Đây là một câu hỏi động chạm đến tận gốc rễ thái độ sống của bạn, và nó quyết định việc bạn có tìm được hạnh phúc và thành công hay không.
Đây là một câu hỏi động chạm đến tận gốc rễ thái độ sống của bạn, và nó quyết định việc bạn có tìm được hạnh phúc và thành công hay không. Khi còn là một đứa trẻ, cảm tưởng như là chúng ta chỉ sống cho mình, và mọi người xung quanh phải quan tâm chăm sóc chúng ta. Nhưng khi ta càng lớn lên, thì đến một lúc nào đó ta phải nhận thức ra được rằng không thể chỉ sống vì một mình mình mà hạnh phúc được. Thí dụ rõ ràng như khi đôi bạn trẻ quyết định đi đến hôn nhân, và gắn bó cuộc đời của mình với nhau, thì tức là họ quyết định không chỉ sống vì bản thân mình nữa rồi.
Dần dần, chúng ta phải đi đến một nhận thức rằng cuộc sống mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đây không thể sống theo cách chỉ mình sống cho mình, chỉ nghĩ đến mình mà có hạnh phúc được, mà chúng ta phải sống vì ai khác nữa. Đối với những ai đang yêu, điều này là hiển nhiên và nhất định họ sẽ nói – ôi, được sống cho người khác, được đem những cái tốt nhất của mình, những mặt mạnh mình có để chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của người mình yêu thì mới là hạnh phúc. Có phải đó là yêu cầu hiển nhiên để có được hạnh phúc gia đình không? Cho nên, câu hỏi “bạn sống vì ai?” là động chạm đến thái độ sống của mỗi chúng ta. Phải có thái độ sống như thế nào để được phước. Đây chính là vấn đề chìa khóa mở cánh cửa vào phước hạnh. Có những con người có thể lớn tuổi đời mà vẫn không hiểu được điều này, họ đến với hôn nhân cũng là để được lợi điều này được điều kia, và họ chỉ lo đòi hỏi cho bản thân. Trong những gia đình như vậy luôn có sự xích mích và tranh chấp. Đơn giản vì họ chưa học được cách sống vì người khác. Trong Hội thánh cũng như vậy thôi, có những con cái Chúa đến với Chúa đến với Hội thánh là hết lòng muốn xây dựng và đóng góp cho công việc Chúa, cho Hội thánh và cho anh chị em mình trong đức tin. Những con người đó thực sự là ngọn đèn tỏa sáng cho ai nấy được động viên, an ủi, thêm vui, thêm hy vọng, thêm niềm tin khi gặp họ. Còn có một số người khác đến với Hội thánh với thái độ để mà hưởng thụ. Có người thậm chí còn để cái tôi ích kỷ của mình quậy phá gây hại đến cho công việc Chúa, tổn hại đức tin của những người khác nữa. Vấn để này cần được nói ra không phải để làm ai đó buồn, nhưng để đánh thức cái tiềm ẩn trong lòng mỗi một người tin Chúa, đó là một tấm lòng mới, một trái tim mới có thể đồng cảm và đồng lòng một cách sống và cách nghĩ của Chúa Jê-sus, tức là biết sống vì người khác, sống biết nghĩ đến nhu cầu của người khác, sống phục vụ, sống hy sinh. Còn nếu chúng ta chỉ lo sống cho mình, cho cái tôi ích kỷ của mình thôi, thì sẽ không bao giờ hạnh phúc, không bao giờ thấy mình được thỏa mãn. Bởi vì cái tôi xác thịt của con người bao giờ cũng sẽ nói: “không đủ”! Lòng tham trong con người chẳng bao giờ biết đến chữ “đủ” cả. Châm ngôn 17:20 “Con mắt loài người chẳng hề chán, Cũng như âm phủ và vực sâu không hề đầy vậy.” Vậy cho nên nếu chúng ta luôn thấy mình cô đơn bất hạnh, luôn bực bội và khó chịu, không hài lòng với bản thân và với người xung quanh, thì chúng ta phải xem lại mình, có phải mình đang sống vị kỷ quá không? Vì người nào sống nghĩ đến người khác, biết quan tâm chăm sóc người khác, sẽ chẳng có thời gian mà cô đơn. Chẳng có thời gian ngồi nhà một mình bị gặm nhấm bởi sự buồn chán. Cho nên hiểu được điều này thì chúng ta mới có thể hiểu được câu Kinh thánh nói ”ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” Công vụ 20:35 Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh. Chúng ta hãy nhớ lại rằng con người chúng ta được tạo dựng nên theo hình tượng chính Đức Chúa Trời. Mà Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và tình yêu thương thì không phải là chỉ yêu bản thân mình (mặc dù chúng ta cũng phải biết yêu bản thân mình thì mới yêu được người khác). Tình yêu thương bao giờ cũng cần đối tượng để yêu thương, để chăm sóc, để chia xẻ cái tốt nhất mình có, tóm lại là để ban phát tình yêu của mình, và khi đó chúng ta mới thấy bản thân mình có giá trị và cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Trong một lần cách đây không lâu trên đường đi dưới Metro (tàu điện ngầm), tôi được chứng kiến một sự việc sau. Đó là khi đang đi ngang qua lối cầu thang chuyển từ nhà ga này sang nhà ga khác, tôi thấy một đám đông đang tụ tập lại bên cầu thang, và giữa đám đông đó là một ông cụ nằm dài và vẻ mặt như là đang ngất đi hoặc đã lìa đời. Cùng đi với ông là một bà cụ, và khi đi ngang qua tôi thoáng nghe thấy một câu mà bà đang nói và đang giải thích gì đó với những người công an, chỉ thoáng nghe thôi nhưng thấy thật chạnh lòng. Bà nói “chúng ta bây giờ thì còn ai cần đến nữa”! Ai trong số chúng ta muốn về già có một kết cục như vậy không, khi mà mình chẳng cần cho ai nữa cả? Có phải chăng là cứ tiếp tục sống ích kỷ thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chẳng cần đến cho ai nữa? Kinh thánh dạy chúng ta sống ban cho là như vậy, ban cho là có phước hơn nhận lãnh, sống biết nghĩ đến người khác, phục vụ người khác, là được phước. Trong quan hệ gia đình – đây là then chốt, trong quan hệ công việc ở nơi làm việc – đây cũng là then chốt, trong quan hệ ở nơi ở giữa hàng xóm láng giềng, trong xã hội, trong Hội thánh – đây cũng là then chốt.
Bây giờ, chúng ta cần nói đến một điều nữa, đó là thái độ sống nghĩ đến người khác này có thể tập được, có thể khơi dậy và phát triển được ở trong lòng mình, nhất là vì chúng ta là người tin Chúa. Chúng ta tin Chúa, và biết Chúa là tấm gương hy sinh lớn nhất. Và cũng như trên đã nói, chúng ta bây giờ có một trái tim mới, một tấm lòng mới mang bản tính yêu thương của Đức Chúa Trời. Cho nên chúng ta có thể học theo Chúa. Trong sách 2 Cô-rinh-tô đoạn 5 có chép những lời mà Phao-lô có dạy cơ-đốc nhân một cách sống như thế nào: 14 Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, 15 lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình. Trước tiên, nếu bạn nói rằng tôi không thể sống vì cô ta, vì anh ta, vì ông ta hoặc vì bà ta, bởi vì họ là những người xấu xa không xứng đáng, thì có thể bạn nên bắt đầu sống vì Chúa đã, được không? Chúa trọn vẹn tốt lành, Chúa yêu thương chúng ta, Chúa đã hy sinh vì chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tập sống cho Chúa được chứ! Ở đây Phao-lô nói rằng tình yêu thương của Chúa đã cảm động lòng tôi cũng như các bạn, và tôi cũng như các bạn đã suy ngẫm ra rằng nếu Chúa đã phải chịu chết vì chúng ta thì có nghĩa là chúng ta đều chết cả, hơn thế nữa, bởi vì Ngài đã chết vì chúng ta để chúng ta được sống, thì chúng ta bây giờ sống không phải vì mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chịu chết và đã sống lại cho mình. Đây là điều mà bạn có thể ngẫm ra được. Nhất là khi bạn đã được cảm động bởi tình yêu Chúa và bạn đã quyết định tiếp nhận tình yêu đó – tức là tiếp nhận sự hy sinh và tha thứ Chúa dành cho mình. Chúng ta mắc nợ Chúa cả cuộc sống mình. Chúng ta không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình. Bạn cần nhận thức ra được điều này, vì một khi nhận thức ra được, bạn sẽ dễ dàng hơn mà nghe theo Lời Chúa, mà đứng vững trước cám dỗ. Và bạn có thể hiểu ra và giải thoát khỏi nếp sống của một số người tin Chúa mà họ sống như sau (mặc dù có thể họ rất yêu Chúa): Khi những người đó ở Hội thánh thì họ được động chạm bởi Đức Thánh Linh và Lời Chúa, họ tỏa sáng niềm tin và là những người rất tốt đẹp đáng yêu. Nhưng hàng ngày, họ lại là một con người khác. Họ cư xử và ăn nói khác hẳn với cung cách ở trong Hội thánh cứ như họ là hai người hoàn toàn khác hẳn vậy. Bởi vì họ nghĩ lầm rằng khi đến với Hội thánh là họ sống vì Chúa, còn những lúc khác là họ có một cuộc đời riêng phải sống cho bản thân mình. Chẳng lạ gì là khi đó họ như là con người khác, bởi vì cái tôi vị kỷ của xác thịt bao giờ cũng làm trái ngược với con người tâm linh (Ga-la-ti 5:17) Nhưng ngày hôm nay bạn cần phải nhận thức ra và thay đổi, để tập cho mình một phong cách sống cho Đức Chúa Trời. Khi nói đến chuyện phải sống cho Chúa, không sống cho mình nữa, thì ai đó có thể sẽ sợ hãi, sợ bị thiệt bị mất đi cái gì.
Nếu chúng ta bây giờ có không phải sống cho mình, thì là chúng ta sống cho Chúa cơ mà, mà Chúa thì yêu chúng ta trước, Ngài hy sinh vì chúng ta trước khi chúng ta còn biết đến Ngài, Ngài sắm sẵn phước hạnh và sự giải cứu cho chúng ta khi chúng ta còn chưa coi Ngài ra gì… Chúng ta chưa phải chết vì Chúa trong khi Ngài đã chịu chêt vì chúng ta trước. Chúng ta không thể cho Chúa nhiều hơn so với Chúa ban cho chúng ta và còn sẽ ban cho chúng ta. Gieo và gặt là như vậy – tức là chúng ta có thể hy sinh cho Chúa để bao giờ cũng được Ngài chúc phước lại bội phần hơn. Cho nên những người nào hiểu được điều này, tức là mình không chỉ sống cho mình vì mình nữa, mà sống cho Chúa vì Chúa, thì người đó đã nắm được chìa khóa của phước hạnh. Người đó trở thành một người có ích, trở thành người cần thiết vì họ quan tâm giúp đỡ mọi người cũng như Chúa quan tâm và giúp đỡ mọi người. Và họ nhất định cũng sẽ trở thành những người hầu việc Chúa đắc lực trong Hội thánh. Hội thánh cần những người hầu việc Chúa như vậy. Hội thánh cần những người hiểu và sống vì Chúa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta ai cũng phải trở thành mục sư hay là thầy giảng Tin lành, không có nghĩa là chúng ta phải bỏ công việc cuộc sống mà chỉ lo đi cầu nguyện và họp nhóm. Hoàn toàn không phải vậy, vì đây là ý thức ở trong lòng, suy xét về mọi điều mình làm, có phải là mình làm vì Chúa không. Trong kế hoạch của cuộc đời mà mình đang xây dựng, có Chúa không. Một khi có ý thức này, bạn sẽ tự nhiên mà cầu nguyện, và tìm kiếm sự dẫn dắt của Chúa. Vì Chúa ở ngay trong lòng chúng ta. Phao-lô có viết một câu trong Kinh thánh mà khi tôi chia xẻ có những anh chị em chưa nhận ra ngay được: Col 1:27 Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển. Các anh chị em đó nói: “Đấng Christ ở trong tôi ư? Tôi không cảm thấy? Tôi chỉ cảm thấy khi tôi có khó khăn và cầu nguyện và tôi được đáp lời…” Đúng thôi, vì bạn còn đang coi Chúa như ở ngoài, ở xa, chỉ đến lúc nào có việc cần mới nhờ đến Chúa… Nhưng để nhận thức được, để nói được câu nói trên “Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển” thì Phao-lô đã có một ý thức sống đặc biệt khác. Phải có ý thức sống như thế nào mới thấy rõ được Chúa ở trong mình: Ga 2:20 Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi. Hãy xem những gì Phao-lô tin và sống: Tôi đã đóng đinh mình – tức là cách nói của một người đã quyết định từ bỏ cái tôi vị kỷ, thậm chí đã xử tử nó, để nó không thể cản trở tôi nữa. Tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng đó là Đấng Christ sống trong tôi. Đây là cách diễn tả tuyệt vời nhất của tấm lòng một người sống vì Chúa, Không lạ gì mà ông đã được Chúa chúc phước cho đến như vậy, thậm chí đến ngày hôm nay hai ngàn năm sau chúng ta còn được phước, còn biết ơn ông khi đọc những lời Kinh thánh mà Chúa đã xức dầu để ông ghi ra cho chúng ta. Ấy là tôi sống trong đức tin vào đấng đã yêu tôi và đã phó chính mình Ngài vì tôi – đấy chính là điều mà chúng ta đang nói. Chúng ta không phải sợ hãi gì mà không sống vì Chúa. Ai càng yêu Chúa càng sống vì Chúa, thì càng được phước nhiều hơn. Chúa yêu chúng ta trước – cho nên chúng ta yêu Chúa. Chúa ở trong tôi – và tôi ở trong Chúa. Chúa vì tôi – cho nên tôi vì Chúa. Chúng ta nên tránh một quan điểm sai lầm của người thế gian cho rằng muốn gần trời thì phải lánh xa bụi trần, tức là phải đi tu viện, phải bỏ hết cuộc sống đời thường. Vì nghĩ như thế mà nhiều người không dám sống vì Chúa. Nhưng chính Chúa Jê-sus đã từ thiên đàng thánh khiết xuống thế gian này để ở giữa những con người và kết bạn với họ, thậm chí Ngài ăn cơm cùng những người bị xã hội khinh rẻ như là kẻ thâu thuế, phường đĩ điếm… để giải cứu tất cả mọi người. Chúa muốn cho chúng ta sống ở giữa thế gian này, sống để biểu lộ Chúa trong lòng chúng ta ra cho mọi người xung quanh, chiếu sáng như đuốc thứ ánh sáng của tình yêu Chúa. Thực tế là khi chúng ta quyết định sống vì Chúa, không phải là chúng ta phải bỏ phải chịu mất mình đi, mà là chúng ta tìm thấy được bản thân mình trong Chúa. Mỗi người được Chúa tạo dựng nên với một mục đích ban đầu. Cùng như mỗi đồ vật chúng ta làm ra đều có một mục đích xử dụng của nó, thì Đấng Tạo hóa có một chương trình cho mỗi con người mà Ngài nắn nên. Tiếc thay là khi sinh ra và lớn lên không có Chúa, thì chúng ta hoàn toàn xa lạ với chương trình đó. Chúng ta chỉ biết cái tôi ích kỷ của mình mà không biết mục đích bản thân mà Chúa đã định cho. Nhưng khi bắt đầu sống vì Chúa, bạn không đánh mất bản thân mình, mà ngược lại bạn khám phá ra bản thân mình trong Chúa. Phao-lô cũng đã trải qua những giai đoạn như vậy, trước khi gặp Chúa ông là một người hung bạo và thậm chí còn bắt bớ giết chóc Hội thánh, nhưng sau khi ông gặp Chúa rồi, ông mới nhận thức ra rằng Chúa đã kêu gọi ông từ khi ông còn trong lòng mẹ, và ông đã nắm bắt được sứ mạng của mình. Có thể Chúa kêu gọi bạn trở thành một người nhạc sĩ để rung động lòng người bằng những bản nhạc của một tâm hồn được yêu, có thể bạn được chọn làm bác sĩ, y tá để đem sự chăm sóc và giải cứu cho những người bệnh tật yếu đuối đức tin. Có thể bạn được đặt để trong lòng để làm người đàn ông là chủ gia đình và qua tinh thần làm việc mà bạn đem phước hạnh Chúa đến cho gia đình mình và cho những người xung quanh. Nếu bạn cứ sống cho cái tôi ích kỷ của mình, thì bạn sẽ không thể nào khám phá ra được chính bản thân mình trong Chúa. Nhưng khi chúng ta tìm kiếm mục đích cuộc sống mình trong Chúa, sống tìm kiếm và theo Chúa, Chúa sẽ dẫn chúng ta vào cuộc sống vui thỏa dư dật trong Ngài. Đó là nơi đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh, và phước hạnh và sự thương xót Chúa cho luôn đi theo chúng ta. Nhưng còn hơn thế nữa, càng hiểu tình yêu Chúa và sự chu cấp của Ngài, càng được cảm động bởi sự hy sinh của Ngài, chúng ta càng dâng mình cho Chúa, để Ngài biến đổi chúng ta trở nên giống hình bóng Chúa, đầy cảm thông, yêu thương và có lòng quan tâm chu đáo đến mọi người. Xã hội nào cũng cần những con người như vậy. Chúc bạn thành công!
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com