“Hỡi kẻ ngu dốt, các ngươi sẽ mến sự ngu dại cho đến bao giờ? Kẻ nhạo báng sẽ ưa sự nhạo báng, và kẻ dại dột sẽ ghét sự tri thức cho đến chừng nào” (câu 22).
Câu hỏi suy ngẫm: Khôn Ngoan lên tiếng ở đâu và với ai? Khôn Ngoan mang những đặc tính nào và có tầm quan trọng ra sao? Bạn có trách nhiệm đầu tư cho mình điều gì khi học biết những điều này?
Nhận biết tầm quan trọng của khôn ngoan nên “Khôn Ngoan” — được nhân cách hóa như một người nữ — đã rao báo sự khôn ngoan khắp mọi nơi, từ “ngoài đường, phố chợ, đầu đường rộn rực ồn ào” với những sinh hoạt, mua bán và cũng có lắm cám dỗ, cho đến “cửa thành” là nơi các cơ quan hành chính làm việc.
Qua đây, chúng ta nhận ra ba đặc tính của lời khôn ngoan. Thứ nhất, tính phổ thông. Lời Chúa hay Phúc Âm cần cho mọi người và mọi người cần Phúc Âm, do đó Phúc Âm phải được rao ra để giúp người khác biết Chúa. Không ai học Lời Chúa chỉ để giữ cho riêng mình. Thứ hai, tính cấp bách, “hô lên,” “kêu la” (câu 20–21). Khôn Ngoan không chỉ rao giảng trong nhà nhưng cũng ở “ngoài đường” (câu 20), không đợi người ta chạy đến với mình nhưng tìm đến với họ (Ê-sai 6:8–10). Thứ ba, tính yêu thương. Người rao giảng Phúc Âm phải dốc đổ bằng cả tình yêu và sự quan tâm đến linh hồn tội nhân đang hư mất, “Hỡi kẻ ngu dốt, các ngươi sẽ mến sự ngu dại cho đến bao giờ? Kẻ nhạo báng sẽ ưa sự nhạo báng, và kẻ dại dột sẽ ghét sự tri thức cho đến chừng nào?” Phúc Âm không thể được rao giảng một cách hờ hững, và cũng không phải chỉ rao giảng lúc rảnh rỗi hay thuận lợi (Lu-ca 24:32; II Ti-mô-thê 4:2).
Có ba đối tượng mà “Khôn Ngoan” rao báo. Thứ nhất, “kẻ ngu dốt” là những người “ngây thơ, khờ dại” về những vấn đề thuộc linh, ít có cam kết, không thật sự biết họ sống vì điều gì, và có xu hướng sống theo số đông. Người “ngu dốt” là người đi nhà thờ thường xuyên nhưng không thật sự quan tâm đến ý muốn Đức Chúa Trời. Thứ hai, “kẻ nhạo báng,” là những người năng nổ, tự tin, cho rằng mình biết tất cả mọi thứ, bề ngoài ấn tượng, thường thành công, nhưng tính toán, và thích tấn công người khác. Người “nhạo báng” là người xem Kinh Thánh đã lỗi thời, không phù hợp trong cuộc sống, hoặc chế giễu những người kiên quyết sống theo Lời Chúa. Thứ ba, “kẻ dại dột” là người đần độn, cứng đầu, không lắng nghe, luôn cho mình là người biết rõ hơn, luôn có cớ để biện hộ, do đó họ tự cho mình luôn luôn đúng. Người “dại dột” chỉ tập trung vào những điều của thế gian và con người, ghét những điều thuộc về cõi đời đời.
Thấy được tầm quan trọng của Lời Chúa và nếp sống sai lầm của người ngu dốt, nhạo báng, dại đột, chúng ta thấy được trách nhiệm phải đầu tư cho việc học hỏi Lời Chúa để trở nên người khôn ngoan theo ý Chúa và sống hữu ích cho nhiều người.
Bạn có tự hào về sự khôn ngoan và hiểu biết của mình không?
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi sự kiêu ngạo và ngu dốt thuộc linh. Xin cho con có lòng khiêm nhường, luôn tìm kiếm ý Chúa qua việc học hỏi Lời Ngài để con luôn sống đẹp lòng Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ca Thương 3:10–57.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=BoWC9IdguzI&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=2
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=p2xCx03yc_k&list=PLy5dD_318r0UnJHYzsGkckZLVwX2eLnII&index=4
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien