“Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi thiên 90:12)

Thời gian đã qua đi không thể trở lại, như nước trôi qua cầu có bao giờ quay về chốn
cũ ? Các bậc tiền nhân luôn nhắn nhủ con cháu mình rằng “Thời bất khả thất” nghĩa là đừng phí phạm thời gian vào những việc vô ích, đừng đánh mất tuổi thanh xuân tươi đẹp cho những điều vô nghĩa để rồi khi hối tiếc thì đã quá muộn màng…
Nhạc sĩ Trịnh công Sơn viết những cảm nghiệm về dấu nét thời gian qua hình ảnh người thiếu nữ một thời đài các kiêu sa, là nguồn cảm hứng cho biết bao vần thơ, ý nhạc…thế nhưng xuân sắc rồi cũng tàn phai theo năm tháng cho đến một ngày ngồi bên khung cửa nghe gió heo may trở về “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”
Nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert (1797-1828) trong giờ phút lâm chung vẫn còn khao khát được sống thêm dù chỉ một năm thôi để có thể hoàn tất bản “Giao hưởng dang dở”(The Unfinished Symphony). Thế nhưng, đó là một trong những điều không thể trong cuộc đời.
Thời gian là nguồn vốn quý giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho mỗi người để tuỳ nghi sử dụng. Tuy nhiên, thời gian đã qua đi thì không thể nào níu kéo, đã làm mất thì không thể nào tìm lại.
Ý thức được giá trị của vốn quý thời gian, tác giả Thi thiên 90 đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời rằng : “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Thi 90:12)
Một đời sống có ý nghĩa sẽ là một cuộc đời biết sử dụng một cách khôn ngoan vốn thời gian của mình vào những điều tốt đẹp, hữu ích…

I. Sử dụng thời gian cách khôn ngoan:
“Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người,
Đặng xem thử có ai khôn ngoan,Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng.” (Thi 14:2)
Một cuộc đời chỉ có thể trọn vẹn ý nghĩa khi biết lựa chọn đúng mục đích để vươn tới, chọn đúng con đường để bước đi. Bởi chưng, cuộc sống muôn màu, muôn vẻ…Thế giới trước mắt chúng ta mở ra muôn vạn nẽo đường diệu kỳ, bí ẩn…sẽ dễ dàng lôi cuốn mọi người bước vào lối dẫn đến sự chết nếu có những quyết định sai lầm. Sứ đồ Phaolô cảnh báo rằng : “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.” (Eph 5:15-17)
Để nhận biết ý muốn của Chúa là thế nào? Hãy lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu : “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.” (Mt 6:33)

Khôn ngoan là biết tìm về nguồn cội, biết mình sinh ra từ đâu? Sống để làm gì? Và cuối cùng sẽ đi về đâu? Để có một quyết định đúng đắn nhất. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng :
“Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan” (Thi 111:10)
Người khôn ngoan là người biết sử dụng thời gian ưu tiên cho việc tìm kiếm Đức Chúa Trời để thờ phượng, tôn vinh và phục sự Ngài.

II. Sử dụng thời gian cách hợp lý.
Thi hào Goethe đã nhận định : “Chúng ta luôn có đủ thời gian nếu biết sử dụng chúng cách hợp lý.” Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ luân chuyển hài hoà, trật tự và ổn định. Trái đất xoay quanh mặt trời có ngày và đêm, vạn vật sinh sôi và phát triển theo trình tự, có hoạt động và có nghỉ ngơi theo thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông…
Kinh thánh cho chúng ta biết : “ Trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.” (Xuất 20:11)
Thiên Chúa đã dùng thiên nhiên để nhắc nhở chúng ta về việc sắp xếp cho mình một nhịp sống quân bình, hài hoà giữa công việc và nghỉ ngơi, học tập và giải trí, rèn luyện và thư giãn…nhưng, điều quan trọng hơn hết là “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.” (Xuất 20:8)

III. Sử dụng thời gian cách hữu ích
La Bruyère, danh nhân Pháp nhận xét rằng : “Có không ít người đã dùng một nửa thời gian đầu của cuộc đời để biến một nửa thời gian còn lại trở nên thảm hại và thấp hèn.”
Thời gian là cơ hội quý báu nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, người nhiều, kẻ ít…để sống có ý nghĩa, có ích lợi, sống theo đúng mục đích của Đấng đã trao ban. Thế nhưng, có biết bao nhiêu cuộc đời chỉ biết ngồi “nghe tháng ngày chết trong Thu vàng” hay đốt cháy thời gian bằng “một làn khói trắng ru đời vào quên lãng”. Thật đáng tiếc thay!
Thi thiên 103: 15,16 mô tả thân phận loài người mong manh, ngắn ngủi :
“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội, hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không nhớ mình.”
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quyền tự do sử dụng vốn thời gian của mình để sống thế nào? Làm gì? Đầu tư vào đâu?…Hoàn toàn tuỳ ý. Nhưng, rồi sẽ đến thời điểm mà mỗi người phải ứng hầu trước ngai toà phán xét để trả lời với Đấng Chí công về quyết định và sự lựa chọn của mình.
Sách Truyền đạo 11:9 chép rằng : “Hỡi kẻ trẻ kia…Hãy đi theo đường lối lòng mình muốn và nhìn xem sự mắt mình ưa thích. Nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà xét đoán.”
Hãy khôn ngoan đầu tư vốn thời gian quý báu của mình đang sở hữu để đổi lấy những giá trị tương xứng và ích lợi nhất. Sứ đồ Phaolô đã mạnh mẽ tuyên bố sự lựa chọn của ông : “Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao…” (Philip 3:14).
Chúng ta hãy đồng tâm tình với Phaolô, hãy xác định cách chắc chắn và thật chuẩn xác về cuộc đời của mình rằng : “Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa.” (Roma 14:8) Vì thế, “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Chúa.” (ICor 10:31)
Cuộc đời sẽ thực sự có ý nghĩa nếu chúng ta đồng tâm tình với St. Francis of Assisi mà cầu nguyện mỗi ngày : “Lạy chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu. ”
Xin mượn lời của ca khúc “Một ngày qua” (MS Phạm Toàn Ái) gửi đến mọi người như một lời nhắc nhở, mời gọi, thức tỉnh…Một câu hỏi để chúng ta tự vấn lòng mình :
“Một ngày vụt qua đi
Tôi bàng hoàng suy nghĩ
Nghẹn ngào lệ hoen mi
Và lòng tràn cay đắng.
Một ngày dâng cho Chúa
Hay một ngày cho tôi?!
Tình yêu đem giăng bủa
Hay ngậm kín đôi môi?!
Một ngày dâng cho Chúa
Rao truyền tình yêu xưa
Hay một ngày qua nữa
tôi vẫn sống cho tôi?!.”
Bạn đã sử dụng thời gian của mình như thế nào? Dâng cho Chúa hay vẫn sống cho riêng mình?

Mục sư Hoàng Siêu

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]