâu đài. Có sáu người trong chúng tôi cùng họp mặt trong căn hộ nhỏ của David và Carol Boyd sát bên cạnh lâu đài. Ngồi quanh chiếc bàn ăn trong bếp, chúng tôi cầu xin Đức Chúa Trời tỏ cho biết cách Ngài muốn đáp ứng nhu cầu này.
Sau khi chờ đợi trong sự hiện diện của Chúa, tôi nghe Ngài phán trong tâm trí mình hãy dâng hết thảy những gì ngươi có rồi ngày mai, ta sẽ ban cho ngươi gấp mười lần số đó từ các nhân sự và các học viên. Và rồi ta sẽ đem đến gấp mười lần tổng số của họ từ bên ngoài YWAM.
Khi tôi thuật lại điều tôi nhận biết như là sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời cho những người khác, họ đều đồng ý. Có người nói rằng Chúa muốn chúng tôi phải dâng triệt để và đó sẽ là một niềm vui mừng lớn.
John Babcock, người đứng đầu việc bảo quản các phương tiện truyền thanh lúc ấy, cũng đồng ý. Ông nói “Là những người lãnh đạo, chúng ta phải đi đầu. Nhà tôi và tôi đã để dành cả năm nay để trở về Hoa Kỳ dự lễ tốt nghiệp cao đẳng của các con chúng tôi. Chúng tôi tin rằng mình phải dâng số tiền đó”. Sau đó ông đặt một tờ chi phiếu mấy trăm Mỹ kim lên bàn.
Những người còn lại trong chúng tôi đều làm theo như vậy, cho đến khi có được gần 1.200 Mỹ kim tiền mặt trên bàn và những tấm giấy ghi số tiền hứa dâng.
Qua hôm sau, chúng tôi trình bày với các nhân sự và các học viên của mình nhu cầu ấy. Tuy nhiên chúng tôi không cho họ biết điều Chúa đã phán với chúng tôi là những người lãnh đạo rằng số dâng của chúng tôi sẽ trở thành một phần mười số tiền dâng của họ. Tôi chỉ nói với nhóm gồm một trăm thanh niên đang ngồi yên lặng trước mặt Chúa và cầu hỏi Ngài rằng họ có phải dâng không, và phải dâng bao nhiêu.
Sau một lúc yên lặng chờ đợi, họ bắt đầu dâng. Khi tất cả tiền và chi phiếu được đếm, kể cả những tặng phẩm, đồng hồ và máy chụp hình, tổng số dâng lên gấp mười lần số mà chúng tôi, những người lãnh đạo đã dâng lúc đầu. Trong suốt những ngày tiếp theo đó, chúng tôi nhận được những tặng phẩm về tiền bạc cũng như vật chất từ các Cơ Đốc nhân khác, hầu hết ở trong nước Đức. Số những tặng phẩm đó cùng với tổng số thu được cộng lại. Con số nhân bội lên mười lần nữa đã được thấy rõ, và nhu cầu đã được thỏa đáp.
Kể từ lúc đó, tôi thường thấy Chúa đòi hỏi một nhóm nhỏ những người lãnh đạo phải dâng mười phần trăm số lượng mà sau đó tập thể đông đảo hơn sẽ dâng. Không phải luôn luôn phải đúng mười phầm trăm nhưng những người lãnh đạo luôn luôn phải thực hành đức tin dấn thân hơn. Những người lãnh đạo phải đi đầu. Những người lãnh đạo hy sinh trong sự ban cho, thì những người theo sau họ càng hy sinh trong sự ban cho hơn nữa, mặc dầu họ không biết điều những người lãnh đạo đã làm, nhưng Chúa thúc dục dân sự theo sự vâng lời của những người lãnh đạo. Như điều đã chép trong Cac Tl 5:2 “Các quan trưởng Ysơraên đã dẫn đầu cách can đảm, và bá tánh vui lòng theo sau!” Sự cảm động do đức tin người lãnh đạo sẽ được nhân bội lên trong dân sự qua sự làm việc của Đức Thánh Linh.
Vua David đã bày tỏ tư cách lãnh đạo trong việc dâng hiến trong một kỳ gây quỹ quan trọng thời Cựu uớc. Họ đang thâu góp tiền bạc và vật liệu để xây ngôi đền thờ vĩ đại. Chương 29 trong ISử ký cho chúng ta biết những gì David đã đích thân dâng trước: vàng, bạc, sắt, gỗ,mã não và các thứ ngọc, kế đến là liệt kê những gì dân sự đã dâng, theo như kiểu mẫu dâng hiến của ông.
Việc Dâng Những Tấm Ván
Đôi khi Chúa có thể dẫn dắt chúng ta thực hiện một kiểu dâng hiến đặc biệt là điều nắm bắt được trí tưởng tượng của dân sự. Khi tôi còn là một cậu bé, cha tôi đã đưa một chiếc xe Jeep lên trên bục giảng trong thánh đường của nhà thờ chúng tôi, và yêu cầu các tín hữu hãy mua chiếc xe ấy cho một vị giáo sĩ ở Phi Châu. Để làm được công việc đó, phải tốn nhiều khó khăn. Bố tôi đã phải tạm thời dọn một vách ngăn chia đôi phòng nhóm với một phòng thông công, chỉ để cho Hội thánh chúng tôi có được kinh nghiệm dâng hiến gây ấn tượng sâu sắc. Nhưng hình ảnh của chiếc xe Jeep cứng cáp ấy, và việc hình dung nó trong những khu rừng rậm Phi Châu đã gây một ấn tượng sâu sắc trên một cậu bé như tôi. Việc ấy để lại trong tôi một ấn tượng đến nỗi tôi quyết định dâng số tiền tôi dự định mua cho mình chiếc xe đầu tiên. Và nhiều năm về sau, tôi đã có được đặc ân lái chính chiếc Jeep ấy trong khu rừng rậm ở Tây Phi trong một chuyến đi hầu việc Chúa đến Benin.
Nhớ lại gương của bố tôi, và vâng theo sự thúc giục của Chúa, tôi đã dẫn dắt một số việc dâng hiến đặc biệt giữa vòng các công tác viên trong hội Thanh Niên Với Sứ Mạng. Một lần nọ, chúng tôi đã dâng những tấm gỗ cho việc xây dựng trường Đại Học Truyền Giáo Hawaii. Chúng tôi có cả đống gỗ chưa được thanh toán tiền, chất trong khu đại học gần nơi nhóm lại.
Tín hữu của chúng tôi cầu nguyện, và rồi khi được Chúa dẫn dắt, mỗi người trong số họ đi ra chọn một hoặc vài tấm, ký tên lên những tấm gỗ mà họ bằng lòng trả tiền, thậm chí còn viết những lời hứa theo Kinh Thánh hoặc những lời cam kết với Chúa trên các tấm ván. Điều họ viết, về sau hẳn sẽ bị xóa đi mất, nhưng các sứ điệp ấy vẫn được kết ước giữa Đức Chúa Trời và chính họ.
Về sau, khi đọc một số những lời được viết ra ấy, tôi muốn khóc. Tôi nghĩ đến một ngày kia, những đứa trẻ đã ký tên lên tấm ván trong buổi chiều ấy sẽ bước vào trường đại học để chuẩn bị chính mình thành những nhà truyền giáo. Hãy thử hình dung một thanh niên ngồi trong lớp học, tự hỏi miếng ván người ấy đã dâng hiện đang ở đâu!
Việc Dâng Hiến Những Bánh Và Cá
Một lần nọ, chúng tôi cần 250.000 Mỹ kim để hoàn tất một tòa nhà dành cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật tại trường đại học YWAM cho các dân tộc tại Hawaii. Mười hai người lãnh đạo trong chúng tôi nhóm lại và Chúa đã khiến chúng tôi lưu tâm đến câu chuyện Chúa Jesus nuôi 5000 người bằng năm ổ bánh và hai con cá. Chúng tôi đang đương đầu với một điều bất khả thi không khác lắm so với điều các môn đồ phải đối diện vào thời ấy. Tôi cảm biết Chúa đang phán chúng tôi phải đáp ứng như cậu bé kia đã làm, và trao phần ăn trưa của chúng tôi cho Ngài để Ngài nhân bội lên.
Vì vậy cả mười hai người chúng tôi cùng cầu nguyện và hỏi Chúa riêng phần chúng tôi phải dâng bao nhiêu, và tin rằng Ngài sẽ làm sinh sôi nẩy nở ra từ một nhóm người đông hơn. Tuy nhiên, lần nầy khác hơn kinh nghiệm ở tại Đức. Nhiều người trong chúng tôi không có tiền để dâng, vì vậy chúng tôi lập lại những lời hứa nguyện bằng đức tin.
Alan và Fay Williams lúc ấy thuộc giới lãnh đạo đang hầu việc Chúa tại Kona, và mặc dầu lúc ấy không hề có tiền bạc, họ vẫn cảm biết Chúa đang bảo họ hãy tin cậy Ngài để dâng 1000 Mỹ kim. Không nói cho ai biết nhu cầu ấy, họ “đóng cửa cầu nguyện”. 1000 Mỹ kim được gởi đến cho họ bằng đường bưu điện từ nhiều nguồn trợ giúp khác nhau trong một vài tuần sau đó. Tiến sĩ Bruce Thompson, một người khác trong số các lãnh đạo của chúng tôi, cảm biết Chúa đang bảo ông hãy gọi điện cho một người và yêu cầu họ cho 2000 Mỹ kim, và đó là cách ông Bruce đã đóng góp phần của ông. Tổng số tặng phẩm và những khoản hứa dâng trong vòng những người lãnh đạo chúng tôi là vào khoảng 25.000 Mỹ kim.
Ngày hôm sau, chúng tôi thông báo cho cả trăm nhân sự và học viên rằng chúng tôi sẽ có một bữa ăn và kỳ dâng bằng những chiếc bánh và cá. Vào lúc ấy có một bãi cỏ rộng ở giữa các tòa nhà. Khi mọi người đến nơi, chúng tôi mời họ ngồi thành các nhóm trên các tấm thảm trải trên cỏ. Chúng tôi nói cho họ biết các nhu cầu, bầu không khí càng yên lặng hơn khi chúng tôi thông báo rằng chúng tôi trông đợi Chúa chu cấp 250.000 Mỹ kim từ giữa vòng 700 nhân sự và học viên. Nhưng có một số người bày tỏ sự xúc động mạnh trong ánh mắt của họ. Tôi đọc lớn câu chuyện Chúa Jesus nuôi năm ngàn người ăn.
Sau khi đọc xong câu chuyện, cùng với những lời thúc giục và giải thích, những người lãnh đạo trong chúng tôi bắt đầu chuyền các giỏ đựng đầy những khoanh bánh mì tây và những khúc cá, kèm với những cốc nước lạnh. Trong khi cả nhóm ăn, từng người trong số cả trăm đó hỏi Chúa, mình có phải dâng không và dâng bao nhiêu. Trong khi đó, ban hát Polynesia của chúng tôi, Island Breeze bắt đầu hướng dẫn việc ca hát và thờ phượng.
Sau khi đã chuyền hết bánh và cá, những người lãnh đạo hành động như những người dẫn chỗ, dùng các giỏ đựng để thâu tiền và giấy hứa dâng. Sau đó họ đem hết vào một văn phòng, nơi có một nhóm kế toán đang đợi với những chiếc máy cộng.
Khi Martin Redigen, kế toán trưởng đem đến cho tôi tổng số đầu tiên, tôi đã làm gián đoạn ban hát và công bố: “Cho đến nay đã có 1.200 Mỹ kim được dâng hướng đến mục tiêu 250.000”. Có một sự yên lặng giữa các nhóm người đang ngồi trên bãi cỏ. Một sự yên lặng thất vọng.
Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục ca hát và ngợi khen Chúa trong lúc đây đó có người viết vội một mảnh giấy hoặc thò tay vào túi để lấy tiền. Khi Martin xuất hiện với tổng số lần thứ nhì, tôi công bố có 6.000 Mỹ kim đã được dâng cho đề án xây dựng trung tâm ấy.
Toàn bộ bữa ăn và buổi nhóm lại mất khoảng hai tiếng đồng hồ với những tổng số tăng lên từ từ… 6.000 Mỹ kim thành 14.000, rồi 27.000, 32.000 rồi đến 47.000 và cao nhất với số 100.000. Đối với nhiều người, đó không phải là một quyết định để dâng những gì họ đã có hoặc có thể trông mong dâng nỗi. Rất nhiều người trong số các nhân sự và các học viên được thúc giục để dâng số tiền mà họ không biết nỗi bằng cách nào họ có thể có được số đó. Cũng giống như Alan và Fay Williams, họ sẽ cầu nguyện để số tiền ấy đến với họ.
Cuối cùng, khi ánh hoàng hôn của xứ Hawaii đã chuyển dần sang buổi chiều tối, một cặp vợ chồng từ Minnesota có một quyết định, họ viết một con số vào mảnh giấy và thả vào giỏ. Họ có một cậu con trai ở vào tuổi trung học và đã mất nó trong một tai nạn ô tô hồi đầu năm đó. Cậu con trai ấy đã từng có ước muốn được hầu việc Chúa tại các quần đảo Thái Bình Dương trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Và họ quyết định dâng một mảnh đất là phần đất cậu thừa kế. Giá trị của miếng đất ấy được họ ước tính trên mảnh giấy, cộng thêm vào khoản hiện tại chúng tôi còn thiếu, đã đưa tổng số lên 250.000 có cần.
Khi Martin đến cho chúng tôi hay điều đó, chúng tôi bộc lộ vui mừng trong tiếng vỗ tay, ngợi khen Chúa về cách Ngài đã đem đến điều chúng tôi có cần.
Sự cung ứng của Đức Chúa Trời sẵn sàng trong mọi tình huống nếu những người có liên quan sẵn lòng vâng theo lời Chúa. Nếu chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và làm những gì ngài phán bảo trong những sự dâng hiến, thì các nhu cầu sẽ được giải quyết từ giữa vòng các con cái Ngài. Đức Chúa Trời đã đặt họ ở đó với một số lượng thích hợp để họ dâng. Nhưng sự vâng lời phải đến trước, rồi mới có phép lạ.
Ném Tiền Lên Một Chiếc Mền
Một lần nọ tôi bay đến Pittsburgh để nói chuyện ở tại một kỳ hội đồng. Khi vừa đến phi trường, Chúa phán trong tâm trí tôi rằng Ta muốn con chịu trách nhiệm một cuộc dâng hiến để lập một đài truyền hình mới mà ta muốn bắt đầu tại thành phố nầy. Thật là một việc hoàn toàn bất ngờ, vì tôi chẳng hề quen biết người nào đang có suy nghĩ về việc bắt đầu một đài truyền hình Cơ Đốc tại đó.
Tuy nhiên, ấn tượng ấy mạnh mẽ đến nỗi sau khi đến nơi, tôi phải trình bày với những người chủ tiếp đón. Russ Bixler là vị chủ tịch của kỳ hội đồng mà tôi sẽ giảng.
Khi tôi thuật cho Russ nghe những điều tôi nhận được, ông ta đứng yên và trợn mắt nhìn tôi, miệng há hốc vì kinh ngạc. Cuối cùng ông nói “Loren à, tôi đang bắt đầu một đài truyền hình, nhưng anh phải nói điều đó cho cả ban chấp hành, bởi vì có một số người không tin chắc rằng ý tưởng mở một hệ thống truyền hình là của Đức Chúa Trời”.
Sau đó, tôi họp với cả nhóm, và họ đã đồng ý rằng điều đó phải đến từ Chúa. Họ nói tôi hãy tổ chức cuộc dâng hiến. Tôi về phòng mình cầu nguyện và hỏi Chúa tôi phải thực hiện công việc đó như thế nào. Ngài chỉ cho tôi câu chuyện về Ghêđêôn, người đã bắt đầu một cuộc dâng hiến bằng cách trải một chiếc áo xuống và yêu cầu dân sự ném vàng của họ vào đó. Đặc biệt đề cập đến những chiếc vòng vàng đeo tai đã được dâng.
Chọn lấy điều đó như một kiểu mẫu của mình, tôi lấy một chiếc mền trong phòng mình tại khách sạn và đem đến buổi nhóm hội đồng tối hôm đó. Tôi thuật lại cho dân sự điều Chúa đã bày tỏ, lần thứ nhất ở trên máy bay, rồi sau đó trong câu chuyện của Ghêđêôn. Tôi yêu cầu họ hãy đến và ném những của lễ của họ lên chiếc mền.
Cử tọa thật đông đảo, với các tầng bao lơn. Khi cuộc dâng hiến bắt đầu, mọi người bắt đầu tuôn ra phía trước khán đài và ném tiền lên tấm mền. Những người khác từ trên bao lơn chỉ cần chồm ra lan can và thả tiền xuống tấm mền. Thật là một thì giờ ngợi khen hoan hỉ với những lời ca tiếng hát và sự vui mừng khi hết thảy chúng tôi đều vâng lời Đức Chúa Trời. Có một vài người cũng thả vào đó các món trang sức trên tai của họ, khiến cho buổi dâng hiến lại càng giống với câu chuyện về cuộc lạc quyên của Ghêđêôn. Nhưng chúng tôi không hề được chuẩn bị trước cho một điều lạ lùng kinh ngạc, đó là khi những người hướng dẫn tính tổng số tiền được ném lên tấm mền. Tổng số là 25.000 Mỹ kim gần đúng với số lượng dâng được nêu lên trong 8:26 (Living Bible)
Cuối cùng đài truyền hình đã thực hiện được. Thực tế hiện nay, Russ Bixler báo cáo rằng họ đã có năm đài.
Từng trãi như thế này ở tại Pittsburgh không phải là điều độc nhất vô nhị. Mà đã từng có những cuộc lạc hiến khác, xúc động tương tự như vậy… tại kỳ Hội đồng Thánh Kinh Capel, Anh quốc, cũng có một trường hợp dân sự chất thành đống các của dâng rồi nhảy múa trong các vòng tròn khổng lồ đồng tâm trên bãi cỏ bên ngoài chỗ nhóm lại. Tại một kỳ hội đồng của các Mục sư ở Arrowhead Springs, tiểu bang Califonia, chúng tôi có một ấn tượng để giữ theo gương mẫu trong Cong Cv 4:37, và đặt tiền mình “nơi chân các sứ đồ” trong trường hợp nầy thì đặt tại chân các giáo sư Thánh Kinh của hội đồng. Các phương pháp có đổi khác, nhưng họ luôn được cảm động cách lạ lùng và trọn vẹn. Những cuộc dâng hiến trong Kinh Thánh đòi hỏi sự cảm động về phía dân sự. Họ đã tiến lên phía trước để dâng. Chứ họ không ngồi cách thụ động và chờ có ai chuyền hộp tiền dâng đến chỗ mình.
Nếu chúng ta hoàn toàn sẵn sàng nhạy cảm với Thánh Linh và sự dẫn dắt của Ngài, thì các của dâng sẽ trở thành điều đẹp nhất của đời sống chúng ta. Sự dâng hiến của chúng ta sẽ phong phú, thú vị và muôn màu muôn vẻ. Không có sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta thường không thể thực hiện những công việc quá sức ấy. Nhưng chúng ta sẽ được ban thưởng lại. Như Lời Ngài đã hứa
“Hãy cho, người sẽ cho mình, họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy ” (LuLc 6:38)

Ghi Chú : Chương 10
1. Trong cùng một cuốn sách đã nêu ở một chương trước.

NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CẤP DƯỠNG MẮT KHÔNG THẤY ĐƯỢC
Có lẽ ngăn trở lớn lao nhất khiến người ta cân nhắc khi dấn thân vào chức vụ truyền giáo là vấn đề tiền bạc. Làm sao bạn biết rằng tiền sẽ có khi bạn cần đến nó? Còn việc cấp dưỡng cho gia đình thì sao? Liệu bạn có chăm lo được những công việc như cho con vào đại học hoặc chỉnh nha cho chúng? Nhiều Cơ Đốc nhân dùng cụm từ “nhà truyền giáo sống bằng đức tin” là câu nói tự nó đã mang tính đe dọa. Có lẽ bạn tự hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi không có đủ đức tin để làm một nhà truyền giáo?”
Trước hết, phải biết rõ rằng nếu Chúa đang kêu gọi bạn vào chức vụ trọn thì giờ, Ngài biết tất cả nhu cầu của bạn. Ngài biết rõ bạn có bao nhiêu đứa con (hoặc phải có bao nhiêu đứa). Ngài quan tâm đến các bậc cha mẹ cao tuổi yếu sức của bạn, thậm chí Ngài còn biết cả hàm răng bé gái con của bạn cần được chỉnh lại, Đức Chúa Trời rất thực tế. Đừng sợ phải vâng lời Ngài, khi nghĩ rằng Ngài không lo tưởng đến tất cả những gì thuộc về bạn. Ngài đang quan tâm đến chúng và cả đến những nhu cầu tương lai mà thậm chí lúc nầy bạn chưa biết đến.
Đây là điều chúng tôi đã nói đến trong chương hai, bí quyết của loài chim trời. Cha trên trời của chúng ta chịu trách nhiệm về những điều đó, nên chúng chẳng phải lo lắng. Và chắc chắn Ngài cũng chịu trách nhiệm về bạn và sự bảo dưỡng của bạn.
Đức Chúa Trời có nhiều cách để chu cấp cho những người ở trong chức vụ trọn thì giờ. Đừng chỉ vẽ Ngài phải cấp dưỡng cho bạn bằng những phương cách nào. Có một số người không thể chịu nỗi việc từ bỏ lòng kiêu hãnh khi phải dựa vào những tặng phẩm của người khác. Họ quyết định sẽ chỉ hầu việc Chúa khi nào họ có thể tự trả cho chính họ. Những người khác rơi vào bẫy kiêu ngạo thuộc linh, tin rằng cách duy nhất để làm công việc Chúa là phải để Ngài nói với dân sự dâng cho họ, chứ không tỏ cho dân sự biết nhu cầu của họ. Cũng có những người khác thì lại nhờ cậy quá nhiều nơi dân sự, trông đợi nơi những người quen biết nhiều hơn trông đợi Đức Chúa Trời. Nếu như Ngài dự định dẫn dắt họ cách khác, thì họ sẽ gặp rắc rối trong việc tin cậy Ngài.
Kinh Thánh phán rằng đức tin đến bởi việc nghe Lời Đức Chúa Trời. Dầu bạn chỉ mới bắt đầu bước ra, hoặc đã ở trong chức vụ nhiều năm, hãy lắng nghe tiếng Chúa và làm đúng theo điều Ngài bảo bạn làm trong từng trường hợp.
. Khi Chúa Jesus và Phierơ cần tiền nộp thuế, Ngài bảo Phierơ đi câu cá, và cho biết ông sẽ tìm thấy một đồng bạc trong miệng cá.
. Khi bà góa của một tôi tớ Chúa hầu việc trọn thì giờ sắp phải mất các con trai mình vì phải bán chúng làm nô lệ vì nợ nần, tiên tri Êlisê bảo bà hãy đi sang nhà những người hàng xóm mượn các hủ và bắt đầu rót dầu mà ba đang có. Đức Chúa Trời đã làm sinh sôi số dầu ấy suốt cuộc đời còn lại của bà. Bà bán số dầu ấy và cùng các con sống nhờ nguồn thu nhập này.
. Khi Êli bị đói. Đức Chúa Trời phán bảo ông thực hiện một “lời kêu gọi cứu trợ”, song thay vì gởi hàng ngàn lá thư đến các ân nhân có tiềm lực, Chúa bảo ông hãy đến cầu viện trực tiếp nơi một người đàn bà cũng vô cùng nghèo thiếu.
Phương pháp cấp dưỡng nào là đúng với Kinh Thánh nhất? Đi câu cá chăng? Bán dầu chăng? Hay thỉnh cầu trực tiếp? Khi bạn đọc xuyên suốt Kinh Thánh, bạn sẽ bị chấn động bởi một điều trong đường lối mà Đức Chúa Trời đã cung cấp cho những đầy tớ dâng trọn thì giờ của Ngài: đa dạng. Người Lêvi sống bằng những của lễ dâng mà dân sự dâng cho nhà Chúa. Các tiên tri, với chức vụ rày đây mai đó, thường dựa vào sự ban cho tự phát cùng với lòng hiếu khác của những bạn hữu. Trong một giai đoạn, sứ đồ Phao Lô đã may trại, làm việc “ngày và đêm” để tự cấp dưỡng đang khi đi tiên phong một công tác ở tại Têsalônica (ITe1Tx 2:9). Vào những thời điểm khác ông cũng đã nhận các của dâng. Những tín đồ có các phương tiện, như bà Lyđi nuôi nấng và chu cấp nơi ở cho ông.
Cho đến năm ba mươi tuổi, Chúa Jesus vẫn sinh sống bằng nghề thợ mộc. Nhưng khi bước vào chức vụ trọn thì giờ. Ngài sống với mọi người và ăn ở tại bàn của họ. Như chúng ta đã thấy ở một chương trước, Ngài có những người bạn thân thường xuyên góp phần hỗ trợ cho các nhu cầu của Ngài, Con Đức Chúa Trời vẫn cần những người hậu thuẫn chức vụ của Ngài (LuLc 8:3)
Mặc dù câu chuyện đồng bạc trong miệng cá cho thấy Ngài có thể tin cậy Đức Chúa Trời để thỏa đáp các nhu cầu của Ngài một cách thần diệu, Chúa Jesus vẫn thực hiện những lời kêu gọi trực tiếp. Khi Ngài cần phương tiện để tiến vào Giêrusalem cách khải hoàn, Chúa đã sai các môn đồ hỏi mượn con lừa của một người nọ.
Thật vậy, điểm chung duy nhất trong những phần mô tả sự cung ứng của Kinh Thánh là sự vâng lời đối với ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều mấu chốt để sống theo những phương tiện cấp dưỡng không thấy được là nghe tiếng Chúa và vâng theo tiếng phán của Ngài. Nếu lúc nào bạn cũng trông mong Ngài dẫn dắt một cách tương tự thì hãy con chừng, đó là một cái bẫy. Nhưng hãy linh động và sẵn sàng đi theo sự chỉ dẫn của Ngài.
Hãy cầu hỏi Chúa xem bạn phải bước những bước nào. Đôi khi, Ngài muốn bạn nói cho những người khác biết các nhu cầu của bạn. Hãy vâng lời Ngài, Những lúc khác, có thể Ngài muốn bạn giữ yên lặng và chỉ để Ngài biết các nhu cầu của bạn mà thôi. Hãy vâng lời Ngài. Hoặc có thể Ngài dẫn dắt bạn trong một cuộc đầu tư. Hoặc bán cái gì bạn có. Hãy vâng lời Ngài. Thậm chí có thể Ngài đem đến một cơ hội làm ăn theo cách của bạn. Những gì bạn tạo ra trong chức vụ có thể mang lại lợi nhuận tài chánh.
Hãy coi chừng những cơ hội nào làm bạn đổi hướng khỏi sự kêu gọi về chức vụ trọn thì giờ. Song cũng đừng loại bỏ những khả năng lựa chọn có tính sáng tạo, hoặc cố gắng bắt ép Chúa phải cung ứng cho bạn theo một cách nhất định nào đó. Tất cả những phép lạ về sự cung ứng của Chúa bắt đầu bằng việc lưu ý đến lời khuyên của Mary tại tiệc cưới Cana: “Người biểu chi, hãy vâng theo”
Karen Lafferty là một nữ diễn viên xiếc chính quy trong các hộp đêm, khi Chúa kêu gọi cô bước vào chức vụ trọn thì giờ. Cô biết rằng tương lai sẽ kiếm được rất nhiều tiền nếu cô cứ đeo đuổi nghề xiếc này, nhưng cô cũng biết chính mình muốn được vâng lời Chúa. Vậy nếu bỏ việc, cô sẽ sinh sống cách nào đây?
Trong lúc tham dự một buổi học Kinh Thánh tại nhà thờ Calvary phía Nam California, Karen được nhắc nhở về câu Kinh Thánh trong Mat Mt 6:33. Câu này làm cô chú ý hết sức. Sau đó cô lấy chiếc Ghita đang khi giai điệu dường như đã được dệt lên giữa những dòng chữ trong tâm trí cô “Hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết…và sự công bình của Ngài…” Bạn có thể đoán ra được giai điệu mà Karen dệt lên trong trí mình. Đó chính là điệu nhạc được hát lên trong các hội chúng ở khắp thế giới hiện nay. “…Rồi mọi điều đó sẽ được ban thêm cho các ngươi – Alêlugia, Alêlugia”
Karen liền viết ra dòng nhạc và sau đó cô đã bán nó cho một nhà xuất bản. Ngày nay Karen là một nhà truyền giáo sống tại Amsterdam. Những món tiền bản quyền tác giả từ giai điệu đầu tiên ấy, là bài hát đã được ghi âm và viết ra trên giấy nhạc, cứ tiếp tục dự phần trong việc cấp dưỡng cho công tác truyền giáo của Karen mãi đến ngày nay.
Một Danh Sách Kiểm Tra Dành Cho Việc Ra Đi
1. Chúa có đang bảo tôi làm điều đó không?
Làm thế nào bạn biết chắc Chúa thật sự đang phán với mình?1 Sau đây là một vài nguyên tắc ngắn gọn. Hãy nhớ rằng bất cứ ý nghĩ nào cũng chỉ có thể đến từ bốn nguồn gốc sau đây: do tâm trí của bạn, do suy nghĩ của người khác, do ý muốn của Chúa, và ý muốn của Satan. Bạn chỉ việc yên lặng trước bất cứ những ý tưởng nào đến từ ma quỷ: truyền cho nó phải im đi trong danh Chúa Jesus. Như có chép trong Gia Gc 4:7, hãy chống cự ma quỉ thì nó sẽ lánh xa anh em.
Còn về sự tưởng tượng của chính bạn thì sao? Có phải Chúa đang bảo bạn làm một điều gì đó chăng, hay vì bạn muốn quá nên bảo rằng ý Chúa, song thật sự chỉ là ý của bạn? Để nghe được tiếng Chúa, hãy xin Ngài giúp bạn bắt mọi ý tưởng phải vâng phục Đấng Christ (IICo 2Cr 10:5) Ngài có thể khiến cho những ý tưởng hỗn độn của bạn, kể cả những ý tưởng lộn xộn của người khác, trong quá khứ và hiện tại, dần dần tiêu tan và phải bị câm lặng đi, rồi tâm trí bạn sẽ nghe thấy tiếng phán rõ ràng của Ngài. Nếu bạn cam kết vâng lời Ngài, Ngài sẽ phán rõ điều bạn phải làm.
Cũng hãy nhớ rằng nếu Chúa đã phán với bạn, thì điều đó sẽ được khẳng quyết. Hoặc bởi hoàn cảnh, hoặc bởi sự đồng ý của những người khác, với tư cách những người lãnh đạo thuộc linh của bạn, hoặc bởi một dấu hiệu nào đó như Ghêđêôn đã nhận được bằng cách để các lốt chiên. Đức Chúa Trời tiếc với bạn một lời khẳng định đâu, nếu bạn thật lòng tìm kiếm Ngài và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài phán bảo. Hãy lập tất cả những quyết định của bạn trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, ghi chép vào sổ (HaKb 2:2) và rồi hãy thực hiện điều đó.
2. Điều đó đòi hỏi bao nhiêu tiền bạc?
Việc lập một ngân quỹ dự kiến là một phần rất quan trọng trong việc vâng theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Có người cho rằng những người thuộc linh là loại người mơ mộng, tức là họ bước ra trong một bầu không khí loãng, trông đợi các thiên sứ đặt cái gì đó dưới chân họ. Không đúng như vậy.
Một trong những phép lạ lớn nhất của Kinh Thánh đã được bắt đầu với một ngân quỹ được dự kiến. Khi Chúa Jesus bảo các môn đồ phải cho đoàn dân đông đang đói ăn, Philíp ước tính thật nhanh và cho biết rằng hai trăm đơniê, hoặc số tương đương với tiền công nhật của hai trăm người đàn ông thì cũng không thể trang trãi đủ. Chúa Jesus không quở trách ông vì đã nêu lên điều đó. Chẳng có gì là không thuộc linh về các ngân sách.
Hãy làm một bảng kê khai. Những nhu cầu dự kiến của bạn là gì? Hoặc Chúa đang dẫn dắt bạn vào một dự án ngắn hạn, hoặc vào một nghiệp vụ truyền giáo, bạn cũng cần phải nghiên cứu các chi phí và viết xuống.
Khi lập các dự án của mình, hãy tránh hai thái cực tiết kiệm quá đáng và phung phí quá mức. Một phụ nữ trẻ, tin cậy Đức Chúa Trời trong lãnh vực tài chánh khi cô bước vào công tác truyền giáo đã hỏi “Liệu Đức Chúa Trời có chu cấp tiền bạc về việc dùng mỹ phẩm không?” Nếu đó là nhu cầu của bạn, thì cũng là vấn đề quan trọng đối với Chúa nữa. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải nhắc nhở chính mình rằng Ngài hứa chu cấp các nhu cầu của chúng ta, chứ không phải những tham muốn của chúng ta.
3. Tôi đang có gì rồi?
Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời phán với bạn, Ngài cũng kể đến cái mà bạn hiện đang sở hữu. Cho đến khi nào bạn chịu sử dụng mọi gì mình đang có để tạo nên một chút hiệu quả, lúc ấy Ngài mới bắt đầu làm những việc diệu kỳ. Việc nuôi 5000 người ăn đã bắt đầu với một cậu bé dâng bữa ăn trưa của cậu . Tiên Tri Êlisê hỏi bà góa nghèo rằng “Ngươi có gì trong nhà mình?” (IIVua 2V 4:2). “Chẳng có gì cả”, bà trả lời “ngoài một chút dầu trong bình”
Điều bạn đang có dường như cũng chẳng là gì cả, nhưng Chúa yêu cầu bạn hãy dâng điều đó. Có phải bạn có một chiếc xe hơi để bán không? Có phải bạn đang giữ lại thứ gì đó cho mùa mưa không? Hãy hỏi Chúa bạn phải làm gì với những điều mình có. Có thể Ngài muốn bạn bán đi các đồ vật hoặc Ngài sẽ bảo bạn đầu tư điều bạn hiện có. Một lần nữa, vâng theo sự hướng dẫn của Ngài là điều mấu chốt.
Có người suy nghĩ sai lầm cho rằng cách duy nhất để vâng lời Chúa là đừng sở hữu một điều gì cả. Chúa Jesus bảo viên quan trẻ tuổi giàu có hãy phân phát mọi điều anh ta có, nhưng Ngài không khuyên bảo tương tự như vậy với Nicôđem, mặc dầu ông ta cũng là một người giàu có.
Trong hội truyền giáo của chúng tôi, chúng tôi thường thấy Chúa bảo người ta hãy cho đi điều ít ỏi họ có mặc dầu họ đang xin Ngài cung cấp tiền cho chính họ. Nhiều lúc, phương cách để nhận được tiền bạc là ban cho tiền bạc, miễn điều ấy được thi hành trong sự vâng lời Chúa chứ không phải vì sự tham muốn về phần chúng ta, hoặc để điều khiển một người nào khác.
4. Tôi cần bày tỏ nhu cầu của mình với người khác không?
Trong những năm đầu của tổ chức Tuổi Trẻ Với Sứ Mạng, tôi cảm thấy các nhân sự của chúng tôi không nên để cho người khác biết nhu cầu của họ. Trong nhiều năm, tôi không bao giờ đề cập đến một nhu cầu tài chánh nào trong các lá thư báo cáo của YWAM. Tôi không tin đó là cách duy nhất theo Kinh Thánh để điều hành một hội truyền giáo…nhưng chỉ là cách Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng tôi vào thời điểm đó mà thôi.
Thế rồi, vào năm 1971, khi chúng tôi đang trong tiến trình mua khu bất động sản đầu tiên của mình, đó là một khách sạn ở Thụy sĩ để sử dụng như một trung tâm huấn luyện, tôi cảm thấy Chúa muốn chúng tôi phải viết thư cho hàng ngàn người thường xuyên nhận các ấn phẩm của chúng tôi, cho họ biết chúng tôi đang tin cậy Chúa để xin Ngài một số tiền và mời họ hãy cầu nguyện trợ giúp chúng tôi.
Tôi rất ngạc nhiên vì cớ phản ứng ban đầu của mình trước sự dẫn dắt này. Thật phải vật lộn mà vâng lời Chúa để viết lá thư ấy. Tôi đã không nhận ra chính mình kiêu hãnh đến mức nào khi biết mình khác rất nhiều so với những tổ chức truyền giáo. Chỉ tin rằng Ngài hướng dẫn người ta ban cho chúng tôi mà thôi!
Tôi cũng không chuẩn bị trước phản ứng của một số người khi họ nhận được thư kêu gọi của chúng tôi. Một người bạn thân viết một lá thư giận dữ nói rằng “Tôi nghĩ hội YWAM đã không tin cậy Chúa khi đưa ra những lời xin giúp đỡ về mặt tài chánh”. Chừng đó cũng đủ để tôi phải hỏi lại Chúa. Khi đã tìm kiếm Ngài, tôi nhận ra chính tôi đã nghe điều đó từ nơi Ngài và tôi đã vâng lời Ngài. Những phản ứng này bày tỏ lòng hẹp hòi của chúng tôi biết bao khi cứ đoan chắc rằng Chúa vẫn tiếp tục làm công việc của Ngài theo đường lối trong quá khứ. Và vô tình chúng tôi đã làm cho những người khác tin rằng Đức Chúa Trời chỉ hành động khi chúng ta không nói ra các nhu cầu của mình.
Nhu cầu của chúng tôi về việc mua khách sạn đó đã được thỏa đáp…bằng những con số chính xác nói theo đồng Mỹ kim (hoặc trong trường hợp đó là những đồng Franc Thụy sĩ) số tiền ấy đã đến đúng vào ngày cuối cùng. Vì chúng tôi vâng lời Chúa nói lên nhu cầu của mình.
Đức tin là vâng theo điều gì Chúa phán bảo bạn chứ không có gì khác. Vì vậy, hãy tự hỏi xem bạn có phải nói ra các nhu cầu của mình hay không. Bạn còn nhớ câu chuyện Êli đã được chính Đức Chúa Trời cấp dưỡng như thế nào bên khe Kêrít không? Cứ một ngày hai lần, Đức Chúa Trời sai chim quạ đem bánh đến cho ông. Nhưng khi khe khô cạn, Ngài bảo ông phải đi ra tỏ các nhu cầu của ông cho một người, đó là bà góa ở Sarépta.
Điều gì xảy ra nếu Êli thưa cùng Chúa rằng “Nhưng lạy Chúa, Ngài biết con không tỏ cho ai biết các nhu cầu của mình! Con chỉ tỏ cho Ngài thôi, và Ngài nuôi dưỡng con. Con quá thuộc linh nên không thể xin người ta được!”
Có thể có những lý do nhất định khiến bạn phải nói ra những nhu cầu của mình, hoặc khiến bạn không nói ra. Mỗi cách đều phải được thực hiện theo từng giai đoạn trong chức vụ của bạn.
Ví dụ, trong những năm đầu của YWAM, chúng tôi ít có được lòng tin cậy với tư cách là hội truyền giáo. Chúng tôi chỉ được mọi người xem như là những thanh niên trẻ tuổi đi ra truyền giáo trong những kỳ hè của mình. Một số người sợ rằng chúng tôi sẽ làm phí mất số tiền cần thiết cho các nhà truyền giáo “chính quy”. Cần phải có thời gian để công chúng biết rằng chúng tôi cũng là các nhà truyền giáo chính quy! (hiện nay TNSM có 7.000 nhà truyền giáo hầu việc Chúa khắp thế giới như một nghiệp vụ). Cũng cần phải có thời gian để mọi người thấy được giá trị của các sứ mạng ngắn hạn. Khi chúng tôi bắt đầu vào những năm 1960, các sứ mạng ngắn hạn vẫn còn là một tư tưởng mới mẻ cấp tiến.
Đối với những dự án tiên phong, mạo hiểm, thường phải có một thời gian được sự cung ứng kỳ diệu, bởi quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Sau đó, khi một chức vụ hầu việc hoặc một cá thể đã trở nên chính thức hóa, sẽ có nhiều người dâng hiến và được liên kết trong sự cầu nguyện và sự hiểu biết hơn. Giai đoạn đó vẫn không kém thuộc linh hơn những ngày đầu chút nào, khi càng nhiều sự cung cấp bởi phép lạ cần phải có thường xuyên hơn.
Khi dân Ysơraên lưu lạc trong đồng vắng suốt bốn mươi năm, Chúa ban cho họ đồ ăn một cách kỳ diệu mỗi ngày ngoại trừ ngày Sabát. Họ thâu nhặt số mana gấp đôi vào trước ngày Sabát. Điều đó đã xảy ra trong suốt bốn mươi năm, mỗi tuần lễ không hề sai. Họ không phải lao động trong vườn hoặc ngay cả đi mua sắm trong một siêu thị. Điều họ phải làm là ra khỏi trại và nhặt lấy mana.
Hãy tưởng tượng họ đã cảm thấy thế nào khi bước vào Đất Hứa và được nghe lời nầy “Bây giờ các ngươi sẽ đi làm việc, gieo trồng trong các vườn nho và trang trại, ăn những gì các ngươi trồng tỉa”. Có phải ăn mana là sống bởi đức tin, còn gieo trồng vườn nho là không sống bằng đức tin sao? Cả hai điều phải sống bằng đức tin, bởi vì cả hai đều là vâng theo lời Đức Chúa Trời vào những giai đoạn khác nhau trong hành trình của họ.
Đôi khi Chúa dẫn dắt bạn không nói về nhu cầu của mình để chứng tỏ tình yêu thương lạ lùng của Ngài dành cho bạn. Những trường hợp đó trở thành những sự kiện quan trọng của đức tin để bạn nhìn lại khi bước tiến trở nên quyết liệt hơn.
Vài năm trước, có một thanh niên tên Clay Golliher đang hầu việc Chúa với YWAM tại Philippin. Khi tôi vừa đến Manila, Clay là người đón tôi tại sân bay. Anh ta hầu như không thở nổi vì xúc động, không giống như bản tánh điềm tĩnh bình thường của anh ta.
“Ôi Loren, một phép lạ vừa mới xảy ra cho tôi”, anh nói và tiếp tục giải thích anh đã hoàn toàn sạch tiền, thậm chí không có tiền mua tem để gởi thư cho cha mẹ anh tại quê nhà, anh chỉ còn có vài xu, mà phải hơn một peso mới gởi được thư. Chúa bảo anh hãy cứ viết thư trước. Anh vâng theo và khi đang trên đường đến đón tôi tại phi trường, anh đi ngang bưu điện.
“Khi đang bước về phía nhà bưu điện, Loren à, tôi thấy có cái gì đó từ bên khóe mắt của mình, đang bay bay trong gió, tôi chụp lấy nó. Đó là tờ bạc một peso!”. Clay bước vào bưu điện và gởi lá thư của mình.
Bryan Andrewa là vị mục sư của một Hội thánh lớn ở tại Brisbane, Úc châu. Mới đây, ông đi ngang qua Kona, trên đường trở về nhà sau một chuyến hầu việc ở tại Hoa Kỳ. Chúng tôi mời ông ở lại với chúng tôi ít ngày. Điều mà chúng tôi không hề biết, đó là ông đã hết sạch tiền.
Một bữa nọ, ông đi đến bờ biển Magic Sands, không xa khu sinh viên đại học của chúng tôi lắm. Đó là một bãi biển nhỏ hỗn độn có tiếng, với những ngọn thủy triều hung hãn và những đợt sóng lớn. Đang khi bước dọc theo con đường nơi nước chạm vào bờ cát, ông Bryan nhìn xuống và thấy một tờ 20 Mỹ kim nổi trên đám bọt sóng đang hút đi.
“Số tiền đó có ý nghĩa rất lớn!”, ông Bryan nói “Tôi không thể hỏi xin các bạn ở đây được, vì vậy tôi chỉ có thể xin Chúa. Tôi thật sự muốn được nghe tiếng phán bảo từ nơi Ngài”.
5. Tôi Phải làm gì để bắt đầu
Có quá nhiều người chờ đợi suốt cả đời của họ, muốn làm đuợc những việc lớn cho Chúa. Nhưng họ không bao giờ chịu bắt đầu. Họ cứ chờ đợi Chúa phải làm một điều gì đó.
Tôi thích hỏi người ta, “Bạn có bao giờ thấy con chó rượt đuổi một chiếc xe đang đậu không”. Dĩ nhiên là không. Mac Mc 16:17 chép rằng “Những dấu lạ nầy sẽ theo sau những kẻ tin…”. Nhưng “các dấu lạ ấy” không thể theo bạn được nếu như bạn đang “đậu”. Bạn phải chuyển động…phá vỡ tính ù lì đi. Đức tin không thụ động. Sứ đồ Phao Lô nói rằng…”Nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jesus Christ giựt lấy rồi” (Phi Pl 3:12)
Bạn của tôi là Sam Sasser đã được Đức Chúa Trời dùng trong một cuộc phục hưng làm chuyển động khắp quần đảo Marshall một vài năm về trước. Anh Sam đã đến đó với tư cách một nhà truyền giáo trong những năm đầu của tuổi hai mươi và không bao lâu đã đưa dắt được một trong những vị Vua của người dân đảo Marshall về với Chúa, cùng với một số đông dân sự của ông ta. Anh đã làm báp têm cho hàng trăm người trong các hồ nước ngọt trong xanh thuộc hòn đảo xa xôi đó. Nhưng thường thật khó khăn cho Sam và vợ anh là Florence có được số tiền cần thiết để mở mang công việc Chúa trong một xứ sở nghèo nàn như vậy.
Một ngày kia, Sam vừa mới có cảm giác chán nản, anh diễn tả như vậy. Một trong những người bạn của anh là một ông cụ 63 tuổi người đảo Marshall, tên Barton Batuna, người đã từng giảng tin lành trên các hòn đảo gần cả cuộc đời của mình. Ngày hôm đó, Batuna đến tìm Sam.
“Có chuyện gì với anh vậy Sam?” ông ta hỏi. Sam nhìn ông ta, một người Melanesian với thân hình đen chắc giống như sợi thừng, đầy sức sống. Anh chợt có cảm tưởng như mình già hơn người đàn ông nầy dầu ông ta gấp ba lần tuổi anh!
“Đức Chúa Trời bảo tôi hãy xây một trường Kinh Thánh ngay ở đây. Tôi muốn gọi nó là trụ sở Kinh Thánh Calvary”. Sam thở dài và đá viên sỏi màu san hô dưới chân mình “Nhưng tôi không có tiền để mà xây!”
“Anh có bao nhiêu?” Batuna hỏi.
“Hầu như chẳng có gì. Chỉ 200 Mỹ kim”
“Chừng đó chưa đủ để chuẩn bị xây một nhà trường”. Nhà truyền đạo người Marshall đáp.
Sam nheo mắt nhìn ông ta trong ánh nắng Thái Bình Dương sáng chói. Bây giờ anh không chỉ buồn chán; anh bắt đầu bực bội.
“Phải, không thể, mà hơn nữa, tôi hoàn toàn không có chút ý tưởng gì về việc phải bắt đầu xây cất như thế nào”.
“Được, vậy thì sao còn lo lắng? Chúng ta hãy dùng 200 đó và cứ sử dụng theo khả năng mình có thể làm”.
Vậy bây giờ là “chúng ta” rồi ư, Sam nghĩ vậy, cảm thấy đỡ hơn một chút.
“Nhưng Anh Batuna nầy, anh không hiểu đâu, không phải bắt đầu việc xây dựng chỉ có như thế. Chúng ta không có ximăng, mà chỉ việc từ đây đến Guam mua xi măng thôi cũng đã tốn hơn 200 rồi”.
Guam cách đó 1.700 dặm bằng đường máy bay, song vẫn là nơi gần nhất để mua các vật liệu xây dựng. Thứ vật liệu nầy chưa được phân phối mà phải tìm mua.
“Nầy người anh em, đức tin của anh ở đâu?” Batuna thách thức “Anh đã có 200 rồi. Cứ sử dụng trong khoản mình có đi đã”.
Sam nghe người đàn ông lớn tuổi nói và nghĩ, thật ngược lại với sự hiểu biết bình thường. Tại sao lại phải rời bỏ quê nhà an ổn để vượt Thái bình dương, mất một chuyến bay đắt tiền, mua không những một mà đến hai vé..và cuối cùng lâm vào cảnh khó khăn vì không có chỗ ở và chỗ ăn?
Có lẽ đó là điều khiến ông Batuna đáng kính cứ bảo “chúng ta, chúng ta”, nhưng một tiếng nói ở bên trong đã thắng hơn những lời biện luận của tâm trí, Sam đi và mua hai vé máy bay, số 200 của anh đã đưa họ đến Kwajalein Atoll, nơi hầu như chẳng có gì ngoài một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ.
Khi xuống khỏi máy bay dưới bầu không khí nắng nóng của hòn đảo, họ chỉ có vỏn vẹn 36 xu, cộng thêm 1.300 dặm đường biển cách Guam.
Họ quyết định đi vào quầy giải khát hải quân và gọi một chiếc jăm bông với 36 xu cuối cùng. Ít ra cũng có thể ngồi nghỉ một chút trong phòng có máy điều hòa.
Khi jăm bông được mang ra, họ cẩn thận cắt đôi và bắt đầu ăn thật chậm chạp và rõ là thong thả. Sam đang cảm thấy lòng mình xáo động.
Anh tự hỏi, Mình đã làm chuyện gì vậy? Lẽ ra mình nên ở nhà! Làm thế nào mình trở về được bây giờ. Không thể tin rằng mình đã thổi mất 200$ vào hai chiếc vé không đi đến đâu cả!
Họ ăn hai nửa jăm bông càng lâu càng tốt. Thỉnh thoảng, mục sư Batuna lại tái xác quyết với người bạn trẻ của mình.
“Đừng lo, Chúng ta sắp thực hiện điều đó rồi!” Ngay lúc ấy, một người đàn ông Philipin tiến đến bàn họ. Sam có quen biết một số người Philippin ở đó, làm việc như những thường dân cho hải quân Hoa Kỳ. Ngành hải quân đã phải nhập cảnh những người lao động đến vùng đảo hoang vắng nầy.
“Chào các anh em”, ông ta nói với họ “Tôi biết các anh là anh em trong Chúa”… Sam liếc nhìn mục sư Batuna nhưng trông ông ấy cũng hoang mang như anh. Vậy thì người đàn ông nầy là ai?
“…Tôi đang cầu nguyện trong phòng. Tôi từ Manila đến” ông ta nói và cho họ biết anh thuộc một Hội thánh lớn ở thành phố đó.
“Các anh không biết tôi, và tôi cũng không quen biết các anh. Nhưng Chúa bảo tôi đi xuống đây và trao cho các anh cái nầy”.
Người đàn ông Philippin đặt một túi giấy lên bàn để giữa hai người.
“Tôi yêu mến cả hai anh em. Cầu Chúa ban phước cho hai anh”
Nói xong, đoạn ông quay bước đi. Sam ngồi ngó sửng theo ông ta.
“Nào” Batuna nhìn Sam qua cặp mắt kính “Anh có định nhìn xem bên trong chiếc túi nầy hay không nào?”
Sam cầm lấy chiếc túi và nhìn vào. Anh hít một hơi thật mạnh. Đoạn anh cẩn thận bắt đầu lấy ra những xấp tiền cột thật ngay ngắn và đặt chúng lên bàn. Họ cùng đếm, 10.000 Mỹ kim, do một người lao động Philippin làm việc xa quê hương để dành được, rồi trao cho những người xa lạ.
Số tiền ấy đủ để đến Guam, dĩ nhiên để mua tất cả xi măng cùng với số lớn gỗ và vật liệu làm mái cần thiết để khởi công xây cất. Ngày hôm đó Sam đã học được rằng bạn phải đi ra… bạn phải phá vỡ tính ù lì chậm chạp để vâng lời Chúa. Nếu Ngài bảo bạn làm một điều gì đó, hãy bắt đầu bằng điều gì mà bạn đang có. Ngài sẽ chu cấp phần còn lại.
Bạn Có Thể Làm Hạn Chế Sự Cung Cấp Của Chúa
Khi Đức Chúa Trời phán bảo bạn điều gì đó, hãy làm đi! Đức Chúa Trời yêu thích loại đức tin dấn thân. Hãy đặt các mục tiêu của bạn kết hợp sự chủ động cá nhân với sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời.
Trong câu chuyện Êlisê và người đàn bà góa với một ít dầu, số lượng cung ứng của Đức Chúa Trời chỉ bị giới hạn bởi số lượng bình bà ta mượn về từ những người hàng xóm.
Khi Đức Chúa Trời hứa với bạn một điều nào, điều đó phụ thuộc vào việc bạn thực hiện phần của bạn. Những nổ lực nửa vời của con người có thể làm cho lời phải ứng nghiệm của Chúa bị ngăn trở hoặc chậm trễ, hoặc có thể hạn chế số lượng khả năng của Ngài có thể làm được. Vì vậy, đừng bao giờ làm không hết lòng. Hãy làm điều Ngài bảo bạn làm và làm bằng tất cả sức lực của bạn.
Vào năm 1972, khi chúng tôi đang cầu nguyện với một nhóm nhỏ giữa vài thanh niên của mình. Chúng tôi xin Chúa hãy phán và tỏ cho chúng tôi biết phải cầu nguyện về điều gì.
Ngày hôm ấy Chúa đặt vào lòng chúng tôi gánh nặng cầu nguyện cho sự hầu việc của các toán trên mười ba căn cứ quân sự tại Châu Âu. Một người được Chúa dẫn dắt để cầu nguyện rằng Lời Chúa sẽ được chú trọng ở các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Tôi thì được soi dẫn rằng phải xin Chúa đặc quyền phân phát 100.000 cuốn Kinh Thánh cho các khu căn cứ. Một người khác nữa nhận được ý tưởng hãy cầu nguyện để ở đó sẽ có những chương trình học Kinh Thánh kéo dài dành cho mọi người. Sau đó tôi nghĩ đến việc liên hệ với Tiến sĩ Kenneth Taylor (Chủ biên của Hội Thánh Kinh Living Bible)
Sau khi cầu nguyện xong, tôi gọi điện cho bạn tôi là Brother Andrews tại Hòa lan, để hỏi xem anh ấy có biết Tiến sĩ Taylor không, Thật là một sự tính toán thời gian hoàn hảo. Brother Andrews nói rằng ông Ken Taylor đang ở tại Châu Âu, và ông đã sắp xếp để gặp ông ấy trong vài ngày nữa.
Tôi liên hệ với Tiến sĩ Taylor, là người tôi biết đang có một sự thay đổi về các chương trình và phải trở lại Hoa Kỳ lập tức. Nhưng ông ta đồng ý gặp tôi ngày hôm sau tại sân bay Frankfrut. Tôi bay đến đây và giải thích vắn tắt về buổi nhóm cầu nguyện của chúng tôi cũng như ý tưởng phân phát Kinh Thánh. Ông cho biết cơ quan của họ vừa mới có 100.000 cuốn Kinh Thánh còn lại từ một chiến dịch truyền giảng của Mục sư Billy Graham. Nếu chúng tôi đảm bảo trách nhiệm phân phát, chúng tôi sẽ được tặng không.
Tiến sĩ Taylor và các nhà xuất bản của hội Living Bible đã chở số Kinh Thánh đến Đức bằng Tàu thủy. Tại đó, qua những thu xếp do một người bạn khác là Đại tá Jim Ammerman (Vị Tuyên uý Trưởng của Sư đoàn V của quân đội Hoa Kỳ ở tại Frankfurt), các xe tải của quân đội Hoa Kỳ đã nhận lấy số Kinh Thánh đó và giao cho đội ngũ của chúng tôi tại các khu căn cứ quân sự khắp nước Đức. Tại đó, chúng tôi cùng với những Cơ Đốc nhân khác bắt đầu phân phát cho những người lính.
Trước khi việc này kết thúc, từng điều chúng tôi đã nêu ra cầu nguyện trong buổi nhóm cầu nguyện đều xảy ra. Đã có các chương trình học Kinh Thánh dài hạn, trong đó Lời Đức Chúa Trời được đọc qua các hệ thống diễn văn công cộng trên các căn cứ. Chúng tôi tặng 100.000 quyển Kinh Thánh cho những ai hứa đọc. Các quyển Kinh Thánh được đọc và để lại với các góc giấy có nếp quăn vì đọc nhiều ở tại các nhà nguyện quân đội các doanh trại, và các trụ sở quân cảnh ở khắp Châu Âu.
Hàng ngàn người cảm nhận được sức mạnh ảnh hưởng của Kinh Thánh, từ những người lính thường cho đến các cấp tướng tá, và rất nhiều người đã bằng lòng dâng đời sống mình cho Chúa. Có một số binh lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã ra đi như những người truyền giáo. Đại tá Ammerman trở về Frankfurt vài năm sau đó và khám phá rằng một số các quyển Thánh Kinh đó đã được đọc và các binh lính vẫn tiếp tục tìm thấy sự cứu rỗi.
Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta những khải tượng lớn, những thách thức và những kỳ công lớn lao hơn để thực hiện cho Ngài. Ngày nay có thể bạn đang cầu nguyện cho vài trăm mỹ kim để thực hiện một chuyến truyền giáo ngắn hạn. Trong ít năm nữa, có thể bạn phải tin cậy Ngài để có hàng triệu đặng dùng vào một dự án truyền giáo. Trong mọi trường hợp, hãy đến với Đức Chúa Trời trước, tìm được sự chỉ dẫn của Ngài, rồi sau đó hãy làm hết sức để thực hiện được điều đó.

Ghi Chú : Chương 11
1. Cuốn sách đầu tiên của tôi được viết theo chủ đề nầy “Có Đúng Thật Là Ngài Không , Lạy Chúa ?” (Is That Really You, God?) Các nhà xuất bản chọn/các nhà xuất bản ưa thích.

PHẢI XIN TRỢ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?
Tôi có đọc lá thư xin trợ giúp “điển hình” của một nhà truyền giáo trong một tạp chí Cơ Đốc từ Anh Quốc như sau:
Cùng Các Anh Chị Em Yêu Dấu ,
Xin thứ lỗi vì nét chữ không rõ và chất lượng không tốt của giấy viết thư của chúng tôi . Nhưng các khoản tài trợ đang giảm sút khi chúng tôi bước vào giai đoạn thứ 98 trong dự án xây dựng trường Đại Học Universal Conversion của chúng tôi . Như quý vị đã biết từ lá thư trước, chúng tôi đang cố gắng hướng đến một tổng số là 23,5 triệu bảng Anh . Và hiện nay chúng tôi chỉ mới có tới, 13,50 bảng và thật là lạ lùng để thấy công việc vẫn đang tiến triển .
Thật là một niềm khích lệ lớn khi bạn sống bằng đức tin để nhìn thấy tất cả những điều có cần nầy được cung ứng như thế nào . Chúng tôi thường xuyên có ăn . Phiên ăn của tôi là vào các ngày thứ ba và thứ bảy . Và thật sửng sốt vì có biết bao nhiêu trò chơi và các sinh hoạt vẫn có thể được tổ chức cách thành công trong thế giới tối tăm nầy .
Một điều gì đó đã xảy đến cho tôi tối hôm qua khi tôi đang nằm và cố gắng ngủ trên tấm bạt . Đường lối của chúng tôi là không bao giờ xin trợ giúp tài chính đã phân biệt chúng tôi với những đề án dường như đang liên tục van nài . Một số người chất vấn lời tiên tri ban đầu của chúng tôi dự đoán rằng trường đại học sẽ được xây dựng và cả nước Anh sẽ được cải đạo từ thứ tư tuần trước . Họ cho rằng điều đó đã ứng nghiệm sai đi một tí, tuy nhiên hiện nay chúng tôi tin rằng do tinh thần hà tiện trong một số những cá nhân nằm ngoài dự án . Chúng tôi đã cầu nguyện cho họ tối hôm qua trong khi đọc câu chuyện Anania và Saphira bằng đèn nến . Các bạn biết câu chuyện đó không ?
Kính Thư
Tôi hiểu được chữ ký trên lá thư run rẩy và khó đọc. Có thể con người nghèo thiếu ấy cũng đang phải chịu đau đớn vì chứng còi xương!
Có lẽ điều đó giúp chúng ta học biết cách viết những lời thỉnh cầu về mặt tài chánh bằng cách trước hết học tập cách không làm điều đó.
Đức Chúa Trời đoán xét tất cả những hành động chúng ta bởi những động cơ của chúng ta. Vì vậy có động cơ phải lẽ trong việc dâng hiến là điều rất quan trọng, và phải kêu gọi cho đúng những động cơ từ nơi những người dâng hiến.
Những Cách Quyên Tiền Không Nên Có
1. Đừng dùng tội lỗi như một áp lực để quyên tiền
Mặc dầu ví dụ khôi hài của chúng tôi về bức thư từ Anh quốc có quá cường điệu khi nói đến mục đích của bức thư, chúng ta cũng vẫn thường đọc các bức thư nghe có gì đó giống giống như vầy: “Nếu quý vị không giúp đỡ chúng tôi ngay bây giờ, chương trình nầy sẽ không hoàn thành và hàng triệu người sẽ đi vào âm phủ” hoặc “Bạn có biết rằng số tiền mà bạn tiêu vào một bữa ăn ở tại nhà hàng sau buổi nhóm Chúa nhật hôm nay đủ cho một gia đình ở tại vùng Bắc Phi ăn trong một tháng không?”
Mặc cảm phạm tội là một động cơ tồi, Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng, chứ không phải vì mặc cảm phạm tội, miễn cưỡng. Bởi vì “Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu”, thì chúng ta cũng không được làm như vậy (GiGa 3:17)
2. Đừng khơi dậy lòng thương hại của người khác để quyên góp
Có điều gì sai trật khi chúng ta kêu gọi lòng thương hại của con người? Chắc chắn là không có gì sai khi có lòng thương xót đối với những con người đang bị thương tổn và đau khổ trên thế giới của chúng ta, hoặc đối với những người còn trong tình trạng đui mù thuộc linh chưa có hy vọng về sự sống đời đời. Nhưng nếu bạn cứ mãi khuấy động lòng thương hại của người ta, bạn đã làm một điều nguy hiểm. Người ta sẽ trở nên cứng lòng, và lại phải dùng nhiều điển hình khắc nghiệt hơn để khiến họ động lòng thương hại thêm một lần nữa. Họ trở thành những người mắc chứng “nghiện thương hại” chỉ hưởng ứng các liều lượng ngày một cao hơn.
Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên của một người khách đến thăm Calcutta, Ấn độ, đó là những đám đông người cùng khốn. Những đám ăn xin bu theo bạn bất cứ chỗ nào bạn đi đến. Người ta ngước nhìn bạn với cặp mắt van xin và lòng bàn tay ngửa rộng. Tuy nhiên, điều thứ hai đập vào mắt bạn là sự dửng dưng của những người chung quanh đám người cùng khốn nầy. Những công nhân thuộc giai cấp trung lưu vận khố trắng bước ngang qua những người đang nằm ngủ và đẩy những người ăn xin qua một bên để leo lên các xe buýt đi làm. Họ dường như không nhìn thấy sự đau khổ chút nào nữa.
Tôi nhận thấy hoàn cảnh khó xử của những người làm chức vụ từ thiện. Họ vật lộn để mong người ta đối diện với tình trạng nghèo đói và đau khổ của thế giới nầy bằng thái độ nhân từ. Con số những người đói kém và bị tướt đoạt lớn đến nỗi họ phải tìm cách để đưa những thực tế nầy xuống đến mức cá nhân và tỏ cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để giúp đỡ.
Tuy nhiên, chỉ thương hại không thì chưa đủ. Chúng ta phải được dẫn dắt bởi Đức Chúa Trời trong sự dâng hiến của mình. Chúng ta phải luôn truyền đạt cho những người dâng tặng cách nào khiến họ phải hỏi Chúa rằng họ có phải đáp ứng các nhu cầu đó không, và đáp ứng bằng cách nào. Chúng ta không nên cố gắng làm cho họ phải đáp ứng vì cảm xúc trong giây lát.
3. Đừng gợi lên lòng tham
Mặc dù Kinh Thánh hứa rằng “Hãy cho, người sẽ cho mình”. Nhưng chúng ta không bao giờ nên khơi dậy lòng tham của người dâng để làm cho họ dâng tiền cho công việc Chúa. Vì như vậy là cám dỗ họ phạm tội! Chúng ta vẫn thường thấy việc lạm dụng trong điều nầy “Bạn cần một chiếc xe tốt hơn ư? Hãy dâng hiến cho chức vụ của chúng tôi, và Chúa sẽ ban phước cho bạn! Bạn không thể nào dâng cho Chúa nhiều hơn là Chúa cho bạn!” Buồn thay, những người dễ bị ảnh hưởng trước những lời kêu gọi như vầy hơn hết lại là những người nghèo!
Lời Chúa là đúng, và Ngài thường ban phước bất cứ nơi nào Ngài có thể ban phước, thậm chí những người quyên góp đang sai khiến quần chúng. Tuy nhiên thường khi chúng ta dâng tiền, Ngài không ban phước lại cho chúng ta bằng tiền bạc nhiều hơn, mà thay vào đó Ngài ban phước cho chúng ta bằng những cách khác: bằng niềm vui, bằng sự bày tỏ về chính mình Ngài, những đường lối của ngài, và bản tánh của Ngài, với một ý thức dự phần sâu rộng hơn trong nước Ngài, với sự bình an và thỏa lòng trong những hoàn cảnh của mình.
4. Đừng lợi dụng nỗi lo sợ
Trong những ngày trước thời cởi mở và giai đoạn sụp đổ của quyền lực cộng sản, thì đây là một lời kêu gọi chung “Lý do duy nhất Đức Chúa Trời còn gìn giữ đất nước chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản là vì chúng ta đang dâng hiến cho các hội truyền giáo nước ngoài!”.
Mặc dầu Đức Chúa Trời thật có chúc phước cho quốc gia nào dâng hiến cho công việc của Ngài, song lợi dụng nỗi lo sợ của người ta để khiến họ phải dâng hiến là sai trật. Điều họ muốn nói là như vầy “Quý vị có sợ những đám người ngoại quốc tràn vào đất nước của chúng ta không? Vậy thì tốt hơn quý vị hãy dâng hiến rời rộng, nếu không nào ai biết điều gì sẽ xảy đến?” Có những người khác ngụ ý rằng nếu bạn dâng hiến cho Chúa, Ngài sẽ gìn giữ những người thân yêu của bạn khỏi bệnh tật, thương tổn hoặc sự chết.
Hơn nữa, động cơ dâng hiến cho Chúa phải đến từ tình yêu chúng ta dành cho Ngài và vì lòng khao khát được thấy nước Ngài được mở rộng khắp đất. Ngoài ra, những sự kêu gọi như vậy dường như gợi ý rằng Chúa đang tìm những khe hở trong sự vâng lời của chúng ta, để Ngài giáng những điều khủng khiếp xuống đầu chúng ta. Cách kêu gọi nầy bóp méo bản tánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta có một người Cha Thiên Thượng đầy lòng yêu thương, ban mưa phải thì cho kẻ ác lẫn người công bình và thậm chí Ngài phải đoán xét loài người, thì Ngài cũng phải làm điều đó cách miễn cưỡng và trong tấm lòng thương xót.
5. Đừng khơi dậy sự kiêu hãnh của kẻ dâng
Loại kêu gọi nầy thường được thực hiện với những người giàu có. “Hãy dâng vào quỹ xây dựng ngôi nhà rồi chúng tôi sẽ đặt một tấm bảng đồng đẹp gắn trên tường ở hành lang có khắc tên của quý vị”. Mặc dầu việc ca ngợi những người có công đóng góp không có gì là sai, nhưng chúng ta đừng làm cho họ kiêu hãnh, khiến đó là lý do để họ dâng hiến. Chúa Jesus phán rằng những kẻ bố thí để được người ta khen thì đã nhận được phần thưởng cho mình rồi. Chỉ những ai dâng với tấm lòng trong sạch, không quan tâm việc mình làm được người khác nhận biết mới được Cha trên trời ban thưởng (Mat Mt 6:4).
Hãy Làm Điều Đó Cách Phải Lẽ
Vậy thì chúng ta phải kêu gọi việc quyên góp như thế nào? Trước hết, chúng ta phải giữ đúng các thứ tự ưu tiên. Chúng ta đừng bao giờ xem con người như những nguồn phương tiện về tiền bạc, mà phải luôn quý trọng họ như những người bạn. Chúng ta phải canh giữ lòng mình, yêu thương con người và sử dụng tiền bạc chứ đừng bao giờ làm ngược lại.
Trong mọi mối giao tiếp, kể cả những trường hợp chúng ta trình bày nhu cầu đều phải nhằm mục đích đưa mỗi cá nhân càng đến gần Chúa hơn và gần với chúng ta hơn trong mối tương quan. Nếu bạn có thể hình dung điều đó như những vòng tròn đồng tâm, hãy nghĩ đến vòng tròn cách xa bạn nhất, được bạn quen biết sơ sài hoặc đối với một lá thư của một tập thể, vòng tròn xa nhất có thể là một người nào đó trong công chúng đã bày tò lòng quan tâm vừa đủ đến hội truyền giáo của bạn để ký giao một điều gì đó. Mục tiêu mà mỗi cuộc giao tiếp nhắm vào là cố gắng đưa con người lại gần hơn, mỗi vòng tròn chặt chẽ hơn. Những người trong các vòng tròn gần gũi với bạn nhất có thể nghe được nhu cầu sâu xa nhất của bạn. Đó là những người cầu thay có cam kết lớn nhất với bạn,là những cộng sự dâng hiến về mặt tài chánh, và là những người cố vấn quý giá. Và cuối cùng thì bạn không nên ngạc nhiên nếu như những người đó rốt cuộc chính họ được kêu gọi vào chức vụ. Điều đó có nghĩa là bạn có thể mất một người hậu thuẫn về tài chánh, nhưng Chủ Mùa Gặt lại được một con gặt nữa, và bạn có thêm người đồng công để giúp hoàn thành Đại Mạng Lệnh Truyền Giáo.
Những nhà truyền giáo đầu tiên, khi mới ra đi thường bảo “Nhưng tôi chẳng có ai để tỏ bày về những nhu cầu của tôi”. Một số tỏ rõ việc các thành viên trong gia đình của họ không thích những lời cầu xin về mặt tiền bạc và thậm chí không tin vào những công việc họ đang làm (đúng là có một số người muốn con họ thà không được cứu, và ở nhà kiếm tiền với một công việc có lương khá còn hơn là làm chuyện “điên khùng” như đi vào các hội truyền giáo).
Những người khác cho biết họ không có cách nào để được cấp dưỡng bởi vì không một người bạn nào của họ là Cơ Đốc nhân, có thể lao tác viên này chỉ mới tự mình trở lại tin Chúa Jesus. Hoặc người ấy đến từ một Hội thánh không dâng hiến cho các hội truyền giáo, hoặc chỉ dâng cho các nhà truyền giáo thuộc giáo phái của họ.
Nếu bạn đang vâng theo những gì Chúa đang phán với bạn, và đang ở trong thời điểm quyết định của Ngài thì Ngài hiện đặt để chung quanh bạn những con người cùng những phương tiện có cần cho bạn để thực hiện ý muốn của Ngài rồi.
Nới Rộng Chức Vụ Bố Thí
Cách đây vài năm, khi đang nói chuyện với 55 nhà lãnh đạo về hội truyền giáo của chúng tôi, tôi hỏi họ “Có bao nhiêu người trong số quý vị đã từng kêu gọi người nào đó tham gia vào chức vụ truyền giảng bằng cách mô tả chức vụ đó như một nhu cầu đặc biệt?”. Mọi cánh tay đều đưa lên. Đoạn tôi hỏi “Có bao nhiêu người trong số quý vị đã giúp người ta trong việc dạy dỗ năng lực để sử dụng các ân tứ của họ trong việc huấn luyện các chức vụ”. Một lần nữa, mọi người đều giơ tay. “Quý vị đã bao giờ nhận ra những người có ân tứ quản trị và giúp đưa người ấy vào lãnh vực quản trị của chức vụ hầu việc?”. Một lần nữa, các cánh tay lại đưa lên.
Tôi dừng lại một chút…”Và có bao nhiêu người trong quý vị nhận ra những người có ân tứ bố thí và mời họ tham gia chức vụ bố thí?”. Lần nầy chỉ có hai bàn tay được đưa lên. Hai trong số 55 người.
Vì sao có sự ngại ngần đó? Bởi vì chúng ta không thấy rằng ơn bố thí cũng thuộc linh và được Thánh Linh điều khiển cũng như các ân tứ khác được liệt kê trong Rôma đoạn 12 và ICôrinhtô 12. Ơn tứ bố thí của Thánh Linh cần phải được đưa ra ngang hàng với mức độ của các ân tứ giảng dạy, chữa lành, phục vụ, dạy dỗ, khuyên bảo, dẫn dắt và những hành động từ thiện.
Hãy đặt trước mặt Chúa một tờ giấy và xin Ngài đem các tên tuổi đến trong tâm trí bạn. Người nào tỏ lòng tin cậy điều bạn đang làm? Ai là người yêu mến và tin cậy bạn? Có thể bạn chỉ tìm được một hoặc hai người, hoặc có thể bạn có nhiều người. Sau đó hãy hỏi Ngài bạn phải yêu cầu họ điều gì và bằng cách nào. Bằng thư từ? bằng điện thoại? bằng một chuyến ghé thăm? hoặc bằng một lá thư từ người lãnh đạo của bạn hoặc từ người lãnh đạo tương lai?
Được Người Khác Tiến Cử
Mới đây tôi có nghe một tư tưởng, đó là để cho một người khác gởi gắm bạn và xin cấp dưỡng thay cho bạn. Thật ra điều này không có gì mới cả. Cha tôi, ông T.C Cunningham, đã gây quỹ cấp dưỡng cho hàng trăm nhà truyền giáo trong suốt cuộc đời ông. Điều mới mẽ đối với tôi đó là ý nghĩ cũng được căn cứ theo Kinh Thánh, sẽ có sự hỗ trợ thêm khi có một người khác gởi gắm bạn, thay vì bạn phải tự giới thiệu mình.
Sứ đồ Phao Lô nói trong IICo 2Cr 5:12 về việc đừng khoe mình. Ông gởi gắm hoặc đưa ra những lời dẫn chứng cho người khác, như là Phêbê (RoRm 16:1), Phao Lô cũng không co mình lại do việc phải tiến cử chính ông khi cần thiết. Ông đã nêu trường hợp của mình đối với việc cấp dưỡng tài chánh trong ICo1Cr 9:1-13. Trong IICo 2Cr 11:1-33, ông đưa ra bảng tóm tắt đầy đủ của mình không hề ngại ngùng. Nhưng bằng cách nào đó khi có người khen ngợi bạn, thì người ấy được tự do hơn để nêu lên những điểm tốt bạn đang thực hiện và yêu cầu những người khác giúp đỡ bạn.
Wally Wenge, một thành viên thuộc Hội Đồng Quốc Tế của chúng tôi, giữ một chứ vụ hầu việc của Thanh Niên Sứ Mạng được gọi là Những Góp Nhặt Dành Cho Người Đói Kém đang giúp hàng trăm ngàn người thiếu thốn bằng cách nhận hàng tấn sản phẩm dư thừa ở trung tâm California, sấy khô và chở đến các nước ngoài bằng đường tàu thủy.
Năm ngoái, Wally và bà Norma quyết định dâng phần mười bằng một trong số mười lá thư giúp đỡ hàng năm của họ. Họ kêu gọi những ân nhân của họ tham gia giúp đỡ nhu cầu của các hội truyền giáo khác cũng thuộc các nhóm YWAM ở tại Amazon. Họ không nói gì về nhu cầu của tổ chức Góp Nhặt trong bức thư xin giúp đỡ đó. Kết quả là họ đã nhận được xấp xỉ tặng phẩm mà họ đã gởi cho Amazon cộng thêm với những tặng phẩm mà họ không hề xin và số quà ấy gấp đôi số quà bình thường của họ.
Nguyên tắc một người tiến cử một người thật là điều đáng cân nhắc. Nếu bạn có một người bạn hoặc một người lãnh đạo bằng lòng cam kết với chức vụ của bạn và sẵn sàng làm hết sức mình để đại diện cho bạn, thì người ấy có thể nhóm người khác lại với nhau để giúp vào việc hậu thuẫn cấp dưỡng cho bạn.
Còn Về Những Người Thân Chưa Tin Chúa
Khi cân nhắc xem ai là người chúng ta phải liên hệ, bạn đừng theo thói quen loại trừ những Cơ Đốc Nhân chưa được tái sanh. Song tất nhiên bạn phải nhạy cảm đặc biệt trong cách trình bày chính mình cũng như công việc của bạn, và hãy cầu nguyện cẩn thận để xin Chúa giúp đỡ. Nếu việc dâng của cải, làm cho người ta thường xuyên hướng lòng mình đến đó là đúng thì một người chưa tin Chúa có thể được đưa đến gần với Nước Đức Chúa Trời hơn khi người ấy dâng tiền cho công việc nhà Chúa.
Sự Vâng Lời Quan Trọng Hơn Tiền Bạc
Khi chúng ta tỏ bày nhu cầu, phải luôn luôn khuyến khích người ta vâng lời Chúa trong việc họ dâng hiến. Nếu chúng ta thật lòng tin chắc rằng việc dâng hiến cho Chúa là sự thờ phượng thật, chứ không chỉ là những công việc thuộc về đất mà chúng ta phải thực hiện để giữ cho công việc thuộc linh được tiếp tục, thì chúng ta có thể tự do khích lệ người ta dâng hiến. Dâng hiến là một chức vụ thuộc linh. Vâng lời Chúa là mục tiêu của chúng ta và điều đó còn quan trọng hơn cả tiền bạc.
Mới đây có một người trả lời thư xin giúp đỡ của Paul Hăkins, một trong số các công tác viên thuộc hội truyền giáo của chúng tôi đã nói như vầy “Tôi đã cầu nguyện về nhu cầu của anh, nhưng Chúa bảo tôi rằng tôi chưa phải dâng vào lúc nầy”. Paul lập tức viết cho người ấy một lời cảm ơn nồng hậu. Chúng ta không những phải viết thư cảm ơn những người dâng tặng cho mình. Nếu họ vâng lời Chúa để và không dâng cho chúng ta, chúng ta cũng cần phải bày tỏ lòng biết ơn.
Khi chúng tôi chia xẻ các tin tức cũng như các nhu cầu của chúng tôi với mọi người qua các thông tin đều đặn, là chúng tôi đang để cho họ có cơ hội để dâng cho công việc của chúng tôi khi họ được Đức Chúa Trời thúc đẩy. Chúng tôi đang mở rộng một đặc quyền lớn lao trước mặt họ, đặc quyền được dự phần vào điều Đức Chúa Trời đang thực hiện ở những nơi khác nữa trên thế giới. Chúng ta không nên hối tiếc khi mở rộng cơ hội đó ra. Cũng không nên ngần ngại khi biết rằng Đức Chúa Trời thật sẽ ban phước cho những người bằng lòng dâng hiến.
Một điều nữa phải cân nhắc đó là thư tường trình tin tức, vì vậy chỉ nên đề cập đến các nhu cầu một lần mà thôi (hoặc trong một phạm vi nhỏ của bức thư) ngoại trừ trường hợp khủng hoảng thật sự. Giống như câu chuyện ngụ ngôn của Aesop khi cậu bé la lên “Chó sói! Chó sói!”. Chúng ta có thể làm cho người ta kém mẫn cảm đi trước các nhu cầu thật sự nếu cứ không ngừng yêu cầu tiền bạc.
Một nhắc nhở cuối cùng khi bạn muốn tỏ bày các nhu cầu của mình nữa là: Hãy nhớ tìm kiếm sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời khi làm điều đó. Đôi khi Ngài có thể dẫn dắt bạn viết một hoặc hai bức thư cá nhân. Những lúc khác, có thể bạn cần đi đến một nơi nào đó để nói chuyện với một người. Hoặc có thể bạn phải gởi nhiều lá thư đánh máy cho một số bạn hữu, xin họ cầu nguyện cho việc dâng giúp. Hãy linh động trong từng hoàn cảnh.
Bạn Luôn Luôn Cần Sự Chỉ Dẫn
Đức Chúa Trời không những chỉ dẫn cho bạn những ai là người cần liên hệ mà còn chỉ dẫn bạn điều phải nói nữa. Hãy nhớ rằng, Ngài bị ràng buộc vào chức vụ của bạn y như chính bạn vậy. Thật ra còn hơn chính bạn nữa. Ngài cũng nóng lòng muốn ban phước cho những người dâng hiến. Đừng dấn bước vào công việc thuộc linh để đưa người vào chức vụ bố thí mà không cầu hỏi sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa.
Liệu có một cái giá phải trả khi xin giúp đỡ tiền bạc không? Phải, có đấy! Bạn phải hạ mình và cho người ta biết rằng bạn đang tin cậy Chúa để dẫn dắt một số người trong vòng họ giúp vào điều bạn đang thực hiện. Bạn sẽ bị tổn thương. Bạn có thể bị sợ hãi hoặc bị bối rối. Có người sẽ từ chối bạn thẳng thừng. Nhưng nếu bạn đã từng dành ra những ngày làm chứng cho Chúa Jesus ở các đường phố thì nhiều người cũng đã từ chối thẳng thừng với bạn. Có thể bạn thật ngạc nhiên trước những người dâng tiền cho bạn và những người không dâng. Môise nói rằng “Hãy lấy một vật chi ở nhà các ngươi mà dâng cho Đức Giêhôva” (XuXh 35:5). Môise không băn khoăn việc những người không có lòng sẵn sàng, nhưng ông kêu gọi những ai sẵn lòng mang lễ vật của họ đến dâng cho Chúa.
Hãy làm như Môise đã làm, vâng lời Chúa và tin cậy Ngài với những kết quả.
Ghi Chú : Chương 12
Do Adrian Plan, người chuyên giữ một mục báo thường xuyên trên tạp chí Christian Family (Gia Đình Cơ Đốc). Bài mẫu được gởi đến số 37, phố Elm New Malden Surrey KT3 3HB. Anh Quốc.